Chúng tôi gặp Thiết Nguyễn lần đầu là tại buổi triển lãm ảnh của anh và Tim Phạm, nằm trong khuôn khổ sự kiện ra mắt thương hiệu nước tinh khiết sản xuất theo công nghệ hoàn lưu khoáng Satori. Qua dự án này, điều mà Satori muốn lan tỏa đến giới trẻ là thông điệp sống “Điều tuyệt vời khởi nguồn từ những giản đơn“.
Tuy mang chung một thông điệp, cách truyền tải của Thiết và Tim xuất phát từ những góc nhìn rất khác nhau. Đối với Tim, hạnh phúc bắt nguồn từ đam mê, còn với Thiết, hạnh phúc chính là được gặp những nhân vật dung dị và lắng nghe những câu chuyện mà họ chôn giấu. Bởi theo Thiết, hình ảnh là thứ rất dễ phai nhoà, nhưng câu chuyện hay sẽ mãi ghi dấu. Trò chuyện hồi lâu chúng tôi mới biết, tính Thiết luôn là như vậy – thích kết nối với mọi người, lắng nghe câu chuyện của họ và giữ nó như một phần của mình.
Thiết Nguyễn yêu công việc khám phá những vùng đất. “Mang mình đến một nơi xa lạ, tự khắc mình sẽ vui,” anh nói với đôi mắt rực sáng. Thế rồi cũng từ chính cái thú vui đó mà anh bén duyên với Bước Chân Khám Phá của kênh VTV8, nơi anh dẫn dắt khán giả đi dọc Việt Nam để tìm những địa điểm mới với và những nét văn hóa tưởng chừng đã bị lãng quên. Dọc đường đi, anh trò chuyện với những người lạ, nghe những điều ít người biết, trải nghiệm những điều ít người từng thử, rồi từ đó xây dựng cho mình một cái nhìn rất riêng về từng quốc gia, từng nền văn hóa. Đồng thời, cũng đôi lần anh thấy mình giằng xé trước những giá trị quý giá nhưng lại sắp chìm vào dĩ vãng…
Với lý do đó, chúng tôi đã muốn được trò chuyện với anh lâu hơn, để nghe anh kể về những vùng miền anh đã đi qua, anh thấy gì, và anh cảm nhận gì.
5 vùng đất đầy ký ức qua lời kể của Thiết Nguyễn
Ấn Độ
Qua tôn giáo và con người, Ấn Độ hiện lên như một quốc gia mang đậm bản sắc văn hóa mà mình có dịp để tiếp xúc trọn vẹn. Ở đây có hai tôn giáo lớn: Đạo Phật và Đạo Hindu. Tuy hiện tại, đạo Phật không còn phổ biến nữa, nhưng không phải vì thế mà người dân ở đây đánh mất đời sống tâm linh của mình.
Mỗi ngày, rất nhiều người trong số họ đều tắm mình trên dòng sông Hằng linh thiêng, với niềm tin rằng mọi tội lỗi sẽ được gột rửa. Đến khi chết, họ được vận lên người độc một bộ đồ trắng, phủ tràng hoa và mang ra cạnh bờ sông hỏa thiêu để linh hồn được lên cõi niết bàn. Có cô bạn còn hỏi Thiết rằng: “Làm sao bạn có thể sống mà không có đạo?” – bấy nhiêu thôi cũng đủ để thấy rằng Ấn Độ vẫn là một vùng đất đầy tâm linh. Họ lớn lên với tôn giáo và chết đi thì vẫn với một niềm tin mãnh liệt vào tôn giáo, có lẽ vì thế mà con người ở đây rất hiền hòa và chân chất.
Ấn tượng sâu sắc nhất của mình là với người phụ nữ Ấn Độ. Đàn ông ở đây là lao động chính, gánh vác những chuyện nặng nhọc. Ở chợ chỉ có đàn ông buôn bán, phụ nữ sẽ lo việc nội trợ, săn sóc gia đình. Với vai trò này, mọi người sẽ nghĩ rằng phụ nữ chịu thiệt thòi, hoặc là nạn nhân của bạo lực gia đình và bất bình đẳng giới. Nhưng ở một khía cạnh khác, theo Thiết, họ là những người mạnh mẽ và đầy quyền năng.
