Thay đổi tài chính cá nhân theo mô hình 5 bước | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 11, 2020

Thay đổi tài chính cá nhân theo mô hình 5 bước

Thay đổi thói quen quản lý tài chính cá nhân không bao giờ là một chuyện dễ, cho đến khi bạn áp dụng mô hình 5 bước này.

Thay đổi tài chính cá nhân theo mô hình 5 bước

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

Quá trình thay đổi chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt là với những thói quen. Việc hình thành thói quen quản lý tài chính cá nhân cũng vậy. Sau mỗi lần thống kê, có thể bạn đã nhận ra những khoản chi tiêu cần điều chỉnh, nhưng làm thế nào để giữ vững quyết tâm và bắt tay vào thực hiện?

Theo Mô hình Các giai đoạn Thay đổi hành vi (Transtheoretical Model of Change), chúng ta cần phải trải qua 5 giai đoạn để hình thành thói quen mới. Đó là:

  • Giai đoạn tiền dự định (Precontemplation)
  • Giai đoạn dự định (Contemplation)
  • Giai đoạn chuẩn bị (Preparation)
  • Giai đoạn thực hiện (Action)
  • Giai đoạn duy trì (Maintenance)
5 Bước trong Mô hình Các giai đoạn Thay đổi hành vi Transtheoretical Model of Change
5 Bước trong Mô hình Các giai đoạn Thay đổi hành vi (Transtheoretical Model of Change)

Mô hình này có tác dụng hướng dẫn chúng ta hành động để thay đổi hành vi sang hướng tích cực. Hiểu rõ từng giai đoạn diễn ra như thế nào sẽ giúp bạn chủ động khắc phục rào cản hợp lý hơn và suôn sẻ tiến đến mục tiêu cuối cùng.

Đối với việc thay đổi tài chính cá nhân, về cơ bản bạn sẽ trải qua một quá trình như sau.

Giai đoạn 1: Tiền dự định

Lúc này, bạn nhận thức rằng sự thay đổi là cần thiết nhưng chưa sẵn sàng để thực hiện. Khi có người hỏi, thường thì câu trả lời sẽ là: "Chưa nghĩ tới."

Vấn đề là: Bạn không muốn thay đổi, thậm chí chối bỏ khi có người nhắc nhở hoặc đề nghị giúp đỡ vì cho rằng hành vi của mình không để lại hậu quả nghiêm trọng nào. Cứ thế, bạn dễ dàng chấp nhận tình trạng hiện tại hoặc tin rằng mình không thể làm gì khác. 

Ví dụ, bạn biết rằng mình cần lập một khoản tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp nhưng tạm thời chưa có kế hoạch thực hiện cụ thể.

Giải quyết bằng cách: Tự đánh giá lại bản thân chứ không ép mình phải thay đổi ngay. Bạn nhận ra vấn đề như thế nào? Bạn đã từng muốn thay đổi không? Điều gì sẽ xung đột với điều bạn muốn thay đổi?

Giai đoạn 2: Dự định

Bạn đã nhận thức được sự cần thiết hoặc lợi ích của việc thay đổi, nhưng vẫn chưa chính thức bắt tay vào hành động. Giai đoạn chuyển từ "tiền dự định" sang "dự định"thường bị xem nhẹ bởi vì chưa có kết quả thực tế nào nên, nhưng thật ra đây đã là một sự tiến bộ lớn.

Vấn đề là: Giai đoạn này có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm trời hoặc mãi mãi, do các xung đột trong nhận thức. Bạn lưỡng lự vì biết việc thay đổi sẽ đòi hỏi bạn phải từ bỏ một điều gì đó.

Tiếp tục ví dụ trên, đến giai đoạn này bạn đã nhận ra tầm quan trọng của khoản tiền dự phòng. Nhưng điều đó có nghĩa là bạn phải chi tiêu dè xẻn hơn, chẳng hạn bớt một vài ly cà phê buổi sáng, vài đợt mua sắm định kỳ. Mâu thuẫn giữa muốn dành dụm và muốn tiêu xài thoải mái là nguyên nhân 'giữ chân' bạn không thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Giải quyết bằng cách: Lập SWOT về tài chính cá nhân để phân tích mặt mạnh và yếu, lợi và hại cho mình.

Giai đoạn 3: Chuẩn bị 

Lúc này vẫn chưa có thay đổi nào lớn, ngoại trừ tư tưởng của bạn. Bạn đã quyết tâm đạt được mục tiêu của mình, thậm chí xác định thời gian và sẵn sàng thực hiện.

Cụ thể trong ví dụ trên, bạn bắt đầu cân nhắc kỹ hơn về việc chi tiêu. Một số hành động nhỏ dần xuất hiện như thống kê chi tiêu, tìm hiểu các ứng dụng quản lý tài chính, học hỏi về việc đầu tư, hoặc chỉ đơn giản là lưỡng lự giữa việc đi ăn bên ngoài hay về nhà tự nấu.

Vấn đề là: Vẫn tồn tại một số nguyên nhân cản trở bạn tiếp tục thực hiện các thay đổi này và biến chúng thành thói quen.

Chẳng hạn một số lần, bạn về nhà và quá mệt mỏi để ngồi lại ghi chép chi tiêu trong ngày, thế là phải tạm gác lại. Một số lần khác thì bạn quên mất số tiền mình đã chi.

