7 Bước để tự học hiệu quả bất kỳ lĩnh vực nào, và kiếm tiền từ nó | Vietcetera
Billboard banner

7 Bước để tự học hiệu quả bất kỳ lĩnh vực nào, và kiếm tiền từ nó

Mình nghĩ an toàn không phải là đang có bao nhiêu tiền, mà nó nằm ở khả năng kiếm được tiền. Và tự học ảnh hưởng nhiều đến khả năng kiếm tiền bền vững của chúng ta.
7 Bước để tự học hiệu quả bất kỳ lĩnh vực nào, và kiếm tiền từ nó

Nguồn: Hoàng Nguyễn

Khi đã xác định học để có kỹ năng chuyên môn rồi dùng nó kiếm tiền, thì phải học đủ sâu để tạo ra giá trị cho tổ chức, xã hội, rồi từ giá trị đó mới đổi lại thành tiền. Còn khi học để phát triển bản thân, để có thêm những kỹ năng khác hỗ trợ cho kỹ năng chính thì phải học đủ rộng mới tạo ra giá trị.

Tuy nhiên phải sâu thế nào, rộng bao nhiêu thì mới gọi là đủ?

Với mình thì sự học là một hành trình dài, không nên có đích đến để gọi là đủ. Nhưng dài không có nghĩa là khó và mông lung. Nó có thể là một hành trình được vạch định rất cụ thể để mang lại hiệu quả cao nhất.

Nắm được hành trình này để tự học thì dù thị trường công việc có liên tục thay đổi vì công nghệ, hay vì sự xuất hiện AI thì cũng không làm mình hoang mang. Bởi lẽ khả năng thích nghi luôn là thứ giúp chúng ta tồn tại trong mọi hoàn cảnh, và khả năng tự học đóng vai trò đảm bảo rằng chúng ta luôn có khả năng thích ứng, phát triển và đương đầu với những thách thức mới.

Ở bài viết này, mình sẽ chia sẻ với bạn hành trình tự học hiệu quả với 7 bước dễ như chơi game vậy.

Hành trình này là những đúc kết từ khoảng thời gian hơn 10 năm tự học của mình trong lĩnh vực UX/UI, từ khi lĩnh vực này thậm chí còn chưa được định nghĩa ở Việt Nam cho tới lúc trở thành một chuyên gia Product Design ít nhiều được thị trường công nhận.

Để việc học thú vị hơn, mình sẽ so sánh nó với một hoạt động yêu thích khác của mình, đó là chơi game.

Hãy thử tưởng tượng bạn đang chuẩn bị tham gia vào một game nhập vai nhé.

Bước 1: Xác định được mục đích và mục tiêu của điều mình sắp học

Đầu tiên, bạn sẽ phải xác định tính chất của nhân vật và ngành nghề mà bạn hứng thú, như là kiếm sĩ, thợ săn, sát thủ hay phù thuỷ. Điều này cũng giống như khi bắt đầu học cần phải xác định được mục đích và mục tiêu của điều mình sắp học.

Chẳng hạn bạn có thể xác định 3 loại kỹ năng với 3 mục tiêu khác nhau như sau:

  • Kỹ năng chính, để tạo giá trị trực tiếp trong công việc
  • Kỹ năng hỗ trợ, để gia tăng giá trị của kỹ năng chính
  • Kỹ năng liên kết, để kết nối kỹ năng chính và kỹ năng hỗ trợ, làm việc với nhiều phòng ban khác nhau

Mình sẽ dành một bài viết khác để nói kỹ hơn, ở đây chỉ nói vắn tắt là bạn hãy chọn ra ít nhất một kỹ năng mình thích nhất. Ví dụ: như trong Product Design, kỹ năng UI Design có thể tạo ra được giá trị trực tiếp sau khi hoàn thành công việc, còn các kỹ năng phụ như tư duy phản biện, thì có thể cải thiện theo sau đó.

