Nhận diện ‘sếp xấu tính’ và ‘sếp khó tính’ | Vietcetera
Billboard banner
22 Thg 08, 2019

Nhận diện ‘sếp xấu tính’ và ‘sếp khó tính’

Mặc dù các ‘sếp xấu tính’ thường tự nhận mình ‘khó tính’, thực tế họ hiếm khi lắng nghe và trợ giúp. Thay vào đó, những gì bạn nhận được từ họ là sự độc đoán.

Nhận diện ‘sếp xấu tính’ và ‘sếp khó tính’

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Không chỉ ở môi trường học đường mới có ‘nạn bắt nạt’, mà ở môi trường công sở cũng tồn tại vấn nạn tương tự, nhưng ở một cấp độ khác cao hơn. Bạo lực trực tiếp hay những câu chữ áp bức lộ liễu mang tính trẻ con có thể không còn hiện hữu, nên nó khiến người trẻ ít kinh nghiệm khó phân biệt được mình có đang là nạn nhân của ‘bắt nạt trí tuệ’ hay không.

Văn hoá ‘cả nể’ từ lâu đã in sâu vào lối suy nghĩ và phong cách sống của người Việt. Đối diện với những người có địa vị cao hơn, mọi người thường có xu hướng thu mình để tránh phiền toái. Tương tự vậy, với lối mòn suy nghĩ ‘họ là sếp, họ có quyền’, các bạn thường chọn nhẫn nhịn cho qua thay vì đứng lên tìm lại công bằng cho bản thân.

Thế nhưng, dưới sức ép ngày càng lớn của cách làm việc một chiều, ngoài việc không thể đáp ứng được ‘kỳ vọng’ của các cấp trên xấu tính, sức khoẻ của bạn cũng ngày càng xuống dốc. Công ty tưởng chừng là nơi khơi gợi tinh thần học hỏi, qua thời gian, bỗng trở thành một nơi tồn tại nhiều nỗi ám ảnh đáng sợ.

Vì thế, nhằm bảo vệ quyền lợi và đảm bảo tương lai sự nghiệp của bản thân, hãy cùng Vietcetera nhận dạng đặc điểm của người ‘sếp xấu tính’, cũng như tự trang bị cho bản thân kỹ năng “sống còn” chốn công sở.

Sếp của bạn ‘khó tính’ hay ‘xấu tính’?

‘Sếp khó tính’ là những người lãnh đạo sở hữu tính cách quyết đoán và nghiêm túc gần như tuyệt đối trong công việc. Kết quả hướng đến của họ thường không dừng lại ở mức độ ‘tạm ổn’ và ‘ổn’, mà ‘tốt nhất’ mới chính là tiêu chí phấn đấu hàng đầu. Mục tiêu làm việc của họ tuy cao nhưng luôn bám sát với thực tế.

Một điểm chung khác là các ‘sếp khó tính’ thường coi trọng vai trò cố vấn của mình. Là người đầu tàu nên họ luôn cố gắng hướng dẫn cho nhân viên của mình—cần làm gì, làm như thế nào và tại sao,” Giáo sư Alan Cavaiola cho biết. Tuỳ vào tính cách mà sự tận tuỵ của họ đối với cấp dưới sẽ ở các mức độ khác nhau.

Office Gossip Nhận diện lsquosếp xấu tiacutenhrsquo vagrave lsquosếp khoacute tiacutenhrsquo0

‘Sếp khó tính’ là những người lãnh đạo sở hữu tính cách quyết đoán và coi trọng vai trò cố vấn của mình. Trong khi đó, ‘sếp xấu tính’ là những người có xu hướng làm việc độc đoán, có xu hướng ép buộc nhân viên bằng nhiều cách tiêu cực. Ngược lại, mặc dù các ‘sếp xấu tính’ thường tự nhận mình ‘khó tính’, nhưng thực tế họ hiếm khi lắng nghe và trợ giúp cho nhân viên. Thay vào đó, những gì bạn nhận được từ họ là sự độc đoán. Họ ép buộc bạn phải làm việc và đạt kết quả theo ý mình một cách vô lý, bằng những thái độ tiêu cực như mỉa mai, la hét, nhục mạ,…” Cavaiola tiết lộ thêm.

