Khi “làm mẹ” trở thành một trách nhiệm bắt buộc và hoàn hảo | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
04 Thg 07, 2024

Khi “làm mẹ” trở thành một trách nhiệm bắt buộc và hoàn hảo

Liệu “làm mẹ” có phải mục tiêu cao cả nhất của cuộc đời phụ nữ?
Khi “làm mẹ” trở thành một trách nhiệm bắt buộc và hoàn hảo

Nguồn: Ketut Subiyanto @ Pexels

“Niềm hạnh phúc lớn nhất của một người phụ nữ luôn đến từ con cái.”

“Gái một con trông mòn con mắt.”

“Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.”

Không quá khó để bắt gặp những bình luận trên trong các cuộc thảo luận xoay quanh chủ đề làm mẹ hoặc gia đình. Từ lâu, người mẹ thường được gắn liền với toàn bộ trách nhiệm nuôi dưỡng và chăm sóc con cái, cho rằng niềm vui lớn nhất trong đời mỗi người phụ nữ là có con và chăm sóc con nên người.

Ngày nay, những tiêu chuẩn về một người mẹ “đủ tốt” không chỉ gói gọn trong việc chăm sóc mà còn nới rộng ra: đảm bảo và đóng góp cho kinh tế gia đình, trở thành “người mẹ tâm lý”, tìm hiểu cơ hội và mô hình giáo dục cho con mà vẫn sống lành mạnh với dáng hình cân đối… Chúng dường như đã đặt lên người phụ nữ thêm vô vàn gánh nặng, khiến bức tường kính (the glass ceiling) trong câu chuyện bình đẳng giới càng khó gỡ nút thắt.

Vậy tâm lý “chuyên sâu” và “cường độ” của việc làm mẹ là gì? Nó có tác động như thế nào đến người phụ nữ và xã hội nói chung?

Intensive mothering là gì?

Intensive mothering (làm mẹ cường độ cao) là một tư tưởng cho rằng người phụ nữ sẽ không thực sự hoàn thiện cho tới khi có con, rằng phụ nữ là người chăm sóc chính tốt nhất cho trẻ em.

Để trở thành một người mẹ đủ “tiêu chuẩn” và “sâu sắc”, người mẹ phải cống hiến toàn bộ thể chất, tâm lý, tình cảm và trí tuệ của mình cho con cái 24/7. Nó cho rằng niềm hạnh phúc lớn nhất của phụ nữ đến từ việc chăm sóc và nuôi nấng con cái, và nhằm chứng minh tình mẫu tử là tình yêu vô điều kiện và đẹp đẽ nhất.

Tuy nhiên, chủ nghĩa “làm mẹ chuyên sâu” thực chất đang lãng mạn hóa “thiên chức” làm mẹ ở mức độ quá cao. Nó đòi hỏi người mẹ đáp ứng các tiêu chuẩn bất khả thi trong cuộc sống.

02jul2024pexelsjsshariff21326289jpg
Tư tưởng intensive mothering cho rằng, người phụ nữ chỉ thực sự “hoàn thiện” khi họ làm mẹ. | Nguồn: Pexels

Tiêu chuẩn “làm mẹ” và áp lực chồng chéo

Câu tục ngữ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” không còn quá xa lạ với người Việt khi mọi lỗi lầm hay thiếu sót của con cái luôn được gắn với trách nhiệm nuôi nấng của người phụ nữ. Quan điểm được xây dựng bởi chủ nghĩa quy chất luận về giới (gender essentialism) cho rằng vì thiên tính của người phụ nữ là dịu dàng, duy cảm, việc chăm sóc trẻ nhỏ là trách nhiệm hiển nhiên và phù hợp nhất với họ.

Và cũng vì tính duy cảm, nên họ dễ nuông chiều khiến trẻ con hư. Theo thời gian, điều này biến việc chăm sóc con trẻ trở thành thước đo giá trị và sự toàn vẹn của một người phụ nữ. Nuôi dưỡng một đứa trẻ khỏe mạnh và thành tài là sự thành công với họ, và nếu ngược lại, họ cho rằng đó là lỗi lầm của họ khi cố gắng và yêu thương chưa đủ.

Theo thời gian, chính phụ nữ cũng dần tin vào những định kiến của xã hội dành cho họ. Điều này khiến họ tự có cảm giác tội lỗi (mom guilt) nếu không thể dành nhiều thời gian chăm sóc và đảm bảo dinh dưỡng cho con, thậm chí không yên tâm để người khác làm thay mình. Họ tin rằng mình là người gắn kết nhất với con, kể cả khi họ kiệt sức vì phải cân bằng giữa việc cơ quan và việc làm vợ, làm mẹ.

