Ngày 21/1 vừa qua tại hội trường của Đại học Hoa Sen (TP.HCM), buổi toạ đàm “Tương lai của giáo dục trực tuyến tại Việt Nam” đã chính thức được diễn ra. Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả là bà YiChen Feng - đại diện quỹ đầu tư Lumos Capital (Mỹ) ; PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ - Phó hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen; chị Ngô Thuỳ Ngọc Tú - Nhà sáng lập và là Chủ tịch hội đồng quản trị của tổ chức giáo dục YOLA; bà Trương Lê Quỳnh Tương và ông Đỗ Văn Nhẫn - đại diện nền tảng lớp học trực tuyến ClassIn; các giảng viên, ban lãnh đạo của các đơn vị giáo dục và các chuyên gia công nghệ.
Chị Quỳnh Tương, trong vai trò người dẫn dắt buổi tọa đàm, đã mở đầu bằng câu hỏi đến từ một giáo viên: “Chúng tôi [những người giáo viên] sẽ đóng vai trò như thế nào trong viễn cảnh tương lai mà các đơn vị EdTech đang nghĩ đến?”
PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng đây là câu hỏi của không chỉ một mà hàng trăm ngàn giáo viên ngày nay, vì họ lo sợ mất việc, và bị thay thế bởi công nghệ. Tuy nhiên, theo nhận định của anh Nhẫn Đỗ - người có kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực EdTech, điều này sẽ không xảy ra.
Về bản chất, công nghệ đã, đang, và sẽ luôn là công cụ để hỗ trợ giảng dạy, yếu tố con người là hoàn toàn không thể thay thế. Điều này đã được chứng minh tại các thị trường EdTech đang nhận được nguồn vốn đầu tư lớn như Trung Quốc (chiếm 60% nguồn vốn đầu tư toàn cầu), và Ấn Độ (chiếm 14%).
Thị trường EdTech thế giới: Kỳ lân ở đâu?
Để mọi người có cái nhìn khách quan hơn, chị YiChen Feng và anh Nhẫn Đỗ đã trình bày sơ lược về thực trạng đón nhận giáo dục trực tuyến trên thế giới theo 3 giai đoạn chính.
Cụm từ EdTech và e-learning (hay online learning) bắt đầu hình thành từ những năm 1990s, khi bong bóng dotcom bùng nổ trên toàn thế giới và học sinh bắt đầu biết sử dụng internet để tìm kiếm thông tin. Giai đoạn 2010-2020 là thời kỳ các đơn vị giáo dục truyền thống bắt đầu ứng dụng các công cụ trực tuyến vào việc giảng dạy, các kỳ lân EdTech cũng ra đời trong giai đoạn này. Và trong thời gian sắp tới, chúng ta sẽ được chứng kiến việc ứng dụng AI và máy học (machine learning) để phát triển các nền tảng học online.
Theo anh Nhẫn, sở dĩ EdTech tồn tại và phát triển vì nó giải quyết được 3 bài toán lớn của giáo dục truyền thống, đó là khả năng tiếp cận đội ngũ giáo viên giỏi (accessibility), chi phí hợp lý (affordability), và khả năng tăng trưởng cao (scalability).
Hiện nay, các kỳ lân EdTech chủ yếu nằm ở các quốc gia như Trung Quốc, Bắc Mỹ, Ấn Độ. Tuy nhiên, khi nhìn vào sự thành công của các mô hình này, chúng ta thấy được sự khác biệt rõ rệt về phương pháp giáo dục tại các quốc gia.
Chị YiChen cho biết, tại Mỹ, các nhà đầu tư đều chủ yếu tập trung vào các nền tảng nội dung (content platform). Trong khi đó, tại Trung Quốc và Ấn Độ, hình thức live tutoring (trực tiếp giảng dạy và nhận xét) được ưa chuộng hơn hẳn.
Tại Việt Nam, sự phát triển của thị trường EdTech có phần chậm hơn so với mặt bằng chung của thế giới. EdTech có mặt tại Việt Nam từ khoảng năm 2007, tuy nhiên đến nay, mảng nhận được nhiều nguồn đầu tư nhất trong ngành Giáo dục vẫn là các đơn vị truyền thống ứng dụng công nghệ vào giảng dạy.