Như phần lớn các kiểu bắt nạt khác, gốc rễ của lối hành xử tiêu cực này cũng bắt nguồn từ nỗi sợ mang tên ‘thiếu năng lực’, đi kèm sự thiếu hụt trong tư duy cảm xúc và xã hội. Vì thế, “để có được cảm giác an toàn, họ cần tự kiến tạo cho bản thân một thế giới mà ở đó, mình là người có quyền lực vượt trội hơn cả,” theo lời Catherine Mattice-Zundel.

Liệu bạn đang được rèn luyện từ người ‘sếp khó tính’, hay đang chịu sự áp bức, dày vò từ người ‘sếp xấu tính’? Hãy cùng Vietcetera điểm qua một số đặc điểm nhận diện dưới đây.

1. Là sếp nhưng sự hiện diện của họ lại vô cùng mờ nhạt

Giữ vai trò là người đầu tàu, nên việc tương tác, hướng dẫn cho các thành viên cấp dưới luôn là trách nhiệm cần được ưu tiên. Chỉ khi biết cách đảm nhận trọng trách này, người lãnh đạo mới có thể “chèo lái” cả đội và chính mình chạm được đích đến. Cho nên, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, việc cấp trên phớt lờ cấp dưới—không trả lời email, không nghe điện thoại, không nhận tin nhắn,…—đều được xem là hành động thiếu chuyên nghiệp.

Sẽ là một vấn đề vô cùng đáng ngại nếu cách phản hồi kỳ lạ này của họ là có chủ đích. Theo Preston Ni, phương pháp giao tiếp im lặng này thường là một chiến thuật trí tuệ được các ‘sếp xấu tính’ áp dụng nhằm thao túng bạn. Cách làm này giúp họ củng cố vị trí của bản thân trong cuộc sống của bạn. Họ làm bạn cảm thấy nếu thiếu họ bạn sẽ khó có thể hoàn thành công việc. Từ đó, như một cách đánh đổi, bạn sẽ phải nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của họ để có được phản hồi.

Office Gossip Nhận diện lsquosếp xấu tiacutenhrsquo vagrave lsquosếp khoacute tiacutenhrsquo1

Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, việc cấp trên phớt lờ cấp dưới—không trả lời email, không nghe điện thoại, không nhận tin nhắn,…—đều được xem là hành động thiếu chuyên nghiệp.Tương tự như cách giữ im lặng, một số câu nói như “Đó không phải là chuyện của tôi” cũng cho thấy thái độ làm việc một chiều của họ. Mọi điều bạn nói, mọi nỗ lực đóng góp của bạn thường sẽ không được họ quan tâm và ghi nhận. “Chuyện của họ” ở đây là việc bạn phải lắng nghe, tuân thủ và đi theo đường hướng chỉ đạo của họ, không được ý kiến hay làm gì thêm.

Vậy nếu lỡ ‘dưới trướng’ dạng sếp này, thì:

Không đơn giản để xác định được chính xác liệu sếp có đang quá bận hay đang áp dụng ‘thuật’ im lặng để thao túng bạn. Thế nhưng, một điều bạn có thể chắc chắn là tuyệt đối không được đánh mất niềm tin và sự chủ động của bản thân. Nếu sếp bạn mãi không phản hồi, bạn có thể cảm thấy thất vọng nhưng tuyệt đối đừng vội bỏ cuộc. Đối với những vấn đề cần sếp đích thân thông qua, bạn cứ để công việc ở đó và đừng nôn nóng giải quyết. Bởi họ là người chịu trách nhiệm chính, chịu áp lực KPI từ phía lãnh đạo cấp cao. Bạn cứ làm tròn bổn phận của mình là kiên trì nhắc nhở họ.