Giải quyết bằng cách: Trước hết, hãy viết ra mục tiêu của mình. Nghiên cứu cho thấy cách này giúp bạn hình dung và ghi nhớ chúng rõ nét hơn, nhờ đó nâng cao khả năng hoàn thành mục tiêu của bạn.

Nếu đã nhận biết các nhân tố cản trở, bạn có thể lập ra kế hoạch phản ứng cụ thể với từng nhân tố đó. Nếu hay quên ghi chép chi tiêu vào sổ tay, hãy thử các ứng dụng quản lý trên điện thoại. Nếu lười thống kê hàng ngày, bạn có thể lưu lại các hoá đơn và xử lý một lần vào mỗi cuối tuần chẳng hạn.

Bất kỳ nỗ lực thay đổi nào cũng đều phải trải qua việc lên kế hoạch thử nghiệm phạm sai và sửa đổi Hiểu được các giai đoạn diễn ra thế nào sẽ giúp bạn giành lấy quyền chủ động
Bất kỳ nỗ lực thay đổi nào cũng đều phải trải qua việc lên kế hoạch, thử nghiệm, phạm sai và sửa đổi. Hiểu được các giai đoạn diễn ra thế nào sẽ giúp bạn giành lấy quyền chủ động.

Giai đoạn 4: Thực hiện 

Đến giai đoạn này, bạn nhận thấy những thay đổi rõ nét nhất. Bạn chuyển hẳn một phần tiền vào mục tiết kiệm. Bạn lập kế hoạch chi tiêu cho từng tháng và liên tục kiểm tra xem mình có đang thực hiện sát sao hay không. Đây là lúc bạn dễ dàng có cảm giác 'thành tựu' nhất, vì mọi nỗ lực đều được thể hiện rõ ràng trên con số.

Vấn đề là: Nếu thực hiện thay đổi khi chưa suy nghĩ thấu đáo hay chuẩn bị sẵn sàng, bạn dễ dàng rơi vào tình trạng tái diễn.

Tái diễn (relapse)

Là một phần của giai đoạn thực hiện. Tuy nhiên bởi vì giai đoạn này quá phổ biến nên một số nhà tâm lý học đã tách tình trạng này thành một giai đoạn riêng.

Bạn có thể đã lường trước, nhưng vẫn vô tình phạm phải. Chẳng hạn bạn đặt ra một giới hạn chi tiêu trước khi đi chơi cùng bạn bè, nhưng vẫn lỡ ham vui chi tiêu quá trớn.

Nhưng điều này không có nghĩa là bạn đã hoàn toàn thất bại. Bạn có thể xem đây là một bài học để quyết tâm hơn khi rơi vào trường hợp tương tự vào lần tới.

Giải quyết bằng cách: Tìm ra điều gì đã 'xúi giục' bạn vượt mức chi tiêu? Có thể bạn đã bỏ lỡ một vài rào cản tiềm ẩn khi đang lên kế hoạch chuẩn bị.

Chẳng hạn, cách tiêu xài của bạn có mối tương quan hai chiều với những người xung quanh, vì thế những thay đổi của bạn có thể đã xảy ra “xung đột” với những yếu tố ngoại cảnh đó. Như ví dụ ở trên là thói quen chi tiêu của bạn bè.

Ngoài ra, hãy tự thưởng cho bản thân khi hoàn thành được một cột mốc nào đó. Yếu tố củng cố và hỗ trợ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các thay đổi.

Cách bạn tự thưởng nên là một điều gắn liền với mục tiêu và nằm trong tầm tay. Chẳng hạn như sau khi đạt được nhiều hơn số tiền dự định ban đầu, bạn có thể dành một khoảng nhỏ để mua một món đồ yêu thích. (Nhưng nhớ là phải hợp túi tiền nhé!)

Cuối cùng, đừng quên đánh giá định kỳ sự tiến bộ, kế hoạch và động lực của mình.

Giai đoạn 5: Duy trì 

Đây còn được xem như một giai đoạn 'bình thường mới'. Bạn có thể vật lộn trong giai đoạn 4 một thời gian dài trước khi đến được giai đoạn này. Nhưng khi đã thực hiện được, việc kiểm soát tài chính cá nhân đã trở thành một điều tự nhiên và thuần thục trong sinh hoạt của bạn.

Bạn có thể nhẹ nhõm hơn vì không phải gồng ép mình mỗi ngày trước những cám dỗ chi tiêu, nhưng vẫn cần chú ý để duy trì thói quen này một cách nhịp nhàng. Tiếp tục chế độ 'tự thưởng' vẫn là một cách hiệu quả để tiếp sức cho sự kiên trì của bạn trong giai đoạn này.

Kết

Thay đổi thói quen chi tiêu một quá trình đòi hỏi nhiều kiên nhẫn. Có lẽ đôi khi bạn sẽ bị cản trở bởi một vài suy nghĩ trì hoãn hoặc hành vi tái diễn. Hãy bình tĩnh chấn chỉnh tinh thần và kiểm tra lại kế hoạch, chỉnh sửa cho phù hợp với vấn đề, biến những rào cản thành cột mốc và đạt được sự tự do tài chính cho mình.