Thời trang bền vững - Phần 1: Những tiềm năng cần phát triển | Vietcetera
Billboard banner
08 Thg 05, 2018

Thời trang bền vững - Phần 1: Những tiềm năng cần phát triển

Thời trang bền vững vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, đất nước chúng ta lại sở hữu rất nhiều tài nguyên thiên nhiên để có thể sản xuất được sản phẩm thời trang “xanh".

Thời trang bền vững - Phần 1: Những tiềm năng cần phát triển

Thời trang bền vững

Tính đến thời điểm này, so với các quốc gia khác trên thế giới, thời trang bền vững (sustainable fashion) vẫn còn là một khái niệm còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là trong nước không có cộng đồng những người ủng hộ, duy trì và phát triển nhận thức quý giá này. Trên thực tế, đã có rất nhiều nhà thiết kế, sản xuất may mặc thời trang trong nước và quốc tế theo đuổi công cuộc phát triển thời trang bền vững. Tiêu biểu có thể kể đến như nhà thiết kế Linda Mai Phùng và hành trình khám phá thời trang bền vững phân khúc cao cấp của cô. Ở nước láng giềng Campuchia, thương hiệu thời trang Tonlé cũng cam kết sản xuất thời trang không rác thải (zero waste fashion) – một bước tiến dài được các chuyên trang nổi tiếng The Guardian và Huffington Post ghi nhận.

Khi mà Việt Nam đang ở thời kì đỉnh điểm của cuộc chiến sản xuất giá thành thấp và tiêu dùng thời trang nhanh, để không phải rơi vào tình trạng như Trung Quốc – một trong những cường quốc sản xuất của thế giới – nơi mà chính phủ đang đau đầu suy nghĩ các biện pháp để đối phó với vấn đề ô nhiễm trầm trọng, có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta ngồi xuống và phân tích xem thử liệu đất nước mình có tiềm năng gì để phát triển ngành công nghiệp thời trang một cách bền vững hơn.

Thời trang chậm và chất liệu tự nhiên

Để có thể gọi là thời trang bền vững thì trước tiên, các chất liệu phải có nguồn gốc tự nhiên và quá trình sản xuất cũng phải thân thiện với môi trường. Với hệ sinh thái đa dạng từ Bắc chí Nam, Việt Nam may mắn sở hữu một nguồn nguyên liệu “xanh” mà ít nơi nào có thể sánh bằng để bắt đầu phát triển thời trang chậm.

Dưới đây là một số nguyên liệu và chất liệu:

Lãnh Mỹ A – Những thớ lụa quyền năng

Lãnh (lụa) Mỹ A, hay còn được biết đến với tên gọi lụa Tân Châu – một thị xã nằm ở phía Bắc tỉnh An Giang, là thứ lụa mềm mại, tinh tế được dệt từ những sợi tơ tằm có phẩm chất tốt nhất. Lụa sau khi dệt xong hẵng còn giữ nguyên màu trắng nguyên thủy, để cho ra những thớ lụa đen tuyền và óng ả, người nghệ nhân làng Tân Châu sử dụng trái mặc nưa để nhuộm. Trong quá trình nhuộm, phải nhúng đi nhúng lại hàng trăm lần thì màu mới thấm sâu và đều được. Cả thời gian nhuộm và phơi thường kéo dài hơn một tháng, nhưng hoàn toàn thân thiện với môi trường và an toàn cho người nghệ nhân.

Ngày nay, ngoài màu đen ra, lụa Lãnh Mỹ A còn có màu hổ phách, chàm và xám tro. Chất lụa bền, thoáng mát và vẻ đẹp huyền bí đủ sức thu hút ánh nhìn của cả thế giới. Còn nhớ trong buổi công chiếu phim Maleficent ở Hollywood, vợ chồng Brad Pitt và Angelina Jolie đã xuất hiện đầy quyền uy trong những bộ trang phục đen được làm từ lụa Lãnh Mỹ A. Chưa dừng lại tại đó, nhà thiết kế lừng danh Nguyễn Công Trí còn quyết định sử dụng chất liệu lụa này cho bộ sưu tập số 09 của anh, mang tên là Lụa. Khi Lụa ra mắt tại Tuần lễ thời trang Tokyo 2016, Lãnh Mỹ A lại có dịp làm kinh ngạc làng thời trang quốc tế một lần nữa.

