1. Xu hướng cashless là gì?
Xu hướng cashless (thanh toán không dùng tiền mặt) là hình thức thanh toán mà các giao dịch được thực hiện thông qua những phương tiện kỹ thuật số như thẻ tín dụng, ngân hàng điện tử, thanh toán di động, ví điện tử,...
Về bản chất, xu hướng cashless sẽ giúp việc giảm lượng tiền mặt đang lưu thông trong nền kinh tế mà không làm giảm giá trị của tiền mặt.
2. Lợi ích của xu hướng cashless là gì?
Đối với cá nhân:
- Tiết kiệm thời gian và công sức khi thực hiện giao dịch thanh toán, đặc biệt là giao dịch ở xa.
- Thanh toán chính xác, nhất là với các khoản tiền lớn khó kiểm đếm hoặc nhỏ lẻ đến từng đồng.
- Tránh những trường hợp hi hữu như tiền mất góc, rách nát,...
- Thanh toán ngoại tệ dễ dàng khi đi nước ngoài.
Đối với nền kinh tế và xã hội:
- Tăng lượng giao dịch nội địa và quốc tế từ đó giúp tăng trưởng nền kinh tế.
- Giảm chi phí xã hội trong việc in ấn, vận chuyển, kiểm đếm và bảo quản tiền mặt.
- Giảm tỉ lệ tội phạm liên quan đến tiền mặt như cướp giật, tiền giả, rửa tiền,...
3. Thế giới đang ứng dụng cashless như thế nào?
Thuỵ Điển hiện đang là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xu hướng cashless. Tính đến năm 2019, số người dùng Swish - ứng dụng thanh toán trên di động của Thuỵ Điển - lên đến hai phần ba dân số của đất nước.
Tại Trung Quốc, cashless đã xuất hiện trong mọi lĩnh vực đời sống, từ thanh toán điện tử ở các quán ăn lớn đến quán vỉa hè, mua sắm tại các cửa hàng, khu chợ. Theo thống kê của iResearch, năm 2016, chỉ riêng thị trường thanh toán di động ở Trung Quốc đã được định giá 5.5 triệu tỷ đô la.
Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore, Malaysia và Thái Lan là những nước đang đi đầu về thanh toán điện tử. Việc đi lại bằng phương tiện công cộng ở Singapore như xe buýt hay MRT (tàu điện ngầm) đều được đồng bộ thanh toán bằng thẻ contactless EZ-Link. Thậm chí bạn có thể sử dụng tấm thẻ này để mua sắm ở một số cửa hàng nhất định.
4. Trở ngại của cashless ở Việt Nam là gì?
Cơ sở pháp lý
Hành lang pháp lý cần được hoàn thiện để bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của lĩnh vực thanh toán điện tử. Ngoài ra, nhà nước cũng cần quan tâm đến những quy định về bảo mật và giám sát thông tin.
Hạ tầng cơ sở
Hạ tầng tài chính và phương tiện kỹ thuật ở Việt Nam còn kém hiệu quả, chưa được đồng bộ để tối ưu hoá khả năng thanh toán điện tử. Tại nhiều địa điểm cung cấp dịch vụ hay hàng hoá, người tiêu dùng vẫn chưa có cơ hội sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Thói quen tiêu dùng
Người Việt vẫn ưa chuộng dùng tiền mặt để thanh toán. 90% chi tiêu hàng ngày của người Việt là sử dụng tiền mặt. Mặc dù đã có tới 63% người dân Việt Nam sở hữu tài khoản ngân hàng nhưng 85% giao dịch trên thẻ là rút tiền mặt tại ATM.
5. Xã hội cashless liệu có khả thi?
Để xây dựng được xã hội hoàn toàn không dùng tiền mặt, các nước trên thế giới phải giải quyết được các vấn đề sau:
- Cuộc sống của người nghèo phụ thuộc vào tiền mặt, vì thế kinh tế kỹ thuật số (digital economy) sẽ là bất lợi với nhóm người này. Ví dụ, ở Việt Nam, người nghèo (đặc biệt là ở những vùng địa hình hiểm trở) rất khó tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng do số lượng chi nhánh ngân hàng ít hoặc không có phương tiện để tiếp cận với công nghệ.
- Xu hướng này phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của công nghệ. Điều này dẫn đến những lo ngại về vấn đề hacker và tiền bị lấy cắp.
- Mọi giao dịch sẽ đều được ghi lại dẫn đến những vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân.
6. Bạn có thể cashless từ bây giờ như thế nào?
Việt Nam hiện đang là môi trường tiềm năng cho sự phát triển của Fintech (công nghệ tài chính), cụ thể là các kênh thanh toán điện tử. Một số hình thức bạn có thể tham khảo để “bắt kịp” xu hướng cashless này:
- Tạo thói quen hạn chế sử dụng tiền mặt và trữ tiền mặt trong người.
- Sử dụng thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng để thanh toán và nhận tiền, hoặc sử dụng hình thức thanh toán không tiếp xúc (contactless).
- Sử dụng các loại hình thanh toán trên di động như ví điện tử, quét mã QR,... Một số Fintech tiêu biểu ở Việt Nam như Momo, Airpay, ZaloPay, VNPay...
- Chuyển sang hình thức ngân hàng điện tử hoặc sử dụng các ngân hàng số như Timo.