Bước 2: Tìm nguồn thông tin chất lượng, đa dạng, dễ tiếp cận

Trong game thì tới đây bạn có thể sẽ bắt đầu lên các diễn đàn lâu năm của game thủ, wiki của game để tìm các bài viết hoặc video review, hướng dẫn cách thức chơi nhân vật mình đã chọn ở bước 1. Đây cũng là bước 2 trong quá trình tự học.

Với mình trước đây, khi tự học thì khó nhất là làm thế nào để biết được các từ khóa chuyên ngành để gõ trên Google thôi. Từ khoá sẽ ảnh hưởng rất nhiều lên chất lượng thông tin được trả về.

Nhưng ở thời điểm hiện tại thì mình không nghĩ nó còn khó khăn nữa, vì chúng ta có thể lên các công cụ như Chat GPT, Gemini hỏi là sẽ ra được rất nhiều từ khoá, rồi tiếp tục dùng chúng để tra cứu thêm các nguồn thông tin khác.

Thế nên mình nghĩ bước này không có quá nhiều tips để chia sẻ thêm nữa. Bên dưới là một vài nguồn mà bản thân mình rất tin tưởng và thường tham khảo thông tin từ chúng.

  • Các trang web chia sẻ kiến thức như: Wiki, Quora, Medium, Reddit.
  • Các công cụ AI như: ChatGPT, Gemini.
  • Sách hoặc khóa học từ các chuyên gia đã thành công và có uy tín trong lĩnh vực của họ.
  • Chia sẻ từ bạn bè, anh chị mà mình quen ngoài đời và biết được thế mạnh của họ để hỏi xin kinh nghiệm.

Bước 3: Tạo hệ thống lưu trữ thông tin, và sắp xếp hợp lý theo cách của bạn

Quay trở lại với game thì ở trong thế giới game, quá trình săn quái vật, làm nhiệm vụ để lên cấp có thể kéo dài, tốn nhiều thời gian ở những cấp độ cao. Dù vậy, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể sử dụng menu hoặc phím tắt để mở ra các cửa sổ như hệ thống nhiệm vụ, giải thích kỹ năng, quản lý chỉ số, vật phẩm của nhân vật. Nhờ thế mà chúng ta chỉ cần tập trung vào các thao tác điều khiển nhân vật sao cho hiệu quả là được.

Và nếu bạn muốn làm chủ game tự học của mình, bạn cũng phải tự tạo ra được hệ thống đó.

Mỗi người có một cách ghi chép khác nhau (viết vào sổ riêng, ghi chú thẳng trên sách, vẽ mindmap, ghi chú lại trên máy tính,…) nhưng quan trọng là có hệ thống, biết những thông tin này được sắp xếp theo nguyên tắc như thế nào, để có thể dễ dàng tìm lại được thông tin bạn cần bất cứ khi nào.

Bước 4: Quá trình tư duy thông tin

Về cơ bản thì việc học chỉ cần bạn có nguồn thông tin, một nơi để ghi chép lại thông tin, và chăm chỉ là được.

Nhưng thực tế thì chăm chỉ thôi là chưa đủ để học hiệu quả.

Chăm chỉ cày cuốc có thể giúp bạn lên cấp nhanh hơn người chơi khác, nhưng sẽ không giúp bạn có thể chơi hay hơn người khác. Dù mình có dành ra 20 năm chơi liên minh huyền thoại liên tục thì cũng không thể bằng được 1/100 của quỷ vương Faker, một game thủ esport huyền thoại chỉ mới 28 tuổi mà đã 4 lần vô địch thế giới. Thế nên sự tự duy trong bất kỳ công việc nào cũng là rất quan trọng.

Theo kinh nghiệm của mình, quá trình tư duy thông tin sẽ cần phải chất lượng ở cả 3 bước nhỏ hơn như sau:

1. Tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc, có chủ đích và phù hợp với hoàn cảnh của bản thân.

Giống như mình cần học rất nhiều về tâm lý học của con người để ứng dụng vô việc làm thiết kế, nhưng cũng biết phải loại bỏ những điều không phù hợp với tính chất công việc. Chẳng hạn như tâm lý học trong hôn nhân sẽ không cần cho sản phẩm tài chính, hoặc những ý tưởng có tính bản địa hóa ở châu Âu sẽ không phù hợp ở Việt Nam.

