Mười năm trước, khi mới tốt nghiệp đại học và làm trong một cơ quan nhà nước tại Hà Nội, tôi nhận mức lương 7 triệu. Đây là một con số không tồi cho sinh viên mới ra trường ở thời điểm đó. Là một đứa tương đối biết chi tiêu, lại vẫn còn ở cùng bố mẹ, tôi chắc mẩm cuối tháng ít nhiều gì cũng để ra một khoản tiết kiệm từ lương.
Nhưng thực tế thì, ôi thôi, không những không tiết kiệm được đồng nào mà còn hay thiếu trước, hụt sau. Dù có cẩn thận tính toán, dự trù từ đầu tháng đến đâu, kiểu gì đến giữa tháng và cuối tháng cũng nảy ra những sự vụ cần tiêu tiền ngoài dự tính.
Khi thì đám cưới, lúc thì đám ma; hôm qua vừa thăm người ốm, hôm sau đã thăm người đẻ; đó là chưa kể các loại quỹ: quỹ phòng, quỹ công đoàn, quỹ nghỉ mát, quỹ liên hoan… cứ luân phiên nhau suốt cả năm.
Chính những loại chi phí “đột xuất" và “không tên” này đã phá hỏng mọi kế hoạch chi tiêu, đánh bay đồng lương công chức. Thậm chí, có tháng, tôi còn phải vay tiền của mẹ chỉ để đi mừng đám cưới. Nghĩ lại thật thê thảm.
Sau này, khi ra nước ngoài làm việc trong một nền văn hoá phương Tây, tôi bớt hẳn đi những món chi tiêu mang tính xã giao và tập thể như ở Việt Nam. Tuy vậy, tôi vẫn có những khoản chi “từ trên trời rơi xuống" đe doạ đồng lương hàng tháng, ví dụ như tiền khám bệnh, tiền thuế, tiền quà cáp, trang trí nhà cửa mỗi dịp lễ tết như Halloween, Lễ Tạ Ơn, Lễ Giáng sinh…
Vì vậy, tôi nhận ra dù làm việc ở môi trường nào, mình cũng cần có giải pháp bảo vệ đồng lương trước sự tấn công của những chi phí lặt vặt như vậy.
Một trong những phương pháp hữu hiệu nhất tôi thực hiện trong hơn năm năm qua là thiết lập sinking fund, hay còn gọi là quỹ chìm.
Sinking fund (quỹ chìm) là gì?
Trong tài chính cá nhân, sinking fund hiểu nôm na là một loại quỹ chìm mà bạn bỏ tiền vào để tiết kiệm và sử dụng cho những mục đích nhất định ở tương lai.
Gọi là quỹ chìm vì quỹ này thường không được (và cũng không nên) sử dụng ngay lập tức và thường xuyên cho những chi tiêu hàng ngày. Nó chỉ sử dụng ở tương lai, khi nhu cầu chi tiêu cho mục đích định trước tới.
Một số ví dụ về quỹ chìm như là quỹ nghỉ mát, quỹ quà tặng lễ tết, quỹ ma-chay-hiếu-hỉ, quỹ sửa chữa xe cộ.
Sinking fund được tính như thế nào?
Để tính được sinking fund, bạn cần hai dữ liệu: thời gian và tổng tiền.
sinking fund = tổng tiền : thời gian
Ví dụ, bạn muốn đi du lịch vào mùa hè, vậy từ thời điểm này tới mùa hè là bao lâu? Giả sử là 5 tháng. Chuyến du lịch của bạn sẽ tốn khoảng bao nhiêu tiền? Giả sử là 5 triệu.
Như vậy, theo công thức, sinking fund = 5 triệu : 5 tháng = 1 triệu/tháng.
Đây là con số bạn cần tiết kiệm hàng tháng ngay từ bây giờ cho tới mùa hè để thực hiện chuyến đi của mình mà không làm thâm hụt tiền lương hay các khoản tiết kiệm khác.
Vậy còn những khoản tiền đột xuất, không tên như đầu bài nói thì sao? Để tính được sinking fund những khoản này, bạn sẽ cần phải có dữ liệu ít nhất một năm.
Ví dụ, sau một (vài) năm đi làm, bạn sẽ có cơ sở dữ liệu áng chừng như: một năm trung bình có bao nhiêu đám cưới, thường rơi vào mùa cưới là những tháng nào, mỗi đám bạn đi bao nhiêu tiền? Hay: một năm trung bình văn phòng bạn thu bao nhiêu khoản lệ phí tập thể, thường rơi vào thời điểm nào, tổng chi phí các khoản này cộng lại bằng bao nhiêu?
Từ đó, áp dụng công thức trên, bạn sẽ tính ra được sinking fund cần có cho mỗi tháng để “đi trước, đón đầu" những khoản chi tiêu nói trên.
Tất nhiên, cách tính này không quá chính xác vì không ai biết được tương lai sẽ như thế nào. Tuy nhiên, áp dụng sinking fund sẽ thúc đẩy bạn dự trù tốt hơn cho các chi phí trong tương lai, tiết kiệm các khoản nhỏ trong từng tháng dễ dàng hơn và tránh thâm hụt vào lương quá nhiều.
Nếu lương tháng không đủ cho sinking fund thì sao?
Nếu lương tháng không đủ để lập sinking fund cho tất cả các khoản dự trù, thì có nghĩa là: bạn có quá nhiều khoản cần chi so với thu nhập. Hay nói cách khác, lương tháng của bạn không đủ cho mức sống hiện tại.
Có hai giải pháp cho vấn đề này. Một là bạn có thể giảm bớt các khoản chi tiêu không cần thiết, từ chối bớt những lời mời tốn kém. Hai là bạn có thể làm thêm để tăng thu nhập.
Dù chọn giải pháp nào đi chăng nữa, nhận ra vấn đề thu-chi của mình từ sớm sẽ giúp bạn có cái nhìn thực tế hơn về lương và tìm cách cải thiện nó tốt hơn.
Nếu có việc khẩn cấp cần phải tiêu sinking fund thì sao?
Để tránh tình trạng này, trước khi lập quỹ chìm, bạn nên có quỹ khẩn cấp (emergency fund) từ 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản. Quỹ này sẽ bảo vệ cả đồng lương lẫn sinking fund của bạn trước những trường hợp khẩn cấp, giúp bạn không phải rơi vào cảnh nợ nần.
Tuy nhiên, nếu buộc phải tiêu vào sinking fund, bạn vẫn có thể “phục hồi" sinking fund bằng cách để nhiều tiền hơn vào mỗi tháng để bù lấp hoặc giảm bớt tổng chi phí ban đầu—ước lượng theo công thức phía trên.
Nhìn chung, việc xây dựng quỹ chìm cho những khoản chi phí có mục đích nhất định trong tương lai là giải pháp hiệu quả để bảo vệ đồng lương hàng tháng khỏi thâm hụt. Tuy nhiên, đồng thời, bạn cũng nên cân bằng các mối quan hệ xã giao, giảm chi tiêu lãng phí, tăng thu nhập và chú ý xây dựng quỹ khẩn cấp để đảm bảo quỹ chìm vững mạnh, lâu dài.