Mình đã có thể chết như bé Vân An | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 12, 2021

Mình đã có thể chết như bé Vân An

Mình là nạn nhân của bạo lực gia đình. Và mình đã trốn thoát.

Mình đã có thể chết như bé Vân An

Nguồn: Unsplash

Ký ức đầu tiên trong đời mình là sự giận dữ của bố. Xỉn đánh mẹ. Tỉnh ném bát. Đang ăn cơm thì hất cả bàn lên, chén đũa vỡ liểng xiểng. Mình tự hỏi ông trở nên như vậy từ khi nào - từ trước khi mình sinh ra? Chứ không thể tích tụ từng đó ẩn ức chỉ trong một thời gian ngắn.

Bé Nguyễn Thái Vân An, 8 tuổi tính đến ngày bé mất, có thể cũng từng tự hỏi như vậy về cha ruột, ông Thái (36 tuổi), và người tình của ông, bà Trang (26 tuổi). Theo lời kể của hàng xóm tại khu Saigon Pearl, đã có rất nhiều tiếng động mạnh từ nhà em, dã man đến mức họ "tưởng là đánh chó", sau mới được biết là "nhà đang dạy con".

Bố mình từng "dạy con" có tâm đến mức lôi cả khung ảnh trên tường đập mình. Tấm kính vỡ toang, các mảnh thủy tinh cứa vào mắt và đầu. Máu bắt đầu chảy. Trước cú đánh chí tử, mình kịp đạp cửa nhà, phi ra thang máy xuống bảo vệ. Mẹ theo sau, đưa mình đi cấp cứu. Mình đã có thể chết như Vân An nếu đêm đó máu không cầm.

Ra viện, mình tá túc nhà bạn thân vài hôm. Thấy mình trước cửa nhà, bạn ôm mình khóc mãi. Mặt mình thì lạnh tanh: quá-đủ-rồi.

Mình lôi nhật ký ra, ghi một câu chắc nịch: không bao giờ lấy chồng. Mình đưa quyển sổ cho người bạn đó để làm chứng (đến giờ bạn vẫn còn giữ). Rồi mình ghi: phải thoát khỏi đây. Và bắt đầu lên kế hoạch.

Đúng như thế, trong những năm sau đó mình đã đi rất xa, chủ yếu bằng cách... học vùi đầu. Mình nhận học bổng du học Nhật, rồi từ Nhật mình chu du đến Pháp, Thụy Điển, Na Uy qua những chương trình tài trợ sinh viên xuất sắc. Trên đường đi, mình vô tình được dạy thiền và cách tự chữa lành những vết cắt tinh thần bao năm không ai sơ cứu.

Mình bắt đầu hiểu ra vì sao bố biến thành quái vật, và mình tạm thứ tha để còn an yên sống tiếp. Dừng chân ở một thành phố cách nhà ba ngàn cây số, cuối cùng mình cũng có thể cười nói, đi làm, hoà vào những người bình thường ngoài kia.

Bố mình giờ thành dân du mục, mẹ và em chuyển đến một nơi khác. Lần đầu mình về thăm mẹ, căn nhà có mùi tinh tươm như một trang sách mới. Mình thấy lòng như đám cây dại mọc trên bia đá: một thứ gì đó đã chết, và một thứ nhỏ bé khác hồi sinh.

Đêm qua mình mơ thấy Vân An chạy thoát được ra khỏi nhà như mình ngày đó. Tỉnh dậy, lòng mình quặn lại vì biết em sẽ không bao giờ có được tương lai như mình nữa. Mẹ em sẽ sống như nào trong những ngày tiếp theo, mình không dám nghĩ.

Không biết Vân An là nạn nhân thứ bao nhiêu rồi. UNICEF cho biết, cứ 3 em nhỏ thì 2 em từng bị đánh. Còn theo thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cứ 3 phụ nữ thì 2 người từng hứng chịu bạo lực gia đình. Gần như ai trong chúng ta cũng từng nghe tiếng xô xát từ nhà hàng xóm và cảm thấy bất an.

Vì sao lại vậy, và làm sao để thay đổi? Chúng ta nợ các nạn nhân một câu trả lời. Nhất là khi người đó không còn ở đây nữa.

Nếu bạn có bài phân tích về trường hợp của bé Nguyễn Thái Vân An hay bạo lực gia đình, hãy gửi cho mình tại mieu@vietcetera.com.