2. Phân tích, tách lớp các thông tin ra thành các cụm riêng biệt, để hiểu được cách các cụm này liên kết với nhau như thế nào và cách chúng vận hành, tạo ra được kết quả.

Chẳng hạn để hiểu về nguyên lý hoạt động của xe đạp, chúng ta phải biết các bộ phận tối thiểu cấu thành ra chiếc xe như yên, khung, sườn, pê đan, xích sắt, bánh răng v.v… Rồi nhờ đó mà hiểu được pê đan sẽ nối với xích sắt, xích sắt nối với bánh răng, bánh răng nối với bánh xe, nhờ thế mà khi tác động lực lên pê đan thì có thể truyền lực cho bánh xe quay.

3. Đơn giản hóa toàn bộ thông tin đã phân tích về những quy luật, nguyên tắc cốt lõi, nhờ thế mà có thể ứng dụng ở nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Đây là bước cực kỳ quan trọng.

Chẳng hạn như khi đã hiểu là cần tác động lực lên pê đan để truyền lực cho bánh xe quay, thì lực ở đây có thể không nhất thiết phải đến từ chân mình, mà có thể từ động cơ, lúc đó chúng ta có xe đạp điện.

Tuy nhiên, quá trình tư duy này không phải là một bước cố định, mà nó cần liên tục chuyển đổi giữa tư duy, áp dụng, rồi từ kết quả áp dụng quay ngược về tiếp tục tư duy.

Chơi game cũng thế, những nhiệm vụ khó khăn hay những “con boss” lớn đôi khi cần chúng ta nhiều lần thử sức, thất bại rồi mới thành công.

Gần như song song với quá trình tư duy này là bước 5.

Nguồn Hoagraveng Nguyễn
Nguồn: Hoàng Nguyễn

Bước 5: Thực hành

Thường có 2 cách tiếp cận với việc thực hành.

Cách đầu tiên là biết trước những giải pháp có sẵn, rồi khi gặp một vấn đề ta áp dụng giải pháp đã biết trước. Nó khá giống với cách thực hành truyền thống mà chúng ta học được từ nhà trường – tiếp nhận thông tin từ chương trình, giáo án của thầy cô, rồi dùng lại thông tin đó để làm các bài kiểm tra.

Cách học này dễ tiếp cận, nhưng sẽ vô tình tạo ra một sự thụ động, chờ đợi thông tin từ người học. Tệ hơn nữa là nó làm chúng ta tin rằng thường thì một vấn đề sẽ chỉ có một giải pháp đúng, và phải tìm ra giải pháp đúng này ngay từ đầu. Nhưng điều này không thật sự phản ánh đúng cách chúng ta thực hành khi đi làm.

Trong công việc, chúng ta sẽ phải đối mặt với vấn đề trước, rồi từ đó tìm ra các giải pháp, áp dụng các giải pháp khả thi nhất để giải quyết, rồi lại tiếp tục chỉnh sửa giải pháp sao cho phù hợp.

Thế nên quá trình tự học khi đã đi làm đòi hỏi chúng ta phải chuyển dịch tư duy sang “đoán và thử”, và đừng kỳ vọng sẽ luôn có một giải pháp vừa vặn với mọi trường hợp.

Ngoài ra, việc thực hành cũng đòi hỏi một vài tiêu chí nhất định thì mới hiệu quả. Chẳng hạn như phải có sự thành thật đánh giá các giới hạn của bản thân, lấy đó làm nền tảng chọn ra các mục tiêu cao hơn khả năng hiện tại một chút, để tạo ra sự thử thách, khó khăn khi thực hành.

Cũng giống như khi chơi game, nếu chúng ta cứ quanh quẩn ở những bản đồ có cấp độ quái vật quá yếu, việc lên cấp sẽ cực kỳ chậm.

