Được chuyển ngữ từ bài viết “How We Judge Others Is How We Judge Ourselves” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Tôi biết một quý ông kiếm được rất nhiều tiền. Ông nhìn thế giới qua lăng kính của những giá trị vật chất, từ việc đi nghỉ ở đâu, uống loại bia nào đến việc một số người có thích ông hay không.
Nếu có ai thô lỗ với ông, thì là vì họ ghen tị hoặc bất an với quyền lực và thành tựu của ông. Nếu có ai kính trọng ông, thì là vì họ ngưỡng mộ những điều đó. Và trong một vài trường hợp, họ đang cố lấy lòng ông để tiếp cận được chúng.
Vì vậy, ông đánh giá bản thân qua thành công về mặt tài chính. Một cách tự nhiên, nó cũng trở thành thước đo giúp ông đánh giá những người xung quanh mình.
Tôi cũng biết một cô gái khác rất xinh đẹp. Cô nhìn thế giới bằng lăng kính của sự hấp dẫn và chú ý. Nó giúp cô thành công khi phỏng vấn xin việc, được giảm giá khi đi ăn nhà hàng và thắng thế khi tranh luận với bà mẹ hay cằn nhằn của mình.
Nếu ai đó thô lỗ với cô, thì là vì họ bất an với vẻ đẹp của cô, hoặc với ngoại hình của chính họ. Tương tự, cô cho rằng người ta đối tốt với cô là vì cô xinh đẹp. Họ ngưỡng mộ vẻ đẹp của cô và muốn tiến gần cô hơn. Một cách tự nhiên, sự hấp dẫn về ngoại hình trở thành thước đo để cô đánh giá bản thân và người khác.
Tôi còn biết một chàng trai khác đã thất bại khá nhiều. Anh không giỏi xã giao và không được nhiều người quý mến. Vì vậy anh nhìn thế giới như một cuộc thi xem ai nổi bật hơn - cuộc thi mà lúc nào anh cũng nắm chắc kèo thua. Đó chính là lý do lương anh không cao, không được phục vụ tận tình ở nhà hàng và không ai cười mỗi khi anh pha trò.
Người ta khinh anh vì họ nhận ra họ cool ngầu nhiều hơn anh thế nào. Còn nếu có ai đối tốt với anh, thì chẳng qua vì họ thương hại anh, hoặc vì họ còn thảm bại hơn anh nữa. Địa vị xã hội trở thành thước đo anh dùng cho bản thân, và cho mọi người xung quanh.
Vì sao chúng ta đánh giá người khác?
Tôi từng viết về những thước đo chúng ta lựa chọn để đo lường giá trị cuộc sống của mình. Một số người đo lường cuộc đời bằng tiền bạc và danh hiệu, số khác lại nhìn nó qua lăng kính của ngoại hình và sự nổi bật. Cũng có người nhìn nó qua lăng kính gia đình và các mối quan hệ, hoặc lấy những việc tốt hàng ngày làm thước đo giá trị cuộc sống.
Nhiều khả năng “thước đo” của bạn kết hợp tất cả những yếu tố này. Nhưng trong số đó, có một phương diện nổi bật hơn số còn lại, trở thành thước đo quan trọng nhất với bạn. Nó quyết định hạnh phúc của bạn nhiều hơn những yếu tố khác.
Trong bài viết đó tôi có nói, điều quan trọng nhất khi “đo lường” bản thân là hãy dùng càng nhiều chỉ số nội tại càng tốt. Các thước đo của bạn càng mang tính ngoại cảnh, thì càng dễ bào mòn bản thân bạn. Nhưng điều đó chưa phải tất cả, bởi vì:
Cách bạn đo lường bản thân cũng chính là cách bạn đo lường người khác. Nó cũng là cách bạn cho rằng họ đang dùng để đánh giá mình.
Chẳng hạn nếu bạn lấy gia đình và các mối quan hệ làm thước đo, thì bạn cũng sẽ “đo” người khác bằng cái thước này, xem độ gần gũi của họ với người thân thế nào. Nếu họ xa lánh gia đình hoặc không liên lạc thường xuyên, bạn sẽ cho rằng họ bất hiếu, vô ơn hoặc vô trách nhiệm, bất kể quá khứ của họ với gia đình ra sao.
Nếu level tiệc tùng và chơi bời là thước đo của bạn, thì bạn sẽ “đo” xem người khác có cuộc đơi vui vẻ như bạn không. Nếu họ thích ở nhà cày phim mỗi cuối tuần, bạn sẽ nghĩ họ nhút nhát, buồn tẻ và vô hồn mà không đếm xỉa đến tính cách hay nhu cầu cá nhân của họ.
Nếu bạn nhìn cuộc đời bằng kinh nghiệm chu du khắp nơi của bạn, thì bạn cũng dùng nó để đo lường cuộc đời người khác. Nếu họ thích ở nhà và sinh hoạt theo một lịch trình cố định, bạn sẽ dán cho họ những cái nhãn như thiếu hiểu biết và không ham học hỏi, bất kể nguyện vọng thực sự của họ là gì.
