Vì sao càng hăng hái càng dễ hết hứng? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
05 Thg 11, 2024

Vì sao càng hăng hái càng dễ hết hứng?

Hiểu thấu 3 hiệu ứng tâm lý để hóa giải trạng thái cả thèm chóng chán này.
Vì sao càng hăng hái càng dễ hết hứng?

Nguồn: Pexels

Bạn đã bao giờ cảm thấy tràn đầy động lực khi bắt đầu một công việc mới, nhưng rồi nhanh chóng rơi vào trạng thái chán nản? Cứ càng hăm hở bao nhiêu lại càng nhanh bỏ dở bấy nhiêu?

Đây chẳng phải là một tình huống xa lạ gì. Nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho thấy tỷ lệ bỏ học trung bình của các khóa học trực tuyến là 96% trong vòng 5 năm. Một khảo sát khác từ Đại học CUNY Graduate Center cũng chỉ ra 67% người đăng ký tại các phòng gym không duy trì tập luyện thường xuyên, một số người thậm chí bỏ tập ngay sau vài tuần đầu tiên.

Vậy tại sao chúng ta lại hay bỏ dở những điều từng làm mình phấn khích như thế?

1. Ảnh hưởng của hiệu ứng “hậu trăng mật”

Trong tâm lý học tổ chức, hiệu ứng honeymoon-hangover sẽ lý giải trực tiếp hiện tượng này.

Khi bạn bắt đầu một dự án hay công việc mới, mọi thứ lúc này đều mới lạ và thú vị, khiến bạn tràn đầy năng lượng. Hay nói cách khác bạn đang trong giai đoạn honeymoon (trăng mật).

Tuy nhiên, khi tuần trăng mật đi đến hồi kết thúc và thực tế dần thế chỗ, công việc sẽ bắt đầu trở nên khó khăn hơn, động lực của bạn cũng giảm sút đáng kể. Đây là lúc bạn rơi vào giai đoạn ‘hangover’ – chán nản, mất động lực.

Honeymoon-hangover chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tính cách. Theo một nghiên cứu khảo sát trên 1.553 người tại Hàn Quốc cho thấy hiện tượng này xuất hiện cao hơn ở những người hướng ngoại.

Nguyên do đến từ thiên hướng tiếp nhận và tiêu thụ năng lượng của họ. Thông thường họ sẽ cảm thấy hưng phấn khi giao tiếp, gặp gỡ nhiều người hoặc có trải nghiệm mới mẻ nào đó. Tuy nhiên, nếu việc này xảy ra liên tục mà không có thời gian hồi phục, họ sẽ bắt đầu cảm thấy choáng ngợp hoặc mất hứng thú tạm thời.

2. Quản lý kỳ vọng không hiệu quả

alt
Nguồn: Pexels

Khi thực tế va chạm với kỳ vọng, nếu khoảng cách giữa chúng càng xa, lực va chạm sẽ càng mạnh. Tương tự, khi bắt đầu một công việc, nếu bạn càng đặt nhiều kỳ vọng, mong muốn mọi thứ sẽ suôn sẻ, thì xác suất cao là bạn sẽ bùng nổ với nỗi thất vọng và bỏ cuộc ngay khi khó khăn ập đến hoặc kết quả không như mong đợi.

Ví dụ một người bắt đầu với mục tiêu sẽ tập gym đều đặn để cải thiện sức khỏe và ngoại hình. Nếu bạn đặt ra con số giảm 12kg trong 6 tháng, đây sẽ là mục tiêu tương đối khả thi. Mỗi tuần bạn chỉ cần giảm 0,5 kg.

Nhưng nếu bạn nghĩ như thế lâu quá và kỳ vọng phải đẩy nhanh tốc độ lên, giảm 12 kg chỉ trong 2 tháng thôi. Kết quả này sẽ khó đạt được và dễ gây ra căng thẳng. Khi bước vào giai đoạn chững cân sau vài tuần, bạn sẽ có xu hướng mất động lực và muốn bỏ cuộc không tập tành gì nữa.