Còn nếu cứ liều mạng lao vào những bản đồ quá mạnh so với năng lực của nhân vật, thì tỷ lệ thiệt mạng cũng cao hơn. Mỗi lần như vậy tùy game mà sẽ có những trừng phạt như tụt điểm kinh nghiệm, rớt vật phẩm, và những điều này sẽ làm nản lòng người chơi.

Sau một thời gian săn quái, hạ gục boss, chúng ta sẽ thu về nhiều điểm kinh nghiệm, vật phẩm để nâng cấp nhân vật. Cũng tương tự, sau khi thực hành hiệu quả việc học của chúng ta sẽ tới bước 6.

Bước 6: Biến thông tin thành kiến thức của mình để lưu trữ lại

Về chủ đề này mình đã từng viết bài “Kiến thức, kinh nghiệm, thông minh, trí tuệ - Ta thực sự cần gì?” bạn có thể tham khảo nhé.

Thêm một ý khác cho bước 6 này, đó là đừng lãng phí những thông tin, kiến thức có vẻ như “vô dụng” trong lúc học. Bởi vì có thể với bối cảnh hiện tại nó chưa có ích, nhưng sau này khi có điều kiện phù hợp nó lại cần thiết.

Giống như khi làm thiết kế, mình thường làm ra nhiều giải pháp UX cho một chức năng. Sau khi chọn được một giải pháp để tiếp tục hoàn thiện thì mình vẫn giữ lại những giải pháp không được chọn, và chú thích thêm lý do vì sao không chọn nó. Mục đích là để sau này nếu giải pháp đã chọn hoá ra không thật sự hiệu quả như mình nghĩ, thì lại có ngay những giải pháp thay thế để xem xét.

Bước 7: Chia sẻ lại kiến thức cho người khác, từ đó tìm ra chỗ thiếu sót để bổ sung, tư duy và nâng cấp

Trải qua đủ các bước mình vừa kể trên, lặp đi lặp lại trong một thời gian, lúc này nhân vật của chúng ta đã có một cấp độ và mức độ thuần phục kỹ năng nhất định trong game. Đây cũng là lúc phù hợp để chúng ta chia sẻ lại những kinh nghiệm luyện cấp, làm nhiệm vụ, lên những cộng đồng, diễn đàn game, những nơi mà trước đây chúng ta đã nhận được nhiều lợi ích từ đó.

Một trong những nguyên tắc phổ biến nhất liên quan đến điều này là "Hiệu ứng Feynman" đặt theo tên của nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng Richard Feynman. Phương pháp Feynman nhấn mạnh việc giải thích các khái niệm một cách đơn giản, như bạn đang dạy lại cho người mới bắt đầu, sẽ giúp tăng cường sự hiểu biết và khả năng ghi nhớ thông tin của chính bạn.

Mình cảm nhận điều này rất rõ khi bắt đầu vai trò Design Coach ở GEEK Up. Chính quá trình hệ thống hóa lại kiến thức và chuyển giao lại cho các bạn khác trong đội đã giúp mình củng cố và hiểu sâu sắc hơn rất nhiều về chính công việc của mình so với trước đó.

Ngoài ra, việc làm podcast hay viết ra những điều này với bạn cũng là cách mình đang tự học.

Suy nghĩ cuối

Mình nghĩ an toàn không phải là đang có bao nhiêu tiền, mà nó nằm ở khả năng kiếm được tiền. Và tự học ảnh hưởng nhiều đến khả năng kiếm tiền bền vững của chúng ta.

Nó đảm bảo chúng ta luôn có khả năng thích ứng, đương đầu với những thách thức mới, nơi các lĩnh vực và ngành công nghiệp mới liên tục xuất hiện.

Hy vọng những chia sẻ vừa rồi của mình giúp bạn gỡ được phần nào ác cảm hay nỗi sợ của bạn đối với việc học, và giúp bạn bước đi vững chắc hơn trên hành trình tự học trong tương lai.