Mentor là người giúp cho bạn thấy được ánh sáng hy vọng bên trong mình.
Câu nói của Oprah Winfrey như tóm gọn cả chặng hành trình của Trần Phước Lâm Duy. Sinh ra tại Bảo Lộc, Duy mang mơ ước bay xa được bước chân vào VinUni.
Nhưng giữa những bộ hồ sơ lấp lánh của các bạn đồng trang lứa từ các thành phố lớn, Duy chìm nghỉm và rơi vào danh sách chờ. Lúc ấy, sự hỗ trợ từ người mentor đầu tiên – thầy dạy vẽ đã giúp Duy lội ngược dòng và giành được học bổng toàn phần.
Thầy vừa là một người dạy vẽ, vừa làm những mô hình gỗ đưa sang thị trường Mỹ và châu Âu, đem theo khát vọng đưa nghệ thuật Việt Nam ra thế giới. Qua những buổi trò chuyện về mục tiêu và ước mơ, thầy truyền cảm hứng để Duy nghĩ lớn hơn, không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng.
Chính lời khuyên từ thầy đã thôi thúc Duy can đảm viết email thẳng đến Ban tuyển sinh, đề xuất ưu tiên xét tuyển cho học sinh tỉnh lẻ. Bằng một ý tưởng táo bạo, Duy biến cơ hội tưởng chừng xa vời thành hiện thực. Từ trải nghiệm đó, Duy cùng Thùy An (Sinh viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam) thành lập nên Trà Đá Mentor, với mong muốn việc kết nối mentor và mentee có thể trở nên gần gũi, bình dị như một ly trà đá.
Xuất phát điểm với 7 mentee ở mùa đầu tiên (2021), trong 4 năm qua, với đội ngũ xây dựng gồm các sinh viên Thùy An, Minh Thư, Minh Đăng, và Hữu Nguyên, Trà đá Mentor đã may mắn có được sự đồng hành của 60 mentor và hỗ trợ cho hơn 200 mentee đến từ các tỉnh, thành phố, quốc gia khác nhau.
Mới đây, tập thể Trà Đá Mentor còn vinh dự nhận về Giải thưởng Diana – giải thưởng quốc tế dành cho những cá nhân trẻ tuổi có đóng góp tích cực cho xã hội. Sau chặng hành trình này, Duy nhận ra điều gì?
Ai cũng cần có một “siêu anh hùng” nhà bên
Lên đến cấp hai, Duy kể mình vẫn chỉ học tầm tầm, chủ yếu tụ tập bạn bè, chơi bời, chẳng có định hướng gì rõ ràng. Khi đọc sách báo, nghe kể về những câu chuyện kiểu "Nam sinh tỉnh lẻ giành học bổng X tỷ đồng”, Duy cũng chẳng để tâm lắm, bởi “biết vậy thôi, chuyện ở đâu đâu ý mà”.
Chỉ đến khi bạn thân của Duy đi du học Singapore vào năm lớp 11. Nhìn thấy một bạn ở Bảo Lộc, học cùng với mình, có thể từ mái trường này và đi xa hơn. Lúc đấy Duy mới nhận ra một chuyện như vậy thực sự có khả thi. Duy trở nên quyết liệt hơn với tương lai của mình và gặp được thầy dạy vẽ.
Thời điểm nhận được học bổng từ VinUni, Duy biết rằng câu chuyện của bản thân cũng có thể trở thành niềm tin cho các bạn trẻ giống mình khi xưa: xuất phát điểm ở tỉnh nhỏ không có nghĩa là mãi không thể bứt phá. Đó là lý do những ngày đầu của Trà Đá Mentor chỉ đơn giản là rủ các bạn cùng phòng ký túc xá đồng hành với các em ở trường cấp 3 của mình.
Ở nơi Duy lớn lên, ai đã dồn sức học để đi thi quốc gia thì gần như chẳng còn thời gian cho bất cứ hoạt động gì khác. Nhưng khi tiếp xúc với các bạn mentor khác – những “con nhà người ta” thực thụ, Duy nhận ra điều khác biệt. Các bạn lớn lên trong môi trường giáo dục tốt, không chỉ ở chất lượng đào tạo mà còn bởi cơ hội được tiếp xúc với các thầy cô, anh chị đi trước rất ưu tú.
