Bạn có đang mất tiền oan vì ngụy biện tường thuật? | Vietcetera
Billboard banner
22 Thg 11, 2021
Sự NghiệpTài Chính Cá Nhân

Bạn có đang mất tiền oan vì ngụy biện tường thuật?

Tiền của bạn bay hơi khi lập luận của bạn đơn giản, dễ hiểu, và sai. Cùng tìm hiểu điều này qua khái niệm "ngụy biện tường thuật" (narrative fallacy).
Bạn có đang mất tiền oan vì ngụy biện tường thuật?

Nguồn: Ron Lach/Pexels

“A mua gói thực hành luyện nói tiếng Anh qua ứng dụng nọ đã hơn 6 tháng. Bây giờ A nói tiếng Anh như gió. Ứng dụng đó hiệu quả cho việc luyện nói tiếng Anh. Mình cũng sẽ thử mua dùng.” 

Nếu bạn thấy dòng lập luận trên không có vấn đề gì về logic, thì bạn đang rơi vào một lỗi lập luận rất phổ biến có tên là "ngụy biện tường thuật".  

Những lập luận có-vẻ-logic như thế có thể khiến túi tiền của bạn bay hơi đến không đúng nơi, hoặc đôi khi là ảnh hưởng đến các quyết định liên quan đến sự nghiệp và chất lượng sống nói chung của bạn. 

Ngụy biện tường thuật là gì?

Ngụy biện tường thuật (narrative fallacy) là hành động tự thêm thắt tình tiết, xâu chuỗi các dữ kiện ngẫu nhiên theo mối quan hệ nguyên nhân - kết quả, nhằm đơn giản hóa một vấn đề, nhưng thực chất lại thường dẫn đến phản ánh sai sự thật.

Công thức của nó thường là "X xảy ra trước Y, suy ra X gây ra Y". 

Ở ví dụ nêu trên, việc bạn cho rằng mua gói thực hành nói tiếng Anh là nguyên nhân cho việc nói tiếng Anh giỏi là một lập luận lỗi, bởi bạn đang bỏ qua khả năng người A còn phải dành thời gian tự học từ vựng, ngữ pháp, luyện tập với bạn bè, người bản xứ,... để cuối cùng hoàn thiện kỹ năng nói.

Chúng ta có xu hướng nén những thứ phức tạp thành ngắn gọn, súc tích như thế bởi thế giới thì hỗn độn, mà khả năng xử lý thông tin của chúng ta lại có giới hạn. 

Có thể nói đây cũng là lý do mà chúng ta thích tiểu thuyết và phim ảnh. Cuộc đời của một người chỉ còn được giải thích bằng vài ba sự kiện chính. 

Thuật ngữ này được cho là do tác giả Nassim Taleb giới thiệu lần đầu trong cuốn sách bán chạy The Black Swan (Thiên Nga Đen).

"Với mỗi vấn đề luôn có một cách giải quyết đơn giản, nhẹ nhàng và sai." | Nguồn: Nonsequitur/Gocomics.com

Ngụy biện tường thuật thường xuất hiện ở đâu trong đời sống?

Trong quảng cáo, tiêu dùng

Dựa theo thiên hướng ngụy biện tường thuật của con người, rất nhiều các quảng cáo sử dụng kịch bản theo lối kể chuyện, làm đơn giản hoá vấn đề.

Ví dụ, các quảng cáo về nước giải khát hay thực phẩm "chiết xuất tự nhiên" thường kể về một nhân vật trở nên xinh đẹp hơn, hấp dẫn hơn nhờ dùng sản phẩm. Nếu không dùng TVC thì các nhà kinh doanh cũng thường tài trợ cho một influencer để họ đăng bài kể về trải nghiệm sử dụng lên mạng xã hội.  

Ở đây, nếu rơi vào lưới ngụy biện tường thuật, bạn sẽ kết nối những phẩm chất đáng mong ước của influencer kia với sản phẩm họ quảng cáo. Bạn thực sự tin rằng chỉ cần sử dụng sản phẩm đó là có da đẹp, dáng thon. Lỗi đôi khi không đến từ phía người quảng cáo mà đến từ cách móc nối dữ kiện của người tiêu dùng.

Trong đầu tư

Một số nhà môi giới chứng khoán thuyết phục khách hàng đầu tư vào một cổ phiếu cụ thể bằng cách kể cho họ nghe câu chuyện tuyệt vời, được đăng trên báo đài, về một nhà lãnh đạo của công ty. Chẳng hạn như nhà lãnh đạo này rất có sức lôi cuốn và nổi tiếng nên công ty của họ cũng đáng để đầu tư.

Nếu các nhà đầu tư chỉ dựa vào từng đó thông tin để ra quyết định thì họ đã mắc phải ngụy biện tường thuật. 

