4 Yếu tố tạo nên sức ảnh hưởng nơi công sở | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 11, 2020
Sự NghiệpThăng Tiến

4 Yếu tố tạo nên sức ảnh hưởng nơi công sở

Để đạt được thành công trong công việc, Vietcetera tin chắc rằng bạn cần phải đạt được 1 trong 4 yếu tố không thể bỏ qua này cho con đường sự nghiệp của mình
4 Yếu tố tạo nên sức ảnh hưởng nơi công sở

Nguồn: Torwaistudio/Shutterstock

Chúng ta chắc hẳn đều đã từng gặp những người có quyền lực "ngầm". Không cần đến lời nói, chỉ cần sự có mặt của họ cũng có thể thay đổi cục diện vấn đề.

Đã bao giờ bạn thắc mắc rằng, tại sao có những người có thể gây ảnh hưởng nhiều hơn những người khác? Những yếu tố nào họ có để tạo nên "cái uy" đó?

Theo Harvard Business Review, để trở thành một người có tiếng nói, bạn cần chinh phục được ít nhất một trong bốn yếu tố sau

Ngôn ngữ cơ thể

Ngôn ngữ cơ thể là một phần quan trọng của một người giàu sức thuyết phục. Yếu tố này thường ít được chú ý nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công việc. Hiểu rõ và biết cách vận dụng các sắc thái biểu đạt của ngôn ngữ cơ thể sẽ là một điểm cộng lớn.

Nguồn Shutterstock
Nguồn: Shutterstock

Bước đầu của việc có một ngôn ngữ cơ thể thuyết phục, có 3 điều bạn cần lưu ý:

  • Mắt: duy trì giao tiếp bằng mắt với người đối diện khiến người khác khó từ chối bạn hơn. Bên cạnh đó, việc này còn khiến lời nói của bạn "có trọng lượng". Ngược lại, việc né tránh ánh mắt phản ánh sự bất an.
  • Tay: khoanh tay thường được coi là một cử chỉ không thoải mái. Ví dụ, người ta thường khoanh tay lúc lạnh hoặc nghi ngờ. Khi trò chuyện, sẽ tốt hơn nếu bạn để lộ lòng bàn tay của mình. Đây là dấu hiệu của việc bạn cởi mở, tự tin và sẵn sàng tiếp nhận thông tin từ đối phương.
  • Tư thế: đứng co mình (khom lưng, vai và cổ chùng xuống) là một sai lầm ta rất hay mắc phải. Tư thế này sẽ ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn bạn. Để cải thiện, bạn có thể thực hành những động tác giãn cơ. Hoặc đơn giản hơn là chú ý đến tư thế của mình mỗi khi đứng trước gương trong phòng, nhà vệ sinh hay thang máy.

Trí thông minh cảm xúc

Tiến sĩ Daniel Goleman - tác giả cuốn sách "Trí tuệ cảm xúc" nói rằng EQ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp một người trở nên thành đạt trong cuộc sống.

Cảm xúc quan trọng trong việc tạo nên sức ảnh hưởng của một người. Bởi trong nhiều trường hợp chúng ta thường tìm kiếm và dễ yêu thích những gì mình có thể đồng cảm cùng. Sự kết nối về cảm xúc sẽ khiến sức ảnh hưởng dễ lan tỏa hơn.

Nguồn Shutterstock
Nguồn: Shutterstock

EQ không phải là năng lực bẩm sinh, mà là điều bạn có thể cải thiện thông qua 5 giá trị sau:

  • Nhận thức xúc cảm: hiểu được cảm xúc của bản thân và hiểu được tầm ảnh hưởng của cảm xúc khi bộc lộ ra ngoài.
  • Quản lý xúc cảm: bộc lộ cảm xúc một cách phù hợp.
  • Kỹ năng xã hội: sử dụng kỹ năng lắng nghe, ngôn ngữ cơ thể và quản lý cảm xúc để đạt được mục tiêu khi trò chuyện.
  • Sự cảm thông: lắng nghe người khác một cách chân thành và không phán xét.
  • Động lực: sức mạnh bên trong thúc đẩy bạn xây dựng mối quan hệ.

Quyền lực trong tổ chức

Khi nắm giữ một chức vụ quan trọng trong tổ chức, mọi người sẽ kính nể và thường có xu hướng lắng nghe bạn hơn.

Để dễ hiểu, thì bạn có thể liên tưởng đến những vị sếp trong công ty. Quyền lực của họ có được dựa trên:

  • Thẩm quyền: do địa vị trong tổ chức mang lại, khiến họ có khả năng can thiệp vào nhiều vấn đề và chịu trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng. Trong công ty họ chính là trưởng nhóm, quản lý cấp cao, giám đốc điều hành,...
  • Quyền trao thưởng: bắt nguồn từ việc họ có quyền hạn đưa ra phần thưởng nhằm tạo động lực cho cấp dưới. Chẳng hạn như sếp có thể đề bạt cho nhân viên thăng chức nếu người đó đạt được chỉ tiêu.
Nguồn Shutterstock
Nguồn: Shutterstock
  • Quyền cưỡng chế: nghĩa là họ có quyền xử phạt đối với những người làm sai quy định. Ví dụ như là trừ lương nếu nhân viên thường xuyên đến muộn, hay sa thải nếu biết được nhân viên tiết lộ thông tin của công ty.
  • Quyền thông tin: đến từ việc họ sở hữu những kiến thức, mối quan hệ, dữ liệu mà người khác muốn hoặc cần. Vì vậy, họ thường giữ vai trò cố vấn, trực tiếp đưa ra các chỉ dẫn hoặc đào tạo nhân viên cấp dưới.

Kỹ năng chuyên môn

Hiểu biết chuyên sâu trong lĩnh vực bản thân đang làm là một yếu tố chắc chắn sẽ nâng tầm ảnh hưởng của bạn trong tổ chức. Khi một người có kiến thức và hiểu biết nhất định, lời nói và ý kiến của họ sẽ có trọng lượng hơn rất nhiều.

Nguồn Shutterstock
Nguồn: Shutterstock

Đây chính là những "chuyên viên" của công ty. Những người được "nhớ mặt gọi tên" khi mọi người cần giải quyết những công việc phức tạp. Bạn sẽ thấy họ dưới hình bóng của nhân viên bán hàng hàng đầu, người quản lý rủi ro, kỹ sư kỹ thuật,...

Sức ảnh hưởng của họ không đến từ địa vị. Nó đến từ những đóng góp dành cho tổ chức, mà chỉ có kỹ năng đặc biệt của họ có thể đáp ứng.

Kết

Không phải ai cũng có khả năng đạt được cả 4 yếu tố gây ảnh hưởng. Ví dụ, trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, chúng ta sẽ thiếu đi quyền lực hoặc chuyên môn. Hoặc có những chuyên viên, người rất giỏi về kỹ năng cứng nhưng lại thiếu đi yếu tố cảm xúc.

Theo Nick Morgan, tác giả cuốn "Dấu hiệu quyền lực", để có ảnh hưởng nhất định, bạn cần có ít nhất một trong bốn yếu tố trên và sẽ tốt hơn nếu bạn có nhiều hơn một.