Từ WeWork đến WeCrashed, chuyện gì đã xảy ra? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
18 Thg 10, 2022

Từ WeWork đến WeCrashed, chuyện gì đã xảy ra?

Đã có một thời khi nói đến "co-working space" (không gian làm việc chung) người ta nghĩ ngay đến WeWork.
Từ WeWork đến WeCrashed, chuyện gì đã xảy ra?

WeCrashed (2022) là bộ phim dựa trên sự kiện có thật về WeWork. Hai nhân vật chính được tái hiện là CEO Adam Neumann và vợ Rebekah Paltrow Neumann. | Nguồn ảnh: Getty Images/ Collage by Gabe Conte.

WeWork đã mất gần 9 năm để trở thành một công ty được đánh giá là “có giá trị nhất” trong các công ty khởi nghiệp công nghệ tại đất Mỹ ở thế kỷ mới. Nhưng họ chỉ mất khoảng 6 tuần để bị tước đi danh hiệu đó, và thậm chí phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Điều gì đã nhào nặn nên “chú kỳ lân nhiều sừng” WeWork và điều gì đã “giật dây” cho sự kiện gây chấn động giới kinh doanh vào năm 2019 của WeWork? Cùng tìm hiểu trong bài viết mở đầu cho series Unicorn Lab nhé.

1. Họ bắt đầu thế nào?

Adam Neumann đến thành phố New York năm 2001, sau khi hoàn thành nghĩa vụ trong quân đội Israel. Ban đầu, anh thành lập một công ty tên là Krawlers, chuyên bán quần áo có đệm đầu gối cho trẻ sơ sinh đã biết bò. Khi đó, Neumann làm việc trong cùng toà nhà với kiến trúc sư Miguel McKelvey, người đồng sáng lập WeWork vào năm 2010.

Miguel McKelvey traacutei vagrave Adam Neumann phải Nguồn Yunji Ko
Miguel McKelvey (trái) từng giữ vị trí co-founder, kiêm CCO - Chief Culture Officer và Adam Neumann (phải), cựu co-founder kiêm CEO tại WeWork . | Nguồn: Yunji Ko

Tiền thân của WeWork là Green Desk, được thành lập năm 2008, khi Neumann và Miguel McKelvey thuê một tầng trống trong một tòa nhà ở Brooklyn rồi chia thành các phòng cho thuê.

Theo lời của McKelvey chia sẻ với tác giả Reeves Wiedeman (sách The Epic Rise and Spectacular Fall of Adam Neumann and WeWork) thì thời gian đầu khách hàng của họ là “các nhân viên bị sa thải, những người không muốn ở nhà vì họ bị trầm cảm”. Nhưng nhanh chóng sau đó mô hình của họ đã thu hút được những người làm việc tự do và một hệ sinh thái các startup công nghệ.

Đến năm 2010, Neumann và McKelvey bán Green Desk. Họ thành lập WeWork sau đó và sớm nhân rộng mô hình sang nhiều thành phố phát triển khác, nhờ vào khoản đầu tư khổng lồ hàng tỷ đô-la từ SoftBank (một tập đoàn nổi tiếng tại Nhật Bản với các khoản đầu tư khủng vào nhiều startup công nghệ, điển hình là Alibaba).

2. Một giá trị đổi mới WeWork mang đến cho thị trường lúc bấy giờ?

Ý tưởng về không gian làm việc chung đã bắt đầu xuất hiện từ những năm 90 tại Đức, đến khoảng năm 2005 thì trở nên phổ biến hơn tại Mỹ. Do vậy, WeWork không hẳn là kẻ tiên phong trong việc “cải cách” không gian làm việc, nhưng họ đáp ứng được một nhu cầu rất cấp bách của thế hệ Millennial sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Đó là nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa và cảm giác được thuộc về một cộng đồng (sense of longing for meaning and community). Thực tế là tiền thân của WeWork, Green Desk, cũng chuyên cung cấp không gian làm việc chung mang đậm tính bền vững với nội thất tái chế và đồ dùng văn phòng xanh.