Điều này có thể dễ dàng nhận thấy trong phân cảnh sau của bộ phim “The Wolf of Street”. Trong đó Jordan Belfort và các nhà môi giới khác bán cổ phiếu bằng các câu chuyện được dàn dựng tinh vi.

Tác giả Nassim Taleb nhận định rằng: câu chuyện về các công ty chỉ có giá trị đối với bạn, dưới tư cách là một nhà đầu tư, nếu bạn đang khai thác điều gì đó mà thị trường chưa biết.

Vào thời điểm các công ty hoặc cá nhân được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, thị trường đã định giá câu chuyện đó, chứ không đồng nghĩa hoàn toàn rằng bản thân công ty hay cá nhân đó có giá trị đầu tư mạnh. 

Trong tiêu đề tin tức, tiểu sử các nhân vật thành công  

Hãy thử kiểm tra cảm xúc của bạn khi đọc hai tiêu đề bài viết sau:

  • Trước khi nổi như cồn, ban nhạc M đã biểu diễn hơn 10,000 giờ tại các club lớn nhỏ!
  • Ban nhạc M nổi tiếng và chúng tôi không biết chính xác tại sao!

Ở tiêu đề số 1, bạn có tự hình dung trong đầu một mối liên kết nguyên nhân - kết quả giữa thành công của ban nhạc M với việc họ biễu diễn hơn 10,000 giờ? Tiêu đề số 2 có làm bạn cảm thấy thật kỳ cục?

Dù kỳ cục, nó lại có thể chính xác hơn tiêu đề số 1. 

Như một bản năng, chúng ta luôn cố gắng tìm kiếm lời giải thích cho mọi thứ, đặc biệt là thành công của ai đó. Nhưng khi muốn hiểu nhanh, ta rất dễ đơn giản hoá quá mức vấn đề.

Nhiều cuốn sách tiểu sử về The Beatles đã đề cập đến quy luật 10,000 giờ như một công thức để trở nên xuất chúng. Nhưng tương tự như nhiều công thức thành công suy ra từ trường hợp của một người đứng trên đỉnh vinh quang khác, nó không thể giải thích triệt để mối quan hệ nhân - quả. Nếu không thì chúng ta đã có rất nhiều huyền thoại ở tầm vóc tương tự. 

Khi xem tin tức, hãy bấm vào đọc cả bài thay vì chỉ lướt qua tiêu đề sẽ giúp bạn hạn chế việc tự mình vẽ nên các câu chuyện có-vẻ-đúng nhưng không có thật. | Nguồn: Ron Lach/Pexels
Khi xem tin tức, việc bấm vào đọc cả bài thay vì chỉ lướt qua tiêu đề sẽ giúp bạn hạn chế việc tự mình vẽ nên các câu chuyện có-vẻ-đúng nhưng không có thật. | Nguồn: Ron Lach/Pexels 

Ngoài ra, bạn cũng gặp loại nguỵ biện này trong nhiều loại tin tức khác. Chẳng hạn như "sau khi chiếu phim Người Phán Xử, số băng nhóm tội phạm xã hội đen tăng lên rất nhiều".

Tóm lại, một sự việc xảy ra ít khi xuất phát từ một nguyên nhân nhất định. Đến cả nguyên nhân gây ra Chiến tranh Thế giới thứ 1 vẫn còn gây tranh cãi đến tận ngày nay. 

Cách tránh ngụy biện tường thuật

Đơn giản nhất, hãy cố gắng bỏ qua lời giải thích đầu tiên mà não chúng ta bật ra ngay đối với một vấn đề.

Lùi lại, kiểm tra các dữ kiện, tìm thêm các dữ kiện về bối cảnh, phân tích các kịch bản có thể xảy ra trong tương lai. Song song với đó là viết lại quá trình lập luận của bạn, như thể bạn đang tiến hành một thí nghiệm. 

Thực hiện bài tập này sẽ giúp bạn hiểu độ phức tạp của việc đi tìm mối liên hệ nguyên nhân và kết quả. Đôi khi những sự kiện trong quá khứ chỉ có thể giúp bạn hình dung về một trong nhiều viễn cảnh có thể xảy ra, chứ không thể dự đoán tương lai. 

Kết

Việc nhận thức thiên hướng xâu chuỗi vấn đề có lẽ sẽ khiến bạn cảm nhận sâu sắc hơn rằng thế giới của chúng ta rất ngẫu nhiên, phức tạp và có lượng dữ kiện gần như vô hạn (hoặc ít nhất là nhiều hơn khả năng xử lý của não bộ). 

Về cơ bản chúng ta vẫn sẽ có xu hướng cố tình thêm thắt các tình tiết vào những sự kiện đơn lẻ và biến chúng thành câu chuyện có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, hãy luôn chừa khoảng trống niềm tin cho một giả thuyết khác.