Trò chuyện với ban nhạc Ngũ Cung: Mười năm - Một Di Sản | Vietcetera
Billboard banner
12 Thg 11, 2024

Trò chuyện với ban nhạc Ngũ Cung: Mười năm - Một Di Sản

Có thể nói, ngoài Ngũ Cung, rất khó để tìm được một ban nhạc nào mang trong mình tinh thần di sản sâu sắc đến thế, từ cách lựa chọn đề tài cho đến cấu trúc tác phẩm.
Trò chuyện với ban nhạc Ngũ Cung: Mười năm - Một Di Sản

Nguồn: Facebook @Ngũ Cung Pentatonic

Trong nghi lễ nhảy lửa cầu mưa của người dân tộc Pà Thẻn, để cầu nguyện với thần linh, họ cho tay và chân vào lửa và hất tung lên trời hàng triệu đốm sáng rực rỡ. Hình ảnh ấy đã được mô tả trọn vẹn qua bài hát Nhảy Lửa Cầu Mưa, với tiếng lửa nổ lách tách và những câu hát: “Ham nhảy múa, hất tung muôn tia lửa hồng.”

Album Di Sản vừa ra mắt của Ngũ Cung không chỉ là tuyên ngôn về bản sắc của ban nhạc, mà còn về vẻ đẹp rực rỡ của đất nước và con người Việt Nam. Tôi đã có cơ hội được trò chuyện cùng anh Trần Thắng - guitarist/thủ lĩnh/người sáng lập Ngũ Cung, và anh Hồng Phi - ca sĩ chính/thành viên mới nhất của ban nhạc, để nói về hành trình khơi gợi và tiếp nối dòng chảy di sản trong âm nhạc Ngũ Cung.

Điều gì đã khiến Ngũ Cung quyết định theo đuổi và gắn bó với phong cách này?

Trần Thắng: Khi mới thành lập, tôi và anh em đời đầu rất mông lung, chưa thực sự biết nên làm gì. Nhạc thì có quá nhiều người chơi rồi, giờ phải làm sao để chơi nhạc có nội dung, có hồn cốt, có trí tuệ, có tâm hồn.

Thật may mắn, ông nội của tôi là ông Trần Tuấn Long hay kể những câu chuyện dân gian phong tục tập quán, những cái hay của người dân tộc. Khi ấy anh em mới nhờ ông định hình luôn phong cách cho Ngũ Cung. Những thứ ông kể chính là tâm hồn của Ngũ Cung. Từ giây phút đấy, Ngũ Cung đã gắn liền với nét đẹp của văn hóa và đời sống.

alt
Ngũ Cung tại chương trình ra mắt album Di Sản. | Nguồn: Facebook @Ngũ Cung Pentatonic

Ngũ Cung đã làm thế nào để sử dụng những chất liệu độc đáo này một cách thành thạo và thú vị đến vậy?

Trần Thắng: Điều này không được tìm thấy ngay từ ngày một ngày hai. Chúng đến từ giáo dục gia đình. Tôi sinh ra tại chiến khu Việt Bắc, được nuôi dưỡng trong cái nôi âm nhạc. Bố tôi là họa sĩ, mẹ làm thanh nhạc, bà là diễn viên múa, ông nội ngày xưa là phó trưởng đoàn Quân khu 1 Việt Bắc. Tất cả những điều đó đã cộng hưởng trong tôi tinh thần văn hóa.

Tôi đã lớn lên trong nhạc trong họa. Từ những bài thơ ông đọc cho tôi hồi bé, đến những chuyến đi tới trại sáng tác cùng bố, tôi dần được ngấm nét đẹp ấy vào người. Để rồi tới cái khoảnh khắc mà người ta vẫn gọi là “tổ đãi”, nó trở thành bản chất của con người tôi. Đó là khi mình cất ra tiếng hát thì nó chính là như vậy, chẳng phải học thêm hay gượng ép quá nhiều, hoặc nếu có thì cũng chỉ là vài đường nét nhạc thôi.

Nó là hành trình rèn luyện cả đời, rèn luyện từ nhiều thế hệ.

Điều thú vị nhất trong quá trình tìm tòi và nghiên cứu chất liệu di sản cho album này là gì?

Trần Thắng: Chúng tôi muốn truyền tải đầy đủ tinh thần của địa danh và văn hóa. Để làm được điều đó không đơn giản. Tiêu biểu là hai tác phẩm Sơn ĐoòngNhảy Lửa Cầu Mưa. Bài Sơn Đoòng, khi thực hiện gần xong rồi anh em chúng tôi lại phải làm một chuyến đi Sơn Đoòng. Đi rất xa, rất lâu ngày, rất mệt mỏi.

