Dù là cuộc gọi quan trọng với khách hàng hay nhỏ nhặt như chuyện đặt bàn ăn tối, một số người phải mất vài phút thậm chí cả buổi chỉ để tập dượt trước. Trong đầu họ sẽ vẽ ra hẳn một kịch bản – mở đầu thế nào, nói gì cho đủ ý chính và chào cúp máy bằng câu gì. Nhiều người thậm chí còn có một sơ đồ cách phản hồi cho từng tình huống và câu trả lời mà có thể họ sẽ nhận được từ đầu dây bên kia.
Một cuộc điện thoại thôi mà, lý do gì chúng ta phải khổ như vậy?
Tập dượt là cách não bộ khắc phục nỗi lo
Tập dượt trước trong đầu để chuẩn bị cho những gì sắp xảy ra được gọi là mental rehearsal. Đây là cách não bộ giúp chúng ta khắc phục nỗi lo về việc gọi điện thoại, mà chủ yếu bắt nguồn từ nỗi sợ bị đánh giá và bị từ chối.
Con người là một sinh vật xã hội, chúng ta rất coi trọng suy nghĩ của người khác về mình và xem đó là chuyện sống còn. Vì vậy, ta bị thôi thúc phải chuẩn bị kỹ lưỡng để thể hiện mình tốt nhất trong các tình huống giao tiếp, dù là qua một cuộc điện thoại.
Việc gọi điện còn mang những đặc tính khiến nỗi sợ bị đánh giá càng nghiêm trọng hơn, khiến bạn phải chuẩn bị tinh thần và tập dượt trước để không mắc lỗi. Theo giáo sư tâm lý học lâm sàng Alison Papadakis, những nhân tố đó cụ thể là:
Vì bị dồn sự chú ý
Một điểm đặc trưng của nói chuyện qua điện thoại đó là người nghe sẽ đặt mọi sự tập trung vào bạn. Khi nói chuyện trực tiếp, môi trường xung quanh có rất nhiều yếu tố gây phân tâm như người qua lại, tiếng nói chuyện, điện thoại nhảy thông báo,... Nhưng chính chúng lại giúp bạn “san sẻ" bớt sự chú ý từ người đối diện.
Còn với những cuộc gọi, chúng ta không còn lợi dụng được những yếu tố phân tâm đó. Nó tạo nên cảm giác rằng mọi sự chú ý đang dồn vào bạn, nếu có bất cứ sai sót nào thì sẽ bị “bắt lấy" ngay lập tức.
Áp lực thời gian
Áp lực này xảy ra bởi bạn không muốn chừa bất cứ khoảng lặng nào giữa cuộc nói chuyện. Trong giao tiếp, khoảng ngừng và sự im lặng là một điều đáng sợ, bởi nó cho thấy đôi bên đang đồng thời nhận ra sự bất an và thiếu tự tin của mình. Vì thế mà lúc nào chúng ta cũng ép mình phải lập tức phản hồi lại ngay.
Nếu là khoảng lặng trong lúc trò chuyện mặt-đối-mặt, bạn sẽ biết được người đối diện đang bận suy nghĩ hay bị phân tâm thông qua hành vi, cử chỉ của họ. Nhưng nếu họ đang ở đầu dây bên kia, bạn không cách nào biết được chuyện gì đang xảy ra. Để tránh chừa ra những khoảng lặng đầy bối rối như vậy, não bộ quyết định giúp bạn tập dượt trước trong đầu.
Vì phải đoán xem người ở đầu dây bên kia nghĩ gì
Một lý do khiến việc nói chuyện qua điện thoại đáng sợ là vì bạn không nhận được các tín hiệu giao tiếp khác như ánh mắt, biểu cảm hay ngôn ngữ cơ thể. Mà chúng lại là yếu tố giúp bạn hiểu rõ ý của người còn lại hơn.
Không có chúng bổ trợ, làm sao bạn chắc chắn được một câu nói là đùa hay thật? Không thấy được cái nhíu mày hoặc gật đầu, làm sao biết người ta đang phản đối hay khuyến khích lời bạn nói?
Mọi thứ chỉ gói gọn qua giọng nói, nên cuộc nói chuyện biến thành một trò chơi phỏng đoán – xem người ta đang muốn nói gì và sẽ nghĩ gì về điều mình nói – mà không có được gợi ý nào. Nó khiến bạn lo lắng và buộc phải cẩn trọng hơn với giọng nói lẫn cách chọn từ của mình, mà cách tốt nhất là soạn sẵn lời thoại và làm theo.
Vì chưa quen nói chuyện qua điện thoại
Việc gọi điện cũng như viết văn hay thuyết trình, bạn cần phần mở đầu, dẫn dắt sang ý chính và lời kết để cuộc nói chuyện không rơi vào lúng túng. Những quy tắc này cũng cần phải học và thực hành thường xuyên.
Nhưng từ khi chúng ta có những lựa chọn khác thoải mái hơn để liên lạc với nhau như nhắn tin hay mạng xã hội, ta dần thiếu hụt số lần gọi điện. Kết quả là ta nghĩ nó lạ lẫm và nghiêm trọng cứ như bài thuyết trình cuối học kì, phải tập dượt trước thì mới làm tốt được.