Ở lễ hội Holy, Thiết được một người địa phương mời ăn bánh ngọt như một vị khách quý và giới thiệu mình đến mẹ của anh. Bà ngồi tại một chiếc bục cao. Theo văn hóa của Ấn Độ, mình đã hành lễ, hôn chân mẹ và được bà cho một nắm cốm gạo cùng một ít đường, đó là lộc của những người mẹ. Đó là lần đầu tiên mình nhìn thấy được vị thế của người phụ nữ Ấn Độ. Trọng nam khinh nữ ở đây có chăng là hầu hết những vị trí cao trong xã hội và tôn giáo đều do nam giới nắm giữ, nhưng người phụ nữ cũng đã và đang lên tiếng đòi lại vị thế cho mình.
Nhật Bản
Nhật Bản là một đất nước đi để xem, không phải để kể. Bởi chỉ có trải nghiệm qua bạn mới hiểu vì sao đất nước này lại nhận được nhiều sự ngưỡng mộ đến thế. Sẽ không ngoa khi nói Nhật Bản là thước đo của mọi chuẩn mực. Một quốc gia sạch, đẹp, an toàn và phát triển.
Ở đây, mỗi sớm mai thức dậy là một cảm giác bình yên. Không lo mình sẽ bị cướp giật, lừa lọc. Mọi dịch vụ đều được tự động hóa. Còn những nơi buôn bán nhỏ lẻ thì giá cả đều như nhau, bạn mua, bạn trả tiền, không ai trông chừng bạn. Người dân ở đây luôn có lòng tin vào sự thành thật và tính tự giác của nhau, vô hình chung, họ đã tạo nên một xã hội vô cùng văn minh.
Không có cơ hội tiếp xúc nhiều với người dân, nhưng thiên nhiên ở đây cũng là cách hay để mình có thể tiếp cận văn hóa. Những cảnh quang như rừng hoa anh đào, vườn hoa tulip – nhìn có vẻ đơn giản nhưng được chăm chút chỉnh chu đến hoàn hảo, vậy mới thấy con người ở đó làm việc ra sao. Chưa kể, họ khai thác du lịch hết sức chừng mực, có ý thức gìn giữ và tái tạo. Vậy nên các địa điểm du lịch tuy có đông thế nào thì vẫn mang vẻ đẹp thiên nhiên nguyên thủy, không có dấu hiệu tàn phá. Môi trường rất sạch và mang nét bình yên đến lạ. Mình đã vỡ òa cảm xúc trong lần đầu tiên được ngắm rừng hoa anh đào đẹp một cách tuyệt vời tại Nhật.
Ai Cập
Ai Cập là chuyến đi của sự giằng xé và thăng trầm về mặt cảm xúc.
Ai cũng biết đất nước này là chiếc nôi của nền văn minh cổ đại, có ngôn ngữ riêng, tôn thờ những vị thần tự nhiên và các vị vua Pharaoh – đứa con của thần mặt trời đầy quyền năng, được người dân tôn thờ tuyệt đối… Chính sự háo hức được tận mắt chứng kiến nền văn minh ấy đã làm mình hụt hẫng bởi những thứ đó giờ chỉ còn là một câu chuyện kể qua tranh. Hiện tại, đạo Hindu đang là quốc giáo và người dân Ai Cập sử dụng tiếng Ả rập làm quốc ngữ như các nước khác ở khu vực Trung Đông.
Những ngôi mộ của các vị vua và nữ hoàng đáng lẽ phải được bảo tồn ngay tại nơi họ chôn cất thì lại được khai quật, mang vào bảo tàng, để lại những hầm mộ trống. Có thể còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng mình vẫn cảm thấy xót thương cho những giá trị như thế. Bên cạnh đó, du lịch Ai Cập cũng chưa được quản lý chặt chẽ, còn lắm các màn chèo kéo, lừa lọc.
Tuy nhiên, khi len lỏi vào các khu phố nghèo, bạn sẽ cảm nhận được sự tử tế không đâu bằng. Mình đã đến thành phố rác – khu tập kết tất cả các rác thải của Ai Cập. Tất cả người dân ở đây là người Do Thái. Tuy xung quanh là rác và mùi hôi thối vô cùng nặng nhưng họ vẫn sống, vẫn cười và lao động rất chăm chỉ. Vốn là người thích tiếp xúc với người dân bản địa nên khi đến đây những cảm xúc tiêu cực trong mình cũng được vơi đi.
