Kịch bản nhân sự trước tác động của COVID-19 | Vietcetera
Billboard banner
22 Thg 04, 2020

Kịch bản nhân sự trước tác động của COVID-19

Các kịch bản nhân sự cho mùa COVID-19 nên như thế nào? Cùng lắng nghe một vài gợi ý từ bà Nông Vương Phi, CEO công ty tư vấn nhân sự Phi&P.

Kịch bản nhân sự trước tác động của COVID-19

Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng tương đối nhiều trong thời điểm này là đào tạo, quản trị nhân sự. Để đi sâu vào vấn đề này Giám đốc PR Newswire tại Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ngắn với Chuyên gia thạc sĩ ngành Quản trị nhân lực – Bà Nông Vương Phi – CEO của Công ty Tư vấn Nhân sự Phi&P, để có cái nhìn rõ nét hơn.


Trước hết bà có thể cho biết trong 3 tháng qua, hoạt động Phi&P đã bị ảnh hưởng như thế nào vì COVID-19?

Dịch cúm COVID-19 đang tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến phần lớn doanh nghiệp trên thế giới cũng như Việt Nam. Tất nhiên bản thân chúng tôi cũng không tránh khỏi sóng gió. Các gói đào tạo của công ty chúng tôi giảm 100% doanh thu. Các lớp học tập trung từ inhouse đến public bị hủy bỏ vì không được tụ tập đông người do giãn cách xã hội. Thậm chí khách hàng không có tâm trí tiếp thu kiến thức.

Bản thân chúng tôi chỉ còn duy trì các gói tư vấn, nhưng phải xoay chuyển tình thế hoàn toàn khác, vì gói này áp dụng cho trường hợp doanh nghiệp đang phát triển và có dòng doanh thu ổn định. Nay doanh thu tổn thất nặng nề, các chương trình vì thế cũng phải chuyển sang hướng giúp doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại tối đa.

COVID-19, bên cạnh việc mang lại những áp lực về chi phí, nhân sự, doanh thu…, còn có cả cơ hội?

Cũng như các doanh nghiệp khác, chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề về doanh thu. Tuy nhiên, may mắn là trong quá trình vận hành, chúng tôi không có quá nhiều hạng mục chi phí lớn, nên có thể đảm bảo doanh thu bù chi phí, bằng cách chuyển đổi từ đào tạo, tư vấn offline sang online.

Đây cũng là cơ hội chúng tôi thấy được từ dịch bệnh này. Trước kia, chúng tôi không nghĩ đây là phương án khả thi hay hiệu quả. Nhưng nay khi vào “thế trận” rồi thì lại làm được, và còn làm rất tốt.

Thời gian này, Phi&P cũng có cơ hội chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong xử lý khủng hoảng để hỗ trợ các doanh nghiệp. Đó là các phương án về: xây dựng kịch bản ứng phó trong nhân sự hay truyền thông sao cho hiệu quả.

Đến nay, chúng tôi đã đưa kiến thức và kinh nghiệm của mình đến hơn 1000 doanh nghiệp. Và đặc biệt hoàn toàn thông qua phương thức online.

Kịch bản nhân sự trước tác động của COVID-19-0

Khi hỏi về các kịch bản nhân sự của các doanh nghiệp khi đối phó với đại dịch, bà Phi cũng chia sẻ thẳng thẳn về 4 kịch bản từ xấu đến rất xấu sau:

  1. Doanh thu = Chi phí: Người lao động nhận 100% lương, chủ doanh nghiệp khước từ lợi nhuận.
  2. Doanh thu < Chi phí: Cắt giảm một phần lương & một số phúc lợi.
  3. Doanh thu <<< Chi phí: Nghỉ luân phiên, cắt các khoản phúc lợi.
  4. Doanh thu = 0: Giảm lao động, Nghỉ không lương.

