Vì sao ta sa sút sau những thành công vang dội? | Vietcetera
Billboard banner
09 Thg 11, 2022

Vì sao ta sa sút sau những thành công vang dội?

Giai đoạn thoái trào có thể chỉ diễn ra ngẫu nhiên, chứ chẳng hề liên quan tới bất kỳ nguyên nhân nào ta đang cố lý giải.
Vì sao ta sa sút sau những thành công vang dội?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Ta vẫn thường phải chứng kiến sự thụt lùi sau những thành công vượt bậc. Nhiều vận động viên sa sút phong độ sau mùa giải vô địch. Sự nghiệp nhiều diễn viên đi xuống sau khi đạt giải thưởng danh giá. Bài nhạc của nghệ sĩ không còn hay như trước sau khi họ chiến thắng cuộc thi âm nhạc.

Ngay chính chúng ta cũng từng hốt hoảng khi trải qua giai đoạn thoái trào của bản thân. Thành tích học tập hay hiệu quả công việc bỗng tụt dốc sau quãng thời gian “đạt đỉnh.” Liệu có lời giải thích nào cho giai đoạn thoái trào đáng thất vọng này?

Chúng ta thường bị bộ não đánh lừa

Khi quan sát các sự kiện kể trên, ta ngay lập tức truy tìm hàng loạt nguyên nhân gây ra giai đoạn thụt lùi. Mỗi khi vận động viên sa sút phong độ, người hâm mộ thường kết luận rằng bởi vì họ dành quá nhiều thời gian cho việc ăn chơi, đóng quảng cáo, dẫn tới bỏ bê luyện tập.

Tương tự, khi đón nhận những kết quả công việc không được như quá khứ, ta bị chê trách do lơ là, chủ quan hay “ngủ quên trên chiến thắng.”

Ta thường tưởng tượng những câu chuyện có nguyên nhân - kết quả để giải thích các biến cố. Một ngày tồi tệ nhất định là phải do điều gì đó gây ra, có thể là do vận mệnh sắp đặt hay “sao thủy nghịch hành.” Thật khó để ta hài lòng với lời giải thích đơn thuần rằng đó hoàn toàn là ngẫu nhiên.

Daniel Kahneman, chủ nhân Nobel Kinh tế năm 2002, đã đưa ra lời giải thích cho nỗ lực tìm kiếm nguyên nhân này. Ông cho rằng bộ não chúng ta có khuynh hướng ưu tiên những lý giải mang tính nhân quả hơn là những số liệu thuần thống kê. Khi quan sát và trải nghiệm một biến cố, bộ não sẽ tự động tìm kiếm hàng loạt lý do được lưu trữ sẵn.

09nov2022221109phongdointext1jpg
Bộ não chuộng những lí giải theo hướng nhân-quả.

Chúng ta ưa thích những câu chuyện có lời giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, rất có thể những câu chuyện ấy không phản ánh đúng thực tế. Những giai đoạn thụt lùi có thể chỉ diễn ra hoàn toàn ngẫu nhiên, chứ chẳng hề liên quan tới bất kỳ nguyên nhân nào ta đang cố lý giải.

Sau tất cả, mình lại trở về mức trung bình

Giai đoạn thụt lùi mà chúng ta quan sát có tên là “hồi quy về mức trung bình” (regression to the mean). Hiện tượng hồi quy được Francis Galton lý giải trong một nghiên cứu về chủ đề Di truyền vóc dáng. Cụ thể, các cặp cha mẹ có vóc dáng to lớn thường có con cái nhỏ nhắn hơn. Ngược lại, con cái sẽ cao lớn hơn nếu cha mẹ là những người bé nhỏ.

Hiện tượng hồi quy về trung bình có thể được quan sát thông qua các biểu đồ phổ điểm. Đối với các đề thi có tính phân loại tốt, đồ thị sẽ có dạng hình chuông, với đỉnh nằm ở khoảng giữa. Điểm thi sẽ tập trung nhiều nhất quanh mức trung bình. Số thí sinh và số điểm sẽ giảm dần về hai phía, nghĩa là có rất ít số thí sinh điểm cực thấp hoặc cực cao.

