PTSD (Rối loạn căng thẳng sau sang chấn) - Khi nỗi đau không hề thật sự qua đi | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
06 Thg 04, 2022

PTSD (Rối loạn căng thẳng sau sang chấn) - Khi nỗi đau không hề thật sự qua đi

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (post-traumatic stress disorder - PTSD) là một chứng rối loạn tâm thần thường diễn ra sau một sự kiện sang chấn, gây ra nỗi sợ hãi, bất lực hoặc kinh hoàng.
PTSD (Rối loạn căng thẳng sau sang chấn) - Khi nỗi đau không hề thật sự qua đi

Phương Thảo @therabbit.archive cho Vietcetera

Bài viết dưới đây chỉ với mục đích cung cấp thông tin. Không nên tự chẩn đoán mà không tham khảo ý kiến bác sĩ hay chuyên gia tư vấn tâm lý.


Nhiều người trong số chúng ta đã từng trải qua một sự kiện mà ta ước gì mình có thể quên đi. Đó có thể là xung đột gia đình từ thuở bé, bị bắt nạt học đường hoặc bị lạm dụng bởi người mình quen biết.

“Chuyện gì đã qua thì cho nó qua đi” là câu an ủi mà chúng ta thường nghe mỗi khi kể về nỗi đau không thể nguôi oai ấy. Nhưng sự thật thì không phải bất kỳ sang chấn nào cũng có thể quên đi, dù ta có muốn hay không. Ở một số sự kiện cực đoan, nó còn có thể để lại cho nạn nhân những rối loạn căng thẳng sau sang chấn (post-traumatic stress disorder - PTSD).

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) là gì?

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn là một chứng rối loạn tâm thần thường diễn ra sau một sự kiện sang chấn, gây ra nỗi sợ hãi, bất lực hoặc kinh hoàng.

alt
Những sự kiện như cái chết của người thân, chấn thương hoặc bị tấn công tình dục có thể khiến một người mắc PTSD.

Theo cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (phiên bản thứ năm), những sự kiện dẫn đến PTSD là cái chết của người thân, một chấn thương hoặc bị tấn công tình dục. Một người có thể trải qua các sự kiện trên thông qua ít nhất một trong các tình huống sau:

  • Trực tiếp trải nghiệm sự kiện
  • Tận mắt chứng kiến sự kiện sang chấn
  • Nhận biết sự kiện sang chấn diễn ra với người thân trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết;
  • Trải nghiệm sự kiện trực tiếp, trong tình huống lặp đi lặp lại, hoặc tiếp xúc với các chi tiết bất bình.

PTSD có thể xảy ra với bất kỳ ai và ở mọi độ tuổi. Khi bị chẩn đoán với PTSD, một người thường xuyên cảm nhận nguy hiểm xung quanh, làm ảnh hưởng đến đời sống cá nhân trầm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn căng thẳng sau sang chấn?

Việc trải qua các sự kiện sang chấn là nguyên nhân đầu tiên có thể dẫn đến PTSD. Tuy nhiên, không phải ai trải qua các sự kiện mang tính kinh hoàng đều bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn.

Một số yếu tố rủi ro có khả năng làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn PTSD bao gồm:

Nhân khẩu học

  • Yếu tố di truyền: Nguy cơ mắc phải PTSD cao hơn khi người thân trong gia đình có tiền sử mắc chứng rối loạn này.
  • Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc PTSD cao hơn nam giới. Nghiên cứu chỉ ra ở tỷ lệ phổ biến của PTSD ở nữ giới là 10-12% trong khi tỷ lệ này ở nam giới chỉ nằm ở khoảng 5-6%.

Yếu tố xã hội

Sau khi trải qua sự kiện sang chấn, người nhận được nhiều sự giúp đỡ và hỗ trợ tinh thần có thể hồi phục một cách lành mạnh thông qua các mối quan hệ mang lại cảm giác an toàn.

Tuy nhiên, sử dụng cơ chế đối phó né tránh (avoidant coping strategy) để vượt qua các sự kiện sang chấn có thể dẫn đến hậu quả trầm trọng hơn. Khi đó, họ thường bỏ qua sự giúp đỡ lành mạnh và thường cố gắng cô lập bản thân. Yếu tố này làm tăng nguy cơ phát triển PTSD cao hơn.

Yếu tố sinh học và thần kinh

Một yếu tố quan trọng có thể dẫn đến PTSD là sự bất ổn cảm xúc (neuroticism). Sự bất ổn cảm xúc cho thấy khả năng cân bằng cảm xúc của một người qua cách nhìn nhận thế giới. Khía cạnh này cũng sẽ phản ánh xu hướng trải nghiệm cảm xúc tiêu cực của người đó.

Người có chỉ số bất ổn cảm xúc cao thường lo âu, bất an và tự ti. Họ cũng dễ mất bình tĩnh trong các tình huống hỗn loạn. Điều này giải thích lí do người có chỉ số bất ổn cảm xúc cao có xu hướng gặp phải PTSD cao hơn.

