Cũng như nhiều vai trò hậu kì khác, nghề chỉnh màu – còn gọi là colorist – vẫn còn là một vai trò chưa được nhận được quá nhiều chú ý trong ngành sản xuất phim - ảnh tại Việt Nam. Nhưng trong khoảng 3 năm trở lại đây, nếu để ý kĩ phần credit của các MV ca nhạc nổi tiếng, bạn sẽ nhận ra cái tên Tsoul Duy nằm ở vai trò colorist.
Đã từng kiêm qua rất nhiều vị trí khác nhau trong đoàn sản xuất, Tsoul Duy (hay Thanh Duy) bắt đầu tập trung vào nghề chỉnh màu (color grading) từ năm 2019. Anh là người điểm sắc cho những MV ca nhạc như Gặp Nhưng Không Ở Lại, Nàng Thơ, Vùng Ký Ức, Qua Khung Cửa Sổ… hay mới đây nhất là Mình Yêu Đến Đây Thôi - Tóc Tiên.
Hoạt động tự do với vai trò nhà sáng lập Soul Color Lab, Duy là một trong những cá nhân hiếm hoi chọn colorist làm lĩnh vực chuyên môn. Vietcetera đã gặp gỡ và trò chuyện cùng Duy để hiểu hơn về nghề colorist, cũng như những thử thách và cơ hội trong nghề.
1. Hãy bắt đầu với frame trắng-đen để hiểu về màu
Nhiều người cứ nghĩ rằng chỉnh màu nghĩa là chỉnh màu từ những màu đã có sẵn. Thực chất, tuy có nhiều phong cách khác nhau, color grading không đơn thuần là biến một cảnh phim trở nên sặc sỡ hơn màu gốc. Quy trình của Duy thường bắt đầu với việc chọn ra một frame và làm việc trên bản trắng-đen của nó.
Sau đó, anh cân chỉnh giá trị (value) màu của từng vật thể để hiểu thông tin ánh sáng của chúng. Khi đã hiểu và cảm nhận được value của cảnh phim thì mới trả màu về để tuỳ chỉnh. Khâu hoàn thành cũng là trả về trắng đen để kiểm tra những chỗ bị mất chi tiết hoặc bị cháy.
Mục tiêu lớn nhất của việc chỉnh màu là làm bật hẳn những từng lớp màu lục, lam, đỏ của vật thể mà không bị ám các màu khác. Kỹ thuật này gọi là tách màu - color separation. Một cách tốt để rà soát các vấn đề về màu là nhờ concept artist, art director, DOP hoặc đạo diễn góp ý để hoàn thiện. Nhưng lí tưởng nhất, người chỉnh màu phải nhìn thấy được những lỗ hổng trong các chi tiết màu.
2. Để làm colorist, trước hết phải biết nhìn như một colorist
Colorist là một nghề cần kiến thức và hiểu biết giữa nghệ thuật thị giác (visual art) và khoa học về màu sắc (color science). Chỉnh màu không đòi hỏi phải tạo ra những màu phim đặc sắc; chỉ cần được mang những sắc độ giúp vật thể trông tự nhiên nhất, thước phim tự ắt sẽ trở nên rất đẹp và hài hoà.
Theo Duy, để học nghề chỉnh màu, trước nhất phải biết cách nhìn như một colorist, chứ không phải làm sao để chỉnh màu như một colorist. Nghề nào cũng cần một tư duy đúng, còn kỹ năng và công cụ hoàn toàn có thể học sau.
Để trau dồi tư duy về màu sắc và luyện tập thị giác, Duy tìm đến màu sắc ở những nơi khác nhau. Nhìn tranh là một thực hành tốt để học màu. Phim hoạt hình cũng có thể là điểm bắt đầu lí tưởng, bởi cách đi màu của hoạ sĩ hoạt hình giúp tạo ra cảm xúc rất tốt, dù là hoạt hình 2D cổ điển hay 3D như các phim Pixar.
Ngoài ra, Duy cũng đi du lịch và liên tục quan sát để hiểu cách màu sắc xung quanh vận hành. Quan sát thực tế giúp anh cảm nhận được những ý nghĩa khác nhau của một màu, vượt ngoài những kiến thức cơ bản của nó.
“Ví dụ, chúng ta thường gắn màu đỏ với sự giận dữ hoặc những ham muốn cấm kị. Nhưng sắc đỏ trong màu áo của những tu sĩ Tây Tạng lại thiên về đỏ đào, cam và nâu đất – đó là sắc đỏ giúp ta dịu mắt và thấy ấm áp thay vì sợ hãi.” — Duy chia sẻ.
3. Colorist có thể là một trong những nghề cần đầu tư khá đắt đỏ
Chỉnh màu đòi hỏi độ chuẩn xác cao, vì vậy colorist nên làm việc trong điều kiện phòng đủ tối, hạn chế ánh sáng bên ngoài để tránh tình trạng chênh lệch màu. Lí tưởng hơn, bờ tường phải được sơn màu xám 18% – màu xám trung bình để nguồn sáng hấp thụ vào màn hình ít, đồng thời tạo ra sự tương phản tốt hơn giữa mắt và màn hình.
