Vietcetera trả lời 5 câu hỏi ứng xử của Miss Universe Vietnam 2024 | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 09, 2024

Vietcetera trả lời 5 câu hỏi ứng xử của Miss Universe Vietnam 2024

Năm câu hỏi của Miss Universe đều có tính thời đại, nhức nhối và... không dễ trả lời.
Vietcetera trả lời 5 câu hỏi ứng xử của Miss Universe Vietnam 2024

Nguồn: Miss Universe Vietnam

Thời lượng 45 giây là không tưởng để các ứng viên hoa hậu đưa ra lời giải thỏa đáng cho những vấn đề xã hội nhức nhối. Vì vậy, hãy cùng Vietcetera dành thêm vài phút tìm hiểu những góc nhìn mới đằng sau mỗi câu hỏi này.

Câu hỏi của Paris Bảo Nhi: Xu hướng sử dụng túi giấy thay cho túi nilon có gây ra nạn phá rừng?

Câu trả lời là có.

Thay vì ô nhiễm trắng như túi nilon, túi giấy gây nóng lên toàn cầu gấp 3 lần vì yêu cầu phá rừng và tiêu tốn nhiều nước khi sản xuất. Túi vải cũng tệ không kém với chỉ số này gấp 131 lần túi nilon, nghĩa là bạn cần tái sử dụng chúng 131 lần để tính là thân thiện với môi trường.

Câu hỏi quan trọng ở đây không phải chuyển từ chất liệu nào sang chất liệu nào. Với bất kể loại túi nào, nhiệm vụ của chúng ta là tái sử dụng chúng càng nhiều càng tốt. Một "em túi" dùng đi chợ, mua sắm vài lần có thể chuyển sang lót thùng rác.

Dưới đây là bảng thống kê số lần cần tái sử dụng của mỗi loại túi để thật sự thân thiện với môi trường hơn túi nilon thông thường (HDPE).

alt
Nguồn: Environment Agency - GOV.UK

Đừng quên công thức 3R (Reduce – Reuse- Recycle) với R đứng trước ưu tiên hơn R đứng sau. Giảm thiểu trước, tái sử dụng rồi mới đến tái chế!

Đọc thêm về chủ đề này:

Sống tối giản: Tiết kiệm tiền lại bảo vệ môi trường

Việt Nam và Đông Nam Á đã trở thành bãi rác của thế giới như thế nào?

Câu hỏi của Vũ Thúy Quỳnh: Cặp đôi đồng tính nam có nên được ủng hộ sử dụng IVF để có con?

Gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, nghĩa là 1/5 số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, cho phép các cặp đôi đồng giới nhận con nuôi hoặc sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để có con. Danh sách này chưa bao gồm Việt Nam.

Như Vũ Thúy Quỳnh đã nói, "gia đình được xây dựng từ tình yêu chứ không phải giới tính". Song với người LGBT, mong muốn xây dựng gia đình vẫn cần một hành trình dài hoàn thiện hành lang pháp lý, bao gồm việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới để người LGBT được bảo vệ quyền lợi khi chung sống với nhau.

Năm 2014, Việt Nam đạt một bước tiến khi hủy bỏ quy định "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính" trong Luật Hôn nhân và Gia đình. Ở phía người dân, người Việt Nam cũng tương đối cởi mở với 65% dân số ủng hộ hôn nhân cùng giới, con số cao thứ hai ở châu Á.

Cần thêm thời gian để luật pháp hoàn thiện nhưng chúng ta có cơ sở tin vào một tương lai khi người LGBT được hiện thực hóa những mong muốn chính đáng, như có con với người mình yêu.

Đọc thêm về chủ đề này:

Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, nền kinh tế được gì?

4 Niềm tin không thể sai hơn về gia đình đồng tính

Câu hỏi của Kỳ Duyên: Các cuộc thi tìm kiếm nhân tài có gây chảy máu chất xám khi nhân tài đi du học và ít về phục vụ đất nước?

Sẽ là vội vàng để khẳng định nhân tài cứ đi học, đi làm ở nước ngoài là chảy máu chất xám. Bởi nếu nhìn kỹ hơn, bạn sẽ nhận thấy tuy các du học sinh muốn phát triển giai đoạn đầu sự nghiệp ở nước ngoài, về lâu dài họ vẫn muốn quay trở lại Việt Nam.

alt
Nguồn: Anh Thư Ng @nikru____ cho Vietcetera.

Hãy lấy ví dụ với ngành Machine Learning, một cá nhân tài giỏi muốn làm ra nghiên cứu để đời cần những tài nguyên kỹ thuật mà hiện tại Việt Nam chưa có. Vậy nên việc các nhân tài đi xây dựng kiến thức, có mạng lưới quan hệ đủ mạnh và có chỗ đứng trong cộng đồng rồi về đóng góp cho Việt Nam là dễ hiểu.

Hành trình trau dồi này có thể mất 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nhưng sẽ không sợ chảy máu chất xám khi Chính phủ và các doanh nghiệp nội địa (gần đây có Vingroup, Techcombank, FPT) liên tục đưa ra cơ chế hấp dẫn để chào đón nhân tài về nhà.

Đọc thêm về chủ đề này:

Việt Nam giành 3 huy chương vàng từ Olympic, nhưng không phải Paris

Khi những cánh én quay về tổ: Chia sẻ từ các du học sinh trước ngưỡng cửa tương lai

Câu hỏi của Nguyễn Quỳnh Anh: Tuổi nghỉ hưu của nam và nữ ở Việt Nam là khác nhau. Vậy tuổi nghỉ hưu của người chuyển giới nên được tính thế nào?

Tham khảo ở các quốc gia đã thông qua Luật chuyển giới, người chuyển giới sau khi thay đổi giới tính hợp pháp sẽ được hưởng các quyền lợi và chấp hành quy định theo giới tính mới.

Tuy nhiên điều thú vị là nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển sang thống nhất một độ tuổi nghỉ hưu chung cho cả nam và nữ để thúc đẩy sự bình đẳng giới trong lao động. Chẳng hạn ở Úc là 67 tuổi, Anh là 66 tuổi, Hàn Quốc là 60 tuổi và Indonesia là 58 tuổi.

Đây có lẽ cùng là một điều chúng ta nên suy nghĩ trong tương lai?

alt
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera.

Đọc thêm về chủ đề này:

Ngoài Thái Lan, thị trường phẫu thuật chuyển đổi giới tính toàn cầu đang phát triển như thế nào?

Tóm Lại Là: Làm sao để nói về người chuyển giới một cách tôn trọng?

Câu hỏi của Quách Tapiau Maily: Người trẻ chuộng sống không ràng buộc, vai trò của giấy đăng ký kết hôn hiện nay như thế nào?

Có nhiều nguyên nhân khiến các cặp đôi sống chung mà không đăng ký kết hôn. Và sẽ chẳng có gì đáng nói nếu cặp đôi chung sống vui vẻ, khỏe mạnh, không mâu thuẫn và không chịu những áp lực xã hội.

Vai trò của đăng ký kết hôn sẽ phát huy khi hai người không thể thống nhất về quyền nuôi con cái, phân chia tài sản sau khi chia tay. Hay ở trường hợp cấp thiết hơn, khi một trong hai người gặp tình huống nguy cấp về sức khỏe, tính mạng, người còn lại cần có tư cách vợ chồng hợp pháp để ký xác nhận tại bệnh viện và đưa ra các quyết định sống còn cho người yêu của mình.

Đọc thêm về chủ đề này:

Sống thử-tình thật, 4 kiểu sống chung phổ biến

Vì sao nên (và không nên) sống thử trước khi cưới?