Ngoài ra, bạn cần chủ động xác định tầm quan trọng cũng như mục tiêu của từng phần công việc. Từ đó, đối với những phần việc đơn giản – không cần đích thân sếp ‘ra mặt’ nhưng vẫn có thể hoàn thành – bạn hãy thử tự mình lập phương án giải quyết những vấn đề đó . Táo bạo nhưng không liều lĩnh, đằng sau hành động đó của bạn đương nhiên phải có các ‘hậu thuẫn’ đáng tin cậy—bao gồm kiến thức, kinh nghiệm cho đến sự hỗ trợ từ những người đồng nghiệp xung quanh. Tuy nhiên, đừng quên sau khi đã có phương án giải quyết, bạn vẫn phải trình lên cho họ trước. Hành động này của bạn được xem như một lời nhắc nhở đến họ.

Nếu bạn làm việc theo nhóm và đa phần các thành viên đều chịu đựng điều tương tự, khi có dịp, tất cả hãy cùng nhau ngồi xuống nói chuyện với sếp. Đừng tỏ ra gay gắt, mà nên duy trì thái độ thiện chí, bình tĩnh khi trình bày về vấn đề cả nhóm đang gặp phải. Trường hợp họ vẫn không thay đổi hoặc có thái độ tệ hơn sau khi đã được góp ý thì bạn cần phải trình lên bộ phận nhân sự để được giải quyết.

“Bạn có thể chờ đợi sự chấp thuận của người khác, hoặc trở thành sếp của chính mình.” – X nhún vai nói. “Bạn biết đó, để trị những người sếp mờ nhạt, đôi khi bạn phải chứng minh cho họ thấy sự hiện diện của họ cũng mờ nhạt thật,” X – nhân viên Account 25 tuổi nhìn lại 6 tháng làm việc của mình và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó của mình đối với người sếp cũ. X cho biết sau khi trò chuyện với sếp cũ và trao đổi với bộ phận nhân sự, hiện tại cô đã được chuyển sang nhóm làm việc khác.

2. Họ quát mắng, đổ lỗi cho bạn thay vì góp ý

Để góp ý, thuyết phục nhân viên cấp dưới, các lãnh đạo bình thường luôn sẽ chọn cách trao đổi vấn đề với thái độ bình tĩnh, ôn hoà. Còn các ‘sếp xấu tính’ vốn có xu hướng thiếu kiên nhẫn, họ không thể ngồi xuống để bàn luận với bạn.

Thay vào đó, họ sẽ sử dụng các phương pháp cưỡng chế như quát mắng, xỉ vả cùng hàng loạt biểu cảm “nặng nhẹ” khác để buộc bạn phải làm theo ý mình thật nhanh chóng. Bởi khi con người đối diện với nỗi sợ hãi, ngoài việc trốn chạy, cách đơn giản nhất chúng ta có thể làm để bảo vệ bản thân ngay tại thời điểm đó là chấp nhận phục tùng.

Office Gossip Nhận diện lsquosếp xấu tiacutenhrsquo vagrave lsquosếp khoacute tiacutenhrsquo2

Các ‘sếp xấu tính’ vốn có xu hướng thiếu kiên nhẫn, nên họ thường không đủ bình tĩnh để ngồi xuống bàn luận với bạn. Thêm vào đó, hai tính từ khác khó tìm được ở dạng sếp này là ‘dũng cảm’ và ‘bản lĩnh’.Ngoài ra, dạng cấp trên nguy hiểm này còn có một thói quen xấu vô cùng phiền phức khác là đổ lỗi. Bởi nhận lỗi vốn là việc không hề đơn giản, nó đòi hỏi sự dũng cảm và bản lĩnh—hai tính từ khó tìm thấy được ở các thành phần chuyên bắt nạt. Một người sếp chuyên nghiệp và tốt tính thường sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Còn khi nhân viên của mình mắc lỗi, với vai trò lãnh đạo, ít nhất họ vẫn sẽ nhận một phần lỗi về mình.

