Những bí mật tiệm nail không bao giờ tiết lộ với bạn | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 07, 2022

Những bí mật tiệm nail không bao giờ tiết lộ với bạn

Đằng sau những bộ nail được chăm chút tỉ mỉ, ngành kinh doanh “tay chân” này còn có không ít những góc khuất về sức khỏe, giá tiền bạn chưa từng biết. Hãy tìm hiểu kỹ trước khi trao tay!
Những bí mật tiệm nail không bao giờ tiết lộ với bạn

Bên trong tiệm nail có "bí mật" gì mà bạn chưa biết? | Nguồn: Pinterest

Làm nail cũng có một lịch sử từ đường phố đến cửa tiệm sang chảnh. Vào đầu những năm 2000, làm nail, khi đó hay được gọi là làm móng, là một dịch vụ mở rộng của các tiệm làm tóc.

Bạn cũng có thể thấy các chị làm móng dạo với một giỏ nhựa đầy ắp các chai nước sơn móng tay đủ màu cùng bộ kềm. Dịch vụ lúc bấy giờ chỉ đơn giản xoay quanh việc cắt da, lấy khoé, sơn móng.

Ngày nay, các tiệm làm nail mọc lên như nấm sau mưa. Nhiều nơi mang vẻ ngoài hào nhoáng, sang trọng với nhiều dịch vụ tạo hình lạ mắt, phức tạp hơn. Tuy nhiên, đằng sau ngành công nghiệp hái ra tiền này có nhiều chuyện để nói hơn chúng ta tưởng.

Giá niêm yết chỉ là chiêu trò dẫn dụ

Qua một vòng khảo sát tại nhiều tiệm nail ở TP.HCM, giá sàn làm cho một ngón tay vào khoảng 25 ngàn đồng. Giá trung bình cho cả hai bàn tay rơi vào khoảng 250 – 400 ngàn đồng. Tuy nhiên, bạn sẽ bắt gặp khá nhiều những lời quảng cáo những voucher làm “full tay” chỉ với giá 90 ngàn. Và đây cũng là lúc giá cả sẽ bắt đầu “loạn lạc.”

Hiếm khi nào bạn có thể rời khỏi tiệm nail với mức giá “phải chăng” mà bạn thấy trong các lời quảng cáo. Bên cạnh mức giá sàn, các nơi làm nail sẽ luôn đề xuất các dịch vụ đi kèm với nhiều mức giá khác nhau.

alt
Các dịch vụ đi kèm khiến giá cuối cùng khi làm nail tăng lên | Nguồn: Bookwell

Đơn cử như ngâm tay trong nước thảo mộc 100 ngàn, gỡ móng cũ 30 ngàn, làm cứng móng thêm 30 ngàn, cắt da 60 ngàn. Vì vậy, trước khi đến với công đoạn chính là tạo hình, vẽ móng, bạn đã phải trả thêm gần 100 ngàn.

Đi vào các dịch vụ chính, giá cả cũng khiến không ít người cảm thấy bối rối. Tùy theo lựa chọn của bạn là đắp móng (tùy loại móng gel hay móng bột) hay sơn móng mà giá cả có thể chênh nhau đến vài trăm nghìn đồng. Tuy có bảng giá cố định nhưng khi bạn muốn làm móng theo yêu cầu thì mỗi nơi sẽ có những cách tính tiền khác nhau.

Chẳng hạn, một số nơi sẽ tính theo tay nghề người vẽ, nơi khác báo giá cảm tính theo độ hoành tráng và phức tạp của bộ nail bạn muốn làm. Ngoài ra, nhiều tiệm nail lại tách riêng giá sơn gel và và sơn cứng móng nên khi tính tiền sẽ bị đội lên.

“Đồ nhập khẩu hết đấy, an tâm chất lượng!”

Thành quả lung linh của những bộ nail mới làm có thể khiến bạn quên đi nguồn gốc của các loại sơn móng tay. Tuy nhiên, sơn móng đến cuối cùng vẫn là các loại hóa chất. Nếu chúng không được sản xuất an toàn cho người dùng thì sẽ gây ra không ít tác hại.

Nhiều nghiên cứu cho thấy trong sơn móng tay có chứa chất gây hại cho cơ thể như dị ứng, viêm da tiếp xúc. Đặc biệt, các chất hóa học trong sơn móng tay có thể ngấm vào máu.

alt
Khó kiểm tra chất lượng và nguồn gốc của các loại sơn móng | Nguồn: Allure

Điều nan giải là rất khó để xác định được nguồn gốc của các loại sơn ở các tiệm nail. Nếu bạn hỏi, câu trả lời thường là sơn nail này nhập khẩu Hàn Quốc, Mỹ hoặc Pháp. Tuy vậy, chúng có thật sự đến từ những nước kể trên hay không thì có trời mới biết.

Chưa kể, một số tiệm nail dùng các loại sơn được cho là từ các hãng nổi tiếng nhưng nếu không tự tay mua ở cửa hàng chính hãng thì mọi loại mỹ phẩm đều có thể là hàng giả cả.

