Hệ sinh thái kinh doanh của Việt Nam đang biến đổi và mở rộng nhanh chóng hơn bao giờ hết. Nhiều công nghệ và mô hình kinh doanh mới mọc lên liên tiếp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn chú ý, linh hoạt và sẵn sàng đối mặt với sự thay đổi. Chính vì vậy, để có thể đi đầu với những sáng kiến kinh doanh mới, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ số để linh hoạt và tăng tốc trong xử lý dữ liệu. Đây là lúc cần công nghệ điện toán đám mây nhập cuộc.
Khi lưu trữ dữ liệu trên đám mây, doanh nghiệp có thể tối ưu hoá chi phí vận hành, dễ dàng mở rộng quy mô và nâng cao hiệu suất. Ngoài ra, với điện toán đám mây, doanh nghiệp có thể tổng hợp và phân tích dữ liệu một cách nhanh chóng và toàn diện hơn, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh thông minh mang đến tăng trưởng doanh thu.
Để tìm hiểu kỹ hơn về những ưu điểm vượt bậc của điện toán đám mây, và các doanh nghiệp nên tận dụng công nghệ này như thế nào để khai thác mỏ vàng dữ liệu, Vietcetera đã tổ chức buổi hội thảo trực tuyến “Unify your data on the cloud to unlock limitless innovation” (Hợp nhất dữ liệu trên điện toán đám mây - Khai mở tiềm năng vô hạn) vào ngày 21/6 vừa qua.
Buổi hội thảo được dẫn dắt bởi anh Hảo Trần – CEO của Vietcetera, với sự góp mặt của 2 vị khách mời: Anh Huỳnh Lê Duy - Cố Vấn Chuyển đổi số tại FPT Software, và ông Doron Shachar - Giám đốc điều hành của Renova Cloud.
Khi dữ liệu là mỏ vàng
Anh Huỳnh Lê Duy hiện là Cố Vấn Chuyển đổi số tại FPT Software. Với gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, anh Duy có thể mang đến khách hàng những phân tích chuyên sâu và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Anh Duy cho biết: "Rất nhiều nền tảng phân tích chuyên sâu đều chạy trên hệ thống điện toán đám mây. “Đám mây hoá” dữ liệu sẽ cho bạn cái nhìn toàn cảnh về tất cả dữ liệu và nguồn tài nguyên lưu trữ trên nhiều hệ thống khác nhau. Từ đó, bạn có thể tạo ra một công cụ phân tích và trực quan hoá dữ liệu để thấy được các xu hướng hiện thời.”
Để củng cố thêm về ưu điểm khi ứng dụng điện toán đám mây trong vận hành doanh nghiệp, anh Duy có nhắc đến trường hợp của một nhà phân phối ô tô Nhật Bản là khách hàng của FPT Software. Doanh nghiệp này có hàng trăm showroom trên toàn cầu, với doanh số bán lẻ hàng năm trên 100.000 chiếc xe và hơn 90.000 chiếc bán buôn. Tuy vậy, trước khi tìm đến với FPT Software, phương thức hoạt động của nhà phân phối này vẫn khá truyền thống, vì thế việc vận chuyển hàng ngàn chiếc ô tô lui tới hàng trăm cửa hàng là một "cơn ác mộng về hậu cần."
"FPT Software sử dụng công nghệ đám mây để tìm ra tối ưu hoá tuyến đường, phương tiện vận chuyển, và phân nhóm sản phẩm sao cho phù hợp, để mang những chiếc ô tô tới đúng nơi, đúng thời điểm với chi phí tối thiểu nhất có thể. Kết quả là chúng tôi đã giúp khách hàng giảm tới 80% chi phí vận chuyển thông thường."
Với công nghệ do FPT Software cung cấp, nhà phân phối ô tô có thể lên lịch giao xe cho khách trước thời hạn và quản lý các vấn đề khác như mức tiêu thụ nhiên liệu, dòng xe, và sở thích của khách hàng.
FPT Software đã mang đến một giải pháp toàn diện cho vấn đề hậu cần. "Công nghệ có thể áp dụng được ở bất cứ đâu, trên tất cả showroom trên thế giới của doanh nghiệp," Duy nói thêm.
Rủi ro và giới hạn của điện toán đám mây
Việc “đám mây hoá” dữ liệu vẫn tồn tại những rủi ro nhất định. Một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp quan ngại nhất chính là mất dữ liệu, đặc biệt khi họ phải chuyển dữ liệu sang một hệ thống hoàn toàn xa lạ. Một khi dữ liệu bị xóa, hỏng hay không thể đọc được, toàn bộ hoặc ít nhất một phần của doanh nghiệp sẽ sụp đổ.
"Nhưng hệ thống đám mây chắc chắn an toàn hơn so với các phần mềm lưu trữ dữ liệu tại chỗ (on-premise)," ông Doron Shachar – nhà sáng lập và CEO của Renova Cloud giải thích. Rò rỉ dữ liệu có thể xảy ra trong mọi tình huống hoặc thông qua bất kỳ phương tiện nào. Đây là vấn đề cần được xử lý với chuyên môn cao và quy trình nội bộ nghiêm ngặt. "Nếu bạn làm theo phương pháp tốt nhất, việc bảo mật dữ liệu sẽ đảm bảo hơn."
Anh Duy cũng cho biết, tỷ lệ một công ty gặp phải rò rỉ dữ liệu cao tới 25%, và nếu xảy ra thì cũng khó phát hiện trong vòng tối đa 140 ngày kể từ khi phát sinh sự cố. Một vụ rò rĩ dữ liệu có thể khiến doanh nghiệp tổn thất trung bình khoảng 3,62 triệu đô la. Dữ liệu chính là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, vì thếcông tác bảo mật đóng vai trò rất quan trọng. Để bảo mật dữ liệu an toàn hơn, tốt nhất là tất cả kho dữ liệu của bạn đều nằm trên một nền tảng.
Các nền tảng đám mây cũng không có giới hạn về dung lượng lưu trữ. Doanh nghiệp có thể dễ dàng nâng cấp khả năng lưu trữ tài nguyên trên đám mây, từ đó mang lại không gian vô tận cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Anh Duy cũng nói thêm, nhờ có thể truy cập và sử dụng dữ liệu trên điện toán đám mây mọi lúc, mọi nơi, doanh nghiệp có thể tập trung vào phát triển các hoạt động kinh doanh tốt hơn. “Với hệ thống phân tích dữ liệu chuyên sâu, doanh nghiệp có thể dự đoán được doanh số bán hàng, lên kế hoạch kinh doanh cụ thế, từ đó có thể mang lại 33% tăng trưởng doanh thu. Đó chính là lợi thế cạnh tranh của bạn. Với điện toán đám mây, bạn sẽ là người dẫn trước trong cuộc chơi.”
Hơn nữa, “đám mây hoá” kho dữ liệu sẽ giúp giảm chi phí vận hành. Đối với một công ty trung bình trong danh sách Fortune 1000, chỉ cần tăng 10% khả năng sử dụng và tiếp cận dữ liệu, năng suất bán hàng cũng sẽ được đẩy mạnh đáng kể. Tối ưu hoá việc khai thác dữ liệu sẽ mang lại 2,01 tỷ đô la tổng doanh thu mỗi năm, còn nâng khả năng truy cập dữ liệu có thể đem lại thêm 65,67 triệu đô la thu nhập ròng mỗi năm cho doanh nghiệp.
Xem lại buổi hội thảo tại đây để biết thêm thông tin.
Chuyển ngữ bởi Bích Trâm