Trong trường hợp này, bạn nên:

Giữ cho mình “cái đầu lạnh” có lẽ là phương pháp hữu ích nhất. Bộc lộ cảm xúc cá nhân như đôi co qua lại với họ là điều tối kỵ, bởi phần thắng thường ít khi nghiêng về bạn—một nhân viên cấp dưới “thấp cổ bé họng”. Vì thế, bạn hãy cố gắng duy trì thái độ bình tĩnh nhất có thể. Việc làm này không chỉ giúp bạn tự trấn tĩnh, cho phép bản thân suy nghĩ thấu đáo, mà còn là một ‘mẹo’ nhỏ để bạn điều khiển cơn giận của đối phương.

Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng email như một kênh giao tiếp mặc định khi làm việc để đề phòng ngộ nhỡ. Hạn chế trao đổi qua các phương tiện không chính thống như nhắn tin riêng, mạng xã hội,…. nếu có thì nên chủ động lưu giữ bằng chứng trao đổi. Cách này không chỉ đóng vai trò ‘phao cứu sinh’ khi cần, mà còn giúp thể hiện quan điểm về công việc và trách nhiệm của riêng bạn.

Làm graphic designer, việc nhận được phản hồi yêu cầu chỉnh sửa của khách hàng trong 2, 3 vòng đầu là điều luật khá bình thường, nhưng L cho biết sếp của mình với cái tôi quá cao, nên dường như không hề cảm thấy vậy. Khi nhận được phản hồi chỉnh sửa lần thứ 2, sếp của L sẽ gọi nhân viên vào phòng họp hoặc đôi khi mắng nhiếc ngay tại chỗ. Không phân tích đúng sai, không cho nhân viên cơ hội giải bày, không góp ý mà sếp của L ngay lập tức cũng như liên tục dùng lời lẽ tiêu cực để quát mắng rồi bỏ đi, để nhân viên phải tự loay hoay sau đó. Hơn thế, L còn phải chịu đựng thái độ ‘lạnh nhạt’, cũng như những câu nói mỉa mai, ‘đâm chọt’ không liên quan của sếp mình liên tục nhiều ngày. Vì sợ tiếp tục làm sếp không hài lòng, L và các đồng nghiệp thời gian đầu làm việc trong lo sợ. Như một cách tự bảo vệ bản thân, mọi người dần trở nên thụ động. Họ chỉ dám nghe theo ‘răm rắp’ từng lời, đi theo từng bước của sếp mình.

L đã thử dũng cảm dành thời gian để trao đổi về vấn đề này với sếp. Càng ra sức giải thích, L càng nhận lại nhiều sự bất mãn . Nhận ra đó không phải là một giải pháp khôn ngoan, L chọn cách hạn chế giải thích và phân trần. Thay vào đó, L duy trì thái độ bình tĩnh, chủ động tiếp thu ý kiến từ đồng nghiệp và học hỏi các lãnh đạo khác nhằm từ đó chủ động tìm con đường khác cho mình.

3. Khéo léo ép buộc bạn với thái độ hờ hững, úp mở

Có vô vàn ‘tuyệt chiêu’ để một người nắm giữ quyền lực có thể thao túng bạn. Ngoài các cách có thể quan sát và nhận biết được từ bên ngoài, họ còn sử dụng hàng loạt “luật bất thành văn” để họ trói buộc bạn.

Trong cuốn sách The First 90 Days của mình, Michael Watkins cho biết: “Duy trì sự bí ẩn chính là phương pháp các sếp dùng để che mắt nhân viên, khiến họ làm theo ý mình một cách dễ dàng, cũng như hạn chế được sự trỗi dậy của các ‘làn sóng’ phản đối.”

