Từ thiện chỉ giúp giải quyết vấn đề trong một thời điểm nhất định, còn để thay đổi đời sống xã hội về mặt lâu dài, cần phải có các tổ chức chuyên về phát triển (development). Một trong số đó chính là tổ chức phi chính phủ (NGO: non-governmental organization).
Theo thống kê, hiện có 484 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (cuối năm 2021). Riêng tại Việt Nam, có hơn hàng trăm tổ chức phi chính phủ được cấp phép hoạt động.
NGOs hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận. Tổ chức không hoạt động vì mục đích thương mại. Nếu có dư kinh phí hoặc lợi nhuận, số tiền đó được tái sử dụng để phát triển tổ chức, hỗ trợ cộng đồng. Không có nhà đầu tư hay bất kỳ ai hưởng lợi ích cá nhân từ số dư đó.
Để đạt được mục đích của mình, tổ chức phi lợi nhuận cũng cần tiền để duy trì hoạt động. Vậy, nguồn tiền của tổ chức phi chính phủ đến từ đâu? Các hình thức gây quỹ của họ là gì?
1. Tiền đến từ ngân sách chính phủ
Tổ chức phi chính phủ thường độc lập tương đối với Chính phủ, nhưng không có nghĩa độc lập về tài chính. Một số tổ chức NGO phụ thuộc rất nhiều vào tài trợ của chính phủ để hoạt động.
Ở hầu hết các nước tư bản, một tỷ lệ nhất định trong GDP được dành để giúp các tổ chức phi chính phủ đấu tranh vì một mục tiêu cụ thể. Nhiều tổ chức phi chính phủ nhận được tài trợ của chính phủ, nhưng họ cần tuân thủ chính sách của quốc gia đó. Tuy nhiên, điều này thường có thể dẫn đến xung đột lợi ích, do tác động từ yếu tố chính trị.
Một báo cáo của Johns Hopkins Center for Civil Society Studies vào năm 2013 đã chỉ ra: trung bình 48% tiền ngân sách của các tổ chức phi chính phủ ở các nước phát triển đến từ các nguồn của chính phủ.
Một ví dụ điển hình cho tổ chức NGO nhận trợ cấp của chính phủ là World Wide Fund For Nature - WWF. Năm 2021, trong các nguồn tiền của WWF có 9% đến từ khoản tài trợ của chính phủ với giá trị là 42,145,756USD.
Ở Việt Nam thì hầu như không có tổ chức phi chính phủ được nhận tiền tài trợ từ ngân sách nhà nước. Nhưng chính phủ của các nước phát triển sẽ tài trợ cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính của Làng trẻ em SOS Quốc tế, tổ chức nhận được khoản viện trợ đến từ chính phủ các nước phát triển. Tiếp đó, Làng SOS Quốc tế sẽ tài trợ cho Làng SOS Việt Nam. Các khoản viện trợ không chỉ có hiện kim mà có thể bao gồm cả hiện vật.
2. Tiền đến từ nguồn ngân sách của tổ chức, quỹ tư nhân, cá nhân độc lập
Khoản tiền đóng góp của các “mạnh thường quân” mang đến nguồn ngân sách thường xuyên và dồi dào cho các tổ chức phi chính phủ. Đa phần, các khoản tiền tài trợ này sẽ trực tiếp đến với tổ chức phi chính phủ qua tài khoản ngân hàng, cổng thanh toán chính thức của họ để đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Tiền tài trợ từ cá nhân
Tính đến cuối năm 2021, Warren Buffett đã quyên góp tổng cộng 32,7 tỷ USD cho Bill & Melinda Gates Foundation. Đây là tổ chức được thành lập bởi bởi Bill Gates, chủ tịch và người sáng lập ra tập đoàn Microsoft cùng vợ cũ của ông, bà Melinda Gates, nhằm mục đích nâng cao, chăm sóc y tế và giảm nghèo đói trên toàn cầu. Đồng thời, giúp tăng cơ hội học tập và tiếp cận công nghệ thông tin tiên tiến tại Mỹ.
Tại Việt Nam, Blue Dragon Children's Foundation là tổ chức được thành lập với sứ mệnh giải cứu trẻ em đường phố, trẻ em, phụ nữ thoát khỏi nạn buôn bán người, lao động cưỡng bức và nô lệ. Vào năm 2019, hoa hậu H’Hen Niê đã trao tặng số tiền 100 triệu đồng cho tổ chức.
Tiền từ ngân sách của tổ chức, quỹ tư nhân
Hoạt động phát triển doanh nghiệp đi song song với việc gắn kết cùng trách nhiệm với xã hội. Từ đó, khái niệm Corporate social responsibility (CSR) - Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - ra đời. Các doanh nghiệp lớn sẽ có một quỹ hoặc tổ chức hoạt động độc lập dành riêng cho CSR.
Các quỹ, tổ chức này sở hữu nguồn tiền lớn mạnh từ doanh nghiệp. Từ đó, cung cấp nguồn vốn cho cho tổ chức phi chính phủ trở thành một trong các hoạt động của CSR. Việc này vừa giúp doanh nghiệp nhận được cái nhìn thiện cảm từ cộng đồng, vừa tạo nên giá trị tích cực cho việc phát triển xã hội.