Nguồn nguyencongtricom
Nguồn: nguyencongtri.com

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng lụa Lãnh Mỹ A trong những năm gần đây tăng mạnh, chủ yếu là các đơn hàng xuất khẩu số lượng lớn. Trước tình hình đó, làng nghề lụa Tân Châu đã được khôi phục vào năm 2006 – một tín hiệu khả quan cho ngành lụa Việt Nam.

Tre – Những phẩm chất thần kỳ

Tre từ lâu đã được người Việt sử dụng như là một loại vật liệu đa năng, từ xây dựng nhà cửa đến đem dệt thành sợi hoặc dùng làm thức ăn. Sở dĩ đặc tính của tre là phát triển nhanh (loại cây cho thu hoạch nhanh nhất thế giới), kháng mối mọt và lại dễ dàng phân hủy sinh học – vậy nên việc sản xuất tre dư thừa gần như là điều không thể.

Đó là chưa kể tre còn mang lại những giá trị kinh tế thực tiễn. Theo ước tính, người trồng tre có thể thu về lợi nhuận bằng 60% chi phí đã đầu tư – một mức lợi nhuận đáng kể so với những loại cây trồng khác. Vì vậy, tre đang từng bước “soán ngôi” gỗ trong ngành công nghiệp sản xuất – một trong những lợi thế mà Việt Nam nên nắm bắt để thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước.

Với sự linh hoạt và tiện dụng mà tre mang lại, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu tre trở thành nguyên liệu sản xuất thay thế cho cả nhôm, nhựa và thậm chí là sợi bông. Ví dụ tiêu biểu là xe đạp tre của Viet Bamboo Bike – hay những chiếc túi đan hiện đại hoặc phụ kiện mây tre đến từ Ladan.

Nguồn FacebookLadan
Nguồn: Facebook/Ladan

Các phương pháp bền vững

Thêu tay truyền thống

Thêu tay là một phương pháp truyền thống được sử dụng phổ biến cho đến bây giờ tại Việt Nam. Chỉ với kim và chỉ, người nghệ nhân tài ba vẫn có thể thêu thành những hình ảnh tinh tế và đẹp mắt hơn cả sử dụng máy móc hiện đại. Đó là lý do tại sao ngành thêu đến giờ vẫn có sức sống mãnh liệt dù đã trải qua hơn 700 năm.

Minh chứng rõ rệt là sự phát triển của XQ Sử quán – làng tranh thêu nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Vốn được thành lập bởi hai nghệ nhân Võ Văn Quân và Hoàng Thị Xuân tại Đà Lạt vào năm 1994, đến thời điểm hiện tại, làng tranh XQ vươn mình ra khắp các tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Huế, Nha Trang và Thành Phố Hồ Chí Minh, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 nữ nghệ nhân. Tại đây, làng tranh thêu XQ được hình thành như một không gian văn hóa, trưng bày, đồng thời cũng là nơi tổ chức dạy nghề thêu tay. Được thành lập bởi hai nghệ nhân Hoàng Thị Xuân và Võ Văn Quân ở Đà Lạt vào năm 1994, đến năm 2017, làng XQ đã có mặt tại Hà Nội, Huế, Nha Trang và thành phố Hồ Chí Minh, quy tụ hơn 2000 nữ nghệ nhân. Những ‘ngôi làng’ XQ không chỉ giúp tôn vinh nghệ thuật thêu tay mà còn mang lợi ích lâu dài cho cả nghệ nhân và không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Nguồn authentiquehomecom
Nguồn: authentiquehome.com

Dệt thổ cẩm truyền thống

Nếu có dịp tham quan chợ phiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc, bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng sự đa dạng của loại vải thổ cẩm, được dệt may và bày bán bởi đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồi núi như H’Mông, Dao Đỏ, và Tày. Mỗi năm, một nghệ nhân có thể tạo ra khoảng 20 tấm thổ cẩm. Nhưng trước đó, người nghệ nhân còn phải trải qua các công đoạn như thu hoạch bông, quay thành sợi rồi sau đó mới dùng khung cửi để dệt vải. Hoa văn trên vải khác nhau tùy theo kỹ thuật dệt của mỗi dân tộc. Dệt thổ cẩm đòi hỏi nhiều thời gian, công sức nhưng lại không sử dụng năng lượng điện nên phương pháp này không sản sinh carbon dư thừa.

