“Mỗi con người đều mang trong mình rất nhiều áp lực. Áp lực không xấu, nó giúp bạn tiến lên mỗi ngày, nhưng nếu áp lực quá tải và mất kiểm soát thì nó lại trở thành một mối hoạ. Với tôi, nhiệm vụ của một giáo viên yoga là giúp học viên thả lỏng cơ thể và tái tạo năng lượng cho ngày làm việc hôm sau. Cho nên, tôi sẽ không ép buộc bạn thực hành tất cả những động tác khó để phải chịu thêm bất kỳ áp lực nào từ phòng tập nữa,” chị Avi Nguyễn chia sẻ cùng chúng tôi.
Trong quá trình tìm kiếm những cá nhân góp phần định hình một Việt Nam mới, hạnh phúc và tích cực hơn, chúng tôi tình cờ biết đến chị Avi Nguyễn, một giáo viên dạy yoga dây (aerial yoga) tại Đà Nẵng. Sau một buổi học thử với chị, chúng tôi rất ấn tượng với nguồn năng lượng tích cực mà chị mang lại cho học viên, cũng như phong cách sống thoải mái, không áp lực mà chị chia sẻ cùng chúng tôi.
Trong bài viết Nghề Lạ lần này, hãy cùng Vietcetera lắng nghe chị Avi Nguyễn chia sẻ về bộ môn yoga dây còn khá mới mẻ tại Việt Nam, cũng như cách chị nhìn nhận và lắng nghe bản thân nhờ bộ môn này.
Chị có thể kể về hành trình đến với bộ môn yoga này của mình không?
Trước đây, tôi tham gia vào một ê-kíp sản xuất phim điện ảnh. Công việc khá áp lực nên ban đầu học yoga với tôi như một cách rèn luyện thân thể, và tôi thích nhịp điệu chậm của bộ môn này. Tuy nhiên, tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ đi dạy yoga.
Sau đó, tôi đến với yoga dây (aerial yoga) sau lời mời của một người bạn ở Singapore. Buổi thử ngắn chỉ dừng lại ở những tấm ảnh tạo dáng cùng chiếc dây võng, và nhiều lời khen ngợi của bạn bè. Khi về nước tôi vẫn tiếp tục đi làm, đồng thời dạy yoga cho một vài người bạn, chủ yếu để duy trì thói quen luyện tập và giữ cơ thể được linh hoạt.
Đến một ngày, tôi quyết định chuyển ra Đà Nẵng sinh sống và mở phòng tập yoga dây nhỏ chỉ với 8 chiếc võng dây thực hành.
Yoga dây khác với yoga thông thường ở điểm nào?
Thật ra yoga dây là một bộ môn khá mới mẻ trên thế giới được phát triển bởi một diễn viên xiếc. Câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất luôn là “Tôi chưa tập yoga bao giờ, liệu tôi có thể thử với yoga dây không?”
Sở dĩ được gọi là yoga dây vì người tập sẽ ứng dụng động tác yoga lên sợi dây võng, nghĩa là nó như một dụng cụ giúp bạn thức hành động tác yoga dễ dàng hơn, vì nó giúp đỡ hoàn toàn trọng lượng cơ thể. Tư thế khác biệt lớn nhất của yoga dây là động tác đảo ngược trên dây. Khi đó xương sống người tập được kéo dãn tối đa, tim được nghỉ ngơi, cũng như đầu óc thư thả hơn.
Tuy nhiên, điều thử thách những người mới nhất là thay vì bước chân trên mặt đất, bạn phải tập bước trên dây. Lúc đó não bộ của bạn sẽ kích hoạt cơ chế tự phản kháng để cảnh báo nguy hiểm và gây cảm giác sợ sệt. Hãy xem chiếc dây như một người bạn nhảy của mình, bạn cần có thời gian tìm hiểu, hiểu được cách di chuyển của nhau rồi từ đó mới có thể thoải mái thực hành.
Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, điều gì đã thôi thúc chị mở phòng tập của mình tại Đà Nẵng?
