1. Chuyện gì đang xảy ra?
Vào ngày 17/2, Bộ Tư pháp Nhật Bản xem xét kiến nghị nâng độ tuổi đồng thuận quan hệ tình dục ở nước này từ 13 lên 16 tuổi. Bên cạnh việc tăng tuổi đồng thuận, kiến nghị cũng mở rộng định nghĩa về hiếp dâm, đồng thời đặt tiền đề pháp lý ngăn chặn việc tội phạm hiếp dâm né án bằng cách đổ lỗi cho tình dục đồng thuận.
Kiến nghị này tới từ một hội đồng trong Bộ Tư pháp của Nhật, và sẽ mất một thời gian để Quốc hội nước này nhận đệ trình về thay đổi, cũng như thảo luận và bỏ phiếu thông qua sự điều chỉnh này. Trong trường hợp mọi việc tiến triển tốt, Quốc hội Nhật Bản có thể thông qua luật ngay trong mùa hè năm nay.
2. Những tác nhân nào thúc đẩy sự thay đổi?
Nhật Bản chọn 13 làm độ tuổi đồng thuận từ năm 1907, và hoàn toàn không có sự điều chỉnh trong hơn một thế kỷ sau đó. Một số nhà sử học cho rằng độ tuổi 13 được lựa chọn do sự ảnh hưởng của luật dân sự Pháp từ thời Napoleon (Napoleonic code). Nhật Bản chọn hệ thống luật này như một trong các nguồn để tham khảo và đối chiếu khi xây dựng các đạo luật của chính họ vào thời Thiên hoàng Minh Trị (nửa sau thế kỷ 19).
Trong bối cảnh quá khứ, con số 13 có vẻ phù hợp với văn hóa và tình hình xã hội của Nhật Bản lúc bấy giờ. Vào thời điểm đó, tuổi thọ trung bình của phụ nữ Nhật Bản là 44, và việc lập gia đình cũng như sinh nở khi còn ở tuổi thiếu niên là điều thường thấy. Tuy nhiên, hơn một thế kỷ sau, các điều kiện xã hội đã thay đổi, đòi hỏi luật pháp phải có sự điều chỉnh tương ứng.
Sự ảnh hưởng của phong trào #MeToo và một số án hiếp dâm gây chấn động tại Nhật từ năm 2018 là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới kiến nghị này. Đồng thời, một bản kiến nghị (petition) vào năm 2020 với hơn 50 ngàn chữ ký kêu gọi nâng tuổi đồng thuận từ 13 lên 16 cũng gây tiếng vang lớn tại Nhật.
3. Có những bất cập gì trong quy định liên quan đến hiếp dâm và xâm hại tình dục tại Nhật?
Theo luật tại Nhật Bản, khi có một cáo buộc hiếp dâm, bên cáo buộc phải chứng minh được rằng hành động giao cấu không có sự đồng thuận và/hoặc có sự đe dọa, ép buộc một bên phải tham gia hoạt động tình dục, bằng không thì vụ việc được coi là tình dục đồng thuận. Đây là một lỗ hổng lớn mà từ đó nhiều tội phạm cưỡng hiếp đã thoát tội.
Một ví dụ nổi bật cho lỗ hổng này là vụ án một người cha ép buộc chính con gái mình quan hệ tình dục. Tòa cho biết vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội phạm, nhưng lại không thể xác định liệu nạn nhân đã có hành vi chống cự hay không nên đã không tuyên án, cho tới khi áp lực từ dư luận quá lớn khiến vụ án được lật lại và kết thúc bằng bản án 10 năm tù.
Việc phải phụ thuộc vào sự chống cự của nạn nhân để tiến hành cáo buộc hiếp dâm cũng tạo điều kiện cho các vụ án cưỡng hiếp khi nạn nhân trong trạng thái không tỉnh táo, như khi đang say hoặc bị lừa uống thuốc kích thích. Việc mở rộng định nghĩa hiếp dâm tới các hành động bỏ thuốc mê hay lợi dụng tình trạng của nạn nhân cũng được nhắc tới trong bản kiến nghị mới đây.
4. Tuổi đồng thuận của Nhật Bản đã thấp nhất thế giới chưa?
Với đa số người Việt Nam, nơi độ tuổi đồng thuận là 16, thì ngưỡng tuổi 13 của Nhật Bản có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Có lẽ họ sẽ thêm phần bất ngờ khi biết rằng ngưỡng tuổi ấy vẫn chưa phải là thấp nhất trên thế giới.
Đất nước cho phép quan hệ tình dục sớm nhất là Nigeria, ở độ tuổi 11, và sau Nigeria là Angola với mức 12 tuổi. Philippines cũng từng đặt tuổi đồng thuận là 12, tuy nhiên nước này đã thay đổi thành 16 vào năm 2022 trước áp lực của người dân.
Hai nước láng giềng của nhau là Niger và Burkina Faso đều đặt tuổi đồng thuận là 13. Trong khi đó, nhiều nước ở nhiều châu lục chấp nhận 14 là độ tuổi phù hợp để quan hệ tình dục đồng thuận, bao gồm Đức, Áo, Brazil, Peru, Colombia, DR Congo, Chad, Myanmar, Trung Quốc, v.v.
5. Cần lưu ý điều gì khi nói về tuổi đồng thuận?
Trường hợp thanh thiếu niên độ tuổi 12, 13 quan hệ tình dục và kết hôn thực ra không xa lạ với nước ta. Trong thời gian gần đây, đã có nhiều sự việc trẻ em quan hệ tình dục trước tuổi dẫn tới mang thai. Hoạt động tảo hôn của các đồng bào dân tộc cũng tạo ra nhiều bình luận.
Việc giáo dục cho trẻ em sớm nhận thức về cơ thể của mình, về các vấn đề giới tính và những quy định của luật pháp về tình dục, hôn nhân là cần thiết để các em tự bảo vệ bản thân mình, từ đó tiến tới các mối quan hệ lành mạnh. Nhưng ta cũng cần lưu ý rằng độ tuổi kết hôn ở nhiều nước và nhiều khu vực địa lý phụ thuộc vào những bối cảnh văn hóa và xã hội khác nhau.
Vì thế, không có một độ tuổi đồng thuận có thể áp dụng ở tất cả mọi nơi. Các quốc gia phải đặt ra ngưỡng tuổi sao cho phù hợp với bối cảnh nước mình. Những trường hợp của Nhật hay Philippines cho thấy luật pháp luôn có những độ trễ nhất định so với sự thay đổi của xã hội.