Và điều khiến mình lấy lại sự hào hứng là được đi đến Siwa, ốc đảo lớn Nhất của Ai Cập. Nơi này biệt lập hoàn toàn với nền văn minh hiện đại và vẫn giữ được những giá trị hoang sơ. Những cây chà là, olive, đặc sản và văn hóa riêng của ốc đảo vẫn còn đó. Cách thành thị đến một ngày đường băng qua sa mạc nên con người ở đây như được qua một lớp màng lọc của tự nhiên, chỉ còn lại sự chân thành và thân thiện.
Lần đầu tiên được chạm vào những cây chà là ốc đảo, lần đầu tiên được ngủ trên sa mạc, xung quanh là vùng đất trắng xóa chỉ có cáo và rắn, bên trên là bầu trời đầy sao rộng lớn,… như thể mình đang sống giữa thiên hà, hòa mình trong thiên nhiên, không có con người hay ánh ánh sáng của đèn điện. Đó là những khoảnh khắc không thể nào quên.
Trung Hoa
Ngày còn bé, mình rất hay xem những bộ phim cổ trang Trung Quốc, phần cũng chịu ảnh hưởng từ bố. Ông là một người học chữ nho, rất thạo về văn hóa và lịch sử Trung Hoa. Chuyến đi này là để thỏa mong ước của cả hai người. Khi đặt chân đến Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng, Phượng Hoàng Cổ Trấn, ăn chiếc kẹo hồ lô, nhìn thấy tuyết, niềm hạnh phúc trong Thiết tựa như vỡ òa.
Có đến Trung Quốc bạn mới hiểu vì sao người ta thường có những bức tranh thủy mặc. Thiên nhiên ở đây đẹp đến mơ màng, tự nó đã là một bức tranh không cần tô vẽ. Cửu Trại Câu, Hồ ngũ sắc là những cảnh thần tiên mà mình không thể ngờ rằng nó hiện hữu. Và điều đáng ngưỡng mộ là họ khai thác du lịch rất tốt, bảo vệ được thiên nhiên khỏi sự tàn phá của du lịch.
Trong chuyến đi, mình có tìm đến nhà bác Huang, một trong những người cuối cùng làm nghề đánh cá bằng chim cốc. Bác Huang, tuy mới lần đầu gặp gỡ, nhưng lại xem mình như một đứa cháu về thăm quê. Bác nhắc mình nghỉ ngơi sau chặng đường đi dài, rồi xuống bếp nấu nướng dù bác chỉ còn một chân. Bác còn dẫn mình đi giới thiệu với những người trong làng. Tuy những điều này không quá lớn lao, nhưng khiến mình có cảm giác như về nhà. Suy cho cùng, chúng ta đều là những người sống tình cảm và hiếu khách.
Lý Sơn, Việt Nam
Cái mình tìm được ở Lý Sơn này không phải là một sự “wow” về thiên nhiên hùng vĩ, trên là những vách núi, dưới là nước biển xanh biếc. Đó là bình yên. Có thể đảo nào trông cũng bình yên, nhưng ở đây ấm áp vì có sự hiện diện của con người. Lý Sơn còn có nét văn hóa độc đáo rất riêng: văn hóa trồng hành tỏi, lễ hội đua thuyền, câu chuyện về những ngôi đền, đình làng đã có từ hàng thế kỷ trước.
Không như những hòn đảo khác, Lý Sơn thu hút rất nhiều khách du lịch, nhưng vẫn giữ được vẻ bình yên đến lạ chứ không quá xô bồ. Người dân ở đây vẫn còn nuôi dưỡng những giá trị văn hóa rất riêng, nên vào cuối ngày khi mọi người đã trở về đất liền, Lý Sơn vẫn giữ được bản chất của nó.
Vốn là người thích tìm hiểu văn hóa, mình không chỉ ghé qua những eo biển nổi tiếng hay Cổng Tò Vò mà còn vào trong những ngôi làng, đến những ruộng hành, ruộng tỏi, tìm hiểu cuộc sống ở đây. Trò chuyện cùng những cụ già để nghe về Lý Sơn từ những ngày xa xưa. Đối với nhiều gia đình, nghề trồng hành trồng tỏi đã trở thành truyền thống, cứ đến mùa lại tụ họp cùng nhau lo thu hoạch. Cũng nhờ những mùa hành, mùa tỏi ấy mà người dân ở đây rất khắng khít với nhau.
Chiều tối ở Lý Sơn là một trải nghiệm đầy thú vị. Không gian trầm mặc, yên tĩnh, nhuốm màu xanh của biển. Những người nông dân sẽ tụ họp lại chơi bài, uống trà, uống rượu, trò chuyện cùng nhau, để lại những con đường vắng tanh không bóng người.