Vụ thực tập sinh Việt bỏ con tại Nhật: Tòa án Tối cao tuyên vô tội! | Vietcetera
Billboard banner
28 Thg 03, 2023

Vụ thực tập sinh Việt bỏ con tại Nhật: Tòa án Tối cao tuyên vô tội!

Sau hai lần kháng cáo, cái kết có hậu đã tới, khép lại hành trình 2 năm 4 tháng minh oan cho bản thân mình của chị L.T.T.L.
Vụ thực tập sinh Việt bỏ con tại Nhật: Tòa án Tối cao tuyên vô tội!

Nguồn: Reuters

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Ngày 24/3/2023, Tòa án Tối cao Nhật Bản chính thức tuyên vô tội cho L.T.T.L - thực tập sinh người Việt Nam tại Nhật Bản bị buộc tội bỏ mặc thai nhi tại thị trấn Ashikita, tỉnh Kumamoto. Trước đó, chị L. sinh đôi tại nhà riêng, nhưng cặp song sinh đã mất trước khi chào đời.

Vụ án khởi đầu từ cuối năm 2020 khi giới chức Kumamoto khởi tố chị L. với tội danh nêu trên. Chị nhận mức án 8 tháng tù giam và 3 năm tù treo vào tháng 7/2021. Sau khi kháng cáo lên Tòa sơ thẩm Kumamoto, án của chị giảm xuống còn 3 tháng tù giam và 2 năm tù treo. Chị tin rằng mình vô tội và tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Tối cao Nhật Bản từ giữa năm ngoái.

27mar2023w1700jpg
Dòng người ủng hộ chị L. tập trung tại phiên xét xử ở Tòa tối cao. Luật sư Ishiguro Hiroki cầm tờ giấy ghi "vô tội." | Nguồn: Kyodo

2. Người trong cuộc nói gì về phán quyết này?

“Cuối cùng, với phán quyết vô tội hôm nay, tôi mong muốn rằng các bạn thực tập sinh và những người phụ nữ trải qua những đau khổ như tôi không còn bị bắt, bị kết tội, nhưng Nhật Bản sẽ thay đổi để có một môi trường cho người phụ nữ an tâm tư vấn và mang thai, trở thành một xã hội bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ.”

Đó là những chia sẻ của chị L. trong văn bản phát cho những người tham dự buổi họp báo để báo cáo và công bố phán quyết. Chị cũng nói rõ ba lý do đằng sau sự kiên trì của chị: để chứng minh sự vô tội của mình, để đấu tranh cho cả những thực tập sinh cùng cảnh ngộ, và để xã hội Nhật Bản nhận thức những vấn đề đang tồn tại trong việc đối xử với lao động nước ngoài, mà cụ thể là các thực tập sinh.

27mar2023imagejpg
Những chia sẻ của chị L. tại họp báo sau sự việc. | Nguồn: HONTO

3. Công chúng Nhật phản ứng thế nào với vụ việc?

73,808 bức tâm thư gửi tòa án và 17,162 chữ ký tay yêu cầu phán quyết vô tội - đó là những con số cho thấy sự ủng hộ và đồng hành của người dân Nhật Bản, cũng như cộng đồng người Việt tại Nhật cho chị L. Ngoài ra, song hành cùng chị trong chặng đường 2 năm 4 tháng minh oan cho bản thân mình là nhiều tổ chức phi lợi nhuận.

Sự ủng hộ của người Nhật còn thể hiện ở những đám đông tập trung tại nơi xử án cùng những tấm băng rôn, khẩu hiệu. Việc này diễn ra ở không chỉ phiên xét xử tại Tòa tối cao, mà còn ở phiên tòa trước đó.

27mar2023https2f2fpshexftnikkei3937bb42f12f02f449360813enggb2fcropped1679632051pr20230324001401jpg
Các luật sư và những người ủng hộ chị L. trên đường tới Tòa án Tối cao trong phiên xét xử vào tháng 2/2023.