Cái thước bạn dùng để đo lường bản thân cũng chính là công cụ bạn dùng để đo lường thế giới.
Bạn tin mình là người lao động chân chính, và mọi thứ bạn có đều do bạn vất vả làm nên. Điều này sẽ khiến bạn tin rằng, người khác có cái gì cũng là do họ kiếm ra. Còn nếu họ không có gì thì là do họ lười biếng, dù điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Nếu bạn coi mình là nạn nhân của chế độ xã hội và xứng đáng được hưởng công lý, thì bạn cũng sẽ nghĩ về những người khác như vậy. Bạn tin rằng hệ giá trị của bạn đến từ niềm tin vào một thế lực cao hơn, thì bạn sẽ đánh giá người khác bằng niềm tin (hoặc sự bất tin) của họ vào tôn giáo. Điều tương tự cũng xảy ra nếu bạn đo lường bản thân bằng trí tuệ và khả năng lý luận.
Đây chính là lý do các doanh nhân tin rằng ai cũng nên khởi nghiệp, và những người sùng đạo (bất kể đạo gì) cho rằng ai cũng nên tìm kiếm sự cứu rỗi ở một đấng tối cao nào đó.
Ở chiều ngược lại, đây cũng là lý do những người vô thần cố sức tranh luận một cách logic về một điều chẳng liên quan gì đến logic. Những kẻ phân biệt chủng tộc mù quáng tin rằng ai cũng như vậy, chẳng qua họ không nhận ra mà thôi. Những kẻ phân biệt giới tính thì cố biện minh rằng, người thuộc giới tính còn lại tồi tệ hơn.
Làm sao để đánh giá chính mình (và người khác) một cách công tâm?
Những điều trên không có nghĩa việc đánh giá là sai. Có rất nhiều giá trị đáng để phán xét. Tôi đánh giá những người bạo lực và độc hại. Nhưng đó cũng là cách tôi phản tư chính mình. Đó là những tính cách mà tôi không chấp nhận cho tồn tại trong mình, vì vậy tôi cũng không chấp nhận nó ở những người khác.
Nhưng đó cũng là một lựa chọn được tôi và các bạn đưa ra, dù bạn có nhận ra hay không. Và chúng ta nên lựa chọn một cách có ý thức, chứ đừng nên làm việc này khi não ở chế độ “tự lái”. Bởi đây chính là lý do những ai xấu xí hay lười nhác tìm mọi cách củng cố suy nghĩ rằng mọi người quanh họ đều như vậy.
Ở một quy mô lớn hơn, các quan chức tham nhũng vì cho rằng, đã là con người ai chẳng có lòng tham. Những kẻ gian lận cũng vậy - họ nghĩ ai cũng sẽ gian lận như họ nếu có cơ hội. Những người không biết tin tưởng người khác cũng là người bạn không thể tin tưởng.
Nhiều người “ám thị” các thước đo nội tại cho chính mình. Đây không phải sự lựa chọn có ý thức, mà là kết quả của sự xấu hổ mà họ phải chịu đựng. Về bản chất, chúng ta đều đang chứng minh hoặc bác bỏ danh tính của mình thời trung học. Đó là thời điểm hệ đo lường của chúng ta dễ dàng bị định hình bởi cách người khác nhìn nhận mình.
Chúng ta hình thành thước đo ở một lĩnh vực cố định trong cuộc sống, và đó thường là khía cạnh ta cảm giác bị người khác đánh giá nhiều nhất.
Cô gái trong đội cổ vũ (cheerleading) năm nào luôn sợ mất đi ngoại hình xinh đẹp khi trưởng thành. Cậu nhóc nghèo bị ám ảnh với việc trở nên giàu có. Chàng trai thất bại muốn tổ chức những bữa tiệc hoành tráng nhất. Và thanh niên lười nhác thì lại muốn chứng minh cho mọi người thấy anh thông minh đến mức nào.
Chính vì vậy, một phần quan trọng của quá trình trưởng thành là tìm ra khía cạnh bạn bị ám ảnh nhiều nhất. Từ đó, bạn sẽ nhận ra hệ đo lường bạn đang dùng, để tìm ra “cái thước” phù hợp nhất với mình một cách có ý thức.
Một phần quan trọng khác là nhận ra rằng mọi người đều có thước đo của riêng mình. Không phải lúc nào thước đo của người khác cũng giống bạn, và điều đó hoàn toàn ổn. Bạn có thể đo lường thế giới bằng giá trị gia đình, vẻ đẹp ngoại hình, sự tự do, tích cực hay thân thiện. Nhưng không có nghĩa người khác cũng như vậy.
Một khi chấp nhận được sự thật này, bạn sẽ lựa chọn được những mối quan hệ phù hợp với bản thân một cách có ý thức. Nó cũng giúp bạn xây dựng những ranh giới vững chắc, từ đó quyết định cho phép ai bước chân vào cuộc đời mình.
Bạn có thể không đồng tình với quan điểm hay hành vi của một người, nhưng sẽ không bao giờ thay đổi được hệ giá trị họ áp dụng để đo lường chính mình. Đó là việc mà bạn, cũng như họ, phải tự làm cho mình và vì mình.