“Khi học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện” | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
06 Thg 09, 2022

“Khi học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện”

Vì sao bạn rất "chăm chỉ học hỏi", nhưng vẫn không thể phát triển bản thân và đạt được mục tiêu cá nhân?
“Khi học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện”

Nguồn: Marten Newhall/Unsplash

Từ câu nói “Khi học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện”, trong bài viết này mình bàn về tư duy tiếp thu trong học tập và cuộc sống, cũng như cách chúng ta có thể mở lòng để đón nhận “quý nhân”, kiến thức và cơ hội mới đến bên mình.

“Người thầy” luôn hiện diện, nhưng đúng lúc mới xuất hiện

Người thầy trong câu nói này không phải lúc nào mang chức danh “giáo viên”, “giảng viên”. Họ có thể là những người lớn tuổi hơn bạn, có nhiều kinh nghiệm hơn bạn. Họ truyền lại cho bạn những bài học có giá trị giúp bạn đạt được mục tiêu nào đó. Đôi khi “người thầy” mà bạn thấy trước mắt không phải là một người, mà có thể là một cuốn sách, một hình ảnh hay một lời nói, một sự kiện bất kỳ nào đó xảy ra trong đời.

Học trò thì hay được hiểu là người tiếp nhận kiến thức. Với khả năng kết nối của thời đại internet thì học trò có thể tìm gặp người thầy của mình bất cứ lúc nào. Dù mới đang ở tuổi thiếu niên, bạn cũng có thể nghe được những lời giảng sâu sắc của người hơn sống lâu hơn mình hơn nửa thập kỷ đang sống cách xa nửa vòng trái đất.

Tuy nhiên, không phải người học trò nào cũng “sẵn sàng” trong tâm thế của một người học, hay nói cách khác “chủ động” học hỏi, biết mục tiêu của mình là gì và đủ khả năng hiểu mọi lớp lang tại thời điểm họ tiếp nhận kiến thức.

Ví dụ, bạn đến trường để đi học môn Toán, môn Văn, nhưng thường thì bạn đi học với cảm giác mình “phải” học vì ba mẹ thầy cô bắt, hơn là mình “nên” học. Điều này có thể bắt nguồn từ việc cuộc sống của bạn chưa có những tác nhân khách quan thúc đẩy nhu cầu học tập thực sự bên trong bạn.

Như cách bố mẹ nói rằng “lớn lên con sẽ hiểu”, có những bài học mà có thể mãi 10, 20 năm sau ta mới biết cơ chế và cách vận dụng nó. Khi đó, bạn có thể sẽ sẵn sàng để nhận ra bố mẹ mình có thể là những người thầy vĩ đại như thế nào.

Kỳ thực “người có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng” không thiếu. Nhưng hiếm khi họ xuất hiện một cách đường đột như ông Bụt bà Tiên ngay lúc mình cần. Vấn đề là chúng ta có sẵn sàng để nhận ra họ hay tìm kiếm họ hay không.

Vì sao “sẵn sàng học” lại khó thế?

Khủng hoảng lựa chọn

Nếu việc học dễ thì đã không có hàng triệu video hay các bài viết nói về động lực, kỷ luật hay kỹ năng học tập. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng một trong những lý do phổ biến giữa các bạn trẻ bây giờ mình nhận thấy, đó là họ có quá nhiều điều muốn học, quá nhiều thứ muốn giỏi.

Trong hòm thư The Present Writer, mình nhận được không ít tin nhắn hay email dài cả trang. Đoạn đầu bạn nói rằng mình muốn học tiếng Anh. Đoạn sau bạn muốn tìm hiểu về branding. Đoạn sau nữa bạn bày tỏ hứng thú với marketing. Cuối thư là lời chia sẻ rằng bạn cũng không hiểu tại sao lại quan tâm đến nhiều thứ như vậy, chỉ muốn được chia sẻ với mình để có lời khuyên đi con đường đúng đắn.