Màn hình máy tính hay card đồ hoạ cũng là những thiết bị cần sự đầu tư để thể hiện và xuất tệp màu chuẩn xác. Nếu không có màn hình quá chuẩn, ta cũng sẽ cần các màn hình phụ để kiểm tra thông số, biểu đồ màu và biểu đồ ánh sáng. Có thể nói, colorist chuyên nghiệp là một trong những nghề yêu cầu thiết bị đắt đỏ nhất của toàn bộ quy trình làm video.
Hơn nữa, nghề chỉnh màu đòi hỏi sức khoẻ tốt về thị lực. Bản thân Duy không thể ngồi trước màn hình quá lâu vì có thể sẽ dẫn đến mỏi mắt và chóng mặt, khiến màu sắc bị loạn. Cứ tầm hơn một tiếng, anh cần rời khỏi màn hình và để mắt nghỉ ngơi, đồng thời kết hợp nhỏ mắt và hoạt động thể chất thường xuyên.
4. Nắm vững chuyên môn thì mới có thể tự tin thực hành
Duy kể lại một lần quay của MV Em Đừng Khóc – Chillies, cảnh trong rừng yêu cầu chỉnh màu xanh dương để tạo cảm giác bước vào một thế giới hư ảo. Vì vừa đảm nhận vai trò đạo diễn kiêm chỉnh màu, anh yêu cầu đạo diễn hình ảnh đánh thử đèn xanh lá thay vì xanh dương. Trong lý thuyết, xanh lá là màu mà mắt người rất nhạy, giúp tạo ra cảnh phim sáng bừng và hút mắt hơn.
Sau lần quay thử, anh về so sánh với cả hai shot đánh hai loại đèn. Kết quả là đèn xanh lá tạo được hiệu ứng tốt hơn. Đây cũng chính là kỹ thuật sử dụng để dựng màu phim Avatar – một kỹ thuật đã được điện ảnh nước ngoài áp dụng cách đây hơn 10 năm.
Điều này cho thấy sự quan trọng của tiền kì. Nếu thiết bị quay và đánh sáng được chuẩn bị kĩ thì hậu kì sẽ được hỗ trợ rất nhiều. Vai trò nào cũng có chuyên môn riêng, vì vậy Duy cho rằng đã nắm vai trò nào thì phải giỏi chuyên môn của mình để có thể trao đổi và phản biện hiệu quả hơn với đạo diễn hay khách hàng.
Khi góp ý cũng vậy, nên góp ý từ góc độ của một colorist, từ hiểu biết chuyên môn mà bản thân đã nắm vững. Chỉ khi từng khía cạnh của dự án được xử lý kỹ càng, sản phẩm sau cùng mới toàn diện và đạt được mục tiêu chung. Tất nhiên, đó là ở trường hợp mọi người hiểu được cách vận hành cơ bản và tôn trọng mỗi vai trò trong đoàn sản xuất.
5. Colorist chưa phải là ngành nghề chính yếu
Hiện tại, Duy đánh giá cao hai cái tên thuộc thế hệ “gạo cội” là Nguyễn Trọng Thuỳ Khanh và anh Bùi Công Anh, với nhiều sản phẩm TVC và phim điện ảnh đáng chú ý. Theo anh, ngành chỉnh màu cần được biết đến rộng rãi hơn, và đặc biệt là có một tiếng nói nhất định trong ngành làm phim Việt Nam.
Hiện tại, mọi người chủ yếu thực hành chỉnh màu theo cảm xúc hoặc lý thuyết rất cơ bản, nên các thước phim nhìn chung vẫn còn rất an toàn và chưa tạo được dấu ấn riêng. Nếu có bộ phim hay MV đẹp thì chủ yếu đẹp nhờ quay, chứ chưa phải nhờ chỉnh màu. Cũng vì tầm chuyên môn và độ phủ của ngành chưa lớn, vai trò colorist vẫn còn “nhường sân” cho các vai trò khác như đạo diễn hay nhà sản xuất.
Song, đối với Duy, nếu đạo diễn và biên kịch là những người kể câu chuyện, editor sẽ là người khắc hoạ câu chuyện qua cách dựng phim, và colorist sẽ là người tô điểm, tạo cảm xúc cho câu chuyện ấy. Cũng như góc máy hay âm nhạc, màu sắc của một video có thể tạo ra cho người xem những cảm xúc xuyên suốt và đồng nhất, giúp trải nghiệm trở nên đáng giá hơn. Đó cũng chính là lý do anh bắt đầu với công việc này.
“Nhìn về mặt tích cực, ngành chỉnh màu vẫn còn là một mảnh đất còn rất màu mỡ và giàu cơ hội để mọi người bắt đầu đi sâu vào tìm hiểu. Quan trọng nhất là có được sự tự tin với nghề mình đang làm để có thể phát triển sự nghiệp từ chính những đặc tính của nghề.
Tìm hiểu thêm về Tsoul Duy và Soul Color Lab tại: Instagram | Facebook