Tuy nhiên, bạn có thể kiểm tra chất lượng sơn thông qua kết quả sau khi làm móng. Những con nghiện làm nail cho biết, bí quyết để nhận biết sơn “xịn” là khả năng giữ màu tốt, bám trên móng ít nhất 3 tuần mà không bị bong tróc.

Ngoài ra, khi tháo móng sẽ bong ra cả mảng, không cần phải cạy ra từng chút một. Kế đến, mùi của sơn móng dỏm thường rất hắc, xộc lên mũi khó chịu. Phần cổ lọ sơn thường đóng nhiều bợn cứng do các thành phần hóa học độc hại.

alt
Sản phẩm làm nail kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe | Nguồn: The New Yorker

Hiện nay, một số nhãn sơn móng đã ghi trên nhãn các cụm từ như “three-free” hoặc “five-free” ý chỉ không chứa nhóm các loại hóa chất độc hại.

Tuy nhiên, theo Nneka Leiba, phó chủ tịch về khoa học sống lành mạnh của Nhóm Công tác Môi trường (EWG) cho biết: thành phần hóa học của sơn móng đã được thay đổi, nhưng các nguyên liệu mới này vẫn tiếp tục bị nghi ngờ là gây tác động đến nội tiết tố của con người.

Tai nạn làm móng từ thợ thiếu kinh nghiệm

M.A - một nhân viên văn phòng kể về lần đi làm móng dở khóc dở cười: “Mình muốn vẽ ombre họa tiết cây dừa thì không may lại gặp một bạn nhân viên không có kỹ thuật. Sau một hồi lâu, bạn “tặng” mình bốn cây dừa trong giống mạng nhện hay lưới đánh cá với giá 500 ngàn. Chưa dừng lại, ngay trong chiều hôm đó thì hai móng bị rơi ra trong sự thất vọng của mình.”

Làm nail cũng là một loại hình nghệ thuật. Phải mất ít nhất ba tháng cho việc học làm nail cơ bản, còn để làm các kĩ thuật khác đòi hỏi kinh nghiệm từ 1 đến 2 năm. Ngoài ra, nail cũng như làm tóc, trang điểm đòi hỏi gu thẩm mỹ của mỗi người. Vì vậy, với những nơi mà nhân viên tay nghề non kém, việc thành phẩm khác xa kỳ vọng là điều không hiếm.

alt
Thợ làm nail thiếu kinh nghiệm có thể gây ra những tai nạn không đáng có cho khách hàng | Nguồn: Local Insider

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể gặp những tai nạn khi đi làm nail không chuyên nghiệp như cắt phạm vào tay, chảy máu, gãy móng, bào mòn móng… Nhiều người sau khi đi làm nail về phải tốn thêm nhiều tiền để đi điều trị các vấn đề nhiễm trùng da, thậm chí hình dạng móng cũng bị biến dạng khó thể hồi phục.

Chưa kể một số nơi, quy trình làm nail thường không đảm bảo vệ sinh, nhân viên quên khử trùng dụng cụ vẫn thường xảy ra. Thậm chí ở Mỹ, có đến 75% số tiệm nail không làm đúng quy trình vệ sinh trước khi làm cho khách. Vậy chắc bạn cũng có thể hình dung mức độ vệ sinh của tiệm nail đầu ngõ rồi đấy.

4 điều cần nhớ trước khi bước chân vào tiệm nail

1. Đồ ai người nấy dùng

Có một “luật bất thành văn" mà tất cả các tín đồ làm móng tiệm đều truyền tai nhau, đó là phải có bộ dụng cụ làm móng cá nhân và mang theo khi đi tiệm. Tiếc chi một bộ làm nail riêng mà phải dùng chung với những chiếc kiềm đã “phục vụ” đến hàng ngàn đôi tay.

2. Thoa kem chống nắng cho da tay

Kế đến, bạn nên sơn lớp bảo vệ móng để khi tháo gel, móng tay sẽ đỡ bị lồi lõm, trầy xước. Ngoài ra, trong quy trình làm nail còn có công đoạn chiếu đèn UV để khô móng. Điều này có thể khiến các ngón tay bị sạm đen hệt như đi dưới ánh nắng mặt trời. Vậy nên, bạn cần bôi kem chống nắng lên bàn tay để da được bảo vệ.

3. Đánh giá tay nghề của tiệm nail

Về vấn đề thẩm mỹ, cách để tránh những nơi vẽ không đẹp, bạn nên tham khảo những mẫu nail của tiệm trên mạng xã hội. Kinh nghiệm cho thấy những nơi có tay nghề cao sẽ luôn đăng những bức ảnh thành phẩm “chính chủ” lên mạng. Còn những tiệm “non trẻ” sẽ thường tổng hợp hình ở những nơi khác để gây chú ý.

4. Yêu cầu người có chuyên môn

Ngoài ra, bạn nên nói rõ nhu cầu của mình khi vào tiệm để nhân viên sắp xếp người làm cho bạn. Trong các tiệm nail thường có người chuyên vẽ họa tiết, chuyên đính đá…

Tùy nhu cầu của bạn mà sẽ có người phụ trách chuyên biệt. Bạn cũng có thể hỏi về việc vẽ lại hay biện pháp xử lý trước khi thực hiện để không cảm thấy bị lừa khi nhận về một bộ nail không ưng ý.