Nhiều người vẫn thầm rỉ tai nhau rằng, mỗi năm là một dịp để “làm lại”. Có thể là những dự định còn dang dở, những mục tiêu còn lỡ làng, và năm mới là thời điểm vàng để ta xé nháp, chuyện cũ bỏ qua.
Vốn dĩ tinh thần tiễn năm cũ, đón năm mới cũng mang trong nó nguồn năng lượng tích cực - nó khơi gợi trong ta nhiều hy vọng muốn khởi động năm mới thật hân hoan, hoành tráng.
Ngoài các hoạt động quây quần, gói bánh chưng hay sắm sửa chợ hoa, thú “chơi tranh” ngày Tết cũng là một nét văn hóa thú vị. Trang trí một bức tranh Tết gọn gàng giữa không gian phòng khách sẽ giúp căn nhà thêm sang trọng, thể hiện niềm hy vọng của gia chủ về một năm mới sắp đến, ngoài ra còn toát lên sự lễ giáo gia phong.
Thú chơi tranh này bắt nguồn từ đâu? Và ai có thể gia nhập “bộ môn” nghệ thuật này?
Ngược dòng lịch sử, thưởng tranh ngày Tết
Nguồn gốc của thú chơi tranh Tết không dễ xác định, có người cho rằng thú chơi này xuất hiện vào thời Trần (1225 - 1400), hoặc sớm hơn từ thời nhà Lý (1010 - 1225), theo một bài đăng trên báo Tuổi Trẻ. Dù khởi nguồn từ mốc thời gian nào, rõ ràng thú chơi tranh Tết vẫn là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày Xuân.
Lý do để treo tranh Tết cũng bắt nguồn từ quan niệm “Tống cựu, nghinh tân” quen thuộc trong văn hóa. Nhiều gia đình xem việc mang một bức tranh mới về nhà dịp Tết là cách mang may mắn về nhà.
Người ta sẽ tranh thủ ra chợ để lựa những bức tranh Tết đẹp nhất. Sau đó, họ cẩn thận gỡ tranh cũ xuống và khéo léo treo bức tranh mới lên cho thật ưng ý. Vì lẽ đó, tranh Tết không chỉ là vật trang trí mà luôn mang trong mình một hy vọng về tương lai.
Nói theo ngôn ngữ hiện đại, tranh Tết chính là một “vision board”, một bảng tầm nhìn để ai đi ngang cũng biết rằng mình đang hướng đến những giá trị thanh lành, tốt đẹp trong cuộc sống.
Đa dạng phong cách, chất liệu tranh Tết
Với màu sắc rực rỡ, đề tài phong phú, đường nét độc đáo, những bức tranh ngày Tết còn sợi dây kết nối những giá trị thẩm mỹ, triết lý xã hội và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tại Việt Nam, khi nhắc đến tranh Tết thì những cái tên như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng là nổi bật hơn cả.
Tại những địa danh này, các nghệ nhân liên tục cho ra đời những sản phẩm tranh đặc sắc để phục vụ người mê tranh “chưng” trong Tết. Bên cạnh đó, mỗi dòng tranh lại có nét độc đáo riêng hướng đến những cảm thụ nghệ thuật và đối tượng khách hàng khác nhau.
Nếu tranh Đông Hồ chân chất, mộc mạc với hình ảnh đàn gà, đàn lợn được lòng giới bình dân thì tranh Hàng Trống với các bức tranh Tố nữ, tranh Tứ quý có phần sang trọng và hướng đến tệp khách hàng thượng lưu.
Sắm tranh Tết không nhất thiết phải xa xỉ
Như một lời cầu chúc năm mới như ý, việc sắm tranh Tết cũng thay lời muốn nói cho niềm hy vọng của mọi nhà.
Bạn không nhất thiết phải xuất thân từ tầng lớp thượng lưu, hoặc thu nhập khấm khá để “chơi” tranh. Việc tiếp cận, sở hữu tác phẩm nghệ thuật là dành cho bất kỳ ai - miễn bạn yêu thích nghệ thuật, và muốn thông qua nghệ thuật để gửi gắm tâm tình.
Từ đó, thú chơi tranh trở thành một biểu tượng rất riêng những ngày lễ Tết. Với đa dạng đề tài về văn hóa, lịch sử, tâm linh,... tranh Tết chỉn chu ở một góc phòng luôn là nguồn cảm hứng cho tinh thần hứng khởi, rộn ràng, giúp gia chủ hòa nhịp tâm thế đón nhận năng lượng tích cực mùa Tết đến xuân về.
Một vòng tranh Tết tại Lotus Gallery
Tết 2024, những người yêu tranh sẽ có cơ hội “Ngắm tranh, sắm tranh” với những tác phẩm đặc sắc tại Lotus Gallery từ ngày 06/01/2024 đến hết 29/02/2024. Khi dạo bước đến triển lãm này, người tham gia sẽ trải qua đủ cung bậc cảm xúc về ngày Tết. Đầu năm ngắm tranh Tết với những hình ảnh đầy màu sắc, cả năm cũng rộn ràng niềm vui trong tâm tưởng.
Lotus Gallery trưng bày những bức tranh mang đậm tinh thần Tết quê với hình ảnh chợ nổi đầy ắp thuyền hoa, hay tinh thần Tết vùng cao Tây Bắc với phong cảnh núi đồi và Tết của các dân tộc anh em. Không dừng lại ở đó, Tết trong tranh còn có những bức vẽ tĩnh vật với bảng màu ôn nhu nhã nhặn, những đầm sen xanh mơ màng, đôi cá chép ung dung, đồi hoa rực nở… Chất liệu để vẽ tranh cũng đa dạng từ giấy dó đến tranh trên lụa, tranh ngói…
Thú chơi tranh, ngắm tranh ngày Tết ngày càng trở nên thân thuộc với người dân, tạo nên một không khí ấm áp và tinh tế cho mùa lễ hội này. Mỗi bức tranh không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là mảnh ghép thể hiện tâm tư và tình cảm sâu sắc của tác giả.
Đồng thời, những bức tranh cũng là nguồn động viên, hy vọng của những người ngắm tranh về một năm mới tràn đầy niềm vui, hạnh phúc. Nếu bạn mong muốn một cái Tết tinh tế, bình yên mà không bị cuốn vào bối cảnh ồn ào, hối hả, hãy thử trải nghiệm mùa Tết năm nay trong không gian tĩnh lặng của phòng tranh - nơi mà nghệ thuật và truyền thống gặp gỡ.