4 Bước để biết bạn đã cố gắng "hết sức" hay chưa | Vietcetera
Billboard banner

4 Bước để biết bạn đã cố gắng "hết sức" hay chưa

Chúng ta tự nhủ mình đã làm mọi điều có thể. Nhưng nếu chỉ dựa vào cảm giác chủ quan đó sẽ khó mà có được một đánh giá xác đáng.
4 Bước để biết bạn đã cố gắng "hết sức" hay chưa

Nguồn: Pexels

“Dù gì mình cũng đã cố gắng hết sức rồi, thua thì chịu thôi.” Đó là câu nói chúng ta thường dùng để tự an ủi, vỗ về cái tôi sau khi đối mặt với thất bại. Chúng ta tự nhủ mình đã làm mọi điều có thể. Thế nhưng liệu đó có phải sự thật không?

Nếu chỉ dựa vào cảm giác chủ quan, chúng ta sẽ khó mà nhận biết được giới hạn thực sự của bản thân. Ta dễ dàng gác lại thất bại mà chẳng suy ngẫm đủ, để rồi tiếp tục bị cuốn vào dòng chảy của công việc, lao theo những mục tiêu mới.

Vậy nên, bài viết này sẽ gợi ý cho bạn 4 câu hỏi để đánh giá nỗ lực của chính mình, và từ đó xác định liệu bạn đã thật sự “hết mình” hay chưa.

1. Mục tiêu của bạn đã rõ ràng chưa?

Nếu bạn chưa xác định rõ mình muốn đạt được gì, rất khó để đánh giá nỗ lực của bản thân. Đó là chưa kể mục tiêu mơ hồ cũng thường chỉ mang lại kết quả mơ hồ.

Thay vì chỉ đặt mục tiêu chung chung như “Tôi muốn khỏe hơn”, “Tôi muốn chạy nhanh hơn,” hãy cụ thể hóa chúng. Chẳng hạn bạn quyết định chạy marathon lần đầu, và đặt mục tiêu hoàn thành 42km sau 6 tháng luyện tập. Điều này chứng tỏ bạn không chỉ “muốn thử sức”, mà có một mục tiêu đủ cụ thể và đủ thách thức để thúc đẩy bạn tiến về phía trước.

2. Kế hoạch của bạn đã đủ cụ thể chưa?

alt
Nguồn: Pexels

Mục tiêu rõ ràng mới chỉ là bước đầu tiên. Tiếp theo, bạn sẽ cần một kế hoạch chi tiết để hiện thực hoá mục tiêu, cũng như theo dõi tiến độ và đảm bảo mình đang đi đúng tiến trình.

Ví dụ, khi chuẩn bị cho cuộc chạy marathon, bạn không thể chỉ chạy ngẫu hứng mỗi ngày. Một kế hoạch luyện tập cụ thể sẽ giúp bạn nâng dần trình độ và giảm thiểu rủi ro chấn thương. Kế hoạch có thể bao gồm:

  • Tuần 1-2: Chạy 5km, 4 lần/tuần.
  • Tuần 3-4: Tăng lên 10km/buổi, kèm theo các bài tập sức bền.
  • Tuần 5 trở đi: Kết hợp chạy dài và nghỉ ngơi hợp lý.

Như Brian Tracy từng nói: “Không có kế hoạch, bạn sẽ không biết mình đang đi đâu.” Kế hoạch chi tiết sẽ là kim chỉ nam giúp bạn duy trì sự nhất quán và tập trung vào mục tiêu dài hạn.

3. Bạn đã hành động đủ quyết liệt chưa?

Việc cố gắng hết sức nếu dừng lại ở khâu chuẩn bị thì nó chỉ là một cơn bộc phát ngắn ngủi của sự nhiệt tình. Mục tiêu rõ ràng và kế hoạch cụ thể chỉ có ý nghĩa khi bạn biến chúng thành hành động và duy trì đều đặn.

Quay trở lại với ví dụ chạy marathon, hành động quyết liệt không nhất thiết phải đẩy cơ thể đến giới hạn, mà quan trọng là giữ được sự nhất quán. Ngày đầu có thể rất hứng thú, nhưng liệu bạn có tiếp tục tập luyện sau vài tuần khi cơ thể bắt đầu mệt mỏi và lịch tập trở nên nhàm chán? Đó mới là lúc kiểm tra thực sự. Nếu bạn vẫn tập luyện đều đặn và mỗi ngày lại tiến gần hơn đến mục tiêu một chút thì đó là dấu hiệu bạn đang cố gắng hết sức.

Haruki Murakami cũng đã từng viết:

“Tôi chỉ có một ít lý do để tiếp tục chạy, và vô số lý do để bỏ. Tất cả những gì tôi có thể làm là giữ cho một ít lý do đó được đánh bóng đẹp đẽ.”

Thế nên nỗ lực không chỉ nằm ở sự kiên trì, mà còn là khả năng kiên trì ngay cả khi điều kiện không thuận lợi. Dù là trời mưa, nắng gắt hay những cơn mệt mỏi kéo đến, bạn vẫn chọn tiếp tục cố gắng.

4. Bạn đã phản tỉnh sâu sắc chưa?

alt
Nguồn: Pexels

Phản tỉnh sâu sắc là dừng lại, đánh giá tình hình, xem xét những gì đã làm tốt và những gì cần điều chỉnh để cải thiện kết quả. Không phải kinh nghiệm sẽ tạo nên sự tiến bộ, mà là sự phản tỉnh từ những kinh nghiệm đó.

Trong suốt quá trình chạy marathon, bạn sẽ không tránh khỏi những lúc kiệt sức, chán nản, thậm chí là gặp chấn thương. Sau mỗi tuần tập, bạn tự hỏi: “Mình đã chạy đúng kỹ thuật chưa? Có phần nào của cơ thể đang bị quá tải không? Cần điều chỉnh gì để tránh chấn thương?” Một người chỉ biết chạy mà không bao giờ dừng lại suy ngẫm sẽ sớm gục ngã trước những sai lầm của mình.

Kết

Dốc hết tâm huyết không phải lúc nào cũng mang lại chiến thắng, nhưng nó chắc chắn giúp chúng ta trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Vậy nên đôi khi, cố gắng hết sức chính là chiến thắng lớn nhất mà ta có thể dành tặng cho bản thân.

Hãy để quá trình này là lời nhắc nhở rằng, trong hành trình sống, mỗi nỗ lực đều có giá trị, và chỉ cần chúng ta còn bước đi, thì chúng ta đã và đang trên con đường trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.