Thời trang secondhand có thực sự giúp bảo vệ môi trường? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Thời trang secondhand có thực sự giúp bảo vệ môi trường?

...hay là “cửa sau” của thời trang nhanh?
Thời trang secondhand có thực sự giúp bảo vệ môi trường?

Đồ secondhand có thực bền vững?

Năm 2020, lần đầu tiên người ta chứng kiến ngành thời trang nhanh sụt giảm doanh thu trên 10%. Trong khi đó, thị phần thời trang secondhand, vài năm gần đây được xem là thuộc hệ thống kinh doanh bền vững, lại tăng trưởng mạnh, dự đoán trong 5 năm nữa sẽ mở rộng thị trường gấp 2 lần.

Nhiều người cho rằng đây là động lực cho sự phát triển của mô hình kinh tế tuần hoàn, tiếp thêm hy vọng cho viễn cảnh đảo chiều tình trạng biến đổi khí hậu. Thế nhưng, cũng có nhiều ý kiến cho rằng rất khó để đánh giá tính bền vững của xu hướng này, bởi nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái từ ảnh hưởng của đại dịch. Nhiều người chọn đồ secondhand vì khả năng kinh tế không cho phép mua đồ mới.

Cùng một số lý do khác, sự phát triển nhanh chóng của mảng kinh doanh đồ secondhand đang khơi ngòi cho một cuộc tranh luận mới trên thế giới về tính bền vững và giá trị đạo đức trong phân khúc thời trang này.

Có những nơi phải chuyên dùng đồ cũ

Trước khi được ưa chuộng như hiện nay, quần áo secondhand từng bị xem là đồ “bỏ đi”, chỉ dành cho tầng lớp lao động. Cụ thể là vào khoảng đầu thế kỷ 20, chúng được bán buôn thông qua các thương gia lưu động là người Do Thái và người Ý, chuyên mua đồng nát và vải vụn.

Khi nền công nghiệp tại Tây Âu và Mỹ phát triển khiến quần áo may sẵn trở nên phổ biến, số quần áo cũ tại đây bắt đầu được vận chuyển sang các nước thuộc địa châu Phi như một cách xử lý hàng thừa.

Cái nhìn đối với đồ secondhand đã thay đổi, nhưng xu hướng đó vẫn còn duy trì đến ngày nay. Thống kê cho thấy chỉ 20% đồ secondhand tại các cửa hàng của Mỹ là bán được. Số còn lại phải đổ về các bãi xử lý rác thải, hoặc xuất khẩu sang các nước đang phát triển (bao gồm Việt Nam), và đặc biệt là các nước kém phát triển nhất.

Vào năm 2016, vùng Châu Phi hạ Sahara (SSA) nhập khẩu toàn bộ khoảng 20% ​​quần áo đã qua sử dụng, nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Trong khi đó, chỉ cần 3 nước phát triển Mỹ, Anh và Đức là đã cung cấp đến 40% khối lượng đồ cũ. Đáng chú ý, trong cùng năm, tổng kim ngạch xuất khẩu quần áo đã qua sử dụng của Trung Quốc đạt 218 triệu USD, tăng hơn 684% so với năm 2006.

titleChợ đồ cũ tại Chacircu Phi Chợ đồ cũ tại Chacircu Phi Nguồn CNN
Chợ đồ cũ tại Châu Phi. | Nguồn: CNN

Như vậy, có thể thấy ở đây một sự mất cân bằng trong vòng luân chuyển hàng secondhand. Chúng đang xảy ra trên phạm vi quốc tế nhiều hơn là trong phạm vi quốc gia.

Số đồ secondhand đổ dồn, tuy tạo ra hàng ngàn việc làm mới cho người dân tại các nước đang phát triển, lại khiến giới chức các nước này lo lắng rằng chúng sẽ làm cản trở sự tăng trưởng của ngành may mặc nội địa còn non trẻ. Đó là chưa kể đến nếu không kiểm soát được quần áo mới giá rẻ từ các nước khác, tiêu biểu là Trung Quốc, người dân sẽ không có động lực để mua hàng dệt may nội địa.

Tổ chức từ thiện bền vững Ellen MacArthur Foundation cũng đánh giá rằng, chính nhu cầu tiêu thụ nhiều quần áo cũ tại thị trường các nước đang phát triển là một nguyên nhân khiến nhu cầu sản xuất quần áo ở các nước châu Âu tăng gần gấp đôi trong vòng 15 năm qua.

Lập luận ở đây là sự tồn tại của các cửa hàng secondhand có thể mang lại cảm giác vô tội khi người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn mức cần thiết. Chúng ta đổ những món mình không thích nữa vào nơi thanh lý đồ cũ sau khi lỡ mua bốc đồng, với hy vọng rằng chúng sẽ có ích cho ai đó.