Office Gossip Nhận diện lsquosếp xấu tiacutenhrsquo vagrave lsquosếp khoacute tiacutenhrsquo3

Duy trì sự bí ẩn chính là phương pháp các sếp ‘xấu tính’ dùng để che mắt nhân viên, khiến họ làm theo ý mình một cách dễ dàng, cũng như hạn chế được sự trỗi dậy của các ‘làn sóng’ phản đối.Một công ty uy tín, một người sếp đáng tin sẽ không bao giờ muốn bản thân mình bị đính kèm với sự mập mờ thiếu rõ ràng. Sếp của bạn có thường giữ thái độ giấu diếm bằng những câu nói “ở đây ai cũng làm thế”, “ở công ty này là vậy”, “đừng hỏi gì thêm, luật ở đây là vậy”… và buộc bạn phải làm việc trong sự mù mờ không? Nếu có thì đã đến lúc bạn nên quan sát, tìm hiểu người sếp này của mình kỹ lưỡng hơn.

Cũng có thể người đó không có ý định thao túng, bắt nạt bạn, nhưng việc cân nhắc về người sếp này vẫn là điều nên làm. Việc ‘răm rắp’ tuân thủ luật lệ không hiểu lý do thường bắt nguồn từ sự cứng nhắc, thiếu chí cầu tiến của một lãnh đạo. “Chỉ khi ngừng hành động mù quáng theo các luật lệ lỗi thời và chủ động nắm lấy các thử thách mới, các lãnh đạo mới kích thích được thêm nhiều năng lực của bản thân,” Michael Watkins chia sẻ thêm.

Nếu vô tình rơi vào trường hợp này thì:

‘An phận’ là điều bạn không nên làm nhất. Để có được bước tiến trong sự nghiệp, bạn cần trang bị cho mình sự chủ động kèm theo một lý trí tỉnh táo. Thay vì để bản thân dễ dàng bị điều khiển, bạn hãy tự làm sáng tỏ những luật lệ mập mờ bằng cách xây dựng ‘mạng lưới’ xã hội, bao gồm các mối quan hệ đáng tin tưởng trong công ty. Sau đó, bạn khéo léo trình bày sự việc với họ để xác nhận tính chân thật cũng như tìm hiểu lý do đằng sau các luật lệ này.

Kết

Ban đầu sẽ hơi khó để nhìn thấy được sự khác nhau giữa hai dạng sếp này, bởi họ đều cho bạn nhiều thử thách và áp lực. Tuy nhiên, khi làm việc cùng những cấp trên chỉ đơn thuần là khó tính, bạn dễ dàng nhận thấy ba điều: không bị rơi vào trạng thái mù mờ, có được các bài học giá trị và sự cảm thông.

Qua kinh nghiệm ‘chinh chiến’ lâu năm, một người sếp có tầm nhìn sẽ biết rõ, tâm lý an toàn của từng thành viên mới có thể mang họ đến với thành công, chứ không phải là nỗi sợ. “Sự an toàn về mặt tâm lý là khi bạn được tự do phát biểu. Bạn tự do chia sẻ những tin xấu. Bạn tự do nhờ trợ giúp nếu gặp vấn đề quá sức,” Edmonson chia sẻ. “Để công việc được hoàn thành xuất sắc, người làm sếp phải cho nhân viên của mình một tâm lý an toàn, không sợ hãi.”

Hy vọng một số đặc điểm cơ bản nêu trên sẽ giúp bạn nhận diện nhanh chóng vấn đề của bản thân và tìm được cách khắc phục phù hợp để cuộc sống văn phòng trở nên suôn sẻ hơn.

*Danh tính nhân vật đã được thay đổi để tôn trọng sự riêng tư của họ.

Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.

Xem thêm:

[Bài viết] Office Gossip: Học sai ngành, làm trái nghề, tôi “thu thập” được gì?

[Bài viết] Office Gossip: 7 Điều chỉ những người làm việc trong môi trường song ngữ mới hiểu