Trong khi các “main pop girl” thế hệ trước như Katy Perry, Lady Gaga lần lượt “ra chuồng gà” thì các nữ ngôi sao thế hệ mới như Sabrina Carpenter, Charli XCX, Tate McRae đã có một mùa hè không thể sôi động hơn. “Hội chị em” nghệ sĩ alternative như Chappell Roan, Billie Eilish… cũng đã toả sáng trong năm nay, với liên tiếp các sản phẩm và album chất lượng và thú vị.
Và nếu lùi ra khỏi địa hạt nhạc pop, khán giả sẽ thấy 2024 còn là năm của nhạc country (đừng quên rằng Beyonce, Post Malone hay thậm chí Lana Del Rey bỗng hứng thú với nhạc đồng quê), rap/hiphop, rock… Những màn trở lại của Eminem, Linkin Park, cho đến những album đáng chú ý của The Smile, Coldplay đều khiến người hâm mộ xôn xao.
Nhưng đâu mới là những album Âu-Mỹ hay nhất 2024? Hãy tham khảo danh sách đĩa nhạc được người viết tuyển chọn ngay dưới đây.
(Cập nhật lần cuối vào tháng 10/2024)
Đọc bài trước tại đây.
SHORT N’ SWEET (SABRINA CARPENTER)
Khi Sabrina Carpenter là khách mời của The Eras Tour (Taylor Swift), không ít khán giả đã “dè bỉu” cô nàng ngót nghét 10 năm sự nghiệp vẫn đi hát... mở màn. Nhưng chính những người đã phê phán sẽ phải nghĩ lại, bởi 2024 thực sự là năm của Sabrina, khi mà Espresso lẫn Please Please Please đều là những bản hit lớn nhất suốt mùa hè. Đó cũng là những điểm nhấn khó quên của album Short n' Sweet mà nữ nghệ sĩ phát hành ngay sau đó.
Short n' Sweet là một đĩa nhạc pop thú vị khi Sabrina Carpenter mang đến một thái độ vui vẻ bông đùa nhưng cũng đầy quyến rũ trong mỗi bài hát. Cô không tỏ ra phô trương trong mặt thiết lập âm thanh nhưng đủ thú vị, cùng phần lời thân mật và gợi cảm. Và tất nhiên, ai lại nỡ làm tổn thương một bóng hồng khi những lời van lơn thế này được thốt ra từ miệng của Sabrina, “Làm ơn đi… Em trang điểm đẹp thế, anh nỡ nào để lệ em rơi”.
IMAGINAL DISK (MAGDALENA BAY)
Là một trong những ban nhạc Indie Pop thú vị nhất của thập niên 2020, Magdalena Bay luôn mang đến những concept album đáp ứng được hai yêu cầu: bắt tai và nhiều suy tư. Họ kết hợp các yếu tố pop, house, R&B, electronic cũng như rock và psychedelic một cách nhuần nhuyễn, mang đến cảm giác gì đó vừa hoài cổ nhưng cũng rất vị lai.
Vay mượn ý niệm về “đĩa tưởng tượng” (imaginal disc) trong sinh học - những túi biểu bì của ấu trùng sẽ biến thành các cấu trúc của côn trùng trưởng thành trong quá trình biến thái (metamorphosis); và thuyết âm mưu trong các bộ phim thập niên 70 về việc người ngoài hành tinh cấy vào não loài vượn tinh khôn để thúc đẩy quá trình tiến hoá, Magdalena Bay tạo ra một Imaginal Disk không chỉ để thưởng thức mà còn chìm sâu vào những suy tư về bản chất người.
Với Imaginal Disk, bộ đôi Magdalena Bay đã đẩy những yếu tố này (âm nhạc và ý niệm) lên mức “phóng đại” để truyền tải trọn vẹn chủ đề xuyên suốt về căn tính, công nghệ và bản chất loài người. Xuyên suốt 15 ca khúc, khán giả như trôi trong tầng tầng lớp lớp âm thanh, bùng nổ mạnh mẽ như thể một loài sâu bướm đang trong giai đoạn biến thái (metamorphosis), phô ra những vẻ rực rỡ nhất.
F-1 TRILLION (POST MALONE)
Sẽ không quá lời khi nói rằng, 2024 là năm của nhạc đồng quê. Từ màn song ca bản hit Fast Car của Tracy Chapman và Luke Combs tại Grammy 2024 đến lời “hứa lèo” về đĩa nhạc đồng quê của Lana Del Rey; từ sự trở lại của Kacey Musgraves cho đến sự “dẫn thân” của Beyonce, đều cho thấy country đang là lựa chọn cho các nghệ sĩ Mỹ. Tất nhiên, một trong những đĩa nhạc đồng quê đến từ “kẻ ngoại đạo” của 2024 phải kể đến từ “rockstar” Post Malone, F-1 Trillion.
F-1 Trillion như một bộ sưu tập những giọng ca hàng đầu và nhiều thế hệ của nhạc country, từ Hank Williams Jr., Dolly Parton cho đến Tim McGraw, Blake Shelton, Brad Paisley, Chris Stapleton cũng như Morgan Wallen, Luke Combs... Trên tất cả, giọng hát khàn và rung gằn tự nhiên của Malone hoà hợp với nhạc của country một cách lạ thường, mang đến những khoảnh khắc bùng nổ trong sự dễ chịu. Điểm trừ của album này, có lẽ nó hơi quá dài, đôi khi mang lại cảm giác lê thê.