Hồng Phi phải bỏ cuộc mấy lần vì công việc ở nhà. Tuy nhiên anh em vẫn phải cố gắng đi cùng nhau, thì mới hiểu được hết, mới hát được hay. Sau khi đi về phải sửa lại lời, làm lại nhạc. Nhưng mà xứng đáng vô cùng, chỉ vì một câu thôi: Thế giới chỉ có duy nhất một Sơn Đoòng!

alt
Ngũ Cung tái hiện văn hóa người H’Mông qua nhạc rock. | Nguồn: Facebook @Ngũ Cung Pentatonic

Hồng Phi: Quá trình sáng tác Nhảy Lửa Cầu Mưa cũng rất thú vị. Lời bài hát được ông nội anh Trần Thắng sáng tác từ lâu rồi. Khi sản xuất, mọi người phải sửa lại cho dễ nghe, nhưng vẫn giữ được tâm hồn của dân tộc Pà Thẻn. Ban nhạc đã ra bãi đá ở đê sông Hồng đốt rất nhiều củi để thu lại âm thanh tiếng lửa, xem có giống trong tưởng tượng của mình hay trong những ca từ ông viết không.

Tôi đã tốn khoảng 7 triệu tiền củi, mua đi mua lại tới nỗi vợ tôi phải phát cáu. Nhưng mỗi lần đặt mic thu đều không đạt được ý tưởng, phải xóa đi làm lại khiến anh em nản kinh khủng. Đến lúc quyết định ra về thì tự nhiên lại thấy một nhóm người đốt củi tươi, nổ ra được tiếng lửa mà mình cần.

Di Sản mất đến tận 10 năm để hoàn thành. Đâu là khó khăn lớn nhất khi hoàn thiện album này?

Trần Thắng: Khó khăn thì nhiều vô kể. Giai đoạn đầu với đội hình cũ, anh em đều đam mê, nhưng mỗi người có những đam mê và khát khao riêng, vậy nên Ngũ Cung ít khi có cùng tiếng nói. Khi làm thì mỗi người một ý, đấy là cái khó nhất cho toàn bộ ban nhạc.

Sang giai đoạn 2 với đội hình mới, chúng tôi gần như phải làm lại album từ đầu, lại càng khó khăn hơn nữa. Làm sao để album vừa mang nét mới, nhưng vẫn giữ được những dấu ấn riêng của ban nhạc, những “chữ ký” của Ngũ Cung.

Riêng việc đặt tên là Di Sản đã là một thứ khó vô cùng. Bởi lẽ hai chữ “di sản” nặng khủng khiếp. Nó không chỉ là âm nhạc, mà còn bao hàm những thứ sâu xa hơn. Nó là văn hóa, là con người, là đất nước, là niềm tự hào dân tộc.

Quá trình sản xuất, ghi hình và trình diễn với bối cảnh là những danh lam thắng cảnh ở Việt Nam có điều gì ấn tượng?

Hồng Phi: Tại Ninh Bình, chúng tôi diễn trên một ngọn đồi và hát Cô Đôi Thượng Ngàn. Cảm giác tuyệt vời lắm! Khi đó giống như mình ở gần bầu trời và hát vọng xuống dưới cho khán giả nghe.

Đấy cũng là lần đầu tiên tôi biểu diễn ca khúc này. Lúc hát xong và nhìn thấy những dải sáng chiếu trên trời, tôi cảm giác như thể đang được... lên đồng vậy.

Ninh Bình cũng là đất của Cô (Cô Đôi Thượng Ngàn là một vị thần trong Đạo Mẫu Việt Nam). Cô Đôi Thượng Ngàn sinh ra tại Ninh Bình, ở đó có đền thờ Cô. Trước khi diễn, chúng tôi qua đền thắp hương, xin Cô được biểu diễn. Cảm giác hát bài hát về Cô, tại thánh địa của Cô, trong một không gian như vậy, nó linh thiêng vô cùng!

alt
Quá trình chuẩn bị cho set diễn tại Ninh Bình. | Nguồn: Facebook @Ngũ Cung Pentatonic

Điều tự hào nhất về album này là gì?

Trần Thắng: Đầu tiên là về âm nhạc. Khi anh em ban nhạc sản xuất đĩa than, có công đoạn gửi sang nước ngoài để cắt đĩa. Chúng tôi lựa chọn một công ty mang tên National Audio Company. Sau khi master lại, họ rất bất ngờ với chất liệu âm thanh vô cùng tuyệt vời và mới lạ.

Đối với họ, Việt Nam vẫn chỉ có chiến tranh thôi. Vậy nên họ đã gọi điện gửi lời chúc mừng và đề nghị được phát hành. Tuy nhiên chúng tôi đã khước từ, vì đối với chúng tôi, Di Sản là thứ thuộc về đất nước, thuộc về văn hóa con người Việt Nam. Album là di sản của Việt Nam, vậy thì nên để lại Việt Nam.

Tuy nhiên, điều tự hào hơn cả là album này đã giúp gắn kết anh em lại với nhau, đập tan hoài nghi về trình độ và gu thẩm mỹ. Di Sản không chỉ gắn kết được ban nhạc, gắn kết được cộng đồng, mà còn truyền tải được văn hóa dân gian Việt Nam cũng như những di sản mà UNESCO công nhận, đưa được những gửi gắm tâm tư của dân tộc thiểu số tới cộng đồng âm nhạc Việt Nam và thế giới.