Dù là người mới hay đã "nằm lòng" từ lâu, bạn sẽ phải quan tâm đến việc lựa chọn nền tảng nghe podcast cho bản thân. Mỗi ứng dụng nghe podcast phổ biến ở Việt Nam như Apple Podcasts, Spotify hay Vietcetera... thực ra đều có những "cài đặt" phù hợp với nhu cầu, mục đích cho riêng bạn.
Bạn thường nghe podcast ở đâu? Chiến lược lựa chọn nền tảng nghe podcast của bạn là gì?
Trong bài viết này, Vietcetera sẽ giới thiệu 6 nền tảng nghe podcast phổ biến tại Việt Nam. Không chỉ mô tả đơn thuần, bài viết này sẽ chỉ ra những ưu - nhược điểm và gợi ý bạn tìm ra nơi chốn để “thả hồn” và lắng nghe podcast phù hợp nhất cho mình.
1. Nghe podcast trên Spotify
Với việc đầu tư hàng triệu USD vào podcast và sách nói (audio book), Spotify đang ngày càng trở thành ứng dụng được cả người sáng tạo nội dung và người nghe podcast yêu thích. Trên ứng dụng này, bạn có thể nghe hàng trăm podcast nổi tiếng với nội dung đa dạng ở nhiều lĩnh vực, chủ đề và ngôn ngữ khác nhau.
Điểm nổi bật nhất: Bạn có thể lựa chọn nghe podcast dễ dàng và phù hợp theo các gợi ý, từ danh sách podcast thịnh hành, các chủ đề riêng biệt... Ngoài ra, bạn có thể nghe cả sách nói (audio book) và nghe nhạc khi truy cập vào nền tảng này.
Điểm cộng: Không phải cài đặt, nếu bạn lựa chọn Spotify là ứng dụng nghe nhạc trực tuyến của mình trên các thiết bị như máy tính, điện thoại… trước đó.
Điểm trừ: Spotify sắp xếp các podcast theo chủ đề nhưng lại lẫn lộn các ngôn ngữ khiến người nghe khá bối rối khi tìm kiếm và lắng nghe. Bên cạnh đó, một số file âm thanh không phải là podcast (bài hát, nhạc remix…) cũng vô tình “lọt” vào các gợi ý khi bạn truy cập ứng dụng này.
2. Apple Podcasts
Apple Podcasts là một trong những nền tảng lâu đời nhất và nơi chứa đựng nhiều podcast hay, hấp dẫn nhất trên thế giới. Ngoài ra, hầu hết các podcast tiếng Việt nổi bật và thịnh hành nhất đều xuất hiện trên nền tảng này.
Điểm nổi bật nhất: Giao diện trực quan, các gợi ý được sắp xếp hợp lý khiến bạn dễ dàng khám phá và trải nghiệm các podcasts trên nền tảng này.
Điểm cộng: Ứng dụng này được tích hợp sẵn trên các thiết bị của Apple như iPhone, iPad, Macbook... dễ dàng lắng nghe, tải về, lưu trữ và chia sẻ.
Điểm trừ: Bạn phải cài đặt ứng dụng và chỉ để nghe podcast và sách nói trên ứng dụng này. Và nó khá không "tương thích" với các thiết bị khác ngoài Apple.
3. Google Podcast
Một trong những ứng dụng nghe podcast phổ biến tiếp theo tại Việt Nam chính là Google Podcasts. Bạn có thể lắng nghe trên cả hai phiên bản desktop (website) và trên app (ứng dụng).
Điểm nổi bật nhất: Giao diện trực quan với cách sắp xếp các podcast theo chủ đề một cách khá khoa học (giống với Spotify). Những gợi ý về chủ đề như top podcast phổ biến và thịnh hành, hay các chủ đề giáo dục, xã hội, văn hóa, kinh doanh... khá hợp lý.
Điểm cộng: Nếu bạn là một người yêu thích cập nhật tin tức chính thống từ các hãng tin lớn và uy tín, Google Podcasts đặc biệt sẽ phù hợp với bạn.
Điểm trừ: Nếu cài đặt ứng dụng trên thiết bị cầm tay, bạn chỉ có thể nghe podcast mà không có thêm các nội dung giải trí khác như nghe nhạc, sách nói (Spotify) hay đọc tin tức (Vietcetera)
4. Nghe podcast Nghe Vietcetera
Các podcast trên Vietcetera là một vũ trụ nội dung với nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ âm nhạc đến điện ảnh, từ du lịch đến công nghệ, marketing... Vietcetera đều có những podcast với format hấp dẫn, host chất lượng, nội dung đa chiều và cởi mở.
Điểm nổi bật nhất: Nếu đang lắng nghe podcast mà muốn biết "thế giới đang chuyển động thế nào?", bạn dễ dàng chuyển đổi để không bỏ lỡ những nội dung, câu chuyện thú vị.
Điểm cộng: Truy cập 1 lần, "thả hồn" vào cả vũ trụ nội dung podcast; và hoàn toàn miễn phí.
5. Castbox
Castbox thực sự là ứng dụng podcast mà bạn nên tìm hiểu và cài đặt lên thiết bị của mình. Nó còn là một cổng thông tin cho 1 triệu kênh podcast với hơn 95 triệu tập podcast.
Giao diện của podcast được sắp xếp hợp lý để bạn có thể trải nghiệm những podcast thịnh hành hoặc theo các chủ đề mà bạn yêu thích.
Điểm nổi bật nhất: Tìm kiếm hoặc nghe podcast yêu thích với hơn 70 ngôn ngữ. Ngoài ra, bạn cũng có thể nghe Audiobooks (sách nói) trên ứng dụng này.
Điểm cộng: Nền tảng đề xuất nhiều podcast tiếng Việt hay và hấp dẫn cho bạn tuy nhiên vẫn có thể khám phá các nội dung ở ngôn ngữ khác một cách dễ dàng.
Điểm trừ: Tuy có thể sử dụng miễn phí nhưng bạn có thể gặp một số trải nghiệm không mong muốn như có quảng cáo...
6. Stitcher
Sticher thường nằm trong top trong các ứng dụng nghe podcast trên thế giới. Nền tảng này cung cấp nhiều nội dung podcast đầy thú vị.
Với phiên bản premium, người dùng có thể truy cập các nội dung độc quyền do chính Stitcher sản xuất. Nội dung bao gồm cả chính trị, thể thao, tội phạm.... Thậm chí bạn có thể nghe series podcast của Marvel trên ứng dụng này.
Điểm nổi bật nhất: Ứng dụng nghe podcast này cho phép người dùng đăng ký các đài radio trên Internet (Internet radio station.)
Điểm cộng: Stitcher còn kết nối các podcast yêu thích của người dùng với nhau để tạo ra trải nghiệm nghe radio trực tiếp.
Điểm trừ: Có sự khác biệt giữa phiên bản miễn phí và trả phí. Bạn nên cân nhắc trước khi "xuống tay" đăng kí trả tiền cho ứng dụng nghe podcast này.