Post-work là gì? Có nên trông chờ vào một xã hội mà không ai cần đi làm? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
12 Thg 10, 2020

Post-work là gì? Có nên trông chờ vào một xã hội mà không ai cần đi làm?

Công việc của bạn có cần thiết? Không đi làm nữa liệu bạn có hạnh phúc hơn?
Post-work là gì? Có nên trông chờ vào một xã hội mà không ai cần đi làm?

Nguồn: Jason Wong/ Unsplash

Năm 1930, nhà kinh tế học John Maynard Keynes dự đoán rằng đến cuối thế kỷ 20, công nghệ sẽ phát triển đủ để người dân Anh Quốc và Hoa Kỳ chỉ phải làm việc 14-15 tiếng một tuần. Điều đó, đến nay, vẫn chưa xảy ra. Khi có nhiều của cải hơn, thay vì nghỉ ngơi, chúng ta lại tìm cách để trở nên bận rộn hơn bao giờ hết.

Theo nhà nhân chủng học David Graeber trong bài luận nổi tiếng On the Phenomenon of Bullshit Jobs: A Work Rant, sự bận rộn của con người hiện đại đến từ sự tồn tại của những công việc “ngu ngốc" – những công việc không thực sự tạo ra giá trị.

Những học giả như Graeber, hay những 'post-workist' (người nghiên cứu về xã hội hậu lao động) tin rằng, cũng giống như thời gian, hôn nhân và giới tính, 'công việc' là một khái niệm được tạo ra và duy trì bởi xã hội loài người. Thay vì nghĩ về công việc như một phần tất yếu của cuộc sống, có lẽ chúng ta nên hướng đến một tương lai mà không ai phải đi làm chỉ để duy trì sự sống cơ bản.

Nếu coacute một xatilde hội magrave khocircng ai phải đi lagravem chỉ để duy trigrave sự sống cơ bản thigrave sẽ ra sao Nguồn Unsplash
Nếu có một xã hội mà không ai phải đi làm chỉ để duy trì sự sống cơ bản thì sẽ ra sao? | Nguồn: Unsplash

1. Sơ lược về post-work: "Sống để làm việc" hay "làm việc để sống"?

Để hiểu rõ nhất về post-work, hãy thử ngẫm lại cách chúng ta nghĩ về công việc.

Từ khi còn nhỏ, chúng ta được dạy rằng ai cũng đi làm, đó là việc tự nhiên và tất yếu của cuộc sống. Khi đi học, những người thông minh và có thành tích tốt được hứa hẹn những công việc thu nhập cao và sự nghiệp xán lạn. Khi ra trường, áp lực tìm việc và thăng tiến là những nỗi lo không của riêng ai.

Xã hội đại chúng bình thường hóa và tôn thờ khả năng lao động, từ đó cho ra đời cụm workism. Công việc được ví như tôn giáo của xã hội hiện đại.

"Sự mâu thuẫn của lao động đó là nhiều người rất ghét công việc của mình, nhưng lại càng khốn khổ hơn khi không có gì để làm." — Derek Thompson, The Atlantic.

Chỉ mới hai thế kỷ trước trạng thaacutei nhị phacircn nhất quaacuten hoặc đi lagravem hoặc thất nghiệp cograven chưa tồn tại Nguồn Unsplash
Chỉ mới hai thế kỷ trước, trạng thái nhị phân nhất quán 'hoặc đi làm, hoặc thất nghiệp' còn chưa tồn tại. | Nguồn: Unsplash

Một trong những diễn luận thuyết phục nhất của post-workists đó là khái niệm công việc (job) là một phát minh gần đây. Hiện tượng thất nghiệp (unemployment) như chúng ta đang hiểu cũng không xuất hiện tại các nước phương Tây cho đến giữa thế kỷ 19.

Trước cách mạng công nghiệp, phần lớn người dân sống ở trang trại và làm đa dạng các công việc tại gia như thêu thùa, khắc gỗ,... còn những công việc được trả tiền thì thi thoảng mới có. Chỉ trong xã hội hiện đại, 'đi làm - thất nghiệp' mới trở thành một trạng thái nhị phân nhất quán, trắng đen rõ ràng. Hoặc là bạn đi làm, hoặc là bạn vô công rồi nghề.

Chỉ mới hai thế kỷ trước đây, cách suy nghĩ đó chưa hề tồn tại.

Post-work không phải tự nhiên mà có. Trong các tài liệu kinh tế và chính trị quan trọng, các học giả và nhà cầm quyền luôn tôn chỉ hướng đến một xã hội mà con người phải làm việc ít hơn, hưởng thụ nhiều hơn.