Thông thường các kịch bản này sẽ đi từ số liệu thực tế để truyền thông trước, và truyền thông là bước vô cùng quan trọng mà mỗi doanh nghiệp cần phải lưu tâm. Dù kịch bản nào xảy ra, thì việc truyền thông cũng giúp người lao động không hoang mang, bất ngờ, thậm chí thể hiện cảm xúc bất mãn hoặc mất lòng tin trước các quyết định đau lòng.

Đặc biệt bà cũng nhấn mạnh 4 điểm mấu chốt khi thực hiện tất cả các kịch bản nhân sự kể trên đó chính là:

  • Tính nhân văn
  • Tính chiến lược
  • Hiệu quả truyền thông
  • Các văn bản pháp lý

Nhu cầu kiếm việc sau dịch sẽ tăng cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại khó gia tăng nhân sự do ngân sách hạn chế. Bà có giải pháp nào cho vấn đề này?

Đây là tình hình chung của thế giới chứ không riêng Việt Nam. Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn các doanh nghiệp Việt cần học và hành sâu hơn nữa về bài toán hiệu suất, để có được bộ máy tinh gọn, hiệu quả.

Nghĩa là không cần nhiều người như trước kia cũng có thể vận hành bộ máy. Đây là lúc chúng ta học hỏi Nhật, Đài Loan, Thái Lan, Singapore… xem làm thế nào để tối ưu hoá bộ máy nhân sự của mình mà hiệu quả công việc vẫn cao.

Việc này đòi hỏi người quản lý ngoài việc giỏi chuyên môn, kinh doanh, tài chính, thị trường, nhân sự… thì còn phải có tư duy kiến thức về Quản trị hệ thống, và Quản lý rủi ro.

Kịch bản nhân sự trước tác động của COVID-19-1

Sau tết thường là thời điểm vàng để nhảy việc. Nhưng với tình hình hiện nay, bà có lời khuyên nào với các bạn trẻ có ý định này không?

Nếu bạn không nằm trong “danh sách cắt giảm lao động” thì đó đã là điều may mắn. Tôi khuyên các bạn trẻ hãy đóng góp và kiến thiết cho công ty trong giai đoạn này.

Hãy xem xét lại toàn bộ phần công việc của mình có chỗ nào chưa tốt thì làm cho tốt hơn, điều chỉnh quy trình, hệ thống, chính sách, những lỗ hổng chất lượng, những form mẫu chưa hoàn chỉnh mà trước kia đôi khi do bận quá nhiều việc chúng ta không có thời gian thực hiện.

Hãy đồng hành với công ty và chuẩn bị nội lực thật tốt, để khi hết dịch sẽ thật mạnh mẽ và nhanh chóng bắt nhịp với thị trường.

Nếu được dùng 03 từ để nhắn nhủ đến doanh nghiệp trong thời Covid, đó sẽ những từ gì?

Bền tâm. Linh Hoạt. Chấp nhận (sự thay đổi).

Xin cảm ơn bà đã tham gia phỏng vấn.




Bài viết được thực hiện bởi Lê Mai Anh.




Chị Mai Anh là Giám đốc quốc gia PR Newswire Việt Nam (Đơn vị truyền tải tin tức quốc tế thuộc tập đoàn CISION – Mỹ). Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong mảng truyền thông và quan hệ báo chí, chị đã từng tư vấn và làm việc với nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước ở các mảng viễn thông, du lịch, khách sạn, F&B, công nghệ và start-up. Hiện tại chị là đồng chủ tịch của Hiệp hội VNPR (mạng lưới những người làm nghề QHCC tại Việt Nam) và Core member của Startup Elite – Pitching for Success.

Trước đó, chị là Giám đốc quản lý truyền thông của Hãng tin Reuters, quản lý các thị trường: Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Philippines. Chị vinh dự nhận giải thưởng Diamond – ASEAN PR Excellence Awards vào năm 2019.

Xem thêm:

[Bài viết] Cho nghỉ, giữ lại hay giảm giờ làm? Hãy áp dụng phân tích thống kê vào các quyết định nhân sự

[Bài viết] Cách startup Việt đang biến thách thức thành cơ hội từ COVID-19