Thú thật mình đã không thể đưa ra lời khuyên cụ thể cho bạn ấy và mình nghĩ cũng khó có một người duy nhất nào có thể trả lời cho bạn tất cả các câu hỏi đó. Khi bạn tìm đến mình để hỏi rất nhiều vấn đề không phải chuyên môn của mình như thế, với mình đó là một dấu hiệu của việc bạn chưa sẵn sàng.

Bạn chưa xác định được mục tiêu của bạn là gì? Bạn muốn học cái gì? Bạn muốn tập trung ở mảng nào? Bạn cần phải tìm được ai để có thể dạy cho bạn những điều đó?

Dù mình có bằng tiến sĩ, nhưng mình không biết rất nhiều thứ. Ngay cả trong mảng giáo dục, nếu bạn hỏi mình về giáo dục mầm non, mình cũng không thể cho bạn những câu trả lời chính xác vì nó không phải là lĩnh vực nghiên cứu của mình.

Vì vậy, đôi khi mình rất muốn giúp các bạn, muốn truyền lại cho các bạn những kiến thức đúng đắn, mình cũng đành bất lực khi bạn chưa thực sự sẵn sàng.

Người quotgiỏiquot khocircng coacute nghĩa lagrave biết hết mọi thứ để giải đaacutep cho bạn tất cả caacutec thắc mắc Vigrave vậy hatildey chuẩn bị sẵn sagraveng bằng caacutech xaacutec định rotilde mục tiecircu của migravenh
Người "giỏi" không có nghĩa là biết hết mọi thứ để giải đáp cho bạn tất cả các thắc mắc. Vì vậy hãy chuẩn bị sẵn sàng bằng cách xác định rõ mục tiêu của mình. | Nguồn: Alexis Brown/Unsplash

Cái tôi không “ở sẵn trong thang máy”

… để bạn có thể đơn giản nhấn nút là nó được hạ xuống. Với nhiều người, thậm chí việc hạ cái tôi xuống là điều cuối cùng họ sẽ làm trong đời.

Trong khi đó, sẵn sàng học nghĩa là bạn phải sẵn sàng ít nhiều hạ cái tôi của mình xuống để lắng nghe, tiếp thu kiến thức từ người khác. Khi bạn tiếp thu thì người khác mới hết mình truyền đạt kiến thức và truyền đạt một cách hiệu quả nhất.

Các bạn biết không, có một điều thú vị là trên mạng có rất nhiều người lắng nghe, đồng cảm với mình và email, nhắn tin để hỏi ý kiến của mình. Thế nhưng, những người xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày của mình, chẳng hạn như bạn thân, họ hàng thì đôi khi lại cảm thấy rất khó khăn để ngỏ lời mong giúp đỡ với mình, như người ta hay nói “Bụt nhà không thiêng”.

Ví dụ như gần đây mình có góp ý cho một người bạn về một vấn đề bạn đang mắc phải, mà mình đã từng trải qua và nằm trong khả năng chuyên môn của mình. Nhưng khi nhận được góp ý của mình, bạn đã lập tức đưa ra rất nhiều lý do để giải thích tại sao nó không phù hợp với trường hợp riêng của bạn. Dù biết rằng giải pháp thay thế của bạn ấy không thực sự thực tế, nhưng tất cả những gì mình có thể làm lúc ấy chỉ là đưa ra thông tin tham khảo.

Sau này, khi đã bạn đã tự trải nghiệm những điều bạn muốn làm và không đạt được kết quả như mong muốn, mình và bạn mới cùng ngồi lại chiêm nghiệm. Mình một lần nữa nói về giải pháp ban đầu mình từng nói với bạn. Điều ngạc nhiên là lúc này bạn vỡ oà, nói rằng “Đúng đúng, tại sao mình không nghĩ ra ý tưởng này ngay từ đầu nhỉ?” Dường như bạn thậm chí không nhớ là mình đã từng nói về nó.

Khi không sẵn sàng để đón nhận lời khuyên của người khác thì rất khó để người khác có thể dạy lại cho bạn, kể cả khi họ là một người cực kỳ giỏi, một lời nói được vạn người nghe.

