Hiệu ứng tâm lý nào ẩn sau Spotify Wrapped? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
04 Thg 12, 2020

Hiệu ứng tâm lý nào ẩn sau Spotify Wrapped?

Còn điều gì khác đằng sau bảng xếp hạng của năm?
Hiệu ứng tâm lý nào ẩn sau Spotify Wrapped?

Nguồn: Spotify

1. Spotify Wrapped là gì?

Spotify Wrapped là tính năng thống kê dữ liệu dựa theo thói quen nghe nhạc của người dùng, xuất hiện vào tháng 12 hằng năm trên nền tảng phát nhạc trực tuyến Spotify. Ngày 1 tháng 12 vừa qua, Wrapped 2021 chính thức ra mắt và được hưởng ứng tích cực bởi người dùng toàn cầu.

So với năm 2020, Spotify đã đem đến một số bổ sung mới cho tính năng Wrapped năm nay, nổi bật nhất có thể kể đến:

  • The Movie: dùng bài hát yêu thích của bạn để minh họa cho những cảnh kinh điển trong phim;
  • Audio Aura: phân tích tính cách, tâm trạng của bạn trong âm nhạc, sau đó cung cấp hình ảnh minh họa cho nét tính cách này;
  • Playing Cards: chơi trò chơi tương tác để bạn hiểu hơn về thói quen nghe nhạc của bản thân;
  • Wrapped Blend: so sánh sở thích nghe nhạc của bạn với bạn bè.

2. Spotify đầu tư cho trải nghiệm người dùng thế nào?

Năm 2019, Spotify đầu tư 615 triệu Euro (tương đương 17 ngàn tỷ đồng) cho bộ phận Nghiên cứu và Phát triển để tối ưu trải nghiệm người dùng (theo statista.com). Khảo sát trên Younet Media cho thấy, chất lượng nhạc, tương tác giao diện và tính năng gợi ý nhạc là 3 yếu tố chính khiến người dùng muốn gắn bó với Spotify.

3. Có gì ở ‘Wrapped’ cho nghệ sĩ?

Ở phiên bản ‘nghệ sĩ’, Wrapped cung cấp thông tin về số người nghe, số lượt phát và các cột mốc nổi bật liên quan.

Ngoài ‘tổng kết chương’, đây cũng là cách Spotify minh chứng cho sứ mệnh “giúp 1 triệu nghệ sĩ sống bằng nghệ thuật”.

Vào năm 2020, một số người cho rằng đây thực chất là hành động đánh bóng thành tựu, nhằm khỏa lấp một thông tin gây tranh cãi: tiền bản quyền mà Spotify trả cho các nghệ sĩ đang thuộc nhóm thấp nhất, dù đây là nền tảng âm nhạc dẫn đầu thị trường.

4. Xuất hiện 1 cuộc đua mới trên thị trường âm nhạc?

Khi top trending (thịnh hành) Youtube xuất hiện, bảng xếp hạng trở thành cuộc đua của nghệ sĩ Việt mỗi thời điểm ra mắt sản phẩm mới. Thực tế, yếu tố ‘hút khách’ của MV nhạc không hoàn toàn phụ thuộc vào phần lõi (giai điệu nhạc và chất giọng nghệ sĩ), mà còn ở phần nhìn: kịch bản, hiệu ứng thị giác.

Spotify chú trọng bản quyền sáng tác, và dùng thuật toán để xếp hạng. Đây còn là nền tảng giúp nghệ sĩ vươn ra toàn cầu. Minh, một ca sĩ trẻ nổi tiếng với ca khúc debut “Fake Happy” đã chia sẻ hoạt động âm nhạc của anh trên Spotify. Các ca khúc của Minh được phát trên 140 quốc gia và có hơn 333.000 người nghe.

Với những nghệ sĩ mong muốn được công nhận bởi chất lượng âm nhạc thực sự và vươn ra toàn cầu, liệu Spotify có trở thành 1 sân đua mới?

5. Vì sao ta thích “nhìn lại”?

Các số liệu trên Spotify trở nên thú vị vì phản ánh chính xác thói quen nghe nhạc và giúp ta thêm thấu hiểu bản thân.

Theo tờ Tính cách và Tâm lý Xã hội (Journal of Personality and Social Psychology), khả năng thấu hiểu bản thân gắn liền với tính tự tôn và sự hài lòng, những chỉ số này là liều thuốc hữu hiệu chống lại trầm cảm, lo âu và giúp gây dựng các mối quan hệ bền vững.

Người dùng cũng tích cực chia sẻ danh sách nhạc yêu thích lên các trang mạng xã hội khác nhau. Sự công nhận và phản hồi tích cực từ bạn bè đóng vai trò như ‘cơ chế thưởng’ (rewarding system), làm cơ thể sản sinh ra hormone hạnh phúc dopamine và oxytocin.

6. Câu chuyện về cá-nhân-hóa?

Thế mạnh của Spotify nằm ở khả năng tổng hợp và cung cấp playlist chọn lọc dựa theo ‘khẩu vị’ âm nhạc của người nghe.

Cơ chế kỳ diệu đứng sau sự thành công của nhiều ông lớn ngành công nghệ là machine learning (học máy) - thuật toán cho phép chương trình máy tính tự động học hỏi từ dữ liệu và phát triển mà không thông qua lập trình cụ thể.

Mô hình machine learning còn được ứng dụng tại: công cụ tìm kiếm Google, bảng tin Facebook/Twitter, trợ lý ảo Siri của Apple… Cá nhân hóa dần trở thành xu thế tất yếu của kỷ nguyên công nghệ.

7. Sẽ không còn những ứng dụng đặc thù?

Spotify đang mạnh tay đầu tư hàng triệu đô cho dịch vụ podcast, hướng đến xây dựng một kho dữ liệu đa dạng thay vì phát triển một sản phẩm đặc thù.

Grab từ một ứng dụng đặt xe dần trở thành một dịch vụ vận chuyển đa năng. Khởi đầu là công ty bán sách, Amazon đã chuyển mình thành một sàn thương mại điện tử ôm trọn thế giới.

Có lẽ nếu muốn chinh phục người dùng toàn cầu, nước cờ cuối cùng mà mọi ứng dụng dịch vụ cần đi là tạo ra một hệ sinh thái sản phẩm?