Vai trò của du lịch dưới góc độ nghiên cứu tâm lý học | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
21 Thg 05, 2024

Vai trò của du lịch dưới góc độ nghiên cứu tâm lý học

Hơn cả “chữa lành”, bạn nên kỳ vọng gì cho một chuyến đi xa để lên kế hoạch và tận hưởng hành trình của mình trọn vẹn hơn?
Vai trò của du lịch dưới góc độ nghiên cứu tâm lý học

Nguồn: Free Stock Pro @ Pexels

Được chuyển ngữ từ bài viết “How Travels Spurs Personal Growth” của Tiến sĩ Edward Hoffman (bài gốc được đăng tải trên chuyên trang Psychology Today).


“Mong rằng hành trình là điều tốt đẹp hơn cả đích đến” là câu châm ngôn Robert Louis Stevenson, nhà văn Anh nổi tiếng thế kỷ XIX. Trong 44 năm ngắn ngủi của cuộc đời, ông đã đi xa khỏi quê hương Edinburgh tới nhiều vùng miền khác nhau trên thế giới, để tìm kiếm cả sự phiêu lưu lẫn tình yêu. Điều này cũng được khẳng định trong kết quả công trình nghiên cứu mới nhất do tôi hợp tác cùng Ahrisue Choi và Kristin Bongcaras thực hiện.

Cụ thể, chúng tôi đã khảo sát các trải nghiệm đỉnh cao (peak experience) liên quan đến du lịch với 200 người ở độ tuổi từ 18 đến 39. Kết quả cho thấy 82% trong số họ nhận định rằng, việc du lịch giúp họ cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định đúng đắn. Các chia sẻ của họ cho thấy nhiều lợi ích về mặt tâm lý mà chính Stevenson cũng chưa nhận ra được.

Stevenson cũng là danh nhân hiếm hoi sớm nhận thức được tầm quan trọng của những chuyến đi, và mối liên hệ của nó đến khả năng phát triển bản thân. Về phía tâm lý học đương đại, gần như không có ai phân tích hay ghi chú gì về điều này. Ngay cả Abraham Maslow cũng khá ít chia sẻ về nó, bởi ông hiếm khi đi du lịch trong suốt quãng đời.

Phải đến giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, chuyên gia tâm lý Peter Adler mới có thêm lập luận rằng, “các sinh viên trao đổi, tình nguyện viên quốc tế, quân nhân hay nhà ngoại giao không nhất thiết lúc nào cũng có trải nghiệm đa văn hóa tiêu cực”. Trái lại, sốc văn hóa có thể thúc đẩy sự phát triển bản thân, thậm chí nhu cầu thể hiện bản thân khi bạn tiếp xúc với những niềm tin, giá trị và lối sống mới”.

16may2024reversecultureshock2jpg
“Sốc văn hóa” thực tế có lợi cho bạn về nhiều mặt.| Nguồn: The Coach Space

Kể từ nỗ lực tiên phong của Peter Adler, các nghiên cứu về dịch chuyển thường tập trung vào lữ hành (tourism) hơn là những chuyến đi liên quan tới công việc hay học tập. Điều này có thể do sự bùng nổ của du lịch quốc tế.

Chẳng hạn một nghiên cứu do Chris Ryan đến từ Đại học Waikato (New Zealand) dẫn dắt đã phát hiện ra rằng, người du lịch bụi có cảm giác mãn nguyện và những trải nghiệm đáng nhớ về sự khác biệt, độc đáo và gắn kết với người khác. Một nghiên cứu khác gần đây của Ondrej Mitas và các cộng sự ở Hà Lan cũng xác định những cảm xúc tích cực khi du lịch, bao gồm sự hài lòng, quan tâm, tình yêu và niềm vui.

