1. Chuyện gì đang xảy ra?
Vào ngày 17/9, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra thông báo đã hoàn thiện dự thảo đề xuất kỳ nghỉ kéo dài 9 ngày cho dịp Tết Nguyên Đán năm 2025. Năm 2023 và 2024, dịp Tết Âm lịch đều kéo dài 7 ngày, cho nên, nếu đề xuất trên được thông qua trong dịp đón năm mới sắp tới chúng ta sẽ được nghỉ Tết nhiều hơn 2 ngày.
Số lượng ngày nghỉ lễ chính thức vẫn như cũ là 5 ngày nhưng vì rơi đúng vào giữa hai dịp cuối tuần liền kề do đó đã tạo nên một chuỗi kỳ nghỉ dài để mọi người có thêm thời gian sum họp cùng gia đình và tận hưởng không khí Tết Nguyên Đán.
Thậm chí, lịch nghỉ Tết đối với học sinh, giáo viên còn có thể tăng thêm khi mà hồi đầu năm nay học sinh Hà Nội nghỉ Tết Âm lịch 8 ngày, TP. Hồ Chí Minh là 14 ngày hay ở Hà Giang còn lên tới 16 ngày. Vì vậy, Việt Nam đã là nước cho học sinh nghỉ Tết dài nhất châu Á trong năm 2024.
2. Tết nay dài hơn tết xưa?
Dù Tết là một ngày lễ truyền thống lâu đời của nước ta nhưng những quy định cụ thể về ngày nghỉ lễ và thời gian nghỉ lễ kéo dài như hiện nay lại xuất hiện chưa quá lâu. Song song với sự phát triển của đất nước, độ dài của kì nghỉ Tết mới dần dần được nâng lên qua thời gian.
- 1959 - 1976 (Theo Nghị định số 028-TTg ngày 28/01/1959): Nghỉ 2,5 ngày (Nếu Tết trùng ngày Chủ Nhật không nghỉ bù)
- 1977 - 1994 (Theo Nghị định số 13-CP ngày 22/01/1977): Nghỉ Tết 3 ngày (Nếu Tết trùng ngày Chủ Nhật không nghỉ bù)
- 1995 – 2013 (Theo điều 73 Luật lao động năm 1994 có hiệu lực năm 1995): Nghỉ Tết 4 ngày (Nếu Tết trùng ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật được nghỉ bù)
- Từ 2014 đến nay (Theo điều 115 Luật Lao động 2012 có hiệu lực từ 01/5/2013): Nghỉ Tết 5 ngày. (Nếu Tết trùng ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật được nghỉ bù).
Cùng với đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong giai đoạn 1959 - 1976 chỉ dao động từ khoảng 1,2 -2,9 triệu đồng một năm. Còn theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, GDP bình quân đầu người đã đạt mốc 105 triệu đồng một năm. Có thể thấy, đời sống của người dân Việt Nam đã có nhiều cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần.
3. Tết dài hơn, ngành du lịch dễ tăng trưởng hơn?
Vì là kỳ nghỉ lớn trong năm, Tết Nguyên Đán vẫn luôn là dịp cao điểm được mọi người lựa chọn để đi du lịch. Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, dịp Tết hồi đầu năm nay nhờ kéo dài 7 ngày cùng với thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch diễn ra sôi động.
Ngành du lịch ước đoán đã đón 10,5 triệu lượt khách nội địa, tăng gần 17% so với cùng kỳ 2023. Hầu hết các tỉnh thành đều ghi nhận tín hiệu tăng trưởng tốt, trong đó TP.HCM dẫn đầu với doanh thu hơn 6.550 tỷ đồng.
Không chỉ du lịch trong nước, các công ty lữ hành cũng ghi nhận doanh thu các tour nước ngoài tăng mạnh. Theo tổ chức nghiên cứu The Outbox Company, số lượng du khách Việt lựa chọn xuất ngoại vào dịp Tết ngang ngửa với du lịch nội địa khi tỷ lệ xấp xỉ gần 50%.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng đã bắt đầu mở bán vé máy bay cho dịp Tết với số lượng lớn và mức giá cạnh tranh. Vietnam Airlines Group (gồm các hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) mở bán sớm gần 1,5 triệu vé trên toàn mạng bay nội địa. Vietjet cũng đang mở bán hơn 2,6 triệu vé Tết nguyên đán 2025 với giá chỉ từ 890.000 đồng.
Với những tín hiệu tích cực như vậy, đề xuất kì nghỉ Tết Nguyên Đán 2025 kéo dài 9 ngày được kỳ vọng sẽ tạo nên động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn cho ngành du lịch vào đầu năm tới. Nhất là sau cơn bão Yagi vừa qua đã để lại nhiều thiệt hại nặng nề khiến nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng đang rất cần có những cú hích để khôi phục lại tăng trưởng và nguồn thu.