Điển hình như Ford Foundation gửi vốn tài trợ cho tổ chức iDE (International Development Enterprises), Quỹ UN Trust Fund hỗ trợ cho Blue Dragon Children’s Foundation.
Để nhận khoản ngân sách trên, các tổ chức phi chính phủ sẽ viết đề xuất dự án nhằm kêu gọi nguồn vốn. Hàng năm, các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động tại địa phương phát hiện những vấn đề bất cập trong mọi lĩnh vực như y tế, giáo dục, nghèo đói… Sau đó, họ đề xuất các dự án sáng tạo, đổi mới phát triển bền vững để gửi cho các quỹ tài trợ.
Ví dụ, Bill & Melinda Gates Foundation hàng năm vẫn kêu gọi các đề xuất dự án để tài trợ về các vấn đề như HIV hoặc sốt rét.
3. Tiền tài trợ đến từ công ty, doanh nghiệp
Nguồn tiền này sẽ tương tự như việc gửi vốn từ ngân sách của tổ chức, quỹ tư nhân. Nó cũng thuộc về doanh nghiệp, nhưng hợp tác với tổ chức phi chính phủ bằng cách tài trợ. Khi đó, tổ chức phi chính phủ sẽ được xem như là một đối tác chiến lược với doanh nghiệp. Dựa vào khoảng dao động mà doanh nghiệp dành cho tổ chức, sẽ nhận về các quyền lợi đi kèm.
Làng trẻ em SOS tiếp nhận các khoản tài trợ bằng tiền mặt, hiện vật, thăm làng và trao tặng học bổng. Ngược lại, phía công ty, doanh nghiệp sẽ nhận lại lợi ích được phân thành 4 bậc: Nhà tài trợ hoa hồng, Nhà tài trợ hoa hướng dương, Nhà tài trợ hoa sen, Nhà tài trợ hoa lan.
Các cấp bậc sẽ được thể hiện như một hình thức quảng bá cho công ty, doanh nghiệp. Ngược lại, tổ chức sẽ nhận về các khoản đóng góp để tiếp tục duy trì và phát triển.
4. Tiền đến từ việc gây quỹ cộng đồng
Tất cả các sự kiện kêu gọi sự tham gia của cộng đồng đều có thể trở thành một buổi gây quỹ, nhằm kêu gọi vốn cho tổ chức. Nó bao gồm: Tổ chức sự kiện thể thao (marathon, đạp xe,...), Gala, buổi hòa nhạc, đấu giá, Ngày Lễ nâng cao nhận thức,... Tùy theo quy mô và đội ngũ của tổ chức, số tiền mang về sẽ dao động khác nhau.
Với một số tổ chức như WWF, họ chọn gây quỹ cộng đồng bằng cách bán các sản phẩm có tiêu chí bền vững. Tất nhiên, với tiêu chí phi lợi nhuận, 100% doanh thu sẽ được dùng cho việc phát triển các dự án của tổ chức. Không có bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp nào được hưởng lợi ích kinh tế cá nhân tại đây.
5. Tiền đến từ sản phẩm, dịch vụ của tổ chức
Một số tổ chức phi lợi nhuận đang dần chuyển đổi sang hình thức social enterprise (doanh nghiệp xã hội) để tự gây quỹ cho tổ chức. Đây có thể xem là một hình thức giúp NGOs tự tạo ra nguồn tiền bền vững cho các mục tiêu của mình.
Sự chuyển đổi này xuất hiện nhiều trong những năm gần đây tại Campuchia, đất nước có số lượng NGOs cao nhất thế giới. Ví dụ như tổ chức phi chính phủ Artisans d’Angkor, đồng thời cũng là doanh nghiệp xã hội lớn nhất Campuchia. Bằng cách nhắm vào thị trường khách du lịch phương Tây, họ đã giúp duy trì hoạt động của tổ chức là đào tạo kỹ năng thủ công và hỗ trợ công việc cho thợ thủ công chuyên nghiệp.
Lúc này, các doanh nghiệp xã hội tự tạo ra lợi nhuận bằng việc bán sản phẩm, dịch vụ. Nhưng các sản phẩm, dịch vụ và cả nguồn nhân công cho nó phải phù hợp mục tiêu ban đầu. Tiếp đó, các khoản lợi nhuận thu về sẽ được trích ra để duy trì và phát triển sứ mệnh xã hội của tổ chức.
Bài toán lợi nhuận nan giải
Mỗi tổ chức phi chính phủ hoạt động vì mục tiêu khác nhau. Điểm chung ở đây là, họ đều cần đến nguồn quỹ dồi dào để duy trì và phát triển các hoạt động vì cộng đồng. Đây cũng là bài toán khó cho nhiều tổ chức khi sự thiếu hụt nguồn vốn có thể trực tiếp ảnh hưởng tới số lượng và chất lượng của dự án.
Vậy nên, trong những năm gần đây nhiều NGOs đang dần chuyển sang hình thức doanh nghiệp xã hội. Sự thay đổi hợp thời này giúp họ có một nguồn vốn vững chắc và lâu dài cho các hoạt động của mình, tạo ra cầu nối và cánh tay giúp đỡ cho một cộng đồng hay một vấn đề vốn bị phần còn lại của nhân loại bỏ quên.