Từ Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, nghĩ về "văn hóa dân tộc" | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
27 Thg 09, 2022

Từ Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, nghĩ về "văn hóa dân tộc"

Nếu không đủ màu mè, bạn trượt. Nhưng nếu màu mè quá thì bạn cũng trượt luôn. Đó chính là phần thi trang phục dân tộc trong cuộc thi hoa hậu.
Từ Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, nghĩ về "văn hóa dân tộc"

Nguồn: Vietnamnet

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Đêm thi Trang phục văn hóa dân tộc của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 được tổ chức vào tối ngày 23/09, gây ấn tượng tốt cho khán giả với sự đa dạng, bắt mắt của các trang phục, hệ thống âm thanh-ánh sáng hoành tráng, và các phần trình diễn công phu. Đây cũng là một cuộc thi riêng rẽ dành cho 6 nhà thiết kế thời trang người Việt.

Những bộ trang phục mà các thí sinh hoa hậu mặc và trình diễn trên sân khấu chính là các sản phẩm dự thi từ các đội thi thời trang. Từ đêm thi này, nhiều khán giả đã bày tỏ ý kiến và quan điểm của mình về việc thế nào là trang phục thể hiện văn hóa dân tộc, cũng như việc thời trang nên yếu tố với văn hóa như thế nào.

2. Các trang phục trong đêm thi nói gì về “văn hóa dân tộc?”

Tiêu chí của phần thi bao gồm: trang phục phải mang tính thời trang, và phải thể hiện nét văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, giống như nhiều cuộc thi hoa hậu và nghệ thuật khác, ban tổ chức không đưa ra tiêu chí thế nào là “văn hóa dân tộc.” Do đó, các nhà thiết kế có thể tự do xây dựng ý tưởng và định hình văn hóa dân tộc qua các bộ trang phục và các màn trình diễn.

Có lẽ chính vì thế mà khán giả và ban giám khảo đã chiêm ngưỡng nhiều sắc thái văn hóa khác nhau trong những bộ cánh khác nhau. Nổi bật nhất vẫn là những trang phục dựa trên các thành tố văn hóa truyền thống rất cơ bản và quen thuộc như Tết cổ truyền, lễ vu quy, nhạc cụ dân tộc, hoa sen,...

26sep2022teamntknguyenminhtuan3jpg
Trang phục Bài chòi phố Hội gợi nhớ tới nét văn hóa phi vật thể mà UNESCO đã công nhận là di sản. | Nguồn: Zing
26sep2022teamntkbrianvo11jpg
Trang phục Đèn khuya với hình tượng người phụ nữ truyền thống trong chiến tranh. | Nguồn: Zing

Bên cạnh đó, có nhiều bộ trang phục phát triển từ các ý tưởng văn hóa đại chúng. Nổi bật nhất trong nhóm này có lẽ là bộ cánh lấy ý tưởng từ áo chống nắng và cách tham gia giao thông của các “ninja lead” - một hình tượng văn hóa đại chúng khá tiêu biểu tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có các trang phục lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử, hoặc từ các món ăn đặc trưng của nhiều vùng miền.

26sep2022teamntkvuvietha8jpg
"Vroom vroom" trên sân khấu trình diễn. | Nguồn: Zing
26sep2022teammentorntknguyenminhcong9jpg
Bộ trang phục không thể Việt Nam hơn với cảm hứng từ tình yêu bóng đá. | Nguồn: Zing
26sep2022teamntkbrianvo7jpg
Trang phục bánh xèo. | Nguồn: Zing

Từ đêm thi này, ta thấy rằng cách tư duy về “văn hóa dân tộc” đang chia theo hai hướng: hướng an toàn với những chủ đề nặng tính truyền thống và rõ ràng về mặt văn hóa, và hướng mới với các thành tố văn hóa đại chúng, hay những chi tiết văn hóa mang tính vùng miền. Sự xuất hiện của những trang phục của người thiểu số như dân tộc Dao, dân tộc Thái cũng phản ánh sự đa dạng văn hóa và tộc người tại Việt Nam.

26sep2022phanthitrangphucvanhoadantocmissgrandvienam2022teamntkvuvietha6jpg
Trang phục Thái trên xuất hiện trong đêm thi. | Nguồn: Zing

3. Có những phản ứng nào với các bộ trang phục?

Nhiều khán giả theo dõi đêm thi trực tiếp và trực tuyến đã bày tỏ sự ngạc nhiên và thán phục trước những sản phẩm độc đáo. Các bộ cánh lộng lẫy và bắt mắt khiến người xem cũng như ban giám khảo liên tục trầm trồ và vỗ tay.