Đà Nẵng là một trong những thành phố đáng sống nhất, đồng thời cũng là một thị trường rất tiềm năng nhờ lượng khách du lịch đông đảo. Đa số người nước ngoài đều đã biết đến hoặc đã thử qua bộ môn này, nên tôi gần như không phải thuyết phục họ tham gia. Thay vào đó, họ chủ động tìm đến với tôi để được thư giãn sau chuyến du lịch dài ngày.
Bản thân tôi không thuyết phục những học viên chưa sẵn sàng trải nghiệm. Tôi chỉ cố gắng cho mọi người thấy một góc nhìn thú vị và cận cảnh về yoga dây trên mạng xã hội, dần dần họ sẽ tự thuyết phục bản thân tìm hiểu và tham gia.
Đâu là điều chị thích và không thích khi đi dạy yoga?
Điều làm tôi thích nhất chính là thấy được sự chuyển biến cảm xúc của học viên xuyên suốt buổi tập: từ hoảng hốt chuyển sang thích thú. Tôi vui vì được nhìn thấy họ có những chuyển biến tốt về cả tinh thần lẫn sức khỏe, chẳng hạn như lưng hay cổ họ bớt đau hơn, khiến tôi cảm thấy vai trò của mình cũng có thua gì bác sĩ đâu (cười).
Cái làm tôi không thích nhất là người tập kỳ vọng rằng tôi sẽ dạy họ những tư thế khó. Yoga dây bắt nguồn từ bộ môn xiếc, cho nên người tập cũng bị ảnh hưởng bởi những động tác thiên về nghệ thuật biểu diễn. Tôi thường sẽ giải thích rõ với họ trước buổi tập về chuyện này.
Bên cạnh đó, tôi vẫn còn cảm giác áp lực dù đã đứng lớp nhiều năm. Học viên sợ khi bước chân lên dây một thì tôi sợ họ gặp rắc rối gấp mười. Sau này, tôi nhận ra giữa chúng tôi cần có sự tin tưởng thì mới có được kết quả mỹ mãn. Tôi phải tin học viên và họ cũng cần phải tin vào người đang huấn luyện mình.
Với tôi, việc dạy học giống như một hình thức trao đổi năng lượng vậy. Lớp học chỉ kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, tôi chỉ dạy vài động tác, nhưng tôi phải đảm bảo truyền cho học viên một nguồn năng lượng tích cực, sao cho sau khi rời khỏi lớp họ cảm thấy thoải mái, khỏe khoắn và sẵn sàng tinh thần để tiếp tục công việc hoặc hành trình của mình. Đó mới là cái thành công với tôi.
Phương pháp dạy yoga của chị chú trọng vào điều gì? Tinh thần hay sức khỏe?
Phương pháp của tôi sẽ thiên nhiều về tinh thần và sức dẻo – sức bền. Những học viên của tôi chủ yếu là khách du lịch và người làm văn phòng, và đa số họ vị đau lưng do ngồi nhiều hoặc mang vác balo nặng.
Vì thế, tôi thường tập cho họ những động tác đơn giản để kéo dãn xương khớp, kết hợp hít thở để thư giãn tâm trí. Sau một ngày làm việc hoặc một chuyến đi dài, đây là cơ hội để họ tĩnh lại, tập trung quan sát bản thân và tái tạo năng lượng để chuẩn bị cho một ngày mới.
Bên cạnh đó, tôi khuyến khích mọi người tôn trọng và chấp nhận bản thân. Trong quá trình tập luyện, nếu bạn thấy mệt hay đau vai và không thực hiện được động tác này thì bạn có quyền từ bỏ.
Mỗi người có một mức khả năng và cấu tạo cơ thể khác nhau, tôi muốn bạn tự tạo cho mình năng lượng tích cực, từ đó phát triển theo tốc độ của riêng mình mà không cần so kè với bất kỳ ai. Trong cuộc sống cũng vậy, mình cần học cách tận hưởng những điều mình làm được và cảm thấy vui khi làm điều đó.
Đâu là nhận định mà mọi người thường hiểu lầm khi đi học yoga?
Mọi người thường tập yoga vì một đích đến, đó có thể là một cơ thể đẹp, hoặc cảm giác thành tựu khi thực hiện được những động tác uốn dẻo hay căng cơ khó.