02jul2024shutterstock1823495456jpg
Không ít phụ nữ kiệt sức khi phải cân bằng giữa việc cơ quan và việc làm vợ, làm mẹ. | Nguồn: Shutterstock

Theo một nghiên cứu khảo sát trực tuyến các bà mẹ có con dưới 5 tuổi, đa số phụ nữ tin vào tư tưởng “intensive mothering” hài lòng với cuộc sống, song vẫn chịu căng thẳng và trầm cảm ở mức độ trung bình; 23% trong số đó xuất hiện các triệu chứng trầm cảm nặng hơn. Ngoài ra, nhóm phụ nữ trên thường có mức độ hài lòng thấp hơn với cuộc sống của họ.

Cuộc đua làm mẹ

Điều này tưởng chừng sẽ không còn tiếp diễn khi các phương tiện truyền thông liên quan đến bình đẳng giới ngày càng phát triển. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận, những tiêu chuẩn xoay quanh các bà mẹ ngày một tăng, và nó không dừng lại ở câu chuyện chăm sóc đơn thuần.

Trên mạng xã hội hiện nay, không khó để thấy các bài đăng ca ngợi, tôn vinh hình ảnh những “hotmom”, hàng loạt khóa học “làm mẹ tâm lý” hay các workshop về mô hình giáo dục con kiểu mới. Phụ nữ vẫn chiếm đa số trong những đối tượng tham gia. Nhìn chung, thời đại mới có thể dần tháo gỡ gánh nặng của việc bếp núc và chăm nom, nhưng nó cũng đồng thời tạo ra nhiều tiêu chuẩn mới, khiến việc “làm mẹ” chưa bao giờ là một sự lựa chọn.

Thực trạng này được Susan Douglas - nhà nữ quyền da màu đặt tên là “chủ nghĩa người mẹ mới” (The New Momism) trong cuốn sách cùng tên xuất bản năm 2004. Người làm mẹ ngày nay phải đối mặt với áp lực đến từ truyền thông đại chúng, khiến họ cạnh tranh với nhau một cách vô thức với mong muốn trở thành người mẹ tốt nhất, tận tâm nhất và tuyệt vời nhất.

Các ấn phẩm truyền thông dường như đã và đang thì thầm bên tai phụ nữ rằng, họ phải theo đuổi các tiêu chuẩn định sẵn trên sóng truyền hình và mạng xã hội. Cùng lúc đó, những lời phán xét “tiêu chuẩn kép” trở nên ám ảnh và định giá “một người mẹ tốt” qua việc họ có “giỏi việc nước, đảm việc nhà” hay không.

Cụ thể, những bà mẹ nghỉ sinh bị coi là ít cam kết với công việc hơn; trong khi nếu không nghỉ phép, họ lại bị coi là những bà mẹ tồi, “tham công tiếc việc” mà không quan tâm con cái. Những bà mẹ nổi tiếng thành công trong sự nghiệp mà vẫn dành nhiều thời gian cho con và chăm sóc bản thân được ngưỡng mộ.

Và nếu họ không quan tâm con đủ nhiều, không thường nhắc tới con trên truyền thông đại chúng sẽ bị dán nhãn “bỏ bê con cái”. Sự tác động từ truyền thông, cùng định kiến hằn sâu và áp lực cuộc sống khiến phụ nữ thiếu đi không gian, thời gian và sức lực để phát huy được tối đa tiềm năng của mình.

02jul2024641jpg
Nữ diễn viên Dương Mịch từng dính tin đồn “bỏ bê” con gái, chỉ vì cô ít xuất hiện cùng con và ít nhắc đến con trước truyền thông. | Nguồn: QQ News

Tạm kết

Trong cuốn The New Momism, Susan Douglas viết: "Tôi nghĩ làm mẹ là công việc còn dang dở của phong trào nữ quyền". Có thể thấy, các làn sóng đấu tranh nữ quyền vẫn tập trung nhìn nhận người phụ nữ như một chủ thể có tính tự trị và độc lập.

Trong khi đó, nhân vật người mẹ luôn tồn tại trong một mối quan hệ có tính lưỡng nan và luôn trong tư thế sẵn sàng hoặc buộc phải thỏa hiệp. Người mẹ luôn phải dàn xếp, đàm phán không dứt giữa một bên là cam kết tự nguyện chăm sóc người khác và một bên là khao khát độc lập, tự chủ. Đây chính là vết nứt giữa motherhood (làm mẹ) và womanhood (làm phụ nữ).

Có thể thấy, những rào cản của phụ nữ, cụ thể ở đây là người mẹ không chỉ dừng ở những khó khăn hữu hình. Quá trình tiến đến bình đẳng giới cũng không chỉ gói gọn trong các chính sách, quy định và điều khoản. Hiểu về nó giúp ta cảm thông cho vị trí người bà, người mẹ trong gia đình nói riêng và những người đang, sẽ và mong muốn làm mẹ nói chung.

Tình mẫu tử chưa bao giờ và chưa cần phải lúc nào cũng hoàn hảo. Việc làm mẹ cũng là một lựa chọn, không phải điều hiển nhiên người phụ nữ phải có để trở nên toàn vẹn. Vậy nên “con hư” không phải lúc nào cũng là lỗi từ mẹ, “cháu hư” cũng đừng vội đổ lỗi người bà.