Sự an nhàn (leisure) vẫn luôn là đích đến của con người. Chúng ta sáng chế ra máy móc để làm các công việc nặng nhọc, chúng ta phát triển AI để tăng hiệu suất lao động. Chúng ta phát triển và phát triển, để truy cầu một tương lai nơi con người không phải làm những công việc “tẻ nhạt và không cần thiết".

2. Công việc của bạn có "cần thiết" hay không?

Tuy xã hội đã phát triển đúng như Keynes dự đoán, song chúng ta lại bận rộn hơn bao giờ hết. Điều mà các học thuyết không thể trù tính là thay vì hướng đến sự đủ đầy, con người lại khao khát sự xa xỉ.

Trong bài luận về 'bullshit jobs'– những công việc dù có hay không cũng không thực sự ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội, David Graeber thách thức một nền kinh tế với quá nhiều những công việc hành chính vô nghĩa. Theo Graeber, có 5 loại công việc ngớ ngẩn phổ biến:

  1. Flunkies: Việc chính của họ là giúp cấp trên cảm thấy mình quan trọng hơn.
  2. Goon: Người chuyên cạnh tranh với các “goons" khác thuộc những công ty đối thủ, thường là trong khối tập đoàn.
  3. Duct-taper: Người tạm thời giải quyết các vấn đề mà lẽ ra nên được giải quyết dài hạn và triệt để.
  4. Box-ticker: Người ra vẻ là mình đang làm điều gì đó có ích, nhưng thực tế thì không.
  5. Taskmaster: Người quản lý hoặc tạo thêm việc cho người khác làm.
Nếu coacute một khoảng lặng đủ dagravei vagrave đủ sự thagravenh thật với chiacutenh migravenh bạn coacute thấy cocircng việc của migravenh necircn tồn tại Nguồn Unsplash
Nếu có một khoảng lặng đủ dài và đủ sự thành thật với chính mình, bạn có thấy công việc của mình nên tồn tại? | Nguồn: Unsplash

Dù sâu cay, những luận điểm của Graeber được xây dựng trên dữ liệu có thật. Sự bùng nổ của 'bull-shit jobs' và những công việc hành chính, tư vấn đã dấy lên sự hoài nghi về tính xác tín của lao động. Nếu có một khoảng lặng đủ dài và đủ sự thành thật với chính mình, bạn có thấy công việc mình có đang:

  • Thực sự cần thiết?
  • Mang lại những đóng góp ý nghĩa?
  • Nên được duy trì kể cả khi bạn không cần nhận lương?

Nếu câu trả lời của bạn là có cho toàn bộ thì có vẻ như bạn đang làm một công việc thực sự nên tồn tại.

3. Chúng ta không cần "việc làm", chúng ta cần "lao động"

Post-work ngày càng quan trọng bởi sự gia tăng không ngừng của công nghệ và tự động hóa. Cũng như động cơ hơi nước từng dẫn đến sự “thất nghiệp” hoàn toàn của... loài ngựa với tư cách là phương tiện vận chuyển chính, máy móc sẽ dần thay thế con người trong nhiều lĩnh vực.

Một trong những thành tựu của post-work là universal basic income (UBI) – chính sách hướng đến việc trả lương cho mọi công dân trong độ tuổi đi làm, kể cả khi họ không lao động. UBI giúp hỗ trợ trang trải các sinh hoạt phí cơ bản để không ai phải lo về việc thất nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh tự động hóa đang diễn ra.

Điều đặc biệt là, giống như nhận định của nhiều post-workists, UBI không làm giảm hiệu suất lao động của con người. Ở những quốc gia nơi UBI từng được áp dụng thử, người dân không ỷ vào trợ cấp để trở nên lười biếng.

Trái lại, họ tiếp tục đi làm với tâm trạng phấn khởi hơn. Họ chủ động chọn những công việc mình thích và có thêm thời gian để chăm sóc trẻ nhỏ và người già – những thành viên không có khả năng lao động trong gia đình.

Postwork heacute mở một tư duy mới cho pheacutep chuacuteng ta hướng đến những cocircng việc thực sự coacute yacute nghĩa Nguồn Shutterstock
Post-work hé mở một tư duy mới, cho phép chúng ta hướng đến những công việc thực sự có ý nghĩa. | Nguồn: Shutterstock

Post-work và UBI không cổ xúy một xã hội lười biếng, nơi chẳng ai làm gì. Điều quan trọng mà post-work hé mở, có lẽ chính là chúng ta cần làm những công việc thực sự có ý nghĩa.

Khi đi làm với lương và thưởng là động cơ chính, chúng ta biến bản thân thành những cỗ máy: làm cật lực để được trả tiền. Nhưng khi lao động vì chúng ta thực sự tin vào giá trị mà mình mang lại, điều đó có thể giúp gây dựng một sự nghiệp tích cực và một xã hội bền vững hơn.