Có một câu nói mà tôi nghĩ những người thực hành yoga lâu năm sẽ biết đến: “Yoga is not about touching your toes, it is about what you learn on the way down.” (Hạnh phúc không nằm ở việc hoàn thành một tư thế yoga, mà là những gì bạn học được trong quá trình bạn làm tư thế đó).
Với tôi yoga là một quá trình cần thời gian và kiên nhẫn. Nó giúp chúng ta tĩnh tâm, lắng nghe bản thân và thay đổi nhận thức của mình về cuộc sống. Nhưng đúng là khó để thuyết phục mọi người vui vẻ khi họ… chưa làm được những gì họ muốn (cười).
Là một giáo viên yoga thì phải giữ dáng và giữ hình ảnh tốt?
Khi mới ra Đà Nẵng, hàng xóm nhìn tôi và hỏi rằng có đúng tôi là một giáo viên yoga không, và “sao cô giáo lại tròn thế?” Tôi cũng từng rất tự ái với những lời nhận xét như vậy.
Về sau tôi hiểu rằng mỗi người sẽ có một cấu trúc cơ thể riêng, tôi không cần phải quá gầy, hay da phải cực kỳ đẹp, mà tôi trung thực với những gì mình có. Khi còn đi làm, tôi cũng từng là một người phụ nữ thành thị luôn phải để tâm đến hình ảnh bên ngoài, cũng đặt nặng chuyện trang điểm và chăm sóc da. Nhưng bây giờ những điều đó không còn là ưu tiên nữa.
Nói như vậy không có nghĩa là phải để bản thân xuề xòa, mà hãy làm điều gì khiến bản thân bạn thực sự thoải mái. Tôi không cố giữ thân hình thon thả, vì tôi yêu món thịt và hấp thụ rất nhiều đạm.
Tuy nhiên, tôi luôn ưu tiên một hình ảnh vui vẻ, tự tin từ bên trong, và một lối sống không áp lực. Những học viên đến với tôi cũng chính vì sự vô tư và năng lượng này, vì thế tôi luôn khuyến khích mọi người thử nghiệm cái mới, sống thật với cảm xúc và yêu bản thân mình.
Nếu vậy, vì sao rèn luyện thể dục là cần thiết?
Cơ thể con người cũng như một cỗ máy, nếu biết cách bảo trì đúng lúc và đầy đủ thì sẽ duy trì thời hạn sử dụng lâu hơn.
Khi đến một độ tuổi nhất định, cơ thể chúng ta sẽ không còn điều tiết tốt như hồi trẻ, cộng với việc ít hoạt động hơn, ăn uống thừa hoặc thiếu chất là nguyên nhân dẫn đến sức khỏe suy giảm. Có thể chúng ta đều ý thức được việc này, nhưng hầu như luôn tìm được lý do để không tập thể dục.
Hơn nữa, chúng ta thường không chú trọng giải tỏa áp lực công việc. Áp lực là một quá trình tích lũy. Nếu như bạn không để ý, hoặc không hiểu các dấu hiệu mà cơ thể đang cảnh báo thì đến một ngày, bạn sẽ hoàn toàn bị đánh gục. Vậy bạn có muốn mình sống khoẻ hơn, lâu hơn và vui hơn không?
Chẳng hạn, tôi từng nghĩ thế mạnh của mình là ngồi yên trước máy tính hơn mười tiếng làm việc, nhưng đến bây giờ tôi chỉ cần ngồi lâu hơn hai tiếng đã bắt đầu đau lưng. Mọi người sẽ thắc mắc là một giáo viên yoga mà sao vẫn bị đau lưng, đây là điều bình thường thôi.
Lúc này cơ thể đang cảnh báo rằng tôi nên tạm tắt máy tính đi và đứng lên thư giãn một chút. Chỉ cần chú ý những chi tiết nhỏ như vậy thôi, bạn sẽ thấy cơ thể mình khỏe hơn rất nhiều đấy.
Xem thêm:
[Bài viết] Làm thế nào để yêu thương cơ thể mình?
[Bài viết] 4 Cách thư giãn tách biệt ‘thế giới loài người’