Tốn Tiền: Nửa triệu làm nail để biết cái giá của sự phù phiếm | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
14 Thg 07, 2022

Tốn Tiền: Nửa triệu làm nail để biết cái giá của sự phù phiếm

Bài học rút ra là: Đẹp và tiện không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau.
Tốn Tiền: Nửa triệu làm nail để biết cái giá của sự phù phiếm

Nguồn: TL

Làm móng không phải là thứ nằm trong danh mục “sẽ làm” của tôi khi có lương. Để nói về lý do thì vô kể: ngại ngồi lâu, quá nhiều lựa chọn, nghèo… vì đã trót tiêu thứ khác trước đó.

Nhưng phàm trên đời, cái gì lâu lâu cũng có ngoại lệ. Người ta có thể đi xem phim mà mình không thích vì người thương, dành chỗ ở buổi hòa nhạc dù ghét chốn đông người vì đam mê đu idol. Còn tôi thì làm móng tay vì anh trai… cưới.

Trong tâm thế đó, tôi xúng xính đến tiệm làm móng sớm hẳn 3 ngày trước đám cưới. Và với sự háo hức cộng độ ngáo ngơ của người lần đầu đi làm móng, tôi đã phạm sai lầm chí mạng: gật đầu trước lời mời upsell.

Upselling (tạm dịch: bán hàng gia tăng) là một mẹo tâm lý phổ biến trong buôn bán. Đây là một chiến thuật khuyến khích khách hàng chi nhiều tiền hơn bằng cách mua phiên bản nâng cấp hoặc cao cấp của sản phẩm đang mua.

Thỉnh thoảng, chiêu thức này “cao tay” ở chỗ: nếu giá của sản phẩm gốc đã nằm chễm chệ trên bảng giá, thì giá để nâng cấp sản phẩm sẽ được rỉ vào tai bạn dưới hình thức “chỉ cần thêm X đồng, anh/chị sẽ được…”

Ly cà phê của tôi đã từng bị đội giá gấp rưỡi chỉ sau vài cái gật đầu trước lời đề nghị upsize, thêm whipped cream và ti tỉ các thể loại topping từ nhân viên.

Và giờ đây, tôi mắc đúng sai lầm lúc trước của mình, chỉ là khác nơi chốn. Từ ý định ban đầu đơn giản là sơn gel, tôi kết thúc bằng bộ móng có phần “ô dề” khi bị upsell các dịch vụ: úp móng, sơn mắt mèo, đính charm với lý do “như vậy đi đám cưới mới nổi”.

Cầm chiếc hóa đơn ngót nghét 500 nghìn, lòng tôi thắt lại, đầu bắt đầu miên man cùng bài toán “với nhiêu đây tiền mình đã ăn được X bát phở bò”. Tuy nhiên, tôi vẫn tự an ủi rằng ít ra bộ móng này cũng tồn tại được 1 tháng (theo lời của nhân viên).

Đáng tiếc, bộ móng không đồng hành với tôi lâu đến vậy.

Đẹp không phải lúc nào cũng đi đôi với tiện. Ngày đầu tiên cùng bộ móng mới, tôi đã thấm thía bài học này. Bởi độ dài của nó, đầu ngón tay của tôi không chạm được vào bàn phím. Hãy tưởng tượng bạn phải gõ máy tính chỉ-bằng-móng-tay suốt 8 tiếng đồng hồ. Với 80% thời lượng công việc là gõ, đây là một trải nghiệm không hề dễ chịu. Và tôi đã phải cắn răng chịu đựng đến ngày đám cưới.

Ngay hôm sau, bộ móng “đáng lý dùng được 1 tháng” của tôi bay màu. Tôi tức tốc lao đến tiệm làm móng chỉ để kết thúc nỗi bứt rứt kéo dài suốt 4 ngày.

Không phải quyết định chi tiêu nào của chúng ta cũng sáng suốt. Lắm lúc, chúng ta còn mắc cùng một sai lầm nhiều lần. Các mẹo tâm lý trong buôn bán được gọi là “tâm lý” bởi vì lẽ đó. Chúng đánh vào sự cảm tính trong chi tiêu, điều mà dù biết chúng ta vẫn quên béng vào những lúc quan trọng (hoặc cao hứng).

Nếu được quay lại tiệm làm móng (và cả tiệm cà phê) tôi vẫn cho rằng tốt hơn là nên bước vào trong một tâm thế “biết bản thân mình muốn gì”. Bởi với một cái đầu mông lung chúng ta rất dễ “sa ngã” trước lời mời mọc đầy hấp dẫn.