Điều này được cho là xuất phát từ chính trải nghiệm phải di chuyển nhiều nơi trước đó của Adam Neumann. Theo thông tin từ tác giả Reeves Wiedeman chia sẻ trên tờ New York Magazine, trước tuổi 22, Neumann đã phải sống ở 13 ngôi nhà khác nhau do phải chuyển theo mẹ, một bác sĩ.

Ngoài ra, chính Neumann cũng từng nhận định rằng khoảng thời gian phải sống trong “kibbutz”, một mô hình định cư tập thể tập trung vào phát triển nông nghiệp tại Israel, đã để lại ấn tượng sâu đậm và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng mô hình của WeWork. Thậm chí WeWork từng còn có biệt danh là “kibbutz 2.0”.

3. Các cột mốc xoay chuyển tình hình hoạt động của WeWork

2014: Sau khi mở rộng nhanh chóng, WeWork được định giá 4,6 tỷ USD và nhận rót vốn từ các nhà đầu tư “sừng sỏ” như JP Morgan Chase & Co, Goldman Sachs Group.

2017: WeWork nhận mức đầu tư đầu tiên từ SoftBank, với số tiền 4,4 tỷ USD, nâng mức định giá của WeWork lên mức 20 tỷ USD.

2019 và chuỗi sự kiện “sóng gió”

  • Tháng 1 năm 2019: SoftBank rót thêm 2 tỷ đô la tài trợ. Tính thêm đợt rót vốn vào cuối năm 2018, tổng đầu tư của SoftBank vào WeWork đến thời điểm này đã đạt 10 tỷ USD, nâng mức định giá của WeWork lên 47 tỷ đô.

Với con số này, WeWork được cho là startup chưa niêm yết “có giá trị vốn hoá lớn nhất” tại Mỹ.

  • Tháng 8 năm 2019: WeWork nộp báo cáo cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Đây là lần đầu tiên tình hình tài chính của công ty này được công khai.

Hàng ngàn các chuyên gia tài chính và nhà báo đã đem ra ánh sáng vô số những điều “kỳ quặc và đáng báo động” về WeWork. Chẳng hạn như về mức độ thua lỗ (chỉ tính riêng trong năm 2018, công ty đã lỗ gần 2 tỷ đô la), về các hợp đồng thuê mặt bằng kéo dài đến 15 năm với mức phí trả trước cao ngất ngưỡng, về cơ cấu tổ chức rối rắm,... Từ đó, các nhà phân tích bày tỏ sự hoài nghi về giá trị thực sự của công ty và thực lực của bộ máy quản trị công ty.

Các cáo buộc về phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, quấy rối tình dục và văn hoá công ty “hoang dại” cũng xuất hiện nhiều trong thời gian này. Trong vòng khoảng 6 tuần tiếp theo, đế chế 47 tỷ đô trải qua một giai đoạn sóng gió, đối mặt với nguy cơ phá sản.

  • Ngày 17 tháng 9 năm 2019: We Co., công ty mẹ của WeWork, quyết định hoãn IPO vô thời hạn.
  • Ngày 24 tháng 9 năm 2019: Đối mặt với phản ứng dữ dội về việc IPO bị hủy bỏ và những bê bối đời tư của CEO công ty, WeWork thông báo Neumann sẽ từ chức Giám đốc điều hành.

Giá trị vốn hoá của công ty rớt xuống chỉ còn khoảng 10 tỷ đô và dự báo sẽ hết tiền mặt chỉ trong vài tuần tới.

  • Tháng 10 năm 2019: WeWork nhận khoản cứu trợ trị giá 9,6 tỷ đô la từ SoftBank. Đồng thời, đồng sáng lập và cựu CEO Adam Neumann nhận được một hợp đồng đảm bảo giá 685 triệu đô từ SoftBank để từ chức khỏi hội đồng quản trị của WeWork, và nhượng lại số cổ phần có quyền biểu quyết.

