1. Chuyện gì đã xảy ra?
Theo Guardian đưa tin ngày 19/9, khi đang biên soạn lại danh mục Köchel (một tập hợp lưu trữ các sáng tác của Wolfgang Amadeus Mozart tại Thư viện thành phố Leipzig - Đức), các chuyên gia đã tìm thấy một sáng tác chưa từng được công bố của thiên tài âm nhạc người Áo.
Nhạc phẩm được Mozart đặt tên ban đầu là Serenade ex C (tạm dịch: bản Serenade cung Đô), dài khoảng 12 phút, sáng tác cho bộ ba đàn violin, viola và cello. Các chuyên gia ước tính nhạc phẩm có niên đại từ khoảng giữa đến cuối thập niên 1760, có nghĩa nó được Mozart sáng tác khi ở tuổi thiếu niên.
Phát biểu thay mặt Quỹ Âm nhạc Mozart quốc tế (Mozarteum) tại Salzburg, chuyên gia âm nhạc Ulrich Leisinger nhận định, tác phẩm này khá độc đáo so với các sáng tác khác của Mozart thời điểm đó (chủ yếu là các bản aria, giao hưởng và nhạc cho piano).
Bản nhạc sau đó được đặt lại tên là Ganz kleine Nachtmusik (tạm dịch: Bản dạ khúc rất ngắn), dựa theo nhạc phẩm nổi tiếng Eine kleine Nachtmusik được Mozart sáng tác năm 1787. Nó đã được công diễn tại Mozarteum vào ngày 19/9, và tại Nhà hát Opera Leipzig ngày 21/9.
2. Làm sao để xác định bản nhạc này đúng là do Mozart sáng tác?
Kết quả kiểm tra nét chữ khiến các chuyên gia đưa đến kết luận, bản nhạc được tìm thấy ở Thư viện Leipzig không phải là bản gốc do Mozart viết, mà là tài liệu do người khác chép tay lại vào khoảng năm 1780. Vậy họ làm thế nào để xác định bản nhạc này đúng là do Mozart sáng tác?
Phần đề mục của danh mục Köchel có ghi rõ tác phẩm này “được lưu giữ tại một nguồn duy nhất”, và người lưu trữ ở thời điểm đó có ghi chú Mozart sáng tác nhạc phẩm này trước khi thực hiện tour diễn vòng quanh nước Ý lần thứ nhất năm 1769. Và bởi Köchel là danh mục duy nhất tập hợp toàn bộ nhạc phẩm của Mozart, các chuyên gia đã nhận định đây đúng là sáng tác của thiên tài người Áo.
Danh mục Köchel do nhà âm nhạc học người Áo Ludwig van Köchel sưu tầm và biên soạn nhằm tập hợp tất cả các tác phẩm của Mozart. Ấn bản đầu tiên của danh mục được xuất bản năm 1862, thường được gọi ngắn gọn là Köchel-Verzeichnis hay KV (tạm dịch: Danh mục của Köchel).
Đây là lý do bạn thường nhìn thấy mã “KV” đi kèm một con số trước các bản nhạc của Mozart - đây chính là số thứ tự của nó trong danh mục Köchel. Một số nhạc phẩm nổi tiếng nhất có thể kể đến KV331 (Rondo Alla Turca hay Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ trong tiếng Việt), KV626 (Requiem - Nhạc cầu hồn) và KV492 (The Marriage of Figaro - Đám cưới của Figaro).
3. Còn những tác phẩm bị lãng quên nào đã “vô tình” được tìm thấy?
Đây không phải lần đầu tiên chúng ta phát hiện một nhạc phẩm của Mozart bị bỏ quên nhiều năm. Cách nay đúng 16 năm, cũng vào ngày 19/9/2008, các cán bộ thư viện Jean Remy ở Nantes (Pháp) trong khi đang sàng lọc kho lưu trữ đã phát hiện một bản nhạc được Mozart viết dở.
Bản nhạc được viết ở âm Rê trưởng, có chữ ký WA Mozart và được cho là bản nháp của một bài thánh ca. Chuyên gia Ulrich Leisinger cho biết, hầu hết các bản nháp Mozart họ tìm thấy trước đó đều là của các tác phẩm nổi tiếng mà chúng ta đã biết. Đây là lần hiếm hoi họ phát hiện một bản nháp hoàn toàn mới, mà nhạc sĩ vì lý do nào đó đã quyết định không hoàn thành.
Phía hội họa cũng có những khám phá tương tự. Vào tháng 7/2022, khi đang chụp X-quang để bảo tồn định kỳ bức tranh Head of a Peasant Woman, chuyên gia bảo quản tranh Lesley Stevenson đã tình cờ phát hiện bức chân dung tự họa chưa từng được công bố của Van Gogh.
Bức tranh vẽ Van Gogh với đôi tai còn nguyên vẹn, cho thấy nó được vẽ trước khi ông tự cắt tai mình vào năm 1888. “Bức họa đã ẩn mình ở đó hơn 100 năm qua, dưới các lớp keo và bìa cứng”, bà Stevenson nhận định.
Trước đó vào năm 2013, một bức tranh khác của Van Gogh là Hoàng hôn ở Montmajour đã được phát hiện sau hơn 120 năm bị bỏ quên trên căn gác mái của một ngôi nhà ở Na Uy.