3. Tự thuyết phục mọi nỗ lực đều sẽ được đền đáp

Hãy tưởng tượng bạn dành cả ngày viết một bài blog tâm huyết và và nghĩ trong đầu: “Hừm, nó xứng đáng được nhiều người like và chia sẻ”. Thế nhưng, sau khi bạn hào hứng đăng tải, bài viết chỉ có vài người bạn thân tương tác (và bạn biết tỏng là họ cũng không đọc, chỉ nhấn thích ủng hộ thôi). Lúc này sự thất vọng nảy sinh, bạn sẽ tự hỏi: “Liệu việc viết lách này có đáng để tôi tiếp tục theo đuổi?”

Lý thuyết "Effort Justification" (Sự biện minh cho nỗ lực) trong tâm lý học đã chỉ ra rằng chúng ta thường đánh đồng nỗ lực và kết quả. Nghĩa là những việc nào càng phải nỗ lực để hoàn thành, thì kết quả nhận lại cũng nên tương đương với mức đó. Tuy nhiên, rõ ràng không phải lúc nào thực tế cũng diễn ra theo cách như vậy. Chính sự chênh lệch giữa mong đợi và thực tế này đã kích hoạt nỗi thất vọng trong lòng bạn.

Vậy thì làm gì để “neo” lại sự hứng thú?

alt
Nguồn: Hoangthoughts

Mình sẽ tạm khái niệm hóa vấn đề này thành một mô hình cơ bản là đường cong hào hứng. Như bạn thấy trong hình, nhìn vào đường màu cam, khi bắt đầu mức độ hào hứng sẽ nằm ở điểm rất cao. Nhưng khi bị ảnh hưởng bởi 3 hiệu ứng tâm lý như mình đã nói ở trên, sự hào hứng sẽ dần chạm đáy rồi đi đến kết quả là bạn bỏ cuộc.

Để "neo" đường cong này một cách an toàn, không để nó tụt xuống đáy sẽ có một số giải pháp như sau:

  • Chấp nhận sự hứng thú sẽ giảm dần: Điều này giúp bạn chuẩn bị sẵn tâm lý đối diện với bất kỳ điều gì không như ý có thể xảy ra.
  • Thiết lập mục tiêu nhỏ và cụ thể: Bằng cách chia nhỏ mục tiêu, bạn sẽ kiểm soát kỳ vọng tốt hơn. Đồng thời khi đó bạn sẽ dễ dàng đạt được những thành công nho nhỏ, nhờ vậy giúp duy trì hứng thú một cách bền vững hơn.
  • Học cách ghi nhận nỗ lực, thay vì chỉ kết quả: Hãy tập trung vào quá trình và nỗ lực bạn bỏ ra, bởi nỗ lực là thứ bạn có thể hoàn toàn kiểm soát, còn kết quả thì không.
  • Làm mới lại mục tiêu: Việc liên tục điều chỉnh, làm mới mục tiêu sẽ giống như bạn được đưa về lại thời điểm trăng mật ban đầu, qua đó giúp bạn tìm thấy cảm giác mới mẻ và duy trì được động lực lâu dài.

Kết

Cuối cùng, dù chúng ta có cố gắng quản lý kỳ vọng đến đâu, không thể loại bỏ hoàn toàn sự thất vọng. Như câu nói của Marcus Aurelius: “Những kỳ vọng không thực tế là nguồn gốc của mọi đau khổ”. Để duy trì động lực, điều quan trọng không phải là tránh thất vọng hoàn toàn, mà là biết cách chấp nhận và vượt qua nó.

Dần dần qua mỗi thử thách, bạn sẽ thấu hiểu mình hơn, và xây dựng được sức bền ý chí cần thiết. Đó mới là nền tảng vững chắc giúp bạn duy trì động lực và sự tự tin trên con đường dài phía trước.