Nhìn chung, xu thế phát triển của Edtech Việt Nam hậu COVID-19 sẽ bắt đầu với các dịch vụ B2B, cung cấp các giải pháp cơ sở hạ tầng, quản lý và vận hành cho các đơn vị giáo dục (Learning Management System - LMS, Student Management System - ERP). Đây là những đơn vị sẽ giúp “giáo dục" thị trường và có nguồn lực để cung cấp các khoá học chất lượng. Sau đó, sẽ là sự tăng trưởng của các mô hình B2C, cung cấp các khoá học trực tiếp Live Tutoring và nội dung.
Nhìn vào bức tranh EdTech tại Việt Nam, anh Nhẫn Đỗ tin rằng còn rất nhiều cơ hội dành cho các mô hình EdTech hướng đến người dùng cuối là học sinh.
"Nỗi oan" của giáo dục trực tuyến tại Việt Nam
Còn nhớ vào tháng 4/2020, khi các trường học đồng loạt đóng cửa do đại dịch COVID-19, 90% giáo viên và học sinh phải chuyển sang hình thức học online, hàng loạt ứng dụng dạy - học trực tuyến nhận review... 1 sao từ học sinh. Đa số giáo viên và học sinh than phiền rằng học trực tuyến không mang lại hiệu quả như trên lớp.
Để “minh oan” cho giáo dục trực tuyến, anh Nhẫn đã phân tích cặn kẽ nhiều nguyên nhân như: trải nghiệm dạy học online còn quá mới mẻ cho học sinh, giáo viên; bài giảng chưa được thiết kế riêng cho môi trường online; và đặc biệt là việc sử dụng các ứng dụng “mì ăn liền" (chủ yếu được thiết kế cho mục đích họp trực tuyến hoặc cho phép đăng tải bài tập, bài giảng miễn phí) làm giảm trải nghiệm học tập và gây “bội thực" nội dung cho học sinh.
Khi đề xuất giải pháp cho vấn đề này, anh Nhẫn đã sử dụng chính ClassIn làm ví dụ, bởi những người phát triển ClassIn đã dành ra hơn 2 năm để nghiên cứu các lớp học thực tế trước khi cho ra đời nền tảng dành riêng cho giáo dục này.
Anh cho biết, ngoài những tính năng cơ bản như gọi thoại video nhóm, ClassIn còn có các tính năng điểm danh, phát bài tập, kiểm tra, thảo luận nhóm...tương tự như một lớp học trực tiếp. Điều này khuyến khích sự tương tác, tăng thời lượng phát biểu của học viên, thêm thời gian quan sát cho giáo viên.
Anh cũng nhấn mạnh rằng việc sử dụng ứng dụng “đo ni đóng giày" cho giáo dục là một khoản đầu tư lâu dài và phụ thuộc lớn vào tầm nhìn của người đứng đầu đơn vị giáo dục.
Cơ hội và Thách thức: Bài học của những người tiên phong
Đồng ý với anh Nhẫn, PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ cho biết ĐH Hoa Sen từ năm 2014 đã xác định phát triển theo hướng “đại học thông minh", áp dụng hình thức blended learning (đào tạo trực tuyến kết hợp với phương pháp truyền thống) với sự đầu tư về cơ sở vật chất và hệ thống E-learning hoạt động tốt cả trên máy tính lẫn thiết bị di động.
Cuối năm 2019, mỗi tháng có khoảng 500.000 lượt truy cập vào hệ thống E-learning này. Tháng 2/2020, khi đại dịch bắt đầu bùng phát, con số này tăng lên 2 triệu, và đỉnh điểm là 6 triệu vào tháng 4. Khi tình hình quản lý dịch ổn định hơn, từ tháng 6 đến nay, số lượt truy cập là 2 triệu/tháng. Ông nhận định, đại dịch chính là “cú hích" giúp thay đổi hành vi và nhận định của học sinh, sinh viên về học trực tuyến.
Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ cũng cho biết một số trở ngại đáng cân nhắc để chuyển đổi số thành công. Đó là trình độ kỹ thuật số (digital literacy) của học sinh và giáo viên; sự ổn định của đường truyền mạng; khả năng đồng bộ hoá các tính năng trên cùng một nền tảng; khả năng tự chủ của học sinh, cũng như khả năng kiểm soát lớp học online của giáo viên.
Dù YOLA là viết tắt của cụm từ “Your Online Learning Assistant” (Trợ lý học tập trực tuyến), chị Ngọc Tú cũng thẳng thắng chia sẻ rằng hành trình chuyển đổi số của YOLA là không hề dễ dàng. Ở thời điểm mới thành lập (2009), YOLA có tổ chức thí điểm dạy học trực tuyến tại các tỉnh miền Nam nhưng kết quả không mấy khả quan. Chị nói vui: “Thời ấy mua hàng online còn khó, huống hồ gì đăng ký một khoá học.”
