1. Chuyện gì đã xảy ra?
Hãng thời trang Zara mới đây đã nhận về phản ứng dữ dội sau khi thực hiện một chiến dịch quảng cáo mang tên “The Jacket.” Trong chiến dịch này, người mẫu Kristen McMenamy tạo dáng giữa đống đổ nát và những ma-nơ -canh được bọc trong chất liệu màu trắng như những bao xác.
Giới mộ điệu phẫn nộ chỉ ra mối liên hệ giữa bộ ảnh này với những hình ảnh đau thương gợi nhắc đến cuộc xung đột ở dải Gaza. Từ đây, Zara bị cáo buộc khai thác các sự kiện bi thảm cho mục đích tiếp thị.
Hashtag #BoycottZara bắt đầu thịnh hành trên mạng xã hội, kêu gọi mọi người tẩy chay thương hiệu này. Nhiều người phản đối chiến tranh còn biểu tình bên ngoài các địa điểm của Zara.
Trước làn sóng phẫn nộ, thương hiệu thời trang quốc tế đã gỡ bỏ chiến dịch, gửi lời xin lỗi đến người tiêu dùng. Họ cho biết đã thực hiện chiến dịch này trước khi xung đột giữa Israel và Palestine nổ ra.
2. Hơn một lần bị tẩy chay?
Đây không phải lần đầu tiên Zara rơi vào làn sóng tẩy chay liên quan đến xung đột giữa Israel và Palestine. Vào năm 2022, một số người Palestine đã đăng video quay cảnh đốt quần áo Zara vì có liên quan tới Itamar Ben-Gvir - chính trị gia người Israel có những kêu gọi kích động bạo lực với người Palestine.
Ngoài ra, Zara nhiều lần “dính phốt” ăn cắp chất xám, đạo nhái ý tưởng thiết kế từ các thương hiệu thời trang lớn. Theo trang Vox, thương hiệu này có truyền thống "tham khảo" quá đà các mẫu thiết kế từ thương hiệu cao cấp.
Nhiều mẫu thiết kế từ Gucci, Dior, Chanel vừa mới lên kệ còn chưa kịp bám bụi mà đã có "chị em song sinh" ở cửa hàng của Zara. Năm 2016, Zara từng bị cáo buộc sao chép các thiết kế ghim cài áo của Tuesday Bassen - một nghệ sĩ độc lập tại Los Angeles. Cũng vào thời điểm đó, hơn 40 nghệ sĩ và nhà thiết kế độc lập khác đã tố Zara đạo nhái.
Chưa hết, thương hiệu này đã nhiều lần bị kiện vì bóc lột sức lao động của các nhà thiết kế và công nhân, môi trường làm việc trong nhà máy xuống cấp. Thậm chí Zara đã từng bị kiện vì tội bóc lột sức lao động của người nhập cư trong đó có các trẻ em mới chỉ 15 tuổi từ Syria.
3. Tại sao hàng loạt thương hiệu bị tẩy chay dạo gần đây?
Tờ Ulastempat chỉ ra một “danh sách những công ty bị tẩy chay” có liên quan đến xung đột giữa Israel và Palestine.
Thậm chí mới đây nhất, Puma đã quyết định không cung cấp trang phục thi đấu cho đội tuyển bóng đá quốc gia Israel sau hàng loạt chỉ trích từ các nhà hoạt động xã hội.
Nhiều doanh nghiệp từng tin rằng việc họ đưa ra quan điểm của mình về các vấn đề xã hội hoặc là không cần thiết - hoặc là đặc biệt khôn ngoan. Tuy nhiên, khi phương tiện truyền thông xã hội phát triển, nó đã kéo theo một sự thay đổi lớn về cái được coi là “trách nhiệm.”
Giờ đây, việc chia sẻ ý kiến trở nên dễ dàng hơn nên các công ty phải chịu nhiều áp lực hơn trong việc đứng lên và lên tiếng về những vấn đề xã hội, ngay cả những vấn đề không liên quan trực tiếp đến họ. Nếu không đạt được sự đồng thuận chung, họ sẽ bị cộng đồng lên án, tẩy chay.
4. Xung đột toàn cầu ảnh hưởng tới ngành thời trang thế nào?
Với sự phát triển rộng rãi của ngành công nghiệp thời trang, những xung đột giữa các quốc gia, chiến tranh thương mại, đại dịch… bùng nổ chắc chắn sẽ tạo ra hiệu ứng domino. Để một bộ quần áo hoàn chỉnh đến được tay người tiêu dùng, thì đằng sau nó là cả một chuỗi cung ứng dài.
Vậy nên, trong trường hợp xảy ra xung đột dù là nhỏ nhất, tất cả các chuỗi cung ứng này đều bị ảnh hưởng, từ đó tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất sản phẩm. Ngoài ra, nó còn khiến giá nguyên liệu thô bị chênh lệch, gây thất thoát tiền bạc và khiến hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, v.v.
5. Người dùng tẩy chay nhưng thời trang nhanh vẫn phát triển?
Các thương hiệu thời trang nhanh như Zara, H&M từ lâu đã bị cáo buộc làm trầm trọng vấn đề môi trường. Cũng chính từ đó, thời trang bền vững đã lên ngôi và nhận được sự đón nhận của nhiều người như một hình thức tiếp cận thời trang đi kèm lối sống có trách nhiệm với môi trường
Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát hơn 2.000 người tiêu dùng tại Hoa Kỳ và Vương quốc Anh từ nền tảng thương mại điện từ Nosto, 57% người tiêu dùng mong muốn sử dụng thời trang bền vững. Nhưng với chi phí sinh hoạt cùng tình trạng lạm phát ngày càng leo thang, 61% người được khảo sát sẽ ưu tiên chọn mua quần áo không phải sản phẩm bền vững.
Trong một cuộc khảo sát khác, 60% thế hệ trẻ quan tâm đến quần áo bền vững, nhưng chỉ có khoảng 30% cho biết họ đã thực sự mua hàng. Có sự mất kết nối giữa loại quần áo mà người tiêu dùng muốn và loại quần áo họ thực sự mua.
Thời trang bền vững thường có giá cá tương đối đắt đỏ so với mặt bằng chung nên hạn chế sức mua của người tiêu dùng. Hơn nữa, thời trang là ngành thay đổi liên tục, trong khi thời trang mang tính bền vững thường sẽ không đáp ứng được yếu tố này.