Vậy du lịch giúp bạn cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định thế nào? Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra 7 lợi ích nổi bật sau:

Giảm suy nghĩ lộn xộn, giúp tư duy thấu đáo hơn

Một người tham gia nghiên cứu nhận định, “Khi đi du lịch, tôi có thể làm thế giới trôi chậm lại theo vận tốc của mình để suy nghĩ”. Một người khác chia sẻ, “Du lịch giúp dọn sạch tâm trí tôi. Nó cho tôi thời gian để thực sự suy nghĩ và cân nhắc mọi thứ”.

Bình tĩnh và an tâm hơn

Nhiều đối tượng nghiên cứu nhận định, những chuyến đi giúp họ giảm bớt căng thẳng. Cụ thể hơn, “nó giúp tôi không suy nghĩ các vấn đề quá mức, cũng như nghỉ ngơi và dành thời gian chất lượng bên gia đình”, một người tham gia cho biết.

13jan2024jakemelarayh6k2etrfyunsplashjpg
Du lịch giúp bạn lấy lại sự tĩnh tâm, khi tạm thời được thoát khỏi dòng chảy hối hả của cuộc sống. | Nguồn: Unsplash

Tăng sự lạc quan và hy vọng

Các đối tượng nghiên cứu nhận định, đi du lịch giúp họ hài lòng và biết ơn hơn với những gì mình có. Một người chia sẻ, “tôi đã lấy lại sự tự tin khi đang trên bờ vực bỏ cuộc, vì bị từ chối liên tục trong quá trình tìm việc”.

Cái nhìn bao quát hơn về cuộc sống và văn hóa nhân loại

Một người tham gia là nhân viên marketing chia sẻ, “tôi đã học hỏi nhiều hơn về những nền văn hóa khác, để thấu hiểu chúng dễ dàng hơn”. Một người khác nhận định rằng, “Du lịch khiến tôi nhận ra thế giới rộng lớn đến mức nào, và cuộc sống vẫn luôn diễn ra dù tôi gặp phải chuyện gì. Nó cho tôi cái nhìn tổng quát hơn về cuộc đời”.

Hiểu bản thân nhiều hơn khi ở một mình

Một số đối tượng nghiên cứu cho rằng, việc tạm thời thoát khỏi sự quay cuồng của nhịp sống hàng ngày giúp họ tự suy ngẫm tốt hơn. “Nó giúp tôi thấy được giá trị của những thất bại tôi gặp trong quá khứ, và năng suất hơn trong những dự án tương lai”, một người tham gia chia sẻ.

Tăng cường lòng biết ơn và trân trọng

Một đối tượng nghiên cứu cho hay, “du lịch giúp tôi trân trọng những điều nhỏ bé trong cuộc sống, và quý trọng thời gian ở bên những người yêu thương”. Một người khác cũng đồng tình với điều này, “tôi đã học cách để ý tới những điều tươi đẹp trong cuộc sống, và biết trân trọng chúng nhiều hơn”.

16may2024tranmautritam119777jpg
Du lịch mang lại nhiều lợi ích không ngờ tới trong cả công việc và học tập. | Pexels

Học cách trao quyền cho bản thân

Ví dụ điển hình có thể kể đến lòng dũng cảm, tự tin và tự chủ. Chẳng hạn một người tham gia cho biết, “Chuyến du lịch đã cho tôi dũng khí từ bỏ công việc vô nghĩa khiến tôi bất hạnh mỗi ngày. Nó cho tôi thấy ý nghĩa cuộc đời không chỉ thuần túy nằm ở việc kiếm tiền, mà còn là cách bạn tận dụng tối đa những gì mà cuộc đời trao tặng”.

Dự kiến định hướng nghiên cứu về du lịch sau này sẽ mở rộng tới những vấn đề như: Lợi ích tâm lý của việc du lịch ở từng độ tuổi khác nhau; sự ảnh hưởng bởi tính cách, sở thích và mục tiêu cá nhân lên sự phát triển bản thân mà du lịch đem lại; cách du lịch nâng cao khả năng chánh niệm, sự lạc quan và lòng biết ơn của chúng ta.

Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, nhưng với tất cả lợi ích nói trên, bạn đừng ngần ngại lên kế hoạch cho một chuyến “xách ba lô lên và đi” trong thời gian tới.