Giám đốc điều hành của SoftBank, Marcelo Claure được bổ nhiệm làm chủ tịch điều hành mới của WeWork.

Tháng 6 năm 2020: Nhiều cổ đông của WeWork đệ đơn kiện tập thể, chống lại cả WeWork và SoftBank với cáo buộc rằng WeWork đã hạ thấp các khoản lỗ, cũng như họ thấy vô lý khi SoftBank đã bồi thường cả tỷ đô la cho Adam Neumann. McKelvey thông báo rời công ty không lâu sau đó.

4. Hai điều công chúng không biết trước sự kiện năm 2019?

WeWork không phải là một công ty công nghệ, mà là một công ty bất động sản

Nghe có vẻ khó tin ở thời điểm hiện tại, nhưng trong một khoảng thời gian dài, mọi người vẫn tin WeWork là một công ty khởi nghiệp về công nghệ.

Trước năm 2019, WeWork chưa từng thừa nhận nguồn thu của mình chủ yếu đến từ việc cho thuê chỗ ngồi tại các không gian làm việc chung. Họ xây dựng thương hiệu bằng các cụm từ như “công ty công nghệ” (tech startup), “cộng đồng” (community), “nền tảng” (platform) chuyên phát triển các công cụ phân tích dữ liệu thông minh để tối ưu hoá cách sử dụng không gian làm việc chung.

Ứng dụng WeWork Nguồn Benjamin AlderotyMedium
Tính năng Cộng đồng trên ứng dụng WeWork. | Nguồn: Benjamin Alderoty/Medium

Theo như bình luận của tờ Fortune, WeWork làm điều đó để thu hút các nhà đầu tư sợ bỏ lỡ “Facebook hay Google thứ hai”, từ đó nâng mức định giá của công ty lên hàng chục tỷ đô la. Các nhà đầu tư sẽ dễ chấp nhận chờ đợi một công ty công nghệ từ từ sinh lời sau hàng chục năm phát triển hơn là một công ty bất động sản.

Mặt khác, mô hình kinh doanh của WeWork có một điểm rủi ro lớn: họ không phải là bên sở hữu các bất động sản cho thuê đó. Nếu công ty không thu hút được đủ khách để lấp vào các chỗ ngồi thì họ vẫn phải trả một khoản chi phí hàng tháng cho chủ mặt bằng. Lợi nhuận của WeWork phụ thuộc nhiều vào mức giá mặt bằng họ thuê lại và khả năng thu hút đủ khách hàng thông qua tính đắc địa, cách thiết kế không gian và bảng giá dịch vụ.

Nói như vậy, không có nghĩa là bất kỳ công ty cho thuê bất động sản nào như WeWork đều không thể thu lợi nhuận. Thực tế, trong thị trường cho thuê văn phòng làm việc chung, cái tên IWG tuy không nổi tiếng khắp thế giới và được định giá cao như WeWork, nhưng họ đã có doanh thu ổn, thậm chí gấp đôi WeWork (theo số liệu của Pitch Book).

WeWork vs IWG
Hoạt động kinh doanh giữa WeWork và tập đoàn lâu đời IWG hay được đem ra so sánh sau sự kiện 2019. Dù chưa có lãi nhưng WeWork lại có tốc độ phát triển thần tốc, một yếu tố thu hút nhiều nhà đầu tư mạo hiểm. Trong khi đó, IWG tuy đã có lãi nhưng lại không đánh được tiếng lớn vì không có tốc độ phát triển nhanh bằng WeWork. | Nguồn: PitchBook

Như vậy vấn đề là “chiếc bong bóng” WeWork đã bị thổi quá nhanh, mà trách nhiệm vẫn thường được quy về cho Adam Neumann và những người đứng đầu khác, bao gồm cả các nhà đầu tư.

Adam Neumann có tố chất của “người nổi tiếng” hơn người làm kinh doanh

(ít nhất là cho đến năm 2019...)