4. Bước ngoặt của vụ án là gì?

Điểm then chốt khiến tòa án có thể buộc tội chị L. là chi tiết chị đặt thi thể hai bé song sinh trong một chiếc khăn, cho vào 2 chiếc hộp hộp cùng với tờ giấy ghi tên, ngày sinh của hai bé cùng lời xin lỗi của chị. Sau đó, chị dán hộp lại bằng băng dính rồi đặt trên giá ở trong nhà.

Đối với bên công tố, chuỗi hành động này là đủ để cấu thành tội vứt bỏ thai nhi. Các công tố viên cũng chỉ ra động cơ là để chị có thể tiếp tục làm thực tập sinh tại Nhật.

Chị L. và các luật sư biện hộ thì cho rằng hành động của chị cho thấy sự thương tiếc với người đã khuất. Theo chị, việc bỏ thi thể là để các con chị “không bị lạnh” chứ không có ý định che giấu thi thể. Chị cũng hoàn toàn không có ý định phi tang để giấu nhẹm mọi chuyện, và đúng là chị đã khai thật tất cả mọi chuyện khi được người giám sát đưa đi kiểm tra tại bệnh viện 33 tiếng sau khi đã sinh con.

Theo ông Ishiguro Hiroki - luật sư của chị L. - thì tội danh bỏ rơi được áp dụng khi bị cáo đem thi thể ra nơi xa để vứt bỏ, hoặc che giấu thi thể trong một thời gian dài. Ông cho rằng những tiêu chí này không áp dụng được với vụ việc này, bởi chị L. chỉ giữ xác trong vòng 33 tiếng, và chị ở chung phòng với hai thi thể.

Ông Ishiguro Hiroki cũng chỉ ra rằng vào thời điểm bị bắt, chị L. đang ở trạng thái suy sụp về thể chất và tinh thần, nhưng yếu tố này chưa được xem xét thỏa đáng. Ông cho biết: “Tòa án không nhìn thấy thực tế khắc nghiệt mà các thực tập sinh kỹ thuật phải đối mặt. Cô ấy đã làm những gì có thể vào thời điểm tồi tệ nhất giữa nỗi sợ bị trục xuất về nước nếu ai đó phát hiện ra mình mang thai."

27mar2023https2f2fpshexftnikkei3937bb42faliases2f82f22f449432483enggb2fcropped1679649691img0080jpg
Buổi họp báo sau phiên xét xử. Chị L. tham dự trực tuyến qua màn hình laptop. | Nguồn: Nikkei Asia

Trong lần kháng cáo trước, Tòa sơ thẩm Kumamoto cho thấy sự cảm thông với hoàn cảnh của chị, cũng như cảm xúc của chị khi vụ việc xảy ra, và một phần của sự cảm thông đó thể hiện ở việc tuyên mức án gần thấp nhất cùng với án treo. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là tòa vẫn coi chuỗi hành động của chị đủ yếu tố cấu thành tội phạm, và chị L. vẫn bị khép tội.

Tới lần kháng cáo thứ 2, Tòa án Tối cao Nhật Bản đã đồng ý với lập luận của bên bào chữa, từ đó hủy bỏ bản án đã đưa ra bởi các tòa cấp dưới, và tuyên bố chị trắng án.

5. Luật pháp Nhật Bản bảo vệ người lao động mang thai thế nào?

Luật pháp Nhật nghiêm cấm nhà tuyển dụng sa thải người lao động vì lý do thai sản. Người lao động nước này được phép nghỉ làm 6 tuần trước khi sinh, và tối đa 8 tuần sau khi sinh.

Bên cạnh đó, thai phụ cũng có thể tiến hành phá thai nếu thai nhi chưa đủ 27 tuần. Những điều luật này được áp dụng cho không chỉ lao động chính thức, mà còn cả những nhân viên hợp đồng, nhân viên bán thời gian, và các thực tập sinh như chị L.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng có một khoảng cách rất lớn giữa luật pháp và thực tế đối xử với người lao động nhập cư tại Nhật Bản. Các hình thức quấy rối thai sản vẫn tiếp diễn, và là điều mà thực tập sinh nào cũng biết nhưng ít ai dám lên tiếng.