Nghề freelance không dành cho những ai? | Vietcetera
Billboard banner
08 Thg 05, 2020

Nghề freelance không dành cho những ai?

Freelance dự đoán sẽ là xu hướng nổi bật, đặc biệt sau COVID-19. Nhưng liệu freelance có hợp với tất cả mọi người? Hãy nghe chia sẻ từ người có kinh nghiệm.

Nghề freelance không dành cho những ai?

Nghề freelance không dành cho những ai?

Nền kinh tế làm việc tự do (hay gig economy) đang trở thành xu hướng nổi bật trên thế giới và cả Việt Nam. Trong nền kinh tế này, người lao động không gắn bó lâu dài với một tổ chức, mà sẽ cộng tác trên một dự án hoặc chỉ hợp tác trong ngắn hạn. Theo đó, nhu cầu cho các lao động tự do (freelancer) sẽ tăng cao.

Việt Nam sẽ trở thành nước đầu tiên trong APEC vượt ngưỡng 50% lao động tự do.

- Theo dự báo của Anphabe -

Đặc biệt khi COVID-19 qua đi, nhu cầu tuyển dụng nhân sự chính thức của các công ty gặp khó khăn vì gánh nặng tài chính. Freelancer sẽ là nguồn tài nguyên chất lượng cao và tốn ít chi phí duy trì được nhiều công ty quan tâm.

Nếu đang cân nhắc theo đuổi con đường freelancer, ít nhất trong ngắn hạn, bạn cần tự đặt ra những câu hỏi sau cho mình.

1. Bạn đã đủ giỏi để “solo”?

Là nhân viên chính thức, bạn sẵn sàng được công ty đào tạo và chỉ dẫn lộ trình thăng tiến, bởi họ kỳ vọng bạn sẽ là một thành viên cốt cán trong tương lai.

Nhưng với freelancer, năng lực là điều kiện tiên quyết. Bạn không có bất kỳ cam kết cũng như mối liên hệ gì với công ty. Thế nên, lý do duy nhất để hợp tác là bạn chứng minh được chất lượng sản phẩm và khả năng phối hợp theo kế hoạch của họ.

Nghề freelance không dành cho những ai0
Với freelancer, năng lực là điều kiện tiên quyết, vì thế nếu chưa đủ tự tin solo thì bạn không nên lựa chọn nghề freelance.

Nếu chưa đủ tự tin để solo, bạn nên trau dồi thêm ở các công ty. Đây là môi trường cung cấp cho bạn nhiều tài nguyên để học hỏi. Quá trình làm việc nhóm và tiếp xúc với những người có chuyên môn cao sẽ rèn luyện tư duy và kĩ năng thiết yếu, giúp bạn tăng tính cạnh tranh trong thị trường việc làm.

2. Bạn có tự giác làm việc dù không ai thúc ép?

Nếu là một người dễ lơ đễnh và ít chú tâm, bạn không hợp với công việc freelance. Với thời gian biểu không phụ thuộc vào ngoại cảnh mà hoàn toàn linh động, bạn dễ sa vào cái bẫy của sự trì hoãn (procrastination) hay đôi khi là xu hướng làm việc chóng vánh (precrastination).

Kết quả cuối cùng vẫn là sự kém hiệu quả trong công việc.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khả năng tập trung trung bình của con người chỉ là 8 giây, ít hơn 1 giây so với cá vàng. Nếu sinh ra là người dễ mất tập trung, bạn thực sự cần ai đó nhắc nhở. (Nguồn: Psychology Today)

Nghề freelance không dành cho những ai1
Tự giác là yếu tố cần luyện tập nếu muốn làm freelance.

Tính tự giác có thể được rèn luyện dễ dàng hơn tại văn phòng khi tất cả mọi người đều phải chú tâm vào công việc. Tuy nhiên, vẫn có những cách thức giúp bạn nâng cao khả năng này cùng hiệu suất, dù làm việc ngoài văn phòng.

8 Lời khuyên giúp làm việc tại nhà không trì trệ (dù áp dụng trong mùa COVID-19) có thể hữu ích với bạn.

3. Bạn đã có kỹ năng quản lý?

Trở thành freelancer nghĩa là bạn phải tự quản lý mọi việc, chính yếu là ở: tiến độ, chất lượng công việc, các mối quan hệ,… Bạn là sếp của chính mình.