Họ là những người năng nổ ở nhiều khía cạnh vừa đi thi quốc gia thậm chí quốc tế, vừa dẫn dắt câu lạc bộ, tham gia ngoại khóa. Từ đó tạo nên những hình mẫu rõ ràng để thế hệ sau nhìn vào và có niềm tin: "Mình cũng có thể làm được."
Giống như hồi nhỏ, chúng ta mê mẩn siêu anh hùng và ôm theo giấc mộng giải cứu thế giới, các bạn trẻ cũng cần một hình mẫu ở gần để thấy rằng mình có thể làm được và mình xứng đáng để mơ xa.
Một người mentor vì thế chưa cần là cố vấn tài ba hay dẫn dắt giỏi giang, chỉ cần họ hiện diện với câu chuyện của chính mình, đã đủ để gieo niềm tin.
Công thức để kết nối thành công
Khi nhen nhóm ý tưởng phát triển Trà Đá Mentor lớn hơn nhưng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, Duy gửi đi một loạt thư giới thiệu khá ngây ngô: “Em đang muốn xây dựng một chương trình mentoring. Anh/chị có thể giúp em không?” Dĩ nhiên tỉ lệ phản hồi không cao hoặc nếu có cũng chỉ là những lời từ chối khéo léo.
Trong đó, có một tin nhắn Duy nhớ nhất, được gửi tới người điều hành của một tổ chức mentoring uy tín: "Hiện tại tụi em cũng muốn xây dựng một tổ chức mentoring. Anh đã làm trong lĩnh vực này một thời gian rồi thì anh nghĩ vấn đề lớn nhất mà các bạn trẻ gặp phải bây giờ là gì? Bọn em muốn giải quyết nút thắt đó"
Trong tin nhắn phản hồi, người anh ấy đã đặt câu hỏi ngược lại cho Duy: "Em không biết vấn đề của các bạn bây giờ là gì? Thế em làm chuyện này để làm gì? Em phải tự nghiên cứu trước chứ."
Khi đó, Duy hiểu ra để việc kết nối không đơn giản chỉ là cứ đặt câu hỏi, hay đưa ra một lời đề nghị nhờ giúp đỡ theo kiểu từ trên trời rơi xuống trúng đâu thì trúng là xong mà cần xây dựng một chiến thuật đâu ra đó.
1. Mục tiêu rõ ràng
Trước khi tiếp cận bất kỳ ai, bạn cần xác định mục tiêu của mình. Bạn mong muốn gì từ mối quan hệ này? Liệu đó là lời khuyên, sự hướng dẫn, hay cơ hội hợp tác? Một mục tiêu rõ ràng không chỉ giúp bạn định hướng câu chuyện của mình mà còn thể hiện sự nghiêm túc trong mắt người bạn muốn kết nối.
2. Câu chuyện đủ sức thuyết phục
Một câu chuyện hay có thể thay đổi cục diện. Khi thuyết phục các anh chị mentor và ban cố vấn dày dặn kinh nghiệm cùng chung tay xây dựng Trà Đá Mentor với một đội ngũ còn rất trẻ, Duy đã kể về những thử thách mà các bạn mentee vượt qua. Ví dụ như một bạn trẻ từ tự ti không dám đặt câu hỏi, đến khi kết thúc chương trình đã tự tin thuyết trình trước đám đông.
Những câu chuyện như vậy không chỉ khơi dậy sự đồng cảm mà còn giúp người nghe thấy rõ giá trị họ có thể mang lại.
3. Vòng tròn kết nối
Bắt đầu từ nhóm dễ tiếp cận nhất: Bạn bè, đồng nghiệp gần gũi, hoặc những người bạn đã từng làm việc chung. Hãy chia sẻ ý tưởng và câu chuyện của bạn một cách chân thành, vì những người này thường sẽ sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ nếu họ có thể.