Nhiều người đã ví hành trình của những món đồ secondhand giống như hành trình của rác thải nhựa. Chúng đều trở thành một loại hàng hóa được mua đi bán lại trên thế giới, nơi các nước phát triển “tống khứ” chúng đến các nước kém phát triển hơn.

Cách so sánh này có phần khắc nghiệt vì đồ secondhand vẫn là hàng còn giá trị sử dụng. Nhưng ở một mặt nào đó, chúng vẫn là điều đáng để suy ngẫm khi phần lớn quần áo secondhand đến từ thời trang nhanh, phân khúc có giá trị tái sử dụng và tái chế không cao.

titleTrong nỗ lực bảo vệ hagraveng nội địa tại Việt Nam hagraveng dệt may quần aacuteo giagravey deacutep qua sử dụng đatilde được đưa vagraveo danh mục hagraveng cấm nhập khẩu theo Nghị định 692018NĐCP Trong nỗ lực bảo vệ hagraveng nội địa tại Việt Nam hagraveng dệt may quần aacuteo giagravey deacutep qua sử dụng đatilde được đưa vagraveo danh mục hagraveng cấm nhập khẩu theo Nghị định 692018NĐCP Nguồn CottonbroPexels
Trong nỗ lực bảo vệ hàng nội địa tại Việt Nam, hàng dệt may, quần áo, giày dép qua sử dụng đã được đưa vào danh mục hàng cấm nhập khẩu, theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP. | Nguồn: Cottonbro/Pexels

Khi đồ secondhand bị làm giá

Ở quy mô nhỏ hơn, việc mua bán đồ secondhand trên thế giới đang gây ra tranh cãi khi gần đây các cửa tiệm thường trang hoàng lộng lẫy hơn, tạo cảm giác “sang trọng” hơn (gentrification), rồi tăng giá sản phẩm.

Điều này có thể xảy ra là vì ngày nay người ta mua đồ secondhand không chỉ vì rẻ (hơn giá gốc), mà còn bởi tính độc lạ và giá trị sưu tầm của chúng.

Nhiều trường hợp mua vì có khả năng chi trả, chứ không phải vì họ thực sự cần. Điển hình là nhiều YouTuber mua đồ secondhand để tạo nội dung số theo xu hướng Y2K. Họ mặc lên cho người khác xem, chứ không hẳn là những bộ đồ đó sẽ ở lại trong tủ đồ của họ và tiếp tục được dùng. Chỉ riêng với từ khoá “secondhand clothing haul”, Google Video đã trả về gần 70.000 kết quả trong 0.33 giây.

Dù thị trường mua bán hàng hiệu đã qua sử dụng chỉ mới manh nha tại thị trường Việt Nam, cô Lisa Le Hong, nhà sáng lập trang RE.LOVED cũng sớm có nhận định: “70% khách hàng chọn hàng cũ là vì deal hời và tính độc đáo của sản phẩm, tiết kiệm đáng kể cho một sản phẩm gần như mới, sau đó có thể bán lại nếu chán, mà không cảm thấy tội lỗi. Chỉ 30% là vì yếu tố bền vững, muốn làm cho hành tinh này tốt hơn.” (Nguồn: Brandsvietnam)

titleĐocirci khi người mua khocircng thắc mắc về giaacute cả của một moacuten đồ secondhand vigrave giaacute trị sưu tầm của noacute Đocirci khi người mua khocircng thắc mắc về giaacute cả của một moacuten đồ secondhand vigrave giaacute trị sưu tầm của noacute
Khi chủ nghĩa tiêu dùng được cài cắm vào hàng secondhand, việc mua hàng secondhand không hẳn là vì tính bền vững. | Nguồn: cottonbro/Pexels

Như thế nào là bền vững?

Sự dịch chuyển mạnh mẽ trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng khiến các thương hiệu lớn cũng phải nhanh chóng chuyển đổi chiến lược, nhảy vào cuộc đua mua bán quần áo cũ.

Walmart đã ký thỏa thuận hợp tác với thredUP, nền tảng giao dịch số 1 trong thị trường thời trang secondhand trên thế giới. Nhãn Selfridge tại Anh cũng trở thành đối tác với Depop và Vestiaire Collective, đối thủ của thredUp. Trong khi đó, tập đoàn H&M đang triển khai kế hoạch kết hợp với Sellpy, một thị trường bán lại quần áo của Thuỵ Điển.