PTSD là một phản ứng khi các chất hoá học và tế bào thần kinh trong não bộ thay đổi dưới ảnh hưởng của các sự kiện sang chấn. Ở người mắc PTSD, thể tích vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex), nơi phụ trách việc lên kế hoạch, điều khiển các hành động và kiềm chế cảm xúc, giảm xuống. Điều này có mối quan hệ mật thiết với mức độ lo âu.

Từng trải qua sang chấn trước đó

Một người từng trải qua sang chấn trong quá khứ có nguy cơ mắc phải sang chứng trong các sự kiện nặng nề tiếp theo. Ảnh hưởng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn mang tính chất tích lũy. Ngay cả khi một người không gặp phải rối loạn này sau sự kiện đầu tiên, họ vẫn có nguy cơ phát triển các triệu chứng sau khi sự kiện kế tiếp diễn ra.

Ảnh hưởng của rối loạn tâm lý khác

Các chứng rối loạn tâm lý không có một chuỗi nguyên nhân cụ thế và nhất định mà chỉ có các yếu tố rủi ro làm tăng khả năng mắc phải. Khi gặp phải một rối loạn tâm lý khác, các yếu tố rủi ro dẫn đến PTSD cũng tăng lên.

Trong cuộc sống, những căng thẳng kéo dài (như ly dị, căng thẳng tài chính hay công việc) cũng là một yếu tố rủi ro tiềm năng. Một số chứng rối loạn tâm lý có khả năng hình thành nên PTSD là rối loạn khí sắc (mood disorders), rối loạn lo âu (anxiety-related disorders), hay rối loạn cư xử (conduct disorder).

Các dấu hiệu mà bạn có thể nhận biết PTSD?

PTSD có đặc trưng bởi sự hồi tưởng không mong muốn, thường có tính chất thâm nhập và tái hiện lại những sự kiện sang chấn diễn ra trước đó. Khi hồi tưởng các sự kiện này, một người có cảm xúc dữ dội, có thể dẫn đến cơ chế đối phó né tránh và các thay đổi trong nhận thức.

Các triệu chứng của PTSD thường được chia làm 4 nhóm chính sau:

Hồi tưởng ký ức có tính thâm nhập (intrusion)

  • Hồi tưởng về sự kiện một cách không tự chủ
  • Những ký ức liên quan đến sự kiện sang chấn thường xen vào những suy nghĩ khác, dù chúng không liên quan đến sự kiện kinh khủng ban đầu
  • Thường xuyên gặp ác mộng về sự kiện sang chấn
  • Có suy nghĩ, cảm giác dữ dội về mặt tinh thần và thể chất khi nghĩ đến sự kiện đã trải qua
alt
Người mắc PTSD thường không kiểm soát được suy nghĩ về sự kiện đã qua.

Phản ứng tránh né (avoidance)

Người gặp phải PTSD thường xuyên né tránh chỗ đông người, những người liên quan đến sự kiện đã trải qua và những tình huống có khả năng gợi nhớ đến sự kiện đó.

Thay đổi phản ứng thể chất và cảm xúc (arousal and reactivity)

  • Khó tập trung
  • Dễ sợ hãi và giật mình
  • Luôn đề phòng với mọi yếu tố xung quanh
  • Dễ cảm thấy khó chịu
  • Thường xuyên giận dữ

Sự thay đổi nhận thức và tâm trạng (cognition and mood)

  • Thường xuyên có suy nghĩ tiêu cực về bản thân
  • Có cảm xúc sai lệch, đặc biệt là thường xuyên cho lo lắng, tự đổ lỗi cho bản thân
  • Khó hồi tưởng về mốc quan trọng của sự kiện
  • Giảm hứng thú với sở thích trước đó
  • Cảm thấy vô vọng về tương lai
  • Cảm thấy mất kết nối với gia đình và bạn bè thân thiết

Bên cạnh đó, Hiệp hội Tâm thần học Hoa kỳ (APA) đã chỉ ra nữ giới có nguy cơ mắc phải PTSD gấp đôi nam giới và triệu chứng ở nữ giới thường kéo dài lâu hơn.

Triệu chứng thường gặp ở nữ giới

  • Lo lắng và trầm cảm
  • Không có cảm xúc về cuộc sống xung quanh
  • Dễ bị giật mình
  • Nhạy cảm trước những điều gợi nhớ về sự kiện sang chấn

Triệu chứng thường gặp ở nam giới

  • Liên tục hồi tưởng về sự kiện
  • Phản ứng né tránh
  • Thường xuyên thay đổi nhận thức và tâm trạng
  • Thay đổi phản ứng thể chất

Kết

Nghiên cứu xã hội cho thấy nguy cơ của PTSD tập trung vào bản chất của chấn thương tâm lý cùng với mức độ một người trải nghiệm nó và sự giúp đỡ của xã hội ngay sau chấn thương. Bên cạnh sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ chuyên gia, sự hỗ trợ chân thành từ gia đình và những người xung quanh đóng vai trò quan trọng.

Những sự kiện mang tính sang chấn vốn dĩ đã để lại nhiều mất mát đối với một cá nhân. Điều quan trọng chúng ta cần làm là thông cảm, hiểu thấu đáo, giúp họ vượt qua và ngưng đổ lỗi vì những yếu tố tiêu cực sẽ đẩy vấn đề đi xa hơn.