Lễ tốt nghiệp đại học đã bỏ qua điều gì? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
02 Thg 07, 2021

Lễ tốt nghiệp đại học đã bỏ qua điều gì?

Niềm vui của lễ tốt nghiệp không có nghĩa là những lo âu quá độ sẽ chấm dứt.

Lễ tốt nghiệp đại học đã bỏ qua điều gì?

Vào mùa đông năm 1967, nhiều khán giả ngồi cùng bắp rang và nước ngọt để thưởng thức "The Graduate", được công chiếu trong nhiều cụm rạp toàn nước Mỹ và sau đó thắng hàng loạt đề cử giải Oscar danh giá.

Từ điện ảnh đến hiện tượng

"The Graduate" (tạm dịch: Sinh viên tốt nghiệp) bắt đầu bằng phân cảnh anh sinh viên vừa tốt nghiệp Benjamin Braddock (Ben) về thăm gia đình giàu có của mình, đem theo sự lo lắng và thái độ dè dặt trước những kỳ vọng của gia đình về một công việc ổn định Lạc lõng giữa những lời nịnh hót sáo rỗng, Ben rơi vào cuộc tình vụng trộm với bà Robinson, một người phụ nữ đứng tuổi có chồng con, bạn thân của cha mẹ anh và có cái nhìn bi quan về cuộc đời. Trớ trêu thay, Ben lại phải lòng Elaine, con gái bà Robinson, và lao vào quá trình cuồng nhiệt theo đuổi một thiếu nữ có tính cách trái ngược với người mẹ.

Đạo diễn phim Mike Nichols đã khắc họa thành công một tân cử nhân Benjamin đầy lo lắng, suy nghĩ quá nhiều, khép mình trước hàng loạt những biến động và áp lực tạo nên bởi kỳ vọng khủng khiếp từ thế hệ đi trước. Chính sự cựa quậy đến mức nổi loạn của Ben ở cuối phim đã chứng minh anh là một Baby Boomer (Thế hệ gồm những người sinh ra từ 1946-1964) chính hiệu. Vì vậy, không lạ gì khi "The Graduate" trở thành hiện tượng văn hóa trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam đang diễn ra song song với trào lưu phản kháng của giới sinh viên, vốn cùng lứa tuổi với nhân vật Benjamin, chống lại các thiết chế và áp đặt cố hữu tồn tại giữa những mâu thuẫn xã hội vào thập niên 1960.

Có thể thấy, thế hệ của cử nhân Benjamin Braddock đã khác rất xa với sinh viên Gen Z thời COVID-19 khi Trung tâm Nghiên cứu Pew chỉ ra những sự khác biệt lớn trong cách nghĩ, cách hành xử giữa hai thế hệ. Tuy vậy, vẫn tồn tại những điểm tương đồng giữa Gen Z với nhân vật Benjamin của "The Graduate": Sự lo lắng thường trực trước một tương lai vô định. Nỗi lo âu xuất phát từ cảm nhận nhiều hơn về những rủi ro và sự phân mảnh nội tâm, xuất phát từ những biến động thường xuyên mang tính ngoại tác và sự thiếu hụt một nền tảng vững chắc để đương đầu với những thách thức to lớn trong dài hạn.

Những ký ức “quên lãng” ở lễ tốt nghiệp

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 300,000 cử nhân hoàn thành chương trình đại học, cầm trong tay tấm bằng dự lễ tốt nghiệp như một cột mốc quan trọng trong cuộc đời. Lễ tốt nghiệp như một trung gian truyền tải tuyên cáo về thành quả của bốn năm học miệt mài trên giảng đường và sẵn sàng dành toàn thời gian tiếp theo ở thị trường lao động. Tuy nhiên, niềm vui của lễ tốt nghiệp không có nghĩa là những lo âu quá độ sẽ chấm dứt.

Những tổn thương dài hạn mà sinh viên phải đối mặt, trước, trong và sau thời gian học đại học, vẫn còn đeo bám dai dẳng. Nếu "The Graduate" gây tiếng vang ở Mỹ năm 1967, thì "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ" lại trở thành hiện tượng ở Việt Nam năm 2020 khi đề cập về những chấn thương tâm lý nặng nề ngầm ẩn của người trẻ. Những vấn đề tâm lý này thậm chí tồn tại nhiều năm sau khi tốt nghiệp, mà điển hình là chứng trầm cảm.

Với mình, hiện tượng trầm cảm ở sinh viên chỉ là một trong rất nhiều thứ mà những thước phim trong buổi lễ tốt nghiệp đã vô tình (hoặc cố ý) bỏ qua. Ít nhất, một cố vấn cao cấp tại trường đại học nổi tiếng ở Sài Gòn, đã thừa nhận sự lãng phí kinh tế lớn khi có đến 60% sinh viên làm trái ngành sau tốt nghiệp. Và có lẽ, những thứ bị bỏ qua không chỉ dừng lại ở cảm giác hụt hẫng, chông chênh và lạc lõng giữa khoảng không vô định của đời sống xã hội.

Câu hỏi đặt ra là, liệu sự lo âu điên đại và sự tan vỡ bên trong của Gen Z có là một xúc tác quan trọng cho sự chuyển hóa mạnh mẽ làm nên những thay đổi nền tảng như thế hệ Baby Boomer đã làm ?

Trong đoạn kết kinh điển của "The Graduate", Benjamin có một hành động cướp dâu vô tiền khoáng hậu là xông vào lễ cưới của tình nhân và dẫn Elaine bỏ trốn. Khi cả hai đã yên vị trên xe buýt, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt họ nhanh chóng tắt lịm và trở nên nghiêm trọng trước hàng chục ánh nhìn soi mói của những người trung niên trên chuyến xe đang lăn bánh theo tiếng nhạc "The Sound of Silence". Một lần nữa, niềm vui chóng vánh lại nhường chỗ cho sự bất trắc, gửi gắm câu hỏi mở về cách thức để đối diện với cuộc đời vốn hòa trộn giữa bình yên và sóng gió.