Nhưng cảm giác miễn cưỡng học hỏi không chỉ xảy ra giữa những người thân cận, hay ngang tuổi, mà còn là với người nhỏ tuổi hơn.

Mình sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Trong môi trường đó, mình thấy có rất nhiều người lớn hay xem thường trẻ nhỏ. Điển hình như câu nói “Bé nứt mắt, biết gì mà nói. Trứng mà đòi khôn hơn vịt.”

Nhưng với mình, khi trở thành mẹ, mình mới thấy con trai nhỏ của mình dạy cho mình rất nhiều điều. Suy nghĩ của trẻ nhỏ rất mới mẻ, sinh động, không giống với người lớn, vì đã trưởng thành nên tính cách và tư duy có phần cố định.

Nếu mình không hạ mình xuống để lắng nghe người trẻ thì lạc hậu là điều mình sẽ khó tránh khỏi. Đó cũng là lý do tại sao mà mình rất là thích đi dạy học và đặc biệt là tiếp xúc với những bạn thanh niên, sinh viên. Khi mình tổ chức một workshop nào đấy miễn phí, dù mình không có thu nhập nhưng chắc chắn mình sẽ được nhận lại từ các bạn trẻ điều gì đó khác để phát triển bản thân.

Cũng có khi người thầy không xuất hiện

Hay nói đúng hơn là họ thận trọng, chỉ xuất hiện khi họ thấy có người muốn học và người học trò trân trọng điều đó.

Như mình vừa chia sẻ bên trên, vì có rất nhiều người không sẵn sàng lắng nghe chia sẻ của mình, nên dần dà mình hình thành một thói quen là sẽ không đưa ra lời góp ý hay chia sẻ khi người khác không hỏi. Chỉ trừ trường hợp mình cảm thấy cực kỳ nghiêm trọng, cần can thiệp thì mới chủ động đưa ra ý kiến.

Điều này có thể khiến những người đã sẵn sàng học cảm thấy khó khăn để mở lời nhờ giúp đỡ hay thậm chí không nghĩ rằng người thầy của mình ở rất gần.

Nhưng mình tin rằng, ai cũng có một thôi thúc được giúp đỡ người khác chỉ cần bạn hỏi. Và quan trọng là ngay cả khi lời khuyên của họ không áp dụng được ngay cho trường hợp của bạn thì cũng hãy nói lời cảm ơn. Ít nhất thì bạn biết có một hoàn cảnh và một lựa chọn như thế tồn tại trên đời.

“Người thầy” của bạn cũng phải hy sinh thời gian của mình cho bạn. Thậm chí là để chia sẻ kiến thức cho bạn họ đã phải trải qua rất nhiều khó khăn tích luỹ, chiêm nghiệm và cởi mở để truyền đạt lại bài học cho người khác.

Kết

Nếu bạn đã đọc rất nhiều, xem, nghe rất nhiều, hỏi rất nhiều nhưng vẫn chưa tìm được nguồn thông tin nào mà giải đáp được vấn đề của mình, thì bên dưới là checklist giúp bạn đánh giá lại tình hình:

  1. Bạn đã hiểu mục tiêu của mình là gì và có câu hỏi cụ thể liên quan đến mục tiêu đó chưa?
  2. Bạn đã đi đúng hướng để tìm người thầy của mình chưa? Bạn có sẵn sàng bỏ công sức để tìm người thầy của mình ở mọi nơi chưa? (Chẳng hạn, nếu bạn là người rụt rè, không muốn hỏi thầy cô trên lớp thì có thể hỏi cộng đồng trên mạng hay tra cứu thông tin có sẵn trên internet.)
  3. Bạn đã hạ cái tôi xuống để đón nhận kiến thức mới từ người khác chưa?
  4. (Cuối cùng và quan trọng nhất,) bạn có cảm ơn, trân trọng thời gian và tâm huyết của người đã chia sẻ kiến thức cho bạn không?

Hy vọng qua bài viết này, các bạn hiểu hơn về vấn đề học hỏi và tiếp thu kiến thức. Tất cả chúng ta, ai cũng từng là học trò và sẽ luôn là học trò trong đời.