Từ thiện - Lòng tốt là khi chúng ta nhìn thấy mình trong người khác | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 11, 2022

Từ thiện - Lòng tốt là khi chúng ta nhìn thấy mình trong người khác

“Sống tốt” hay “hướng thiện” thường xuất hiện trong mệnh đề với hàm ý khuyến khích, cổ vũ một người hay nhóm hành động hướng tới cá nhân hoặc tập thể khác, có thể dưới dạng “giúp đỡ” hoặc “cho đi."
Từ thiện - Lòng tốt là khi chúng ta nhìn thấy mình trong người khác

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Trong nhiều trường hợp, từ thiện xuất phát từ việc ta và người được “giúp” khác nhau, khác đến mức ta cần phải “cho đi” để họ giống mình.

Tuy nhiên, nếu khởi đầu từ việc chúng ta nhận ra sự giống nhau giữa mình và những người khác, lòng tốt sẽ trở nên bền vững hơn.

Từ thiện - cho mình và cho người khác

Trong “từ thiện”, “từ” là lòng yêu thương với con người xuất phát từ bên trong, “thiện” là việc tốt có tác động đến đời sống của người khác. Là chủ đích của chúng tôi khi mượn đến lối chơi chữ, từ thiện cần những khoảnh khắc từ từ chứ không phải lúc nào cũng vội vàng và nhanh chóng.

Không những vậy, để từ lòng tốt của bản thân đến quyết định hành động giúp đỡ cá nhân hay cộng đồng khác, chỉ lòng thương cảm hay sự nhân từ là chưa đủ.

Khi ta cho, liệu có đúng ta chỉ cho đi mà không nhận lại? Hay nói cách khác, khi làm việc tốt, liệu có phải và có nên chỉ làm cho người khác và vì người khác?

Câu trả lời có lẽ là không, bởi lẽ trong câu chuyện và vấn đề của người khác, ta luôn hiện diện. Dù bạn có tin hay không, chúng ta giống nhau nhiều hơn chúng ta nghĩ.

Hãy bắt đầu từ một vấn đề có lẽ không ai trong chúng ta đến giờ chưa từng nghe đến, ô nhiễm môi trường. Liệu cục diện của nó có khác đi không nếu chúng ta đã từng thử chậm lại và tiếp thu với sự tôn trọng và học hỏi những quan niệm và luật tục của một số cộng đồng dân tộc thiểu số như người Thái, Ede, Pa Cô (Pakoh) với rừng, khi với họ, cây cỏ có linh hồn, nhiều khu vực rừng có tính thiêng.

Trong toạ đàm Cuộc gặp của các diễn ngôn tổ chức bởi iSEE, chúng tôi cùng đồng ý về sự khiêm nhường của các cộng đồng bản địa trước rừng, không tùy tiện chặt phá, chưa kể đến việc phá hủy hàng loạt nhân danh phát triển hay hiện đại.

Nhưng trong nhiều trường hợp, những triết lý đó lại bị chê bai và phê phán là “lạc hậu”, “kém phát triển.”

Ví dụ, canh tác nương rẫy là một mô hình sản xuất nông nghiệp phổ biến của các tộc người thiểu số ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á.

Nếu xem xét kỹ quy trình kỹ thuật và các đặc trưng cơ bản của hình thức canh tác này, nương rẫy có thể được coi là một trong những loại hình nông nghiệp giúp con người thích ứng nhất với điều kiện tự nhiên miền núi, đưa lại hiệu quả kinh tế cao và ít ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

Theo tập quán, khi một mảnh nương bắt đầu bạc màu, người dân sẽ bỏ hóa nó trong một khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm và chuyển sang canh tác ở khu vực khác thuộc ranh giới của cộng đồng.

Đây được xem là một cách để cho đất được “nghỉ ngơi” thay vì liên tục khai thác trên một mảnh đất. Các mảnh nương cũ, sau thời kỳ bỏ hóa để rừng tái sinh và đất màu mỡ trở lại, sẽ được đưa vào canh tác nhằm thay thế cho các mảnh nương khác đã bạc màu.

alt
canh tác nương rẫy là một mô hình sản xuất nông nghiệp phổ biến ở khu vực Đông Nam Á | Nguồn: Tỉnh Cần Thơ

Trong bối cảnh tự nhiên của vùng khí hậu nhiệt đới, kỹ thuật như vậy không để lại nhiều tác động tiêu cực cho môi trường sinh thái tự nhiên (theo sách Đa dạng văn hoá: Bài học từ những câu chuyện).

Tuy nhiên, cách canh tác này thường bị đánh giá là không kinh tế trong so sánh với mô hình canh tác lúa nước. Kỹ thuật phát đốt được coi là hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường.

Thêm vào đó, các cư dân canh tác nương rẫy thường được nhìn nhận là những cộng đồng du canh du cư, nay đây mai đó, xã hội không ổn định. Thậm chí, nhiều người còn coi canh tác nương rẫy là một trong những ‘tàn dư’ của loại hình kinh tế ‘nguyên thủy’ nhất của loài người.

Nếu khi ấy nhìn thấy một tương lai nơi thiên nhiên bị khai thác đến cùng cực, nơi chúng ta và những đứa con của mình mỗi hơi hít vào là hàng triệu hạt bụi mịn, có lẽ chúng ta đã chậm lại để nhìn những thực hành như canh tác nương rẫy bằng một lăng kính khác.