Từ 10 năm trước, Post Malone đã lên kế hoạch sẽ trở thành một ca sĩ nhạc folk/country. Với F-1 Trillion anh đã thực sự trở thành người nghệ sĩ mà mình muốn. Dường như, thể loại là thứ không thể làm khó được Post Malone. Dù là rap/hiphop, synth pop, rock hay country, Malone luôn có cách hoà hợp một cách đáng kinh ngạc, và mang đến những tác phẩm đầy tươi mới, dễ dàng để thưởng thức.
ROMANCE (FONTAINES D.C.)
“Trong thế giới hiện đại, tôi chẳng còn cảm nhận điều gì”, Grian Chatten, ca sĩ chính của Fontaines D.C. cất giọng trong In the Modern World. Đoạn điệp khúc lặp đi lặp lại, nhấn mạnh về một thế giới mà ta đang sống bằng những khúc ngân có gì đó lạnh lẽo, lãnh đạm.
So với Starburster hay Favourite, In The Modern World không quá nổi bật nhưng lại đóng vai trò then chốt, thiết kế một bối cảnh để khán giả thâm nhập những tầng sâu của cảm xúc trong đĩa nhạc Romance. Có thể nói, toàn bộ ca khúc trong album đều được đặt trong thế giới hiện đại vô cảm; mỗi bài hát tự nó cố gắng tạo nên một “cảm xúc” le lói nào đó. Đĩa nhạc này cũng phản ánh sự tinh tế trong việc nắm bắt các kỹ thuật và cách viết lời để tạo ra một “trường cảm xúc” cho người nghe nhạc.
Romance kế thừa vẻ đẹp trong âm nhạc từ Smashing Pumpkin đến The Cure, từ Pixie đến Lana Del Rey, tạo ra tính xuyên suốt và trọn vẹn. Là người Dublin, Fontaines D.C. cũng “mượn” James Joyce một vài cảm hứng và ý tưởng để tô điểm thêm đĩa nhạc của mình, tạo ra dòng ý thức trong toàn bộ đĩa nhạc “lãng mạn” này.
MOON MUSIC (COLDPLAY)
Ngay cả những bài hát phổ biến nhất của Coldplay như Yellow, Fix You, Viva La Vida,... những tưởng chẳng còn gì mới mẻ để khám phá thêm nữa nhưng mỗi lần nghe lại, nó vẫn khiến người hâm mộ xúc động với những bí ẩn không tài nào giải thích. Nhưng có lẽ cũng kể từ dạo đó, Coldplay đã không còn tạo ra những “phép màu” diệu kỳ như vậy trong âm nhạc nữa. Từ Ghost Stories trở đi, Coldplay cứ như những pháp sư bị đánh mất quyền năng, những câu “thần chú” từ miệng Chris Martin cũng không còn “bùa phép” nữa.
Cho đến khi Moon Music xuất hiện, người nghe nhạc mới thấy một chút gì đó le lói của thứ gọi là “âm nhạc Coldplay”. Hai ca khúc mở đầu, Moon Music và feelslikeimfallinginlove như một gợi nhớ về những gì mà khán giả yêu mến họ. Khi khán giả bắt đầu đi vào “quỹ đạo” âm nhạc thì Coldplay làm cho nó trở nên hỗn loạn; và phần còn lại của Moon Music gần như đánh mất đi vẻ đẹp mà nó hứa hẹn mang đến cho công chúng.
Một cách công bằng, Moon Music không phải là một đĩa nhạc dở, thậm chí là album tốt nhất của họ trong 10 năm qua. Nhưng có lẽ, Coldplay đã bỏ phí khả thể tạo ra một tác phẩm đáng nhớ thay vì một sản phẩm có vẻ khoa trương nhưng thiếu chiều sâu và sự mạch lạc.
CUTOUTS (THE SMILE)
Chỉ 10 tháng sau khi ra mắt Wall of Eyes, The Smile - dự án bên cạnh Radiohead của Thom Yorke, Jonny Greenwood cùng với tay trống Tom Skinner, trở lại với album mới có tên Cutouts. Điều thú vị ở đây là, Cutouts không có vẻ gì giống với Wall of Eyes; nó mang lại những hương vị “xưa” nhưng chưa bao giờ “cũ” của KidA (Radiohead, 2001) từ 20 năm trước.
Vẫn là bộ óc kỳ khôi của Yorke khi “chuyển hoá” thế giới tâm hồn vào âm nhạc, biến nó trở nên huyền ảo và khó đoán (và khó nắm bắt). Lần này, anh mời khán giả bước vào thế giới thiếu tính ổn định, nhưng bù lại, rất “màu mỡ” âm thanh. Từ “thế giới tươi đẹp” trong track mở đầu (Foreign Spices) cho đến tiếng người cười trong Bodies Laugh, ca khúc cuối cùng của album là một hành trình siêu thực, xuyên qua rất nhiều “thế giới” trước khi trở lại mặt đất, với những trò đùa muôn thủa.
Thay vì để thể loại âm nhạc “vật ngã”, The Smile (và cả Radiohead) để cho “nghệ sĩ tính” bên trong mình lên tiếng. Mỗi lựa chọn là một hành trình, và vì thế, ngay cả khi cũng hát về một chủ đề, hay sử dụng một “công thức” trước đó, The Smile (và cả Radiohead) vẫn luôn chủ động “dẫn dắt” khán giả chơi theo luật của mình.