Có truyền thống hàng trăm năm và mang lại những sản phẩm có chất lượng và giá trị thẩm mỹ cao, đáng buồn thay người nghệ nhân vùng cao vẫn chưa ý thức được giá trị của mình. Điều này dẫn đến việc nhiều nghệ nhân quyết định bỏ nghề để theo đuổi công việc đồng áng, tuy nặng nhọc nhưng lại tạo ra nguồn thu nhập một cách nhanh hơn.

Đứng trước thực trạng đáng buồn này, đã có rất nhiều cá nhân và tổ chức ra sức bảo vệ người nghệ nhân và nghề truyền thống, tiêu biểu là Chula Fashion, Kilomet 109 và nhà thiết kế Linda Mai Phùng. Bằng cách nâng cao nhận thức của người nghệ nhân vùng cao về giá trị của phương pháp dệt thổ cẩm, từ đó có thể cải thiện đời sống bằng cách trở lại với nghề và đưa thổ cẩm Việt Nam ra mắt thị trường quốc tế.

View this post on Instagram
Many of you have been asking how to get your hands on this beautiful #handbatiked Kilomet109 #stripedress .Well now you are just a click away! To purchase this dress and other select Kilomet109 styles check out @thekindcraft online shop. It is simple, it's easy, and we ship all over the world. Help support great craftsmanship, and look fly doing it too! Free delivery in Vietnam. Shop here: https://shop.thekindcraft.com/ And read our story here: http://thekindcraft.com/kilomet109/ #batik #indigodye #naturalfibers #locallymade #handmadewithlove #ancientmethods #contemparydesign #sustainablefashion #ethicalstyle #vietnam #hanoi #thekindcraft #kilomet109
A post shared by KILOMET109 (@kilomet109) on Oct 2, 2017 at 5:16am PDT

Chạm khắc mỹ nghệ

Nghệ thuật chạm khắc gỗ Huế bắt nguồn từ thời nhà Nguyễn và được sử dụng chủ yếu trong các thiết kế cung đình, chùa chiền. Ngày nay, do sự hạn hụt nguyên liệu gỗ mà nhiều thợ mộc buộc phải từ bỏ nghề truyền thống của mình.

Chứng kiến nguy cơ mai một của nghề truyền thống, nhà thiết kế Nguyễn Lan Vy, nhà sáng lập kiêm CEO doanh nghiệp xã hội và thời trang Fashion 4 Freedom, đã xây dựng một đội ngũ thiết kế làm việc với các nghệ nhân chạm khắc gỗ để cho ra đời những dòng sản phẩm thời trang nhỏ và tiện dụng hơn, ví dụ như giày và trang sức. Mô hình kinh doanh này đã và đang tạo ra công việc ổn định cho hơn 30.000 người Việt Nam, đồng thời cũng rẽ một hướng đi mới cho nghề chạm khắc gỗ truyền thống.

Tương lai của thời trang bền vững tại Việt Nam

Tựu trung, thời trang bền vững tại Việt Nam tuy vẫn trong ‘giai đoạn sơ khai’ nhưng đang trên đà phát triển nhanh chóng. Ngày càng nhiều thương hiệu nhận thức được sự cần thiết của việc tiếp cận và phát triển chủ nghĩa thời trang này. Từ dòng thời trang cao cấp của các nhà thiết kế Nguyễn Công Trí, Fashion 4 Freedom đến những nhãn hiệu giá thành phải chăng như Chula Fashion, LadanLienné – điều này chứng tỏ rằng người tiêu dùng, dù ở phân khúc nào, cũng sẵn sàng đầu tư vào các sản phẩm có nguyên liệu tự nhiên và sản xuất bằng phương pháp thủ công truyền thống.

Thêm vào đó, trong tương lai không xa, thời trang bền vững sẽ trở thành điều kiện sống còn cho các doanh nghiệp kinh doanh may mặc bởi nó không chỉ mang lại làn sóng mới cho văn hoá doanh nghiệp mà quan trọng hơn hết là công việc an toàn, ổn định cho nhân công Việt Nam cũng như sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng. Với những lợi thế về tài nguyên và nghề truyền thống đã đề cập, hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ được biết đến như là một kinh đô thời trang bền vững.

Bài viết này được dịch bởi Nguyen Le.

Xem thêm:

[Bài viết] Liệu Việt Nam có thể dẫn đầu công nghệ blockchain toàn cầu?

[Bài viết] Jonathan Wong và công cuộc dẫn dắt Maison Fashion Group vào kỷ nguyên tiếp thị nội dung