09nov202220211jpg
Phổ điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2021. Điểm thi tập trung nhiều nhất quanh mức trung bình từ 55 - 100 điểm. | Nguồn: Trung tâm khảo thí ĐHQGHN

Trong cuốn sách Tư duy nhanh và chậm, tác giả Daniel Kahneman đã sử dụng hiệu ứng hồi quy để giải thích rất nhiều hiện tượng ta thường bắt gặp. Tiêu biểu như các vận động viên có thành tích kém hơn sau khi đạt được những danh hiệu lớn.

Đó là bởi trong mùa giải thành công, họ hẳn đã có được rất nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi” như lối chơi phù hợp, đồng đội ăn ý hay điểm rơi phong độ hợp lý. Ở các mùa giải sau, khi những yếu tố ấy không còn, hiển nhiên kết quả thi đấu cũng kém hơn.

Một điểm cần lưu ý đó là “kém hơn” không đồng nghĩa với kém cỏi hay thất bại. Mỗi giải đấu hay kỳ thi sẽ có những mức trung bình riêng, tính toán dựa trên thành tích của những người tham gia. Mức trung bình của các giải đấu chuyên nghiệp hiển nhiên sẽ cao hơn các giải đấu nghiệp dư.

“Kém hơn” ở đây được hiểu là “gần với mức trung bình hơn.” Kết quả này sẽ phản ánh khả năng thực sự của các vận động viên.

Điều tương tự cũng áp dụng với thành tích học tập hay kết quả kinh doanh của chúng ta. Một kỳ học với kết quả học tập xuất sắc có sự tham gia của vô vàn yếu tố ngẫu nhiên. Đó có thể là thầy cô giáo phù hợp, bạn cùng nhóm trách nhiệm, hay đơn thuần là ta đã khoanh bừa nhiều câu đúng trong bài thi cuối kỳ. Khi tiếp tục quá trình học, các yếu tố ngẫu nhiên sẽ dần bị loại bỏ và thành tích sẽ dần phản ánh chính xác thực lực.

Áp dụng hiện tượng hồi quy trong cuộc sống

09nov2022221109phongdointext2jpg
Không phải lúc nào ta cũng có thể nâng cúp, và không nên quá khắt khe với bản thân vì điều đó.

Theo tác giả Daniel Kahneman, hiện tượng hồi quy xảy ra mọi nơi và khiến ta nhầm lẫn với những câu chuyện có nguyên nhân - kết quả. Tiêu biểu như niềm tin rằng việc khen ngợi sẽ khiến người khác có kết quả tệ hơn, còn trách mắng sẽ đem lại hiệu quả.

Trên thực tế, sự thụt lùi thường theo sau những kết quả xuất sắc, và sự tiến bộ sẽ tới sau những kết quả quá bết bát. Sự thụt lùi hay tiến bộ ấy chỉ ngẫu nhiên khớp với hành vi khen ngợi hay trách phạt.

Khi hiểu về sự hồi quy, ta sẽ thận trọng hơn trong việc đánh giá bản thân và người khác. Chúng ta biết rằng những kết quả nổi bật có thể là hệ quả của rất nhiều may mắn. Khi tiếp tục những lần sau, hãy chuẩn bị tinh thần cho một kết quả “không còn được như trước.”

Như vậy, ta sẽ cẩn trọng hơn với cảm giác thỏa mãn nhất thời mà tập trung vào mục tiêu dài hạn. Điều này là quan trọng để ta tránh được cảm giác thất vọng không đáng có hoặc lạc quan quá mức về bản thân và người khác.

Sau mỗi quá trình hồi quy về trung bình, ta sẽ dần loại bỏ được các yếu tố ngẫu nhiên tác động đến kết quả cuối cùng. Từng cá nhân sẽ biết được năng lực thực sự của bản thân. Đây là nền tảng quan trọng để mỗi người đưa ra các phương pháp phát triển phù hợp. Khi cải thiện được “mức trung bình” - tức khả năng của bản thân, chúng ta sẽ đảm bảo được các kết quả như ý muốn, ngay cả khi hiện tượng hồi quy xảy ra.