Ở các bài viết trước, Vietcetera đã nhắc đến một xu hướng sự nghiệp mới: tổng quát viên (người có kĩ năng tổng quát trên nhiều lĩnh vực) và lợi thế của họ so với chuyên viên (người chuyên sâu ở một lĩnh vực). Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến mặt bất lợi.
Vậy thì, nếu định hướng làm tổng quát viên, bạn sẽ đối mặt với điều gì? Cùng nghe chia sẻ của Corbett Barr, một người đã đeo đuổi vai trò tổng quát viên từ những bước đầu sự nghiệp.
————————
Nếu bạn tự cho mình là một tổng quát viên (generalist), đây có thể là tin vui:
Những kỹ năng của tổng quát viên rất cần thiết để hoàn thành tốt công việc trong tương lai, đặc biệt khi bạn gia nhập môi trường làm tự do hoặc hoạt động trong một nhóm nhỏ.
Điều này không phải phỏng đoán vô căn cứ bởi sự quan tâm đến làm việc tự do (freelance) đang ngày càng tăng. Thống kê của Google cho thấy lượng người quan tâm đến từ khóa “freelancer” tại Việt Nam luôn tăng dần đều trong 10 năm qua và gần gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm 2010.
Ngoài ra, xu hướng khởi nghiệp cũng đòi hỏi và thúc đẩy sự gia tăng của các kĩ năng tổng quát, bởi bạn cần kiêm nhiệm rất nhiều vị trí trong quá trình tự vận hành doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trở thành tổng quát viên chưa hẳn đã là lời giải cho mọi vấn đề.
Tổng quát viên không được trọng dụng ở những vị trí khởi điểm
Một người lao động thường được tuyển dụng vì họ giỏi chuyên môn hoặc am tường một nhóm kỹ năng nhất định. Một sản phẩm được ưa chuộng vì nó giải quyết một nhu cầu cụ thể. Một công việc kinh doanh cũng được xây dựng dựa trên một chuyên môn vững chắc.
Vì thế, nếu vẫn luôn tự hào duy trì hình ảnh tổng quát viên thì bạn đang “làm khó” mình đấy. Tôi từng rất chăm chút vào CV và xây dựng cho mình hình ảnh một người đa năng. Tôi đã định danh mình là một lập trình viên rồi một quản lý dự án, nhưng chỉ đến khi là một quản lý lưu lượng website, tình hình mới khả quan hơn.
Thực vậy, một tổng quát viên thì có thể ứng tuyển vào vị trí nào trong danh sách công việc chứ? Hay liệu có bao nhiêu thông báo tuyển dụng trên Vietnamworks đề cập đến tổng quát viên? Và nếu là một nhà sáng lập thì với nhiều kỹ năng “nửa vời”, liệu bạn có khởi nghiệp thành công?
Nhược điểm của tổng quát viên
Thôi thúc trở thành tổng quát viên là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nó cho ta niềm hưng phấn khi học được điều mới, cho ta kiến thức bao quát trên rất nhiều lĩnh vực. Và chung nhất nó truyền đến sự phấn khích khi ta được ngụp lặn trong một bể kiến thức mới mẻ.
Nhưng đây đồng thời là một sự đánh lạc hướng. Quá trình học hỏi diễn ra dễ dàng nhất trong 20 giờ đầu tiên. Bạn có thể học được rất nhiều khi mọi thứ vẫn đang mới mẻ, nhưng liệu những thứ bạn học trong 20 tiếng đó có thể bán được không?
Học mọi thứ chỉ trong 20 giờ, một khái niệm tạo nhiều hứng thú với các tổng quát viên.
Trở thành tổng quát viên là một ý tưởng hấp dẫn với những người luôn hào hứng học hỏi cái mới hay không thể ngăn bản thân trước cám dỗ này… cho đến khi họ cảm thấy chán ngán và bỏ sang những thứ khác lạ hơn.
Trở thành một chuyên viên (specialist) đòi hỏi phải có kỷ luật, một điều có vẻ quá sức với các tổng quát viên.
Nhưng nếu muốn có thu nhập “khủng”, một công việc trong mơ hay sở hữu một sản phẩm gây sốt, bạn phải là chuyên gia trong một hoặc một số lĩnh vực nào đó.
Bí quyết giúp các tổng quát viên phát triển hết năng lực
Các tổng quát viên đang đi đúng hướng:
Bạn cần phải biết rất nhiều thứ khác nhau để thành công. Tuy nhiên, chỉ như vậy thôi là chưa đủ: bạn cũng đồng thời phải là một chuyên viên nữa.
Bằng không, việc trở thành tổng quát viên sẽ chỉ là “bề nổi” của một tảng băng không có phần chìm.
Ép bản thân trở thành chuyên viên không thôi cũng không phải câu trả lời. Các chuyên viên cần phải phụ thuộc rất nhiều vào người khác và luôn có nguy cơ bị thay thế khi thời thế thay đổi.
Trở thành một chuyên – tổng quát viên sẽ “vẹn cả đôi đường”
Khi là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, những kỹ năng tổng quát sẽ giúp bạn trở nên vô giá. Ban đầu, khả năng chuyên môn giúp bạn có được công việc. Nó giúp bạn “có giá” và mở ra cơ hội thăng tiến. Nhưng khi đã nắm bắt chúng, bung tỏa năng lực tổng quát sẽ giúp bạn bất khả chiến bại.
Bí quyết ở đây là bạn phải tìm được thứ mà mình có thể tinh thông, đồng thời rèn luyện tinh thần kỷ luật để theo đuổi nó tới cùng.
Thay vì băn khoăn “Cần phải học gì tiếp theo?”, hãy tự hỏi:
Kỹ năng nào giá trị và đủ thú vị để bạn mong muốn trở thành người giỏi nhất?”
Tiếp đó là cách nào để tìm kiếm động lực và duy trì thói quen rèn luyện khả năng đó.
Bài viết được chuyển ngữ bởi Song Sơn từ bài viết gốc của Corbett Barr đăng trên Fizzle.
Xem thêm:
[Bài viết] Tổng quát viên: Xu hướng sự nghiệp sẽ thống trị trong 5 năm tới