Recommerce - Khi mua đồ dùng lại là xu thế thời đại | Vietcetera
Billboard banner
23 Thg 12, 2021

Recommerce - Khi mua đồ dùng lại là xu thế thời đại

Recommerce là một hình thức mua bán không hề mới, nhưng được “làm mới” bởi công nghệ và những mối quan tâm thức thời của con người.
Recommerce - Khi mua đồ dùng lại là xu thế thời đại

Nguồn: Unsplash

Chợ Tốt x Vietcetera

1. Recommerce là gì?

Recommerce (hay reverse commerce) chỉ việc mua bán những món đồ đã qua sử dụng hoặc từng được sở hữu. Hình thức thương mại này phổ biến với các mặt hàng như đồ điện tử, xe cộ, quần áo - bởi dễ tái sử dụng, sửa chữa và mua đi bán lại.

Hiện nay, với sự ra đời của các nền tảng mua bán trực tuyến, xu hướng recommerce càng nở rộ. Bất kỳ ai cũng mua được những món đồ tuy không mới tinh, nhưng có giá phải chăng và vẫn còn sử dụng tốt. Ngược lại, thay vì bỏ không những món đồ tuy cũ nhưng vẫn còn giá trị, ta có thể bán lại chúng cho ai đó cần.

2. Nguồn gốc của recommerce?

Năm 2005, từ “recommerce” bắt đầu phổ biến sau phát biểu của giám đốc hãng nghiên cứu Forrester Research, George F. Colony, trên The New York Times. Ở bối cảnh hậu bong bóng dot-com, từ này được dùng nhiều trong giới công nghệ để chỉ việc bán các website cũ nhưng được nâng cấp, như một cách tiết kiệm tài nguyên, thay vì luôn bán các website hoàn toàn mới.

Từ cách hiểu này, recommerce đến nay còn được hiểu rộng là mô hình kinh doanh giúp kéo dài vòng đời của một sản phẩm.

3. Recommerce phổ biến như thế nào?

Hình thức sơ khai nhất của recommerce là các chợ đồ cũ, các “garage sales”, hay việc mua bán xe hơi đã qua sử dụng vốn thường gặp ở các nước phát triển. Ở Việt Nam, việc mua bán sách cũ từng rất thịnh hành, cũng là một dạng recommerce.

Mua bán sách cũ cũng là một dạng recommerce | Nguồn: Unsplash/Darwin Vegher

Tuy vậy, chỉ đến khi các trang mua bán C2C (consumer-to-consumer/khách hàng với khách hàng) như eBay ra đời ở Mỹ, mô hình kinh doanh này mới thật sự bùng nổ và lan rộng khắp nhiều lĩnh vực.

Với ngành điện tử, khi các hãng liên tục tung ra các sản phẩm mới, thì xu hướng mua đi bán lại điện thoại, laptop càng diễn ra sôi nổi. Với ngành thời trang, khi thời trang nhanh (fast fashion) khiến quần áo mau chóng lỗi thời, thì song song đó thời trang secondhand cũng lên ngôi, thậm chí trở thành một xu thế trong giới trẻ.

Với giới trẻ, thời trang secondhand đang là xu thế | Nguồn: Unsplash/Luis Montejo

Với người trẻ, recommerce không chỉ phổ biến vì việc mua bán ngày càng tiện lợi, mà còn vì mối quan tâm của họ trong việc giảm thiểu “dấu chân carbon”.

Vì nếu như để tạo ra một sản phẩm mới, ta không chỉ cần tài nguyên, mà còn cần thải ra môi trường một lượng khí CO2 nhất định. Thì thông qua recommerce, tức mua và sử dụng lại một món đồ, ta đang hướng đến một lối sống bền vững hơn nhờ việc tiết kiệm tài nguyên và cắt giảm nguồn khí thải này.

Bằng chứng là với gen Z, thống kê cho thấy cứ mỗi một trong ba người trong số họ là từng mua đồ secondhand như quần áo, giày dép, phụ kiện trong năm 2020. Còn theo phân tích của McKinsey & Company, mô hình kinh doanh recommerce có thể giúp ngành thời trang cắt giảm khoảng 143 triệu tấn khí thải nhà kính (GHG) từ nay đến năm 2030.

4. Cách dùng recommerce?

Tiếng Anh

A: Do you know any online recommerce market? I want to buy a used laptop for my brother, he has to take online classes recently.

B: Why don’t you take a look at Chợ Tốt?

Tiếng Việt

A: Bà có biết sàn điện tử nào bán đồ dùng rồi không? Tui định mua cái laptop cũ cho em trai, dạo này nó phải học online.

B: Sao bà không lên Chợ Tốt xem thử?

Chợ Tốt là nền tảng recommerce hàng đầu Việt Nam, trực thuộc tập đoàn công nghệ kỳ lân Carousell. Bằng việc mang đến nền tảng mua bán dễ dàng, tiện lợi, Chợ Tốt cùng Carousell thúc đẩy mua bán, trao đổi hàng hóa đã qua sử dụng, giảm thiểu sự tiêu dùng quá mức, và hướng đến lối sống bền vững cho Việt Nam nói riêng và cho khu vực Đông Nam Á nói chung.