Sau đó mở rộng những mối quan hệ gián tiếp: Người quen của bạn bè hoặc mentor hiện tại. Với nhóm này, bạn cần chuẩn bị mọi thứ thuyết phục hơn và thể hiện được lý do bạn muốn kết nối để tạo ấn tượng tốt ban đầu.
Và đến nhóm khó nhất: Những người hoàn toàn xa lạ. Tương đương với độ khó, đây là nhóm đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần chấp nhận rủi ro cao. Bởi khi tiếp cận những người chưa từng quen biết, tỷ lệ phản hồi thường thấp, bạn tiếp cận 10 người chỉ có 1 người đồng ý là chuyện bình thường. Nhưng nếu bạn đủ kiên nhẫn và bền bỉ, một câu trả lời đó cũng đủ tạo ra cơ hội lớn.
Thấy mình nhỏ bé là có cơ hội để lớn lên
Một trong những thách thức lớn nhất khi tìm kiếm mentor, hay networking là cảm giác tự ti trước những người có thành tích vượt trội hơn mình. Tuy nhiên, thay vì nhìn nhận họ như những người “trên” mình, Trà Đá Mentor khuyến khích tư duy xem những người đó giống như đồng nghiệp, đang đồng hành với mình và cả hai cùng hướng tới giải quyết một nhiệm vụ là giúp mentee tiến bộ.
Ngay cả khi mentor là các quản lý cấp cao hay chuyên gia trong ngành, đừng lo, bởi những người đã chọn làm mentor đều là những người thật sự mong muốn giúp đỡ. Hãy luôn giữ tâm thế hợp tác, thẳng thắn trong trao đổi và góp ý để cả hai bên đạt được mục tiêu.
Còn nếu gặp mentor là những bạn bằng tuổi, hầu như ai cũng sẽ rơi vào cảm giác “peer pressure” (áp lực đồng trang lứa) chẳng mấy dễ chịu. Thời gian đầu vào VinUni, Duy từng cảm thấy áp lực rất lớn khi bản thân được đặt vào trong một môi trường chung với các bạn có thành tích học tập rất khủng. Bạn cùng phòng đại học của Duy, năm hai đã mở công ty khởi nghiệp.
Bề ngoài nhìn vào sẽ thấy rất hào nhoáng, nhưng khi ở cùng, Duy mới biết mỗi ngày bạn ấy đều làm việc cật lực tới khuya, nhận thêm cả công việc bên ngoài - những việc có khi chẳng hề thích nhưng có tiền nuôi để đam mê. Duy nhận ra:
“Con nhà người ta” cũng là con người bình thường, cũng có lúc khó khăn, cũng khóc, và cũng phải cố gắng cật lực như mình.
Bên cạnh đó, còn một cảm giác tự ti nữa đến từ nỗi lo: Mentor giúp đỡ mình nhiều như vậy còn mình chẳng có gì để trao đi. Tuy nhiên, công việc bình thường trả lương bằng tiền, còn ở Trà Đá Mentor chủ yếu trả bằng lương tâm. Kể cả như vậy các mentor, ban cố vấn dù rất bận rộn, vẫn nhiệt tình tham gia.
Vì với mentor, giá trị lớn nhất họ mong nhận đươc chính là niềm vui khi chứng kiến sự trưởng thành của mentee, có hành động thật và đạt được kết quả thật. Một mentee của chương trình từng không định học đại học vì hoàn cảnh khó khăn. Nhưng nhờ có mentor đồng hành, bạn vừa làm thêm kiếm sống vừa học lập trình, thậm chí cùng mentor xây dựng một dự án công nghệ phát triển thành công ty thực thụ.
Quan trọng hơn, mentoring hướng tới tinh thần pay it forward. Nhận được sự hỗ trợ không có nghĩa là bạn phải trả ơn trực tiếp, mà thay vào đó, hãy tiếp nối hành động tốt đẹp này bằng cách truyền lại kinh nghiệm cho người khác. Chính sự lan tỏa ấy sẽ tạo nên giá trị bền vững, không chỉ cho riêng bạn mà còn cho cả cộng đồng.