1. Mơi là gì?
Mơi có thể hiểu là dùng lời nói, cử chỉ khéo léo để lôi cuốn người khác làm theo ý mình. Theo Đại từ điển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên, 1999), mơi được giải thích là dử (nhử), làm cho người ta thèm muốn để rơi vào kế độc.
Ngoài ra, chữ mơi còn có thể hiểu là mai, theo cách đọc trại ngày mơi của từ ngày mai ở người Nam Bộ. Mới đây, mơi phổ biến trên mạng xã hội sau khi rapper Thái VG hiểu nhầm từ này là mê (yêu thích) một điều gì đó. Cụ thể, nam rapper hiểu nhầm "mê nhạc" là "mơi nhạc."
2. Nguồn gốc của mơi?
Rapper Thái VG hiểu nhầm "mê" là "mơi" và từ này ngay lập tức phổ biến trên cộng đồng mạng. Cụ thể, trong tập 132 của podcast Have A Sip, host Thuỳ Minh và nam rapper đã có cuộc chia sẻ cởi mở về sự nghiệp cũng như quan điểm làm việc của anh, chương trình Rap Việt, Vietnamese Gang…
Vì không thực sự thông thạo tiếng Việt, rapper Thái VG chủ yếu trao đổi bằng tiếng Anh trong suốt cuộc trò chuyện này. Nhưng mà "máo Việt Nam á" nên thỉnh thoảng anh vẫn dùng tiếng Việt trong khi giao tiếp.
Trong tập Have a Sip này, rapper Thái VG còn nói, “If you’re người xấu, you gonna be xấu hơn. If you’re người tốt, người đàng hoàng á, it will show more." (Nếu bạn là người xấu, bạn sẽ xấu hơn. Nếu bạn là người tốt hay người đàng hoàng, nó sẽ thể hiện ra rõ hơn.)
3. Vì sao mơi phổ biến?
Khi tập Have a Sip phát sóng, nhiều người đã "lạc trôi" trong cách sử dụng tiếng Việt của Thái VG. Có người bình luận, "Mơi cái cách anh ấy chèn tiếng Việt" hay "Coi show thấy ổng nói tiếng Anh đã không hiểu gì mà ổng còn chèn thêm tiếng Việt vô nữa, tự nhiên tôi không hiểu tiếng Việt luôn."
Trước đó, Thái VG đã khiến nhiều người chú ý với hành động trộn ngôn ngữ khi làm Huấn luyện viên Rap Việt mùa 3. Những câu nói của anh như "She over hợp", "We’re over hợp", "Em so nhỏ, dễ thương"… nhanh chóng phổ biến trên mạng xã hội.
Cách nói "lẫn lộn" của rapper Thái VG chính là một hiện tượng trộn tiếng Anh và tiếng Việt điển hình của việc code-switching (chuyển mã.) Với một người biết hơn 1 ngôn ngữ, họ thường chuyển mã trong giao tiếp hàng ngày bằng cách pha trộn với các ngữ điệu, văn phong hay phương ngữ để phù hợp với các tình huống cụ thể.
Hiện tượng này có thể được giải thích như sau: bạn có thể quên đi một phần của ngôn ngữ thứ nhất nếu bạn sử dụng ngôn ngữ mới. Khi đó các ngôn ngữ bắt đầu "đánh đấm" trong não bộ và gây nên lẫn lộn nếu phản xạ không đủ nhanh.
Code-switching là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống ngày nay. Trước đây, việc chêm tiếng Anh vào tiếng Việt khi nói có thể gây "phiền lòng" không ít người, vì nó "không healthy và balance."
Chuyện tiếng Anh (với nhiều thuật ngữ chuyên ngành) cũng là vấn đề ở các Agency. Trên thực tế, đây cũng là một dạng code-switching để tiện lợi trong việc trao đổi khi làm việc. Nhưng đôi khi sự tiện lợi cũng bị phản tác dụng.
Hành động code-switching cũng đã tạo ra một vài tình huống khá "trớ trêu." Ví dụ như khi Thái VG muốn nói "tôi là người yêu âm nhạc" nhưng anh lại sử dụng sai từ vựng. Thay vì nói "mê nhạc" anh lại nói "mơi nhạc" khiến nhiều người bối rối.
4. Cách dùng mơi?
A: Hài quá, anh Thái VG hiểu nhầm "mê nhạc" là "mơi nhạc."
B: Khoan, mơi là gì?
A: Mơi, kiểu thao túng tâm lý để người khác làm theo ý mình.
B: Thế thì tao mê cái cách anh Thái VG "mơi" nhạc.