Mô hình kinh doanh mới này giúp các sản phẩm thời trang “gần như mới” đến tay nhiều người dùng hơn, tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn. Tuổi thọ của nhiều món đồ nhờ vậy được kéo dài, từ đó “làm chậm” ảnh hưởng đến môi trường của ngành công nghiệp thời trang.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận rằng đây là cách tối ưu để vận hành hệ thống thời trang bền vững. Thời trang nhanh vẫn sẽ nhanh, bởi vấn đề vẫn nằm ở động lực mua sắm của người tiêu dùng.

titleThời trang nhanh vẫn sẽ nhanh bởi vấn đề vẫn nằm ở động lực mua sắm của người tiecircu dugraveng Nguồn Hannah MorganUnsplash Thời trang nhanh vẫn sẽ nhanh bởi vấn đề vẫn nằm ở động lực mua sắm của người tiecircu dugraveng Nguồn Hannah MorganUnsplash
Thời trang nhanh vẫn sẽ nhanh, bởi vấn đề vẫn nằm ở động lực mua sắm của người tiêu dùng. | Nguồn: Hannah Morgan/Unsplash

Andy Mulcahy, giám đốc chiến lược tại hiệp hội bán lẻ trực tuyến IMRG của Vương quốc Anh, đưa ra nhận định: “Nếu bạn muốn có một ngành công nghiệp thời trang bền vững đúng nghĩa, bạn phải khiến mọi người mua ít quần áo hơn, đó là tất cả những gì cần làm. Thế nhưng chúng ta đang không có văn hóa hoặc hệ thống cho nó. Các doanh nghiệp được vinh danh khi họ bán được nhiều hơn, kiếm được nhiều tiền hơn và họ sẽ không ngừng làm điều đó.”

Mặt khác, về phương diện văn hoá, mạng xã hội vẫn khiến chúng ta quay cuồng với việc phải có ‘outfit of the day’ (#ootd). Có một áp lực vô hình rằng mình phải trông thật mới mẻ, hấp dẫn mỗi khi đăng ảnh mới.

“Nếu những người nổi tiếng chuyển sang mặc những bộ quần áo giống nhau thường xuyên hơn và mua sắm ít hơn, đồng thời truyền bá thông điệp đó, thì chúng ta sẽ thấy nhiều sự thay đổi hơn”, Mulcahy chia sẻ thêm.

Đáp lại những lời chống chủ nghĩa tiêu dùng như của Mulcahy, giám đốc điều hành H&M Karl-Johan Persson chia sẻ tại Bloomberg rằng: Việc lựa chọn giảm thiểu tác động môi trường bằng cách mua sắm ít hơn sẽ gây ra “hậu quả xã hội khủng khiếp”, bởi “chúng ta phải tiếp tục tạo việc làm, để tăng trưởng kinh tế.”

Rất nhiều các chuyên gia đã phân tích về việc liệu chúng ta có thể phát triển nếu không chủ nghĩa tiêu dùng. Nhưng câu trả lời vẫn là phức tạp. Mấu chốt là ta có dám cắt vòng lợi ích của nền kinh tế tư bản để cứu lấy hành tinh, nghĩa là ta có dám giảm tăng trưởng (degrowth).

Theo trang Our Changing Climate, các quốc gia đang có mức tiêu dùng bình quân đầu người cao nhất thế giới có thể cắt giảm 60-95% tiêu dùng mà vẫn có thể sống tốt. Sự thu hẹp này sẽ đưa chúng ta về lại với lối sống của những năm 1960 tại Thuỵ Sĩ.

Tuy nhiên, thay đổi sẽ không xảy ra nếu nỗ lực chỉ đến từ những cá nhân rời rạc. Đây là một vấn đề hệ thống phức tạp với trách nhiệm lớn đối với các tập đoàn toàn cầu và chính phủ các nước.

Vậy ngay lúc này chúng ta có thể làm gì?

Vì hoàn cảnh mỗi người khác nhau, nên việc ai đó phải mua đồ cũ (đến từ các thương hiệu thời trang nhanh) là không thể tránh khỏi.

Trong lúc chờ đợi một sự thay đổi lớn, điều mà ai cũng có thể là làm ý thức về hành động của bản thân. Nếu bạn mua quần áo cũ, hãy đảm bảo rằng mình không tiêu dùng quá mức. Nếu bạn mua thời trang nhanh, hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng tối đa công năng của nó. Nếu bạn mua quần áo bền vững, hãy chắc chắn rằng bạn tiêu tiền một cách khôn ngoan.

Rất khó để có 100 người thực hiện hoàn hảo lối sống bền vững. Nhưng hoàn toàn có thể có 1 triệu người áp dụng lối sống này ở nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, dù không hoàn hảo. Quan trọng là họ vẫn cam kết cố gắng hằng ngày.