Ở chiều ngược lại, nhiều người đặt nghi vấn liệu những trang phục này có theo đúng chủ đề văn hóa dân tộc. Nói cách khác, họ không thấy sự hiện diện của cả nền văn hóa Việt trong nhiều bộ trang phục. Một số người còn chia sẻ rằng, đêm thi khá tạp nham và dàn trải, không cho thấy sự chú trọng vào yếu tố văn hóa. Phản hồi này cho thấy một bộ phận người Việt có sự định hình rất rõ ràng về việc cái gì là văn hóa dân tộc.

Và không dừng lại ở đó, nhiều người cho rằng các bộ trang phục không mang tính thời trang. Nói cách khác, chúng thiên nhiều về sự sắp đặt phụ kiện rườm rà chứ không tôn lên vẻ đẹp của người mặc và là những bộ cánh không thực tế, chỉ thuần để trình diễn cho giám khảo.

26sep2022phanthitrangphucvanhoadantocmissgrandvienam2022teamntkvuvietha10jpg
Bộ này còn có cả hình nhân để nâng ly cùng thí sinh. | Nguồn: Zing

4. Còn những vấn đề gì về trang phục dân tộc tại cuộc thi hoa hậu?

Các cuộc thi hoa hậu, dù là ở tầm quốc gia hay khu vực và quốc tế, đều có một đêm thi trang phục dân tộc hoặc trang phục truyền thống. Tại đó, thí sinh sẽ diện những bộ cánh thể hiện đặc trưng văn hóa của nước mình.

Khi nhắc tới phần thi này, thứ mà nhiều người nghĩ tới là sự phù phiếm và có phần lố bịch của các bộ trang phục. Bên cạnh đó, tranh luận về khả năng đại diện cho căn tính của một quốc gia của một bộ trang phục cũng luôn nóng hổi bên thềm các cuộc thi hoa hậu.

Trong quá khứ, đã có nhiều bộ trang phục bị chỉ trích, hoặc ít nhất là gây nên những phản hồi tiêu cực do đụng chạm tới vấn đề tôn giáo, do ăn cắp ý tưởng, hoặc quá màu mè.

26sep2022israelpng
Hoa hậu người Israel nhận chỉ trích trong Hoa hậu Hoàn vũ 1994 tổ chức tại Philippines do mặc quần ngắn trong một buổi lễ tôn giáo của nước sở tại. | Nguồn: L!fe - The Philippines Star
26sep2022costaricancjpg
Hoa hậu Costa Rica phải đổi trang phục phút chót vì sử dụng trái luật chiếc huy hiệu của nhà nước Costa Rica. | Nguồn: Missology

H'Hen Niê cũng từng nhận một số chỉ trích bởi bộ trang phục Bánh mì mà cô mặc tại đêm Trang phục dân tộc của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Quốc tế 2018. Người ta cho rằng bộ trang phục không đại diện cho căn tính Việt Nam mà chỉ bám vào một yếu tố văn hóa là bánh mì để phô trương trang phục.

Căn tính của một quốc gia thường phức tạp và đa tầng, chứ không nằm đơn giản trong một yếu tố văn hóa hoặc đời sống nào đó. Do đó, việc tìm ra những thành tố văn hóa tinh túy nhất và có tính đại diện nhất đã khó, việc tái hiện chúng trên sân khấu lại càng khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi cả trình độ thẩm mỹ lẫn độ nhạy cảm văn hóa nơi nhà thiết kế thời trang.

5. Phần thi này có quan trọng không?

Tại các cuộc thi lớn như Hoa hậu Hoàn vũ, trang phục dân tộc không chỉ là một nỗ lực gây ấn tượng với ban giám khảo, mà còn để tạo ấn tượng cả về trình diễn lẫn văn hóa với khán giả. Mỗi trang phục lại là một lát cắt của một nền văn hóa, không chỉ giới thiệu cá tính của thí sinh mà còn cả bản sắc của quốc gia.

Vấn đề đại diện cái gì và đại diện thế nào một lần nữa xuất hiện, nhưng với mục đích thảo luận mới là tìm ra hình tượng đại diện cho một quốc gia. Một số ý kiến muốn hạn chế các sự biến tấu trên trang phục và tập trung nhiều hơn vào các yếu tố văn hóa bản địa.

Tuy nhiên, truyền thông, đại chúng, và ban giám khảo lại đề cao tính trình diễn. Chính sự lòe loẹt là yếu tố thu hút sự chú ý của họ. Do đó, nếu không đủ lộng lẫy và bắt mắt, thí sinh có thể trượt phần thi.