Đã là sếp, bạn không thể thiếu kỹ năng quản lý.

Đầu tiên, bạn cần quản lý tốt thời gian của mình. Quản lý thời gian nghĩa là quản lý sự ưu tiên. Bạn cần biết việc nào quan trọng và gấp rút, việc nào kém quan trọng hơn. Bạn cũng cần ước tính được lượng thời gian sẽ bỏ ra để phù hợp với khối lượng công việc phải hoàn thành.

Tiếp theo, bạn cần có kỹ năng quản lý các dự án và định giá cho chúng. Bạn cần biết dự án này sẽ tốn khoảng bao nhiêu thời gian, và định giá bao nhiêu là ổn… Từ đó, bạn sẽ đưa ra được các cam kết tối ưu, vừa phù hợp với nguồn lực bản thân, vừa đáp ứng được mong muốn khách hàng.

Thứ ba, vì làm việc tự do, nên bạn bắt buộc phải tìm khách hàng cho mình. Bạn cần có khả năng ngoại giao tốt, biết cách PR bản thân và đàm phán hợp đồng.

Nghề freelance không dành cho những ai2
Trở thành freelancer nghĩa là bạn phải tự quản lý mọi việc, chính yếu là ở: tiến độ, chất lượng công việc, các mối quan hệ,…

Có thể nói, khi bạn chưa tự quản lý được mọi mặt trong công việc mà vẫn phải phụ thuộc vào người khác, bạn chưa sẵn sàng trở thành freelancer.

4. Bạn có đạt hiệu suất nếu xa rời đám đông?

Nếu bạn cảm thấy không thoải mái hoặc không an toàn khi ở một mình, bạn sẽ không phù hợp với công việc freelance.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có một số người sẽ cảm thấy an toàn hơn khi làm việc theo nhóm vì họ cần tham khảo ý kiến của người khác hay nhận được năng lượng từ đồng đội. Họ làm việc cực kỳ tốt trong những môi trường đòi hỏi trao đổi và gắn kết cao.

Nếu là dạng người này, sẽ khá khó khăn để bạn đeo đuổi nghề freelance. Hãy dần dần rèn luyện khả năng làm việc độc lập. Khi cảm thấy chất lượng công việc không còn bị ảnh hưởng bởi môi trường, bạn có thể quay lại với mong muốn làm freelance.

Nghề freelance không dành cho những ai3
Cần có người dẫn dắt hay nhận năng lượng từ đồng đội có phải điều kiện tiên quyết để bạn làm việc hiệu quả?

5. Tài chính ổn định có là ưu tiên của bạn?

Rất khó để ước tính thu nhập của một freelancer vì thu nhập của họ thường bấp bênh, thiếu ổn định.

Công việc này có thể cho bạn thu nhập cao vào một vài tháng. Nhưng, có những tháng, bạn không có khách hàng nào. Áp lực này càng nặng nề hơn với những người có nhiều chi phí phải duy trì.

Nếu mục đích của bạn là tìm kiếm nguồn tài chính ổn định, không có sự xê dịch nhiều, nghề freelance có thể chưa phải một lựa chọn thích hợp, ít nhất là trong ngắn hạn.

Kết

Dù xu hướng công việc đang thay đổi từng ngày, nhưng quan trọng nhất vẫn là bạn tìm ra định hướng phù hợp nhất để phát huy. Miễn cưỡng một sự lựa chọn không thích hợp không giúp bạn thành công, mà chỉ tạo nên những áp lực không đáng có.

Mỗi người có một cách thành công riêng. Chỉ cần lựa chọn con đường phù hợp với nhu cầu và mục tiêu sự nghiệp, thì bạn đang đi đúng hướng.

Bài viết được thực hiện bởi Uyên Nguyễn.

Xem thêm:

[Bài viết] Làm việc tự do (freelance) – Cuộc sống không màu hồng

[Bài viết] Thị trường tuyển dụng hậu COVID-19: Phân tích & Dự đoán từ 3 chuyên gia