Nếu quan sát Neumann qua các sự kiện xuất hiện trước công chúng, có lẽ mọi người sẽ đều đồng ý rằng anh tỏa ra một sức hút rất lớn. Giọng nói lớn với “vầng hào quang” tích cực, truyền cảm hứng. Mái tóc dài xoăn đặc trưng cùng phong cách ăn mặc mang lại cho người ta một ấn tượng phóng khoáng.

Chủ tịch của Softbank được cho là chỉ mới gặp Adam Neumann được 12 phút đã đồng ý rót 4,4 tỷ đô vốn đầu tư (theo Fast Company). Không thể phủ nhận chính sức hút, khả năng khơi gợi tầm nhìn xa và thái độ tự tin của Neumann đã giúp WeWork thu hút được những khoản vốn khổng lồ.

Tuy nhiên, gọi anh là “người nổi tiếng” cũng vì Neumann có những hành vi bất thường. Anh bị cáo buộc thường xuyên hút “cỏ” và đã vận chuyển trái phép cần sa qua biên giới quốc tế trên chiếc phi cơ riêng mà anh mua bằng 60 triệu đô la tiền của nhà đầu tư. Kỳ quặc hơn, Neumann đã mua bản quyền sử dụng tên thương hiệu “We” Co. (công ty mẹ) sau đó bán lại cho WeWork (công ty con) với giá khoảng 6 triệu USD để công ty này được tiếp tục sử dụng cái tên WeWork.

Những lời phàn nàn về phong cách quản lý thất thường của Neumann cũng ngày càng xuất hiện nhiều khi anh tuyên bố rằng “muốn bất tử, muốn đưa WeWork lên sao Hỏa và trở thành tổng thống của thế giới”.

Rebekah Paltrow Neumann Nguồn WeWork
Rebekah Paltrow Neumann. | Nguồn: WeWork

Rebekah, vợ của Adam Neumann hay còn được biết với tư cách “đối tác tư duy chiến lược” (strategic thought partner) của anh cũng được cho là một nhân vật góp phần không nhỏ vào sự suy sụp của WeWork. Cô tuyển người và sa thải nhân viên dựa vào “năng lượng” của họ. Nói cách khác, như lời của những người từng tiếp xúc với Rebekah, cô điều hành công ty thông qua “trực giác chiêm tinh”.

Nhiều người cho rằng, nhà Neumann sẽ dễ được tha thứ hơn nếu họ chỉ muốn làm giàu, không hô hào khẩu hiệu và lôi kéo nhiều người khác vào “cult”, một giáo hội tâm linh với lý tưởng hoang đường của mình.

5. WeWork của hiện tại

Sau khi Neumann rời khỏi ghế CEO, WeWork đón vị CEO mới có chuyên môn trong ngành bất động sản là Sandeep Mathrani. WeWork tiến hành cải tổ mô hình kinh doanh trên cơ sở mình là một công ty cho thuê bất động sản. Không còn những câu tuyên bố “sẽ thay đổi thế giới” đi liền với WeWork như đã từng.

CEO Sandeep Mathrani Nguồn WeWork
CEO Sandeep Mathrani. | Nguồn: WeWork

Sau 3 năm “sóng gió”, đến tháng 10 năm 2021, WeWork cuối cùng cũng đã IPO thành công thông qua phương thức hợp nhất với BowX Acquisition Corp (một công ty mua lại với mục đích đặc biệt, còn gọi là SPAC). Tính đến năm 2022, WeWork sở hữu 750 văn phòng đặt tại 121 thành phố trên thế giới (giảm khoảng 100 văn phòng so với thời gian đỉnh cao, năm 2019).

Doanh thu WeWork tại thị trường Việt Nam quý I/2022 tăng gần 40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty mẹ WeWork vẫn báo lỗ hàng trăm tỷ đô. Điểm sáng là mức lỗ đã giảm đi so với năm trước.

Riêng với Neumann, sau sự cố WeWork, anh vẫn sở hữu khoảng 10% cổ phần của công ty này và đã tiếp tục đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp khác nhau liên quan đến lĩnh vực bất động sản (theo Quartz).