Tóm tắt tình hình kinh tế trong nước và quốc tế từ 21 – 24/3.
Sơ lược kỳ trước:
Các nước đồng loạt ra thông báo sẽ tung gói kích thích kinh tế khi dịch bệnh ngày một vượt tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, giá dầu rớt kỷ lục khi Nga và Saudi Arabia lao vào cuộc chiến tăng sản lượng để chiếm thị phần.
Hệ quả: chứng khoán Mỹ không có nhiều dấu hiệu tích cực và đã ngừng giao dịch lần 4 trong 2 tuần. Các nhà đầu tư đổ xô bán tháo cổ phiếu để chuyển thành tiền mặt khiến giá USD tăng cao.
Chuyện kỳ này (21 – 24/3):
NHU CẦU TIỀN MẶT TĂNG VỌT KHI NIỀM TIN VÀO KINH TẾ THẾ GIỚI SỤP ĐỔ.
CÁC NƯỚC ĐANG LÀM GÌ?
Thế giới
Quyết sách: Mỹ lên kế hoạch tung gói 4.000 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng COVID-19 trong 90 – 120 ngày tiếp theo. Song song đó:
Năng lượng: Nga phủ nhận đối đầu với Saudi Arabia để giành thị phần và khẳng định quan hệ 2 bên vẫn tốt đẹp khiến mong muốn giải quyết khủng hoảng giá dầu bế tắc.
Vàng: Giá vàng có lúc tăng vọt gần 90 USD/ounce chỉ trong thời gian ngắn sau khi FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) hạ lãi suất xuống gần 0% và thông báo các biện pháp hỗ trợ tín dụng khác cho doanh nghiệp và hộ gia đình.
Chứng khoán: Tình trạng bán tháo vẫn ồ ạt và nhóm ngành năng lượng đang giảm điểm mạnh nhất, do đến hiện tại gói kích thích 2.000 tỷ USD vẫn chưa được thông qua và giá dầu chưa được kiểm soát.
Olympic 2020: Nhật Bản đứng trước nguy cơ mất hàng tỷ USD và giảm GDP 4 quý liên tiếp nếu Olympic 2020 bị hủy, trong khi trước đó đã chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt và điều chỉnh thuế tiêu dùng khiến GDP giảm 7,1%.
Hàng không: Phát sinh vấn đề về thiếu bãi đỗ, trong khi tình hình kinh doanh vốn đã khủng hoảng: doanh thu khu vực Châu Á Thái Bình Dương thiệt hại nặng nhất với 57,3 tỷ USD, tiếp đó là Châu Âu với 43,9 tỷ và Bắc Mỹ với 21,1 tỷ.
Việt Nam
Chứng khoán: 90% cổ phiếu giảm điểm, trong đó giảm mạnh nhất ở các nhóm ngân hàng, dầu khí, dệt may, xây dựng… do các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là EU, Mỹ đang mất kiểm soát và gói hỗ trợ 2.000 tỷ của Mỹ chưa được thông qua.
Xăng dầu: Các đơn vị sản xuất, kinh doanh xăng dầu lỗ nặng vì hàng tồn kho tăng cao, cũng như chênh lệch giữa giá thành phẩm với dầu thô thấp (bắt nguồn từ giá dầu thô giảm mạnh kéo giá xăng dầu giảm theo).
USD: Ngân Hàng Nhà Nước hạ giá bán USD để bình ổn thị trường ngoại tệ sau khi giá USD không ngừng tăng những ngày gần đây và tỉ giá trung tâm hiện được niêm yết ở 23.260 đồng.
Vàng: Giá vàng thế giới tăng kéo theo giá vàng SJC trong nước tăng gần 1 triệu đồng/lượng (sáng 24/3) và hiện niêm yết ở mức 47,4 triệu đồng/lượng.
Nông nghiệp: Sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh do nhiều nước gặp khó khăn trong sản xuất vì dịch, và hiện đã tăng 27% về lượng và 32,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, với Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều nhất.
Thực phẩm: Doanh thu Bách Hóa Xanh tăng nhanh, thu bình quân 1,2 tỷ đồng/cửa hàng nhờ nhu cầu hàng thiết yếu tăng. Ngoài ra, kinh doanh thực phẩm online cũng tăng gấp 2 – 4 lần.
Chuyện kỳ tới (25 – 27/3):
Các nhà đầu tư nước ngoài đua nhau bán tháo cổ phiếu để rời khỏi thị trường chứng khoán Việt. Ngoài việc mất niềm tin vào nền kinh tế, thì lý do lớn là đồng USD tăng giá mạnh làm giảm giá trị tiền tệ của các tài sản ở những thị trường khác. Liệu ngoài việc chờ đợi tình hình kiểm soát dịch cải thiện, thì các nước còn cách nào khác? Cùng đón chờ Tin Một Dòng kỳ tới.
Có thể bạn muốn biết
#TỉGiáHốiĐoái
Đồng USD đang tăng giá mạnh và là công cụ trú ẩn hàng đầu hiện nay. Tại sao USD có giá? Và điều gì tạo nên sự chênh lệch giá trị giữa các đồng tiền trên thế giới?
#TinMộtDòng tóm tắt trong 1 câu các sự kiện kinh tế đang diễn ra trong nước và thế giới.
Điểm tin được thực hiện bởi Anh Vũ.