Những triết lý và tri thức ấy bị phê phán giống y như cái cách một cái cây trong rừng ngã xuống một cách nhẹ nhàng. Tri thức bản địa bị dán nhãn “lạc hậu” và dần bị lãng quên, một cái cây và rồi hàng trăm nghìn héc ta rừng biến mất. Tất cả xảy ra phần nào vì ta cứ “hồn nhiên” nghĩ, hẳn đó là vấn đề của người khác.

Liệu hiện thực có khác đi không nếu vào khoảnh khắc phê phán hay quyết định can thiệp vào thực hành của các dân tộc ấy, ta nhìn thấy quá khứ, hiện tại và tương lai của mình trong những đôi mắt và cánh rừng của họ?

“Chúng ta” và “người khác,” những nhóm hay cộng đồng ta nghĩ mình không thuộc về và sẽ chẳng bao giờ liên quan như LGBTI+, người khuyết tật, người di cư, người dân tộc thiểu số thật ra không cách xa nhau đến thế.

“Họ” có thể là người thân, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp của bạn. Cho dù là người lạ, tính cố hữu của sự không lường trước được trong cuộc đời cũng mở rộng cánh cửa để họ bước vào cuộc sống của bạn bất kỳ lúc nào.

Không chỉ là giữa những nhóm thiểu số, chúng tôi cũng tin rằng vấn đề của bất kỳ nhóm nào cũng là vấn đề của tất cả chúng ta, dù là đa số hay thiểu số, dù bạn có thuộc cộng đồng đó hay không.

Từ “từ” còn lâu mới đến “thiện”

Thiện nguyện (philanthropy) là các từ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “tình yêu con người/nhân loại - love of people/humanity.”

Như vậy, gốc rễ của các từ này làm cho chúng ta nghĩ đến mục đích của các tổ chức thiện nguyện và hành vi thiện nguyện là thể hiện tình yêu con người thông qua các hành động tốt.

Khi làm việc tốt, ta nghĩ lòng tốt hay sự hướng thiện của mình đến một cách thật tự nhiên và luôn đẹp đẽ, vì tình yêu thì có mấy ai chất vấn.

Mong muốn làm việc tốt trong nhiều trường hợp, là xuất phát điểm rất trong sáng của những hành động từ nhỏ nhất như cho tiền người ăn xin ở ngã tư đèn đỏ, cho đến những công việc vĩ mô như hoạch định một chính sách mới.

Nhưng có thật là việc và cái cách chúng ta “cho” đi không hề can hệ và ảnh hưởng gì đến bản thân mình? “Cho đi không cần nhận lại”, “làm việc tốt đi có chi cần nghĩ suy” - những thông điệp nghe có vẻ hợp tình hợp lý ấy có thể trở nên nguy hại khi củng cố cho việc không nhìn thấy mối liên hệ giữa mình với vấn đề của người khác.

alt
Hợp xướng Đa dạng do Viện iSEE tổ chức | Nguồn Viện iSEE

Hiện thực của chúng ta có lẽ sẽ rất khác đi khi làm việc tốt, ta nhìn thấy mình trong cá nhân hay cộng đồng mà ta giúp.

Có phải tự nhiên một người bỗng dưng đi ăn xin, tại sao họ cứ đứng mãi ở vị trí đó? Có phải chỉ vì họ lười nhác, kém cỏi hoặc không may mắn? Có nguyên nhân nào dẫn đến điều đó và liệu ta có hoàn toàn vô can trong việc bắt đầu và duy trì những vấn đề đó hay không?

Bên cạnh tiền và niềm xúc động, lòng tốt của chúng ta cần đến sự kiên nhẫn, công sức, nỗ lực tìm hiểu, chất vấn và kiểm tra. Đổi lại, tác động mà việc tốt xuất phát từ mối quan tâm thực sự như vậy đem lại sẽ có tính triệt để, giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Nếu cho tiền chỉ giúp được một người ăn xin (giả sử đúng là giúp được), thì nhìn thấy mình và vai trò của bản thân trong gương mặt và câu chuyện của những người ta giúp sẽ chạm tới các vấn đề bất bình đẳng kinh tế, an sinh xã hội, đồng thời là vấn đề của hàng chục nghìn người ăn xin khác.

Nhưng không chỉ là những người khác. Nếu cùng đồng ý với nhau về bản chất bấp bênh và khó lường của đời sống, chúng ta cũng hiểu rằng dù đủ đầy và sung túc đến mấy, ai cũng có khả năng một ngày nào đó trở thành người nghèo hoặc mang những bất công về mặt kinh tế.

Cũng giống như cách một thành viên trong một buổi gặp gỡ của chúng tôi chia sẻ về quãng thời gian anh bị gãy chân. Trước đây chưa bao giờ quan tâm tới tình trạng thiếu khả năng tiếp cận cho người khuyết tật của nhiều công trình xây dựng, nhưng khi ở trong tình huống ấy, anh mới hiểu được sự bất tiện và bất công mà trong hoàn cảnh bình thường, anh chưa bao giờ nghĩ đến và nếu có nghe thấy, đó chỉ là vấn đề của người khác.

Kết luận

Suy cho cùng, khi làm việc tốt, không có ai đơn thuần chỉ là người cho đi và đối phương chỉ là người nhận lại. Trong một thời đại khủng hoảng về đạo đức, có lẽ nhìn thấy mình trong vấn đề của người khác là một trong những lối đi hướng chúng ta tới một xã hội đề cao khoan dung, tôn trọng đa dạng, tự do và bình đẳng.

Bài viết là phần mở rộng nội dung của Podcast Bàn chữ S, mùa 2 tập 1: Từ “từ” đến “thiện” của iSEE.