Vì vậy, trong giai đoạn 2011-2016, YOLA vẫn tập trung mở rộng hệ thống trung tâm Anh ngữ và nâng cao trải nghiệm dạy học của mình. Vậy mà chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ kể từ lúc Sở DG-ĐT quyết định cho học sinh nghỉ học, YOLA đã chuyển đổi thành công, cung cấp cho gần 3.000 học sinh các lớp học trực tuyến. Biến “nguy” thành “cơ”, YOLA đã tận dụng đại dịch làm bàn đạp để chuyển đổi số.
Với sự hỗ trợ của ClassIn, YOLA đã mở rộng quy mô dạy học trực tuyến của mình ra nhiều tỉnh thành trên cả nước, với chương trình và nội dung học tập ở các lớp online đa dạng về thể loại và độ tuổi, trải rộng từ Junior (cấp 2) đến Testprep (từ cấp 3 trở lên).
EdTech, từ 2021 đi lên
Giữ nguyên nhận định rằng viễn cảnh chuyển đổi sang giáo dục trực tuyến 100% sẽ không diễn ra, anh Nhẫn cho biết hình thức “Online-merge-offline” (OMO) - kết hợp giữa online và offline theo tỷ lệ phù hợp để giáo viên và học sinh làm quen dần - mới là hiện tại và tương lai của ngành Giáo dục.
Theo dự đoán của anh, trong năm 2021-2022, các sản phẩm công nghệ giáo dục hướng đến người dùng cuối là học sinh sẽ tăng trưởng nhiều hơn, và trở nên phổ biến vào năm 2025 tại Việt Nam. Và các công cụ này sẽ phát triển theo hướng “mobile first", bởi học sinh hiện nay ưa chuộng học online trên các thiết bị di động, máy tính bảng.
PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ lấy chính con trai đang học tiểu học của mình để làm ví dụ cho thấy thế hệ mới xem việc học online là một bản năng. Ông cho biết các em thiết lập hội nhóm trên mạng xã hội để làm bài, thảo luận; lượng lớn kiến thức các em thu nạp cũng là qua internet. Và ở vai trò là phụ huynh, nhiệm vụ của ông là xác thực thông tin cho con. Ông tin rằng trong môi trường giáo dục chuyên nghiệp, vai trò của người giáo viên cũng sẽ tương tự như vậy.
Ngoài ra, ông chia người học online ra làm 3 nhóm khác nhau: nhóm thích học thông qua các trải nghiệm thị giác; nhóm chỉ thích nghe giảng và suy ngẫm; và nhóm học thông qua các hoạt động thử nghiệm. Nhận biết điều này sẽ giúp giáo viên thiết kế bài giảng và hoạt động tương tác tốt hơn.
Chị Tú chia sẻ, để có thể mở rộng giáo dục trực tuyến ra quy mô toàn quốc, YOLA đã nỗ lực phân tích hành vi học tập của các đối tượng với độ tuổi và tính cách khác nhau. Theo quan sát, các bạn trong độ tuổi từ 5 đến 7 tuổi thường khó tiếp nhận giáo dục trực tuyến hơn các bạn đang theo học cấp 2, cấp 3, và đại học. Các bạn có tính cách hướng nội cũng thích nghi và yêu thích hình thức học online hơn các bạn hướng ngoại.
Vì vây, chị Ngọc Tú kết luận, để chuyển đổi số thành công, cần phải nắm bắt tâm lý và hành vi của người học để thiết kế bài giảng và các hoạt động phù hợp cho từng đối tượng, bất kể là online hay offline.
Và trong tương lai, giáo viên sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn (facilitator), cho phép học sinh được làm chủ và định hướng con đường học tập của mình. Đó chính là đích đến của nền giáo dục lấy học sinh làm trọng tâm.
Được thiết kế nhằm giải quyết vấn đề thiếu tương tác trong môi trường lớp học trực tuyến, ClassIn mang đến tính năng gọi thoại video nhóm cùng với nhiều tính năng tương tác dạy và học phức tạp khác nhằm mang đến trải nghiệm học tập trực tuyến mang tính tương tác cao.
ClassIn được bình chọn là top 50 Edtech toàn cầu năm 2020 bởi GSV, thu hút số vốn đầu từ hơn 300 triệu đô la, có mặt tại hơn 150 quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Châu Âu, Canada, được tin dùng bởi hơn 60.000 đơn vị giáo dục cùng với hơn 20 triệu người dùng hằng tháng.